Chứng rò rỉ ruột gây ra nhiều bệnh, làm gì để cải thiện? (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu tính liên kết giữa các tế bào biểu mô ruột giảm xuống, giống như cánh cửa đóng không chặt và để lại một khe hở. Khi đó vi khuẩn và chất thải trong khoang ruột sẽ “rò rỉ” ra ngoài. Điều này có khả năng dẫn đến một loạt tác dụng phụ, chẳng hạn như viêm nhiễm và bệnh mãn tính.

--> Xem lại: Chứng rò rỉ ruột gây ra nhiều bệnh, làm gì để cải thiện? (Phần 1)

Làm thế nào để cải thiện sức khỏe đường ruột và giảm nguy cơ rò rỉ ruột?

Ông Turner cho biết, hiện nay chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể giúp con người điều chỉnh tính thấm của ruột.

Mặc dù vậy, các biện pháp dưới đây có thể giúp cải thiện sức khỏe đường ruột, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ rò rỉ ruột.

1. Người bệnh cần tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng

Một số chất dễ gây dị ứng như gluten làm nặng thêm tình trạng rò rỉ đường ruột. Vậy nên, những người bị dị ứng với gluten phải tránh ăn cả đời.

Theo Vinmec, gluten là một loại protein được tìm thấy chủ yếu trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen.

Các nghiên cứu phát hiện rằng, những người bị dị ứng thực phẩm có xu hướng dễ mắc chứng suy giảm chức năng hàng rào ruột.

Trong xét nghiệm tỷ lệ lactulose-mannitol, giá trị của những người bị dị ứng thực phẩm cao gấp ba lần so với những người không bị dị ứng.

Điều này cho thấy khả năng thẩm thấu ruột của họ (những người bị dị ứng thực phẩm) cao hơn.

Một số người có đường ruột nhạy cảm với các loại thực phẩm nhất định, nhưng tình trạng này không giống với kiểu dị ứng tự nhiên với thứ gì đó, và nó cũng không kéo dài suốt đời.

Michael Chang, MD, người sáng lập và là bác sĩ điều trị tại phòng khám Healed and Whole ở Hoa Kỳ, cho biết “con người có thể đảo ngược sự nhạy cảm đối với một số loại thực phẩm”.

Ông khuyên bệnh nhân nên tránh một số loại thực phẩm nhạy cảm trong ít nhất nửa năm, để ruột có thời gian sửa chữa và chữa lành, sau đó dần khôi phục lại chế độ ăn bình thường.

Theo Vinmec, gluten là một loại protein được tìm thấy chủ yếu trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen.
Theo Vinmec, gluten là một loại protein được tìm thấy chủ yếu trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. (Unsplash)

2. Chú ý đến lượng flavonoid trong chế độ ăn uống

Flavonoid đã được chứng minh có khả năng cải thiện chức năng rào cản của biểu mô ruột.

Nó hoạt động trên các protein liên kết chặt chẽ để bảo vệ tính toàn vẹn của ruột, đồng thời nó cũng điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột.

Flavonoid được tìm thấy trong hầu hết các loại rau, trái cây, trà xanh và đen, rượu vang đỏ, socola và cà phê.

Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ chiết xuất nam việt quất trong 9 tuần đã làm tăng 30% độ đa dạng của một loại vi khuẩn có lợi trong ruột. Điều này rất quan trọng để bảo vệ tính toàn vẹn của ruột.

3. Tránh thực phẩm chế biến sẵn, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường

Tình trạng sử dụng các chất phụ gia thực phẩm công nghiệp đang phổ biến trong xã hội hiện đại.

Hơn nữa, những chất này cũng có liên quan đến rối loạn chức năng hàng rào ruột và tăng tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến miễn dịch.

Carboxymethylcellulose và polysorbate là hai chất phụ gia được sử dụng phổ biến nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Các thí nghiệm trên động vật đã chỉ ra rằng, chúng làm giảm độ dày của chất nhầy trong ruột, tăng sự tiếp xúc giữa vi khuẩn và tế bào biểu mô ruột, từ đó gây viêm.

Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất béo và nhiều đường của phương Tây không có lợi cho việc cải thiện tính thấm của ruột.

Chế độ ăn nhiều chất béo và nhiều đường có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, làm giảm độ dày và chất lượng của lớp chất nhầy trong ruột, tăng tính thấm của ruột và tăng phản ứng viêm.

Chế độ ăn nhiều chất béo và nhiều đường của phương Tây không có lợi cho việc cải thiện tính thấm của ruột. 
Chế độ ăn nhiều chất béo và nhiều đường của phương Tây không có lợi cho việc cải thiện tính thấm của ruột. (Unsplash)

4. Chú ý giải tỏa căng thẳng, tránh vận động gắng sức kéo dài

Căng thẳng là một yếu tố có thể làm xấu đi chức năng của hàng rào ruột thông qua những tương tác giữa trục ruột và não.

Các nhà khoa học ở Bỉ đã thực hiện một nghiên cứu, trong đó các tình nguyện viên khỏe mạnh được yêu cầu kiểm tra nồng độ cortisol trong nước bọt sau khi phát biểu trước đám đông.

Kết quả cho thấy, căng thẳng cấp tính làm tăng tính thấm của ruột non.

Tập thể dục vừa phải có thể làm giảm căng thẳng, nhưng căng thẳng do tập thể dục vất vả và kéo dài cần được lưu ý.

Một số vận động viên thường cảm thấy khó chịu ở bụng do giải phóng hormone gây căng thẳng khi tập luyện vất vả.

Trong quá trình hoạt động thể chất cường độ cao hoặc kéo dài, máu chảy từ ruột và phân phối lại khắp cơ thể, tăng nhiệt độ cơ thể và thay đổi hệ vi sinh đường ruột, kích hoạt sự nới lỏng của các protein liên kết chặt chẽ và tạo ra phản ứng viêm.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc huấn luyện chiến đấu trong thời gian dài có thể làm tăng tính thấm của ruột ở binh lính.

Cả ông Turner và Zhang đều ủng hộ nhiều biện pháp để ngăn ngừa các vấn đề về đường ruột.

Ông Turner ví những biện pháp phòng ngừa này giống như mua bảo hiểm cho một chiếc xe: "Miễn là nó không độc, không quá đắt, không gây hại gì và bạn nghĩ nó có thể giúp ích cho mình, thì tại sao không (thử)?"

Trong khi ông Zhang nói rằng sự phát triển của các bệnh mãn tính có thể mất nhiều thời gian - nhiều người chỉ muốn tìm kiếm giải pháp mà bỏ qua nguyên nhân của vấn đề.

Ông cho rằng bệnh tật nên được ngăn ngừa thông qua cải thiện lối sống, "chúng ta nên bắt đầu điều trị sớm, thay vì đợi cho đến khi bạn đã có nguy cơ mắc bệnh, và điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn".

Theo Amber Yang, Jojo từ The Epoch Times tiếng Trung
Bảo Vy biên dịch

Link gốc: https://www.epochtimes.com/gb/23/1/28/n13917334.htm



BÀI CHỌN LỌC

Chứng rò rỉ ruột gây ra nhiều bệnh, làm gì để cải thiện? (Phần 2)