Dịch viêm phổi Vũ Hán tái xuất ở Thiên Tân, Trung Quốc lại đổ vạ cho chân giò nhập từ Đức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuần trước, thành phố Thiên Tân đã xác chẩn một ca nhiễm virus Viêm phổi Vũ Hán là người bản địa. Sau đó, chính quyền Trung Quốc đã đổ vạ nguồn lây virus là từ chân giò đông lạnh nhập khẩu từ Đức. Hôm 9/11, Bộ Nông nghiệp Liên bang Đức phản pháo lại rằng, theo nghiên cứu khoa học, chưa có tiền lệ người bị nhiễm virus do ăn hoặc tiếp xúc với thịt và các chế phẩm thịt nhiễm coronavirus mới.

Hôm 7/11, Thiên Tân xác nhận người nhiễm virus là công nhân bốc xếp của một công ty thực phẩm đông lạnh. Theo chính quyền thông báo, sau khi xét nghiệm các mẫu lấy từ môi trường, họ đã phát hiện bao bì bên ngoài của lô chân giò đông lạnh nhập khẩu từ Đức cho kết quả dương tính nhẹ với virus Viêm phổi Vũ Hán. Sau khi truy xuất nguồn gốc, từ các bằng chứng hiện tại có thể kết luận rằng virus truyền từ vật sang người, vậy nên nghi ngờ nguồn gốc ca nhiễm này là đến từ chân giò đông lạnh nhập khẩu từ Đức. Lô hàng này khởi hành từ cảng Bremen, Đức và đến Thiên Tân vào ngày 19/10. Vào ngày 5/11, nhà phân phối đã vận chuyển tất cả số hàng chưa mở thùng đến thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông.

Đáp trả lại tuyên bố trên, hôm 9/11, Bộ Nông nghiệp Liên bang Đức (BMEL) đã ra thông cáo báo chí và phản bác rằng, theo tình hình mà các cơ quan liên quan Đức nắm được, vụ tái phát ở Thiên Tân không chắc chắn là do thịt lợn Đức gây ra, bởi vì hiện tại chưa có tiền lệ là người bị nhiễm virus do ăn hoặc tiếp xúc với thịt và các chế phẩm thịt nhiễm coronavirus mới. Và theo hiểu biết của giới khoa học hiện tại về coronavirus mới, lợn và gia cầm sống sẽ không bị nhiễm coronavirus mới, chứ đừng nói đến việc nó là nguồn mang mầm bệnh, vậy nên không có căn cứ gì để nói virus lây truyền sang người qua con đường này.

Viện Thú y Liên bang Đức (Friedrich-Loeffler-Institut) đã được BMEL ủy nhiệm tiến hành nghiên cứu về khả năng lây nhiễm coronavirus mới (SARS-CoV-2) ở động vật. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, coronavirus mới không thể nhân lên và sinh sôi nảy nở ở trong hoặc trên thực phẩm, virus cần ký sinh trên động vật sống hoặc con người thì mới sinh sôi được. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong các loài động vật thì lợn, gà, vịt và gà tây không thể bị nhiễm coronavirus mới; mặt khác, họ quan sát thấy trên thân loài bò có hiện tượng virus sinh sản nhẹ, tuy nhiên bò lại là loài không thể truyền virus sang loài động vật khác, vậy nên cũng không thể lây nhiễm sang người.

Bộ Nông nghiệp Đức cũng chỉ ra rằng, mặc dù trên lý thuyết vẫn có một khả năng khác, đó là công nhân trong các nhà máy sản xuất thịt hoặc chế biến thịt có thể làm dính virus vào các sản phẩm thịt khi họ hắt hơi, ho hoặc chạm tay không sạch vào sản phẩm thịt, nhưng nhà máy đã rất tuân thủ các quy tắc vệ sinh và các biện pháp bảo vệ nên đã giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm qua đường này.

Hơn nữa, do coronavirus có tính ổn định tương đối thấp trong môi trường, nên sau khi bám dính lên đồ vật nó chỉ có khả năng lây nhiễm trong khoảng thời gian ngắn.

BMEL cũng nhấn mạnh rằng vào giữa tháng Chín năm nay, Trung Quốc đã tuyên bố cấm nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm liên quan từ Đức, và mất khoảng 4 đến 6 tuần để vận chuyển hàng từ Đức sang Trung Quốc, do đó suy đoán rằng lô thịt lợn này đã khởi hành từ Đức trước khi lệnh cấm được ban hành.

Nguyên nhân Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt lợn từ Đức là do vào ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Đức Julia Klöckner xác nhận rằng, theo kết quả phân tích của Viện Thú y Liên bang Đức, một con lợn rừng được tìm thấy ở khu vực giáp biên giới Đức và Ba Lan đã bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bà Klöckner cho biết đã phát hiện con lợn rừng đầu tiên mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở hạt Spree-Neiße thuộc bang Brandenburg. Vì Đức là một trong những nhà xuất khẩu thịt lợn lớn nhất ở châu Âu, nên khi đó bà Ursula Nonnenmacher - người đứng đầu cơ quan y tế bang Brandenburg, đã lo lắng về việc liệu họ còn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc hay không. Sự việc này phải được đối thoại ở cấp quốc gia với Liên minh Châu Âu để nhanh chóng xác định, vì Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rất lớn của họ.

Ngay hôm sau là ngày 11/9, Tổng cục Hải quan cùng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã ngay lập tức thông báo cấm nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp lợn, lợn rừng và các sản phẩm liên quan từ Đức, nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập từ Đức vào Trung Quốc. Do đó, từ ngày 12/9, thịt lợn của Đức không còn được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đông Phương

Theo RFA và Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Dịch viêm phổi Vũ Hán tái xuất ở Thiên Tân, Trung Quốc lại đổ vạ cho chân giò nhập từ Đức