Dữ liệu kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2023 đáng lo ngại, Bắc Kinh ra mắt ‘cỗ xe tam mã’ mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 17/7, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên ngoại giới không khỏi nghi ngờ về dữ liệu này.

Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế của nửa đầu năm 2023

Theo hạch toán sơ bộ, GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) trong nửa đầu năm nay của Trung Quốc là 59,3034 tỷ nhân dân tệ (CNY), tương đương với 8,2 tỷ USD. Tính theo giá cố định (Constant price), số liệu này tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng gần 1 điểm phần trăm so với quý I.

Ngoài ra, dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 - 24 tuổi lại trở nên tồi tệ hơn vào tháng Sáu, đạt mức cao mới là 21,3%; nhưng tỷ lệ thất nghiệp khảo sát được ở thành thị là 5,2%, không thay đổi so với tháng trước. Đầu tư vào phát triển bất động sản cũng tiếp tục bị thu hẹp, giảm 7,9% trong nửa đầu năm; diện tích bán nhà ở thương mại trên toàn quốc giảm 5,3%.

Trong đó, GDP quý II tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,5% của quý I. Tuy nhiên, do nhiều thành phố ở Trung Quốc bị phong tỏa vào tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP theo quý mà chính quyền công bố chỉ có 0,4%, cho nên trước đó phần lớn các nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng trong quý II năm nay sẽ đạt khoảng 7%, nhưng hiện giờ nó thấp hơn nhiều so với Kỳ vọng. Điều này làm dấy lên mối quan tâm rộng rãi từ ngoại giới.

Đa số các nhà kinh tế quốc tế cho rằng, dữ liệu mới nhất cho thấy triển vọng kinh tế bi quan của Trung Quốc.

Do suy thoái kinh tế, thanh niên Trung Quốc đang phải chật vật kiếm việc làm. Hình ảnh chụp một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh, Trung Quốc vào ngày 11/4/2023. (STR/AFP via Getty Images)

Chuyên gia kinh tế kiêm chiến lược gia tiền tệ Carol Kong của Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia (CBA) cho biết: "Dữ liệu cho thấy quá trình phục hồi sau khi gỡ bỏ phong tỏa vì dịch bệnh của Trung Quốc đã đi đến hồi kết. Mặc dù con số tăng trưởng trong tháng Năm đã cao hơn nhưng điều đó vẫn ám chỉ triển vọng tăng trưởng ảm đạm và sức phục hồi đang yếu đi. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao kỷ lục".

Ông Alvin Tan, chiến lược gia ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets ở Singapore, cho biết: "6,3% là một con số rất đáng thất vọng và cho thấy đà (tăng trưởng) đã chậm lại. Với tốc độ tăng trưởng này, sẽ rất khó để đạt được mục tiêu 5% tốc độ tăng trưởng… vì vậy tôi nghĩ rằng cần phải có thêm chính sách cấp bách".

Reuters đưa tin, ngoại giới hiện đang theo dõi chặt chẽ cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối tháng này để xem liệu chính quyền có áp dụng các chính sách kích thích hay không.

Ông Phó Lăng Huy (Fu Linghui), người phát ngôn của Cục Thống kê Trung Quốc kiêm Giám đốc Cục Thống kê Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, cũng đưa ra một tin tốt. Đó là trong nửa đầu năm nay, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của người dân Trung Quốc tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thu nhập của cư dân đang tăng theo hướng vững chắc.

Tuy nhiên, dữ liệu như vậy rõ ràng là quá tốt để có thể tin tưởng. Chính quyền Bắc Kinh đáng lẽ đã lường trước được rằng loạt dữ liệu này sẽ bị ngoại giới đặt nghi vấn. Vì vậy, vào ngày 17/7, Tân Hoa Xã đã công bố một đoạn mà ông Phó Lăng Huy nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với phóng viên của Tân Hoa Xã, qua đó để mọi người có thể "nhận thức chính xác và cảm nhận sự 'chênh lệch nhiệt độ' giữa dữ liệu vĩ mô và vi mô”.

Dữ liệu được Bộ Tuyên truyền Trung ương ‘hộ tống’

Thuật ngữ "chênh lệch nhiệt độ" lần đầu tiên xuất hiện thông qua Tân Hoa Xã. Đây là một kênh truyền thông của đảng và các bài viết được đưa lên đều đã được thiết lập giọng điệu và viết theo mệnh đề được yêu cầu.

