Quy định ngầm của cán bộ đảng viên Trung Quốc khi tham dự các lớp bồi dưỡng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bài báo cũ của nhà xã hội học nổi tiếng Trung Quốc Vu Kiến Vanh (Yu Jianrong) đã tiết lộ điều cấm kỵ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông cho hay, vài năm trước, khi giảng bài cho các cán bộ đảng và chính phủ, họ đã thảo luận rất sôi nổi nhưng những năm gần đây lại thường im bặt, bởi họ sợ ‘rước họa vào thân’ nếu phát biểu ý kiến.

Hãng Thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan ngày 13/7 đưa tin, ông Vu Kiến Vanh đã đề cập trong một bài viết có tựa đề "Để mọi người tự ý thảo luận thì có sao" rằng, vài năm trước, ông đã dạy các vấn đề xã hội trong lớp cán bộ cấp tỉnh và cấp bộ của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Khi đó các học viên chia làm hai trường phái rất rõ ràng và thảo luận rất kịch liệt. Tuy nhiên, trong hai năm qua, lớp học thường lặng ngắt như tờ, cũng không có học viên nào tới trao đổi riêng với ông. Học viên có cấp bậc càng cao thì tình trạng này càng rõ.

Ông Vu Kiến Vanh nói rằng, ban đầu ông nghĩ là do trình độ giảng dạy của mình ngày càng kém, nhưng sau khi giảng bài cho một lớp cán bộ cấp phòng trực thuộc chính quyền tỉnh, một học viên đã bí mật nói với ông rằng: “Chúng tôi thích nghe, nhưng chúng tôi lại phải giả vờ như không nghe thấy, do đó không thể nói cái gì đúng cái gì sai", bởi vì có "yêu cầu kỷ luật".

Học viên đó nói rằng, trước mặt những người ngoài đảng, tuyệt đối không được phép phát biểu ý kiến trái với ĐCSTQ; giữa các đảng viên cũng không được phép nói những lời ngược với đảng trong những dịp không chính thức.

Ông Vu Kiến Vanh cũng nói rằng một số người đồng ý với quan điểm của ông về nội dung các bài giảng thẳng thắn, nhưng họ sợ rằng các đồng nghiệp khác sẽ biết và những gì họ nói sẽ bị coi là "quan điểm sai trái". Còn những học viên không đồng tình với quan điểm của ông thì cũng không dám phản bác, vì sợ “chạm vào lằn ranh, rước họa vào thân” trong khi tranh luận.

Vì điều này, ông Vu Kiến Vanh đã cảm thán rằng nếu bạn bị kết án chỉ vì tự ý thảo luận, lên tiếng thì ai ai cũng sẽ dè chừng lẫn nhau, như vậy thì xã hội này quả thật là đang trong nguy hiểm.

Nguyên văn bài viết này gần đây đã được đăng lại trên trang web Zhihu của Trung Quốc. Tuy nhiên, phóng viên của The Epoch Times phát hiện rằng bài viết đã được lưu hành ở nước ngoài từ đầu năm 2016. Nguồn bài viết đến từ tài khoản WeChat chính thức của ông Vu có tên "Đông thư phòng của Vu Kiến Vanh”.

Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), nguyên là Phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 14/7 rằng nhận xét của ông Vu Kiến Vanh rõ ràng là sự so sánh giữa trước và sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Trên thực tế, vào những năm 1980, do khi đó đang trong thời kỳ suy xét lại Cách mạng Văn hóa nên ĐCSTQ đã tương đối buông lỏng tự do tư tưởng, nhưng sau đó họ lại cảm thấy loại tự do tư tưởng này không có lợi cho chủ nghĩa toàn trị chuyên quyền của mình nên đã thắt chặt lại.

Ông Lý Nguyên Hoa cho biết, vào thời ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo nắm quyền, phát ngôn quả thực thoải mái hơn bây giờ, tuy vậy vẫn còn nhiều hạn chế; phần lớn vẫn là lời lẽ xu nịnh, đôi khi họ sẽ giả vờ phê bình một chút, bởi nếu miêu tả lãnh đạo quá hoàn hảo không chút khuyết điểm thì sẽ rất dễ bị nhìn thấu, không lấy được lòng tin của người dân.

