Kazuo Inamori: 5 quy tắc sống người thành công nhất định phải hiểu (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Doanh nhân Nhật Bản nổi tiếng Kazuo Inamori có những bài thảo luận rất hay về các quy luật của cuộc sống, hy vọng bạn sẽ thu được lợi ích sau khi đọc chúng.

1. "Tâm tưởng sự thành" là quy luật của vũ trụ

Kết quả của mọi việc được quyết định bởi cách chúng ta suy nghĩ về nó.

Nếu chúng ta luôn nghĩ "mình nhất định phải thành công", thì chắc chắn sẽ thành công. Nếu chúng ta nghĩ "có thể không được, có thể thất bại", thì sẽ thất bại.

Những điều chưa được gọi tên trong tâm sẽ không tự động đến với bạn, mọi hiện tượng xảy ra xung quanh bạn bây giờ chính là sự phản ánh nội tâm của chúng ta.

Vì vậy, không nên có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, ghét bỏ, ghen tị, nghi ngờ trong lòng. Không nghĩ về những thứ tiêu cực, tối tăm. Thay vào đó, hãy thường xuyên mơ ước và nghĩ về những điều tích cực, đẹp đẽ. Chỉ cần làm như vậy, cuộc sống thực của bạn sẽ trở nên tươi đẹp hơn.

Nói cách khác, tâm quyết định cuộc sống.

“Cuộc đời là sự phản chiếu của tâm, vạn vật do tâm sinh, vạn pháp do tâm tạo”. Đây không chỉ là tư tưởng của Phật giáo, mà các tôn giáo khác cũng có những giáo lý tương tự.

Tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng, tích phân của ba yếu tố "ý niệm", "nhiệt huyết" và "khả năng" là kết quả của cuộc đời và công việc. Trong ba yếu tố này, quan trọng nhất là "cách suy nghĩ".

Ảnh Pexels

Nhiệt huyết, khả năng, ý niệm và tư tưởng triết học của một người đều sẽ được phản ánh trong cuộc đời của họ. Tôi gọi điều này là "tâm tưởng sự thành".

Trong giáo lý Phật giáo có thuyết "nghiệp báo". Để làm rõ đạo lý này, tôi đã đưa ra nhiều ví dụ khác nhau. Trong đó, tôi trích dẫn nhiều nhất câu nói "ý niệm tạo nghiệp". Trong Phật giáo, "nghiệp" (Karma) chính là "nguyên nhân" trong thuyết nhân quả báo ứng.

Ý niệm là gốc rễ của nguyên nhân, có nhân tất có quả.

Nói cách khác, suy nghĩ và tư tưởng của một người rất quan trọng, tuyệt đối không được nuôi dưỡng ý niệm xấu. Đây chính là chân lý mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy cho thế nhân. Ngoài ra, người xưa ở Trung Quốc còn có câu nói: “Nhà nào tích đức tốt thì luôn được phước”. Nghĩa là: "Gia đình thường làm việc thiện, tích âm đức, ắt sẽ được thần may mắn che chở".

Chúng ta thường nói đến “Đức”, nói một cách đơn giản, “Đức” có nghĩa là “có tấm lòng vị tha”. Người có đức là người biết quan tâm và giúp đỡ người khác với lòng từ bi. Vì vậy, “sở hữu những tư tưởng triết học cao cả” không phải là điều kiện cần để trở thành người có đạo đức, chỉ cần bạn có thể kiên trì suốt đời cống hiến cho thế giới, xã hội thì bạn là người có đạo đức.

Mặc dù "vạn vật do tâm sinh, vạn pháp do tâm tạo", nhưng ý niệm không phải ngay lập tức được thể hiện. Chính vì vậy, ngay cả khi tôi cố gắng nhấn mạnh "tâm tưởng sự thành" là quy luật của vũ trụ, nhiều người vẫn khó chấp nhận và hiểu được. Ý niệm xấu không phải lập tức có thể kết thành quả xấu, ý niệm tốt cũng không phải lập tức có thể kết thành quả tốt, vì vậy người đời thường khó tin vào thuyết nhân quả báo ứng.

Nhưng nếu chúng ta nhìn vào nó trong khoảng thời gian khoảng 30 năm, thì tình hình sẽ khác. Người lớn tuổi có thể nhìn lại quỹ đạo cuộc đời của mình từ khi còn trẻ đến hiện tại trong khoảng thời gian 20 hoặc 30 năm, họ cũng có thể nhìn cuộc sống của người khác theo cách tương tự để biết họ ngày xưa và bây giờ như thế nào. Có người từ nhỏ đã gặp nhiều trắc trở, nửa chừng cuộc đời lại thay đổi vận mệnh, về già lại trở nên bần hàn túng quẫn; có người từ nhỏ đã sống trong cảnh giàu sang, hạnh phúc, nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường, lại phải lao động vất vả, chịu nhiều khổ cực.