Thuật ngữ trên đã bị cư dân mạng Trung Quốc chế giễu: "Nếu hầu hết mọi người cảm thấy hôm nay rất lạnh và họ cần mặc áo khoác bông thì mới chịu được, nhưng anh lại khăng khăng nói rằng nhiệt độ hôm nay là 40 độ C"; "Chủ nghĩa lãng mạn văn học thay thế những con số lạnh lẽo"; hay “Chết cóng dưới ánh mặt trời thiêu đốt"...

Ông Nhiếp Huy Hoa (Nie Huihua), Giáo sư kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với sự mỉa mai: “Mâu thuẫn chính trong xã hội hiện tại là mâu thuẫn giữa một nền kinh tế không ngừng đi xuống và ‘định lực’ (ý chí không bị những thứ bên ngoài làm dao động) không ngừng thâm sâu của các ban ngành liên quan. Nếu không có 20 năm ‘nội công’ về kinh tế chính trị học thì hoàn toàn không thể hiểu được hiện tượng này".

Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến truyền thông 16 quốc gia
Bảng quảng cáo điện tử về Tân Hoa Xã, hãng thông tấn do chính quyền Trung Quốc điều hành, xuất hiện lần đầu tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, ngày 01/08/2011. (Stan Honda / AFP via Getty Images)

Trong tháng 6, dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 12,4% tính theo USD. Hiện tại, các dữ liệu khác nhìn chung cũng cho thấy xu hướng giảm. Trong đó có CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) tăng 0% nhưng PPI (Chỉ số giá sản xuất) giảm 5,4%. Hiện tượng này cho thấy xu hướng giảm phát rất mạnh. Trước vấn đề này, vào ngày 17/7, người phát ngôn Cục Thống kê Trung Quốc Phó Lăng Huy đã bác bỏ tin đồn trên và nói rằng, hiện tại nền kinh tế Trung Quốc không có giảm phát và cũng sẽ không xuất hiện giảm phát trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, giới kinh tế nói chung đều vô cùng nghi ngờ trước tuyên bố và dữ liệu của chính quyền Bắc Kinh. Một chuyên gia tài chính nổi tiếng chế giễu rằng, "tất cả dữ liệu đang tiếp tục giảm xuống và GDP vẫn tăng lên"; "Về sau xem những dữ liệu đó như chương trình giải trí là được".

Ông Cách Long (Ge Long), người sáng lập nền tảng tư vấn đầu tư nổi tiếng "Ge Long Hui" ở Trung Quốc, cũng tỏ ra lo lắng. Ông đặc biệt nhắc nhở rằng GDP quý II thấp hơn nhiều so với dự kiến, dù cho đã thực hiện được mục tiêu của chính quyền nhưng “áp lực rất lớn".

Ông Cách nói: "Từ quan điểm kinh tế học, suy thoái kinh tế không phải là điều gì đáng sợ, nó chỉ theo chu kỳ, nhưng cần phải có hạn độ. Một khi vượt quá mức giới hạn mà bản thân có thể tự phục hồi thì các yếu tố tăng trưởng khác nhau trong nền kinh tế sẽ không còn hỗ trợ nhau được nữa, thay vào đó là kìm hãm, lôi nhau xuống, thậm chí bóp nghẹt nhau. Sức mạnh và sức tàn phá của nó còn mạnh hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Hãy đọc cuốn sách nổi tiếng ‘Bùng nổ và Suy thoái’ (Booms and Depressions: Some First Principles) của Giáo sư người Mỹ Irving Fisher, người có nhiều nghiên cứu nhất về cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930, bạn biết tôi đang nói về điều gì mà".

Ông cũng nói, "Vận hành kinh tế không giống như lái ô tô để có thể phanh và giảm tốc, sẽ không xảy ra vấn đề về an toàn, bởi vì ô tô đang ở trên mặt đất. Vận hành kinh tế giống như lái một chiếc máy bay hơn. Một khi động cơ chết máy, máy bay sẽ không lơ lửng mà sẽ rớt xuống giống như quả cân".

