Trung Quốc vượt mặt Mỹ khi chi mạnh tay cho lĩnh vực ‘AI hóa’ quân đội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Quốc hội Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang chi tiêu nhiều hơn Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo quân sự (AI).

Theo ông Alexandr Wang, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty phát triển phần mềm Scale AI, mặc dù tổng chi tiêu của Hoa Kỳ cho AI vượt quá chi tiêu của ĐCSTQ, nhưng nỗ lực này cũng không lớn bằng việc ĐCSTQ chú trọng vào các ứng dụng chiến tranh.

Trong phiên điều trần ngày 18/7 của Tiểu ban Dịch vụ Vũ trang, Công nghệ Thông tin và Đổi mới của Hạ viện, ông Wang cho rằng chi tiêu quân sự của Trung Quốc cao gấp 10 lần so với Hoa Kỳ (tính theo tỷ lệ phần trăm trong tổng chi tiêu).

Ông Wang nói: “Nếu quý vị coi đó là một tỷ lệ phần trăm trong khoản đầu tư quân sự của họ, thì [quân đội Trung Quốc] đang đầu tư từ 1 đến 2 % tổng ngân sách vào trí tuệ nhân tạo, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ đang đầu tư khoảng từ 0,1 và 0,2% ngân sách của họ để phát triển AI".

Trong năm tài chính 2022, ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ là khoảng 752 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 230 tỷ USD của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, nếu tỷ lệ phần trăm của ông Vương là chính xác, điều đó có nghĩa là ĐCSTQ đang chi từ 2,2 đến 4,4 tỷ USD cho AI quân sự, trong khi đó quân đội Mỹ chỉ chi khoảng 874 triệu USD.

Ông Wang lập luận rằng: “ĐCSTQ hiểu rõ tiềm năng của AI trong việc phá vỡ chiến tranh và đang đầu tư mạnh mẽ để tận dụng cơ hội này”.

AI mở ra ‘Kỷ nguyên chiến tranh mới’

Theo ông Wang, thế giới đang hướng tới một "kỷ nguyên chiến tranh mới", kỷ nguyên được "định nghĩa bởi AI" giống như cách Chiến tranh Lạnh được định nghĩa bởi bom nguyên tử.

Cuối cùng, ông tin rằng việc Hoa Kỳ hay Trung Quốc phát triển các năng lực AI quân sự mới trước tiên sẽ định hình mạnh mẽ con đường phát triển của toàn cầu.

Ông Wang nói: “Quốc gia nào có thể tích hợp các công nghệ mới vào chiến tranh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất sẽ giành chiến thắng”.

"Nếu Mỹ không giành chiến thắng trong cuộc đua AI, chúng ta có nguy cơ đánh mất ảnh hưởng toàn cầu, vị thế dẫn đầu về công nghệ và nền dân chủ vào tay các đối thủ chiến lược như Trung Quốc”, ông Wang lập luận.

Bà Haniyeh Mahmoudian, chuyên gia về đạo đức AI đến từ hãng DataRobot và là thành viên cố vấn của Hội đồng Cố vấn AI Quốc gia Mỹ, cho biết những bước tiến mới trong phát triển AI sẽ định hình mạnh mẽ hướng phát triển toàn cầu.

Do đó, ngoài việc tài trợ cho những tiến bộ trong công nghệ này, Hoa Kỳ cũng phải đầu tư vào các khuôn khổ pháp lý để giám sát sự phát triển của công nghệ, bà nói.

Bà Mahmoudian cho biết: “AI nắm giữ tiềm năng to lớn và đang ngày càng trở thành một phần của các chiến lược và hoạt động quân sự hiện đại, với khả năng tác động sâu sắc đến hiệu quả hoạt động và quá trình ra quyết định”.

“AI có tiềm năng biến đổi. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế này, điều quan trọng là phải thiết lập các khuôn khổ đạo đức và quy trình quản trị toàn diện để đảm bảo tính hiệu quả, độ tin cậy và vai trò giám sát của con người".

Mỹ có lợi thế tài chính và dữ liệu hơn so với Trung Quốc

Trong khi ĐCSTQ đang đầu tư số tiền kỷ lục vào AI quân sự của mình, thì chính phủ liên bang Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn nữa cho việc thuê ngoài các dự án AI cho khu vực tư nhân. Các khoản đầu tư vào các dự án AI của Bộ Quốc phòng Mỹ là một phần của kế hoạch đầu tư rộng lớn hơn của Washington với tổng trị giá hơn 3 tỷ USD.

