Bước ngoặt trong nghiên cứu lịch sử: Đọc được cuộn giấy bị cháy sém 2.000 năm trước nhờ trợ giúp của AI

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các học giả nghiên cứu về lịch sử thời cổ đại tin rằng họ đang bước vào một kỷ nguyên mới sau khi họ sử dụng AI và đọc được nội dung văn bản của một cuộn giấy bị cháy sém khi núi lửa Vesuvius phun trào gần 2.000 năm trước tại Pompeii.

Hàng trăm cuộn giấy cói được lưu giữ trong thư viện của một biệt thự La Mã sang trọng ở Herculaneum, Pompeii đã bị cháy sém khi thị trấn bị tàn phá bởi núi lửa phun trào vào năm 79 sau Công Nguyên.

Biệt thự này được cho là của bố vợ của Julius Caesar. Cho đến nay, không ai có thể đọc được chúng, bởi toàn bộ các cuộn giấy cói đó đã bị cacbon hóa; các cuộn giấy bị vỡ vụn khi các nhà nghiên cứu cố gắng mở chúng.

Bước đột phá trong việc đọc tài liệu cổ đến từ Thử thách Vesuvius trị giá 1 triệu đô la, một cuộc thi được phát động vào năm 2023 bởi Brent Seales, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Kentucky và những người ủng hộ Thung lũng Silicon.

Giải mã cuộn giấy cói Herculaneum bằng nguồn sáng Diamond:

 

Hôm thứ Hai (05/2), Nat Friedman, giám đốc điều hành công nghệ người Mỹ và là nhà tài trợ sáng lập cho cuộc thi, đã thông báo rằng một nhóm gồm ba sinh viên am hiểu máy tính, Youssef Nader ở Đức, Luke Farritor ở Mỹ và Julian Schilliger ở Thụy Sĩ, đã giành được giải thưởng 700.000 đô la sau khi đọc hơn 2.000 chữ cái Hy Lạp từ cuộn giấy cói bị cháy sém nêu trên.

Robert Fowler, giáo sư danh dự về tiếng Hy Lạp tại Đại học Bristol và chủ tịch Hiệp hội Herculaneum cho biết: “Đây là một công cụ sẽ làm thay đổi hoàn toàn các nghiên cứu lịch sử sau này”. “Có hàng trăm cuộn giấy như thế này đang chờ được đọc.”

“Chúng ta đang bước sang một kỷ nguyên mới”, Seales, người dẫn đầu nỗ lực đọc các cuộn giấy bằng cách giải mã các hình ảnh CT và huấn luyện các thuật toán AI để phát hiện sự hiện diện của nét mực trên các cuộn giấy, cho biết.

Vào tháng 10 năm 2023, Farritor đã giành được giải thưởng “chữ cái đầu tiên” trị giá 40.000 đô la của thử thách khi anh xác định được từ Hy Lạp cổ có nghĩa là “màu tím” trong cuộn giấy. Anh ấy đã hợp tác với Nader vào tháng 11, với Schilliger, người đã phát triển một thuật toán để tự động mở các hình ảnh CT, kết nối chúng lại vài ngày trước thời hạn cuộc thi vào ngày 31 tháng 12. Họ đã cùng nhau đọc hơn 2.000 chữ cái trong cuộn giấy này và mang lại giải thưởng lớn nhất của Thử thách.

Nội dung chính của cuộn giấy được gãi mã thành công là nói về nguồn gốc của niềm vui, âm nhạc và ẩm thực. Điều này hứa hẹn những nội dung phong phú mà cuộn giấy sẽ mang lại cho các nhà nghiên cứu lịch sử nhân loại trong thời gian này.

Giáo sư Fowler cho biết công nghệ tương tự có thể được áp dụng cho giấy cói quấn quanh xác ướp Ai Cập, các lá thư, chứng thư tài sản và biên lai thuế. Những điều này sẽ soi sáng cuộc sống của những người Ai Cập cổ đại.

Thử thách tiếp tục trong năm nay với mục tiêu đọc được 85% cuộn giấy và đặt nền móng cho việc đọc tất cả những thứ đã được khai quật. Các nhà khoa học cần tự động hóa hoàn toàn quá trình dò tìm bề mặt của giấy cói bên trong mỗi cuộn giấy và cải thiện khả năng phát hiện mực trên những phần bị hư hỏng nhiều nhất.

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Bước ngoặt trong nghiên cứu lịch sử: Đọc được cuộn giấy bị cháy sém 2.000 năm trước nhờ trợ giúp của AI