Vận hành kinh tế giống như lái một chiếc máy bay. (Pixabay)

Có không ít người trong giới kinh tế đặt câu hỏi về tính xác thực của dữ liệu mà Bắc Kinh công bố. Ví dụ, câu hỏi nhiều nhất là đầu tư tài sản cố định, con số chính quyền đưa ra là tăng 3,8%. Nhưng điều kỳ lạ là dữ liệu này đã được điều chỉnh và chênh lệch so với thực tế lên tới 3,8 nghìn tỷ CNY (khoảng 526,36 tỷ USD).

Một chuyên gia thống kê cho biết: "Theo phương pháp chi tiêu, có thể hạch toán đại khái số liệu tiểu mục và tổng GDP. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở đầu tư vào tài sản cố định. Tốc độ tăng trưởng trên danh nghĩa là 3,8% nhưng lại chênh lệch 3,8 nghìn tỷ CNY so với số liệu thực tế. Lời giải thích cho việc này là ‘tốc độ tăng đầu tư vào tài sản cố định được tính toán trên cơ sở so sánh các chỉ tiêu giá trị trong các thời kỳ khác nhau, loại trừ các yếu tố thay đổi về giá để phản ánh chính xác sự thay đổi về lượng. Có những nhân tố không thể so sánh giữa số liệu trong kỳ nghiên cứu và số liệu được công bố vào cùng kỳ năm trước, không thể so sánh trực tiếp để tính toán tốc độ tăng trưởng’ ”.

Nhà phân tích bị Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc ‘bịt miệng’

Tài khoản Weibo “Laomanpindao” của một chuyên gia khai thác dữ liệu phát hiện ra rằng, từ tháng Một đến tháng Sáu, đầu tư tài sản cố định là 23,41 nghìn tỷ CNY (khoảng 3,24 nghìn tỷ USD), cùng kỳ năm ngoái là 27,14 nghìn tỷ CNY (khoảng 3,75 nghìn tỷ USD), kết quả thực tế giảm 13,7%, “đây là mức giảm lớn nhất trong nửa năm kể từ khi dữ liệu này được ghi nhận”. Còn trong tháng Sáu, mức giảm này lên tới 30,8%, "điều này cho thấy đã xuất hiện xu hướng sụp đổ".

Ông cũng nhấn mạnh rằng, "đầu tư sẽ luôn là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc". Rắc rối nhất là đầu tư tư nhân đã giảm 16,0% trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Sáu.

"Trước một tương lai vô cùng bất ổn định, trong hoàn cảnh không thể đảm bảo an ninh tài sản, và trước bài học thực tế vào những năm 1970, những người dân bình thường sẽ thực sự không muốn đầu tư".

"Không có đầu tư thì không có gì hết, không có việc làm, không có phát triển. Đây là hiện trạng và tương lai của Trung Quốc".

Nhà bình luận chính trị Tần Bằng (Qin Peng) từng nói rằng, kinh tế Trung Quốc năm nay phụ thuộc chủ yếu vào các ‘đồng chí’ trong Cục Thống kê. Cũng có không ít chuyên gia cho rằng, trước nay số liệu kinh tế của Trung Quốc đều được biên tạo theo nhu cầu chính trị.

Có trùng hợp hay không khi vào nửa đêm ngày 16/7, tài khoản Weibo “Laomanpindao” đã bị cấm phát ngôn trong 7 ngày. Vị chuyên gia này nghi ngờ rằng, do các quan chức cảm thấy dữ liệu được công bố vào ngày 17/7 quá là không đáng tin cậy nên họ đã phải bịt miệng ông trước.

Ảnh minh họa. Một bức hình gây chấn động trong “Phong trào Giấy trắng” nổ ra vào cuối năm 2022 ở Trung Quốc khi người dân đứng lên phản đối chính sách phong tỏa Zero Covid hà khắc mà chế độ Bắc Kinh thi hành. (Ảnh từ Twitter)

Nói chung, dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong nửa đầu năm, đặc biệt là quý II, rất bi quan. Điều bi quan hơn nữa là xu hướng này tiếp tục giảm. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh sẽ đưa ra những biện pháp đối phó nào? Hiện tại, Trung Nam Hải đã cho ra mắt ‘cỗ xe tam mã’ mới của nền kinh tế Trung Quốc, đó là: Cục Thống kê, Bộ Tuyên truyền Trung ương và Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc.

