Cơ quan Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đang bị giám sát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ quan chống tham nhũng hàng đầu khét tiếng của Trung Quốc hiện lại đang bị theo dõi bởi một cơ quan hành chính. Trước động thái này, các chuyên gia tin rằng nhà lãnh đạo Tập Cận Bình không còn tin tưởng vào bộ máy kỷ luật trung ương.

Chính quyền trung ương Trung Quốc gần đây đã công bố một số văn bản chính thức, trong đó điều chỉnh một vài thủ tục và cơ cấu lãnh đạo trong Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI). Những văn bản mới này cũng xác định lại công việc của CCDI.

Một trong những văn bản như vậy, do Ban Công tác của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành vào ngày 18/07, yêu cầu ủy ban kỷ luật các cấp, bao gồm cả CCDI, tuân thủ nghiêm ngặt quy định mới.

Ít nhất là trên bề mặt, CCDI từng được hưởng quyền lực không giới hạn khi thi hành nhiệm vụ của họ. Việc Ủy ban Công tác ban hành một văn bản quy định như vậy cho thấy rằng, thẩm quyền của CCDI hiện đang bị ông Thái Kỳ (Cai Qi) - người đứng đầu Ủy ban Công tác - hạn chế lại.

Ông Thái Kỳ, thân tín đáng tin cậy của ông Tập, là Bí thư thứ nhất của Ban Bí thư ĐCSTQ và là thành viên cấp thứ năm trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Vào tháng 3, ông được bổ nhiệm thêm một chức vụ, đó là Chủ nhiệm Văn phòng Tổng hợp của đảng; điều này mang lại cho ông quyền kỷ luật tất cả các quan chức đảng, chính quyền và quân đội, ngoại trừ những vị trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Ông Lý Yên Minh (Li Yanming) - nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc đang sống ở Hoa Kỳ - nói với The Epoch Times vào ngày 22/07 rằng, những tài liệu mới được ban hành này đã trực tiếp can thiệp công việc của CCDI và hạn chế quyền lực của CCDI.

“Với các quy định toàn diện về phạm vi công việc, hệ thống lãnh đạo và các vấn đề khác của CCDI, đây là bất thường lớn trong tình hình chính trị tại Trung Nam Hải, điều này thực sự hạn chế và tước bỏ các đặc quyền chống tham nhũng của CCDI”, ông Lý Yên Minh nói.

Theo ông Lý Yên Minh, động thái can thiệp của ông Thái Kỳ vào CCDI và việc ông Lý Hy (Li Xi) - người đứng đầu CCDI - mất đi một phần quyền lực thực chất là một chiến dịch thanh trừng khác do ông Tập lãnh đạo thông qua ông Thái. Chuyên gia Lý Yên Minh cho rằng động thái này tương đương với việc triển khai hệ thống hai thủ trưởng trong CCDI, từ đó giúp ông Tập tăng cường hơn nữa quyền kiểm soát đối với cơ quan chống tham nhũng trung ương.

Xử lý kẻ không trung thành và không vâng lời

Vào ngày 14/07, trên trang web của mình, CCDI đã công bố bài phát biểu của ông Lý Hy. Đây là bài phát biểu trong một phiên nghiên cứu tập thể của Ban Thường vụ CCDI.

Trong bài phát biểu, ông Lý Hy nói rằng các cơ quan mang chức năng kỷ luật và thanh tra về bản chất là “cơ quan chính trị”; ông cũng nói rằng việc có được “nhận thức chính trị và tư tưởng vững vàng là yêu cầu cốt lõi” đối với tất cả các thành viên CCDI. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng CCDI phải tuân thủ sự lãnh đạo tập trung và thống nhất từ Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, để đảm bảo Ủy ban Trung ương nắm chắc về chiến dịch chống tham nhũng.

Ông Lý Hy cũng yêu cầu các quan chức trong bộ máy giám sát và kỷ luật phải “tuyệt đối trung thành và đáng tin cậy về mặt chính trị” đối với ĐCSTQ.

“Điều này thực ra đã cho thấy rằng, có những người trong CCDI chống lại ông Tập Cận Bình và rằng ông Tập Cận Bình không thể kiểm soát hoàn toàn chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc", ông Lý Yên Minh nói.

Ông Lý Hy cũng kêu gọi kịp thời loại bỏ “những mối nguy chính trị tiềm ẩn” cũng như “những thành viên không trung thành và không vâng lời”.

Theo ông Lý Yên Minh, những lời này của ông Lý Hy báo hiệu rằng sẽ có nhiều cán bộ cấp cao hơn trong hệ thống CCDI bị ‘thất sủng’.

Các quan chức cấp cao đương nhiệm và đã nghỉ hưu của ĐCSTQ sắp triệu tập hội nghị Bắc Đới Hà, hay còn gọi là “hội nghị thượng đỉnh mùa hè”. Nó thường được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm, để các cấp cao nhất của ĐCSTQ trao đổi suy nghĩ, thảo luận về các chính sách lớn và đưa ra các quyết định cuối cùng. Mọi chi tiết của hội nghị luôn được giữ bí mật với công chúng.

Ông Lý Yên Minh nói rằng trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà năm nay, đã xuất hiện nhiều tin đồn xung quanh các tướng lĩnh cấp cao trong lực lượng tên lửa Trung Quốc, cũng như tin đồn về ông Tần Cương - cựu Ngoại trưởng Trung Quốc từng được đích thân ông Tập đề bạt. Chuyên gia Lý cho hay, chính vào thời điểm nhạy cảm này, ông Thái Kỳ - cộng sự thân cận của ông Tập - lại trực tiếp can thiệp công việc chống tham nhũng của CCDI.

Theo ông Lý Yên Minh, “tất cả những bất thường chính trị này cho thấy cơn sóng ngầm ở Trung Nam Hải đang rất khốc liệt; cuộc đấu tranh nội bộ ở cấp cao nhất đang vô cùng gay gắt; và tình hình chính trị ở Trung Quốc có thể xảy ra thay đổi lớn bất cứ lúc nào”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cơ quan Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đang bị giám sát