Hình ảnh vệ tinh cho thấy khí mê-tan rò rỉ với tốc độ 79.000 kg mỗi giờ từ đường ống Nord Stream

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hình ảnh vệ tinh từ công ty GHGSat cho thấy dòng khí mê-tan lớn, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, đã thoát ra trên Biển Baltic ngoài khơi Thụy Điển.

Theo Daily Mail, đây là vụ rò rỉ khí lớn nhất từ ​​một nguồn duy nhất mà GHGSat từng phát hiện được. Khí rò rỉ ra từ một điểm vỡ duy nhất trên Nord Stream 2, một trong hai đường ống nối Nga với Đức, với tốc độ 79.000 kg/giờ, tương đương với hơn 900.000 kg than bị đốt cháy mỗi giờ.

Theo các nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch, có bốn điểm rò rỉ từ hai đường ống Nord Stream.

Stephane Germain, người sáng lập và Giám đốc điều hành của GHGSat cho biết: “Những gì vệ tinh của chúng tôi quan sát được là sự thoát khí đáng kể đến từ một trong bốn điểm rò rỉ”.

Ông nói thêm: “Trong tương lai, các quan sát và dữ liệu vệ tinh sẽ ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện và giảm thiểu những vụ rò khí thải đáng kể, chẳng hạn như vụ rò rỉ này”.

Nord Stream 1 và Nord Stream 2 là hai đường ống nối Nga và Đức, do Nga sở hữu. Các nhà chức trách Thụy Điển cho biết chúng có dấu hiệu phá hoại và nhiều lần bị “kích nổ” .

Cả hai đường ống đều không vận chuyển khí vào thời điểm xảy ra vụ vỡ đường ống, nhưng khí mê-tan điều áp trong các đường ống vẫn phun ra ngoài, tạo ra một vùng bong bóng lớn trên mặt biển.

Mê-tan là một loại khí nhà kính. Do đó, vụ rò rỉ sẽ làm trầm trọng thêm hiện tượng nóng lên toàn cầu và các hiệu ứng biến đổi khí hậu. Mê-tan cũng rất dễ cháy nên khi tiếp xúc với không khí sẽ làm tăng nguy cơ cháy nổ và trực tiếp làm giảm chất lượng không khí.

Hôm Chủ nhật (9/10), Cơ quan Năng lượng Đan Mạch thông báo rằng các điểm vỡ trong đường ống dẫn Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đã ngừng rò rỉ.

Theo GHGSat, một trong những vệ tinh của họ đã quan sát Nord Stream 2 vào ngày 3/10 và không phát hiện bất kỳ điểm thoát khí nào, xác nhận thông báo của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cũng đã chia sẻ những hình ảnh về các tác động của khí mê-tan, được chụp bởi các vệ tinh thuộc sở hữu của các công ty khác.

Khi khí điều áp rò rỉ qua đường ống bị vỡ và di chuyển nhanh về phía mặt biển, kích thước của các bong bóng khí tăng lên khi áp suất giảm.

Theo ESA, khi tiếp cận bề mặt, các bong bóng khí lớn làm mặt biển sôi sục phía trên vị trí xảy ra vụ vỡ đường ống.

Cơ quan vũ trụ cho biết: “Vụ rò rỉ mới nhất này gần tương đương với một ngày rưỡi phát thải khí mê-tan toàn cầu”.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ hư hỏng đường ống, mặc dù có những nghi ngờ từ các nhà lãnh đạo phương Tây rằng vụ việc là do Nga cố tình gây ra.

Vào ngày 27/9, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói rằng vụ rò rỉ không phải là tai nạn và bà “không thể loại trừ” đây là một hành vi phá hoại.

Frederiksen nói trong một cuộc họp báo ở Copenhagen: “Hiện tại các cơ quan chức năng đánh giá rõ ràng rằng đây là những hành động có chủ ý. Đó không phải là một sự tình cờ”.

Giáo sư Joan Cordiner, giáo sư Kỹ thuật Quy trình tại Đại học Sheffield, cũng loại trừ nguyên nhân ngẫu nhiên.

Cordiner nói: “Các đường ống không ngẫu nhiên bị rò rỉ đột ngột một cách thảm khốc. Thông thường, rò rỉ do ăn mòn bắt đầu từ nhỏ và lớn dần theo thời gian. Do đó, một sự cố rò rỉ lớn đột ngột như vậy chỉ có thể xuất phát từ một vụ nổ đột ngột phá vỡ đường ống”.

Một cuộc điều tra về nguyên nhân cụ thể hy vọng sẽ mang lại câu trả lời, Giáo sư Cordiner nói thêm.

Văn Thiện

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Hình ảnh vệ tinh cho thấy khí mê-tan rò rỉ với tốc độ 79.000 kg mỗi giờ từ đường ống Nord Stream