Chống biến đổi khí hậu: Google sắp bắt đầu chiến dịch phát hiện rò rỉ khí mê-tan từ vệ tinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào tháng tới, một vệ tinh phát hiện sự rò rỉ khí mê-tan từ các công ty dầu khí sẽ bắt đầu quay vòng quanh Trái đất, và Google có kế hoạch lập bản đồ dữ liệu đo được vào cuối năm nay.

Một chương trình hợp tác giữa Google và Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF) dự kiến ​​sẽ phóng vệ tinh có tên MethaneSAT vào tháng 3, đánh dấu một kỷ nguyên mới về trách nhiệm giải trình về việc gây ra tác động không tốt đối với khí hậu toàn cầu. Khí mê-tan là một loại khí nhà kính mạnh được ước tính chiếm gần 1/3 nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Các nhà khoa học cho biết việc cắt giảm khí thải mê-tan là một trong những cách nhanh nhất để làm chậm cuộc khủng hoảng khí hậu vì nếu tính trong một thập kỷ, khí mê-tan có khả năng làm nóng bầu khí quyển gấp 80 lần so với carbon dioxide.

Steve Hamburg, nhà khoa học trưởng của EDF và là người đứng đầu dự án MethaneSAT, nói với các phóng viên: “Trên toàn thế giới, năm 2023 là năm nóng kỷ lục. Nhu cầu chống biến đổi khí hậu chưa bao giờ cấp bách như hiện nay, và việc cắt giảm lượng khí thải mê-tan trong hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nông nghiệp thực sự là cách nhanh nhất để chúng ta có thể làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu”.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nông nghiệp là nguồn phát thải khí mê-tan lớn nhất, trong khi lĩnh vực năng lượng đứng thứ hai.

Các hoạt động khai thác dầu, khí đốt và than được cho là chiếm 40% lượng khí thải mê-tan toàn cầu. IEA cho biết việc tập trung vào lĩnh vực năng lượng phải là ưu tiên hàng đầu, một phần vì việc giảm rò rỉ khí mê-tan mang lại hiệu quả về mặt kinh tế. Khí rò rỉ có thể được thu lại để bán, và công nghệ để làm điều đó tương đối rẻ.

Nhưng việc theo dõi liên tục khí mê-tan rất khó khăn. MethaneSAT là một trong những thế hệ vệ tinh mới được thiết kế để xác định chính xác các nguồn phát khí này ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Trong khi đó, sức mạnh tính toán và năng lực trí tuệ nhân tạo của Google sẽ giúp phân tích lượng lớn dữ liệu và lập bản đồ cơ sở hạ tầng dầu khí.

nguồn phát methane
Google đang có kế hoạch sử dụng dữ liệu vệ tinh, công nghệ AI và sức mạnh tính toán để lập bản đồ lượng khí thải mêtan. (Ảnh: Google)

Trong lịch sử, việc đo lường khí mê-tan rò rỉ liên quan đến các nghiên cứu thực địa, sử dụng máy bay và máy ảnh hồng ngoại cầm tay, rất tốn kém. Ngoài ra, cách tiếp cận này cũng chỉ cung cấp một bức tranh riêng lẻ tại một thời điểm, khiến cho các nghiên cứu phải mất nhiều năm mới được công bố.

Yael Maguire, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc về tính bền vững tại Google Geo – nhóm đứng đằng sau các nền tảng như Google Maps và Street View – cho biết việc lập bản đồ các hoạt động dầu khí cũng gặp thách thức tương tự. Vị trí các đầu giếng, máy bơm công nghiệp, bể chứa có thể thay đổi nhanh chóng nên bản đồ cần được cập nhật thường xuyên. Một vệ tinh có thể đáp ứng nhu cầu đó.

Maguire cho biết công nghệ AI tương tự mà Google sử dụng để phát hiện cây cối, lối băng qua đường và giao lộ từ hình ảnh vệ tinh sẽ được áp dụng cho cơ sở hạ tầng dầu khí. Bản đồ sẽ được phủ dữ liệu từ MethaneSAT để làm sáng tỏ loại máy móc dễ bị rò rỉ khí mê-tan nhất.

Maguire cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng thông tin này cực kỳ có giá trị đối với các công ty năng lượng, nhà nghiên cứu và khu vực công trong việc dự đoán và giảm thiểu lượng khí thải mê-tan trong các bộ phận thường dễ bị ảnh hưởng nhất”.

khu vực phát khi methane
Các chấm màu vàng đánh dấu nguồn, trong khi các bóng màu tím, cam và vàng cho thấy lượng khí thải khuếch tán trên một khu vực rộng hơn như thế nào. (Ảnh: Google)

Cam kết toàn cầu về khí mê-tan

Vụ phóng vệ tinh diễn ra khi các quốc gia và công ty dầu khí đặt mục tiêu giảm đáng kể lượng khí thải mê-tan vào năm 2030 để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Dubai năm ngoái, các công ty chiếm 40% sản lượng dầu khí toàn cầu đã hứa sẽ gần như loại bỏ tình trạng rò rỉ khí mê-tan khỏi hoạt động của chính họ trong thập kỷ này. Ít nhất 155 quốc gia cũng đã ký Cam kết Khí mê-tan toàn cầu, kêu gọi giảm 30% lượng khí thải. Cam kết này được đưa ra vào năm 2021, nhưng kể từ đó, lượng khí thải mê-tan tiếp tục tăng.

Để giúp thay đổi xu hướng đó, Mỹ và châu Âu năm ngoái đã ban hành các quy định nhằm hạn chế lượng khí thải mê-tan từ cơ sở hạ tầng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các quy định của Liên minh châu Âu đã tiến một bước xa hơn bằng cách nhắm mục tiêu nhập khẩu dầu và khí đốt.

Châu Âu nhập khẩu khoảng 80% năng lượng, bao gồm cả từ Mỹ. Đến năm 2027, lượng nhập khẩu này dự kiến ​​sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải mê-tan ngang bằng với tiêu chuẩn của châu Âu.

Hamburg cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai đều dựa vào nhập khẩu năng lượng, cũng đang xem xét các luật tương tự.

Maguire cho biết Google đã lên kế hoạch cung cấp dữ liệu miễn phí cho công chúng trên Google Earth Engine vào cuối năm nay.

Theo Business Insider

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Chống biến đổi khí hậu: Google sắp bắt đầu chiến dịch phát hiện rò rỉ khí mê-tan từ vệ tinh