Mỗi người có một cuộc đời khác nhau, nhưng chỉ cần nhìn theo một khoảng thời gian nhất định, ta sẽ nhận ra rằng, ngắn thì 10 năm, dài thì 30 năm, tâm thái và kết quả thường phù hợp với nhau. Bởi vậy, sở dĩ tôi nhấn mạnh "tâm tưởng sự thành" không phải là muốn tuyên truyền thuyết duy tâm, "ý nghĩ có thể thành hiện thực ngay lập tức", mà là kêu gọi mọi người "nhìn vấn đề với tầm nhìn dài hạn".

Nói tóm lại, nếu nhìn lại cả cuộc đời của một người, ta sẽ hiểu được đạo lý "tâm tưởng sự thành" là chân thực không giả. Tôi nghĩ, đây là quy luật của thế gian.

2. Thay đổi cách suy nghĩ có thể thay đổi cuộc đời

Làm thế nào để cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn? Tôi giải thích bằng phương trình sau:

Kết quả của cuộc sống và công việc = Cách suy nghĩ × Nhiệt huyết × Khả năng

Nói cách khác, kết quả của cuộc sống và công việc được tạo ra bằng cách nhân ba yếu tố trên chứ không phải cộng.

Ảnh Pexels

Đầu tiên, cái gọi là năng lực, cũng có thể nói là tài năng, chỉ số thông minh, hơn phân nửa là tư chất bẩm sinh, bao gồm sức khoẻ cùng với có được thần kinh vận động.

Còn nhiệt huyết là mức độ hăng say và nỗ lực trong công việc, đây là yếu tố hậu sinh, có thể được kiểm soát bởi ý chí của bản thân.

Cả hai yếu tố này đều có thể được đánh giá trong phạm vi từ 0 đến 100 điểm.

Bởi vì là mối quan hệ tương hỗ với nhau, người có khả năng nhưng thiếu nhiệt huyết sẽ không đạt được kết quả tốt. Ngược lại, người có khả năng tương đối yếu, nhưng nhận thức được những thiếu sót của mình và nỗ lực cố gắng, luôn tràn đầy nhiệt huyết trong cuộc sống và công việc thì sẽ đạt được những thành tựu vượt xa những người lười biếng có khả năng.

Điều quan trọng nhất trong ba yếu tố đó là “cách suy nghĩ”. Thậm chí có thể nói “cách suy nghĩ” quyết định kết quả cuộc đời.

Thuật ngữ "cách suy nghĩ" hơi chung chung, nó đề cập đến tâm lý và thái độ của một người đối với cuộc sống, đồng thời cũng bao gồm triết học, ý tưởng, suy nghĩ, v.v.

Tại sao "cách suy nghĩ" lại quan trọng nhất, bởi vì nó có điểm tích cực và tiêu cực, nó có thể được chấm dưới 0, có thể được chấm từ âm 100 điểm đến cộng 100 điểm.

Vì vậy, như đã nói trước đây, khả năng mạnh, nhiệt huyết cao, nhưng "cách suy nghĩ" sai hướng, "cách suy nghĩ" là giá trị âm, vì ba yếu tố là mối quan hệ nhân với nhau, kết quả sẽ dẫn đến một giá trị âm tương ứng.

Nói ra mà không sợ bị chê cười. Khi tốt nghiệp đại học, tôi gặp khó khăn khi tìm việc làm, bởi vì không có phương pháp nên nhiều kỳ thi tuyển dụng tôi đều không trúng tuyển.

Vì không thể xin việc bình thường, tốt nhất là tôi nên trở thành một thành viên xã hội đen "có học thức". Trong xã hội bất công nơi kẻ yếu bị thiệt thòi, gia nhập xã hội đen coi trọng nghĩa khí có lẽ sẽ thành công hơn. Lúc đó tôi đã ôm ấp tâm lý lệch lạc này và suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.

Lúc đó nếu quả thật đi theo con đường đó, có lẽ tôi đã trở thành một thủ lĩnh băng đảng nhỏ có chút danh tiếng. Tuy nhiên, dù có quyền lực đến đâu trong tổ chức đó, bởi “lối suy nghĩ” lệch lạc và tiêu cực, thì không thể có một cuộc sống hạnh phúc.

Vậy "cách suy nghĩ" tích cực là gì? Câu hỏi này không cần suy nghĩ quá phức tạp, chỉ cần dựa vào phán đoán của lẽ thường là được.

Ảnh Pexels

Luôn tích cực; mang tính xây dựng; có lòng biết ơn; phối hợp và làm việc tốt với người khác; Tính cách cởi mở, có thái độ tích cực đối với sự vật; Vui vẻ và tích cực trong mọi việc; Đầy thiện chí, có lòng trắc ẩn, lòng yêu thương; Siêng năng; Biết đủ; Không ích kỷ, không tham lam; v.v.

