Hà Lan tiếp tục thắt chặt xuất khẩu máy đúc chip sang Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để kiềm chế tham vọng quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Hoa Kỳ đã và đang tìm cách đoàn kết với các đồng minh để hạn chế quyền tiếp cận các công nghệ bán dẫn quan trọng của chế độ này. Một đề xuất mới từ Hà Lan vào thứ Tư (8/3) sẽ càng hạn chế xuất khẩu máy đúc chip sang Trung Quốc.

Theo bức thư Bộ trưởng Ngoại thương của chính phủ Hà Lan gửi cho các nhà lập pháp hôm 8/3, các quy tắc dự kiến ​​sẽ được công bố trước mùa hè này. “Vì lý do an ninh quốc gia và quốc tế, Hà Lan cho rằng cần phải kiểm soát (xuất khẩu) công nghệ này càng sớm càng tốt”, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan Liesje Schreinemacher cho biết trong thư, theo Bloomberg.

Hà Lan là quê hương của gã khổng lồ quang khắc chip ASML. Công ty ASML là trọng tâm của cuộc chiến chip giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mà quang khắc lại là công nghệ cốt lõi trong ngành sản xuất chip, hiện tại ASML là công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất máy quang khắc siêu tia cực tím (EUV) – chiếc máy có thể khắc những đường mảnh nhất.

Nếu tính theo giá trị thị trường, ASML là công ty công nghệ lớn nhất Châu Âu và là nhà sản xuất duy nhất sở hữu công nghệ quang khắc hàng đầu thế giới. Trước áp lực từ Hoa Kỳ, kể từ năm 2019, chính quyền Hà Lan đã không phê duyệt cho ASML xuất khẩu máy quang khắc EUV sang Trung Quốc, và đề xuất mới nhất dự kiến sẽ cấm xuất khẩu các máy quang khắc tia cực tím sâu (DUV).

Trong ngành này, chip có kích thước nanomet một chữ số (như 7 nm) được coi là tiên tiến hơn chip nanomet hai chữ số (như 10 nm). Máy quang khắc EUV là máy phù hợp nhất để sản xuất chip nanomet một chữ số, còn DUV là đời máy thấp hơn.

Dùng máy quang khắc DUV sẽ yêu cầu nhiều lớp mặt nạ chắn sáng (photomask) hơn. Hơn nữa, hiệu quả hình khắc sẽ kém hơn, tỷ lệ sản phẩm bị lỗi sẽ cao hơn và giá thành của một con chip cũng sẽ cao hơn so với chip được đúc từ máy EUV. Nhưng trong một số trường hợp, máy DUV có thể được "gia tăng hiệu năng" khi kết hợp với các công nghệ khác, làm tăng giá trị chiến lược của chúng trong cuộc chiến giằng co công nghệ chip.

Trong một tuyên bố riêng vào ngày 8/3, ASML cho biết các biện pháp này sẽ "không gây tác động đáng kể" tới triển vọng tài chính của công ty trong năm 2023 hoặc lâu hơn. Nhưng công ty cho biết họ sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu cho lô hàng có lắp hệ thống DUV tiên tiến nhất.

Công ty cho biết: "Điều quan trọng là phải xem xét rằng, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung không áp dụng cho tất cả các công cụ quang khắc, mà chỉ áp dụng cho cái gọi là 'tiên tiến nhất’". Sau đó, ASML chỉ ra rằng họ vẫn chưa nhận được chỉ dẫn liên quan đến định nghĩa “tiên tiến nhất”.

Nếu phán đoán của ASML đúng, các quy tắc mới có thể không phù hợp với các hạn chế do Hoa Kỳ áp đặt đối với ngành công nghiệp thiết bị chip của chính họ.

Trước những thách thức quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan và những hành động khiêu khích hung hăng của nước này ở Biển Đông, Hoa Kỳ đang đẩy mạnh nỗ lực hạn chế Trung Quốc phát triển quân sự. Vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền ông Biden đã đưa ra các hạn chế xuất khẩu chip toàn diện và hạn chế người Mỹ đến Trung Quốc để giúp phát triển loại chip tiên tiến. Chính quyền ông Biden cũng hy vọng rằng Hà Lan và Nhật Bản có thể giúp ngăn chặn ngành công nghiệp của ĐCSTQ.

Vào tháng 1 năm nay, các quan chức Hà Lan và Nhật Bản đã đồng ý về nguyên tắc tham gia chiến dịch của Hoa Kỳ nhằm hạn chế ngành chip của Trung Quốc. Đây là ba quốc gia đi đầu trong ngành máy quang khắc.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hà Lan tiếp tục thắt chặt xuất khẩu máy đúc chip sang Trung Quốc