Còn ‘cỗ xe tam mã’ truyền thống trong hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh tế là Xuất khẩu, Tiêu dùng, và Đầu tư công. Thuật ngữ này bắt nguồn từ phương pháp độc đáo của người Nga khi di chuyển bằng ngựa, phương pháp này cho phép người cưỡi đặt ba con ngựa vào cùng một bộ dây cương.

Hoa Kỳ sẽ tung đòn mới vào kinh tế Trung Quốc?

Hôm 17/7 khi đang tham dự Hội nghị Kinh tế Nhóm G20 ở Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã nhận lời phỏng vấn của phóng viên Bloomberg.

Bà nói rằng nền kinh tế Trung Quốc chậm lại có thể có gây tác động dây chuyền đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng bà dự tính rằng nước Mỹ sẽ không xuất hiện suy thoái.

"Xác thực là có nhiều quốc gia dựa vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chính họ, đặc biệt là các nước châu Á. Sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có thể sẽ gây một số tác động lan tỏa tiêu cực đến Hoa Kỳ".

Bà cho rằng tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 6 thấp hơn dự kiến ​​và "người tiêu dùng dường như đang tập trung hơn vào việc xây dựng lại khoản tiết kiệm của họ". Cũng tức là người Trung Quốc hiện nay không dám tiêu tiền và lựa chọn tích góp để phòng thân.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu trong cuộc họp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh vào ngày 07/07/2023. (Mark Schiefelbein/Pool/AFP via Getty Images)

Còn về Hoa Kỳ, bà Yellen nói rằng: "Tăng trưởng đã chậm lại, nhưng thị trường lao động của chúng tôi vẫn khá mạnh. Tôi dự tính sẽ không có suy thoái". Bà cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ đang trên đà giảm lạm phát.

Hôm 12/7, Hoa Kỳ đã công bố dữ liệu cho thấy giá cả trong tháng Sáu (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đã tăng 0,2% so với tháng trước. Đây là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 8/2021. Tỷ lệ lạm phát tổng thể là 3% so với năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 9% của năm trước.

Là một thành viên nội các của chính quyền ông Biden và cũng là người ủng hộ nhiều nhất việc dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc, lần này bà Yellen cũng được hỏi Hoa Kỳ sẽ thực hiện những biện pháp nào để "hạ nhiệt" căng thẳng với Trung Quốc. Bà nói rõ rằng sẽ không cân nhắc việc cắt giảm thuế quan.

"Điều tôi muốn nhấn mạnh là, vấn đề cơ bản mà chúng tôi đang thực sự cố gắng giải quyết vẫn còn tồn tại và chúng tôi cần tiếp tục nỗ lực để giải quyết vấn đề này". Bà nói: “Chúng tôi áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc vì những lo ngại tiềm ẩn về các hoạt động thương mại không công bằng, đặc biệt là những hành vi ảnh hưởng đến sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ”.

Bà Yellen cũng ám chỉ rằng sẽ tiếp tục giáng đòn vào Trung Quốc.

Bà cho biết chính quyền ông Biden sẽ hạn chế các đầu tư vào Trung Quốc, trọng điểm là "một số ngành thiểu số, đặc biệt là chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo". Tuy nhiên bà nói thêm rằng, "đây sẽ không phải là những hạn chế sâu rộng gây ảnh hưởng rộng rãi đến đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, hoặc theo quan điểm của tôi, sẽ không có tác động nào mang tính căn bản đến môi trường đầu tư của Trung Quốc".

“Những gì chúng tôi đang làm là thực hiện các biện pháp kiểm soát để bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và trong một số trường hợp là giải quyết các vi phạm nhân quyền cơ bản”, bà cho hay.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói thêm rằng "rất có khả năng" Hoa Kỳ sẽ thực hiện các hạn chế theo kế hoạch, nhưng không đưa ra thời gian biểu.

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển như thế nào nếu không có những con chip tiên tiến – bộ não của ngành công nghiệp hiện đại?

Vậy thì, trước tình huống nội công, ngoại kích và sự thất vọng chung của người dân trung Quốc, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tung ra những biện pháp gì trong thời gian tới và chúng sẽ mang lại kết quả gì? Hoa Kỳ sẽ có động thái mới nào? Hãy cùng chờ xem.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2023 đáng lo ngại, Bắc Kinh ra mắt ‘cỗ xe tam mã’ mới