Những thuật ngữ này dường như là những lời sáo rỗng, những khẩu hiệu được dán trong các lớp học tiểu học, là những quan điểm đạo đức, luật lệ đạo đức đơn giản.

Chính những điều này mới là những chân lý tuyệt đối không thể bỏ qua, chúng ta không chỉ phải hiểu bằng đầu óc mà còn phải để chúng chiếm lấy tâm hồn, trở thành máu thịt của chúng ta.

3. Khi bạn cảm thấy khó khăn và thách thức, đó là lúc công việc bắt đầu

Từ "thách thức" nghe có vẻ rất phấn chấn và đầy khí thế. Nhưng để đạt được thành công trong một công việc mới, cần phải có tinh thần "phải làm cho bằng được".

Nếu không có tinh thần này, chỉ nói suông "thách thức" mà không làm gì thì chỉ là những lời nói sáo rỗng.

Theo tôi, chỉ những người có thể kiên cường nỗ lực và quyết tâm vượt qua khó khăn, bất kể gặp phải khó khăn gì, mới có thể theo đuổi những công việc mang tính thách thức.

Khi gặp nhiều khó khăn và áp lực khác nhau, chúng ta có xu hướng lùi bước hoặc thay đổi niềm tin ban đầu và thỏa hiệp.

Năng lượng để vượt qua những khó khăn và áp lực đó đến từ tinh thần không chịu khuất phục của người trong cuộc. "Không thể thất bại, nhất định phải thành công". Phải thắp lên tinh thần chiến đấu mãnh liệt như vậy.

Ảnh Pexels

Trong nội bộ Kyocera thường nói: "Khi cảm thấy không ổn, công việc mới bắt đầu”.

Bất kể gặp phải khó khăn gì, cũng quyết không bỏ cuộc, kiên cường không ngừng, liên tục gặp gỡ khách hàng, nỗ lực để có được đơn hàng. Nếu ví dụ về sự nỗ lực này, đó là "nhỏ giọt xuyên đá".

Có nghĩa là, chỉ một giọt nước không thể xuyên qua đá, nhưng chỉ cần nó tiếp tục không ngừng thì ngay cả những giọt nước nhỏ cũng có thể xuyên qua đá.

Với ý chí mạnh mẽ như vậy, liên tục thách thức, cuối cùng chắc chắn sẽ tạo ra một con đường riêng.

Thực tế, Kyocera, không có uy tín, không có thành tích, cũng không thuộc bất kỳ tập đoàn nào, đã nhận được đơn hàng từ những công ty mà dường như không thể có được đơn hàng. Ngoài ra, Kyocera cũng nhận được đơn hàng từ các công ty điện tử lớn khác.

Kyocera là một trong những công ty sử dụng sự kiên trì của mình để thách thức những tình huống khó khăn và đạt được những đơn đặt hàng được coi là không thể.

Hơn nữa, dù đơn hàng có kỹ thuật đến đâu, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để giao hàng đúng thời gian đã thỏa thuận. Bằng cách này, chúng tôi tiếp tục phát triển khách hàng mới và không ngừng cải thiện hiệu suất của mình.

Lúc này, điều quan trọng là hãy tin vào khả năng của bản thân và tiếp tục khám phá các giải pháp.

Cho đến nay, bất kể gặp phải khó khăn gì, tôi đều nghĩ: "Cách làm trước đây có thể không hiệu quả, nhưng chắc chắn sẽ có thể tìm ra những cách khác, tạo ra một con đường riêng”.

Tiếp tục suy nghĩ cách giải quyết bế tắc. Cho dù đối mặt với tình huống khó khăn như thế nào, cũng phải vắt óc suy nghĩ, suy nghĩ mọi điều kiện, khám phá ra phương pháp cụ thể để vượt qua khó khăn.

Muốn thành công trước thử thách, bạn phải chăm chỉ đổi mới như thế này, tức là nghĩ ra những cách cụ thể để giải quyết vấn đề, đồng thời duy trì thái độ “không bao giờ bỏ cuộc”.

Ảnh Pexels

Cái gọi là thử thách không chỉ là lòng dũng cảm, cũng không phải chỉ là sự kiên trì, cũng không chỉ là niềm tin vào những khả năng. Chúng ta phải suy nghĩ thông qua các chiến lược cụ thể về cách giải quyết các tình huống khó khăn.

Bất kể gặp phải khó khăn gì, cũng phải tin tưởng vào khả năng của bản thân, quyết không bỏ cuộc, kiên trì không ngừng, suy nghĩ liên tục, nghiên cứu và đổi mới, "thử cách này, thử cách kia", chỉ cần nỗ lực không kém bất kỳ ai, mới có thể mở ra tình huống khó khăn, từ đó thách thức và đạt được thành công.

Theo Vương Hách - Aboluowang - Nguồn: Điều hành và Quản lý
Nguyên Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kazuo Inamori: 5 quy tắc sống người thành công nhất định phải hiểu (Phần 1)