Do đó, Hoa Kỳ có khả năng nắm giữ lợi thế tài chính so với ĐCSTQ, mặc dù chế độ này không công bố số tiền mà họ đang chuyển vào các công ty của chính mình để thực hiện các hoạt động như vậy.

Ông Wang, người trước đây đã đến thăm Trung Quốc trong một chuyến đi của nhà đầu tư cách đây 4 năm, tuyên bố rằng các khoản đầu tư đáng kể của chế độ này vào công nghệ giám sát, nhận dạng khuôn mặt và máy bay không người lái là bằng chứng đủ cho thấy cuộc đua sắp đến hồi kết thúc.

Ông Wang nói rằng Hoa Kỳ cũng duy trì một lợi thế khác: Chất lượng dữ liệu.

Theo ông Wang, Lầu Năm Góc thu thập hàng terabyte dữ liệu có thể sử dụng mỗi ngày, điều này sẽ cho phép họ đào tạo và tận dụng AI tốt hơn.

Ông Wang nhận xét: “Dữ liệu thực sự là vũ khí thúc đẩy năng lượng cho các nỗ lực quân sự trong tương lai của chúng ta”.

Trong khi đó, những nỗ lực đàn áp của Trung Quốc đối với người dân nước này đảm bảo rằng Bắc Kinh không có quyền truy cập vào dữ liệu mạnh mẽ và chính xác như Hoa Kỳ.

Ông Wang nói: “Họ có thể sẽ bóp nghẹt rất nhiều công nghệ vì không thể kiểm duyệt được”.

Mỹ - Trung chạy đua phát triển các hệ thống tự hành gây sát thương

Phiên điều trần của tiểu ban diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào hàng loạt công nghệ quân sự mới, trong đó quan trọng nhất là trí tuệ nhân tạo.

Mặc dù nhiều người Mỹ không biết về điều này, nhưng việc ĐCSTQ theo đuổi vũ khí do AI điều khiển và các nền tảng quân sự khác đã diễn ra trong nhiều năm. Tham vọng của họ đối với AI vượt xa cả những con robot sát thủ. Chế độ này cũng đang đầu tư để phát triển các khả năng AI liên quan đến việc ra quyết định, chỉ huy và kiểm soát quân sự.

Mục tiêu của ĐCSTQ là "trí tuệ hóa" - một sự chuyển đổi chiến tranh thông qua việc tích hợp hàng loạt AI, tự động hóa và dữ liệu lớn (big data).

Dựa trên tầm nhìn đó, cánh quân sự của ĐCSTQ đã ký hợp đồng với các công ty Trung Quốc như 4Paradigm để phát triển các mô hình ra quyết định AI và phần mềm hợp tác giữa người và máy nhằm sử dụng ở cấp doanh nghiệp và tiểu đoàn.

Các chương trình như vậy về cơ bản hướng tới một mục tiêu duy nhất: tái cấu trúc quân đội Trung Quốc thành một đội ngũ sĩ quan ngày càng tập trung, những người chỉ đạo các hệ thống tự trị do AI cung cấp để tích hợp vào thực chiến.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng đã hình dung ra một tương lai, trong đó người máy chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc xung đột.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley cho biết hồi đầu năm rằng ông tin rằng quân đội hùng mạnh nhất thế giới sẽ chủ yếu là người máy trong thập kỷ tới và ông muốn Hoa Kỳ đạt được mục tiêu này.

Để đạt được mục tiêu đó, Lầu Năm Góc đang thử nghiệm các phương tiện không người lái trên không, trên bộ và dưới biển mới, đồng thời tìm cách khai thác tính phổ biến của các công nghệ thông minh phi quân sự, từ đồng hồ đeo tay cho đến thiết bị theo dõi sức khỏe.

Mặc dù nỗ lực này chỉ mới đạt được sức hút, nhưng Tướng Milley đã tuyên bố từ năm 2016 rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ triển khai các lực lượng robot trên bộ đáng kể và tích hợp các khả năng AI vào năm 2030.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc vượt mặt Mỹ khi chi mạnh tay cho lĩnh vực ‘AI hóa’ quân đội