Năm 2013, năm thứ hai sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, trên Internet lan truyền một tài liệu mang tên “Bảy điều không nói” của ĐCSTQ. Theo đó, các giảng viên bị cấm thảo luận về các giá trị phổ quát, tự do báo chí, xã hội dân sự, quyền lợi công dân, những sai lầm lịch sử của ĐCSTQ, giới tư sản quyền quý, và sự độc lập về tư pháp.

Vào cuối năm 2016, khi tham dự Hội nghị toàn quốc về công tác tư tưởng và chính trị trong các trường cao đẳng và đại học, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng cần phải làm rõ việc "các trường cao đẳng và đại học đào tạo ra những kiểu người nào, đào tạo người như thế nào và đào tạo cho ai".

Gần đây, nhiều nơi ở Trung Quốc đã tiến hành chỉnh đốn tư tưởng của giảng viên. Đội ngũ giảng viên các môn tư tưởng và lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học được yêu cầu “tự soi xét, tự làm sạch”.

Ông Lý Nguyên Hoa nói rằng khi ông còn giảng dạy tại trường đại học, hiệu trưởng là người lãnh đạo cao nhất và bí thư là lãnh đạo số 2, vì vậy khi đó trong trường đại học cùng lắm là chỉ được nói về tự do học thuật. Ngay cả bên Trường Đảng Trung ương cũng vậy.

Ông Lý cho hay: "Trong Đại học Sư phạm Thủ đô của chúng tôi có một giảng viên, sau này vị ấy đến dạy lịch sử thế giới ở Trường Đảng Trung ương và cũng mang phong cách giảng dạy trong trường đại học lúc bấy giờ qua bên đó. Vị ấy nói về tự do học thuật và thấy tự hào khi nói về một số vấn đề, có lẽ các cán bộ quan chức khi đó vẫn chưa ‘tả’ lắm, vẫn còn nhân tính. Bây giờ ngay cả hình thức bề ngoài cũng không còn nữa, tức là tuyệt đối phục tùng, quan chức giám sát lẫn nhau, không ai dám nói ra suy nghĩ thật của mình ở nơi công cộng".

Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư nhân quyền tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times vào ngày 14/7 rằng Trung Quốc đã đi giật lùi rất nghiêm trọng trong vài năm qua kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, toàn bộ xã hội đang rơi vào bế tắc. Nhưng gốc rễ của vấn đề vẫn là chế độ độc tài độc đảng của ĐCSTQ, cách duy nhất để giải quyết vấn đề là lật đổ chế độ này. “ĐCSTQ sụp đổ thì hệ thống quyền lực do ông Tập Cận Bình xây dựng nên đương nhiên cũng sụp đổ”.

Ông Ngô nói rằng ĐCSTQ không có chút tự tin nào, nó sợ rằng những nhận xét sắc bén như của ông Vu Kiến Vanh sẽ kích hoạt các cuộc thảo luận và được lan truyền rộng rãi, điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tính hợp pháp và sự ổn định của chính quyền ĐCSTQ.

Ông Vu Kiến Vanh năm nay 60 tuổi, quê ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, là Giáo sư tại Viện nghiên cứu Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Ông từng có các bài viết nêu quan điểm như: “Sự kháng cự và bảo vệ quyền lợi của nông dân Trung Quốc đương đại: Khảo sát Hành Dương, Hồ Nam”, “Phê phán chế độ giáo dưỡng lao động Trung Quốc”, “Phê phán chế độ thỉnh nguyện của Trung Quốc”, v.v.

Ông Vu Kiến Vanh từng là một nhân vật được tờ Southern Weekly của Trung Quốc ca ngợi, đây là một kênh truyền thông thẳng thắn dám đưa ra ý kiến. Vào tháng 10/2010, ông còn được 300.000 cư dân mạng bình chọn là một trong chín "Nhân vật có sức ảnh hưởng nhất trên Internet Trung Quốc năm 2010".

Song, trong những năm gần đây, ông Vu Kiến Vanh hiếm khi công khai nói về tình hình chính trị đương thời.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quy định ngầm của cán bộ đảng viên Trung Quốc khi tham dự các lớp bồi dưỡng