Kinh tế suy thoái, khó tìm việc làm, thanh niên Trung Quốc đi bái Phật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do suy thoái kinh tế, thanh niên Trung Quốc ngày càng khó tìm việc làm, nhiều thanh niên đã lên chùa lễ Phật, cầu phúc. Hành động này tiếp tục là chủ đề được cư dân mạng thảo luận sôi nổi.

Theo Reuters, vào tháng Ba năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 - 24 tuổi ở Trung Quốc lên tới 19,6% (đây mới chỉ là số liệu do chính quyền công bố), cao gần bằng mức kỷ lục của năm ngoái. Năm 2023, ước tính Trung Quốc sẽ có 11,58 triệu người tốt nghiệp đại học và áp lực việc làm sẽ càng tăng.

Giới trẻ đi chùa để giải tỏa áp lực cuộc sống

Bài báo chỉ ra rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao đã dẫn đến tình trạng hàng dài người xếp hàng quanh các ngôi chùa ở Trung Quốc. Ngoài tìm việc khó, những người trẻ tuổi còn phải lo lắng về tiền thuê nhà, vì vậy họ chen nhau lên chùa bái Phật. Bên cạnh việc cầu mong công việc thuận buồm xuôi gió, họ còn cầu cho tâm an.

Wang Xiaoning, một thanh niên Trung Quốc 22 tuổi, nói với Reuters rằng vấn đề tìm việc làm và tiền thuê nhà khiến anh rất căng thẳng, anh hy vọng tìm được sự bình yên trong chùa.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, một thạc sĩ chuyên ngành quy hoạch đô thị 25 tuổi đến từ Chiết Giang muốn giấu tên cho biết, kể từ tháng Hai, trung bình mỗi ngày cô nộp 10 đơn xin việc nhưng vẫn chưa tìm được công việc ưng ý. Cô cho biết, hầu hết các nơi đều đệ nghị mức lương tháng từ 2.000 - 3.000 nhân dân tệ (7 - 10 triệu VND), có nơi còn yêu cầu làm thêm giờ "vô lý", cô đều từ chối.

Cô nói: "Tôi không tin mình sẽ tìm được công việc lý tưởng. Tôi đã đến gặp bác sĩ tâm lý vài lần vì quá âu lo và chán nản".

Du lịch chùa chiền thành xu hướng trong giới trẻ Trung Quốc

Theo dữ liệu từ "Ctrip", một nền tảng bán vé trực tuyến ở Trung Quốc, kể từ tháng Hai năm nay, có tới gần 50% số người đặt vé tới các danh lam thắng cảnh chùa chiền là thanh niên thế hệ 9x và 2000.

Theo dữ liệu “Top các điểm du lịch” mùa xuân năm 2023 do “Mafengwo” công bố hồi cuối tháng Ba, độ phổ biến của “chùa chiền” đã tăng trung bình 138%, trong đó Chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu là ngôi chùa được giới trẻ quan tâm nhất. “Mafengwo” là trang thông tin giải trí và du lịch hàng đầu ở Trung Quốc, đây cũng là một ứng dụng du lịch được giới trẻ Trung Quốc sử dụng nhiều.

Tối ngày 15/02/2018, người dân thắp hương cầu phúc trong một ngôi chùa ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh minh họa từ Johannes Eisele/AFP via Getty Images)

Mạng xã hội Weibo của Trung Quốc xuất hiện rất nhiều chủ đề bàn luận về chùa chiền như: "Tại sao du lịch chùa chiền lại phổ biến?", "Tại sao giới trẻ thích đi chùa?", v.v.

Trên các nền tảng video như Douyin (TikTok phiên bản nội địa Trung Quốc) và Bilibili, có rất nhiều chủ đề về các tình nguyện viên trong chùa và các chuyến tham quan chùa.

Còn trên mạng xã hội Xiaohongshu, có gần 1 triệu bài đăng liên quan đến chùa chiền, mạng xã hội này còn đặc biệt mở thêm một chuyên mục mới là "Du lịch chùa chiền".

Theo một bài báo trên kênh truyền thông 36kr của Trung Quốc, một cư dân mạng sống ở khu đô thị loại II chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình như sau: "Khi tôi đến chùa vào thứ Bảy, tôi thấy rằng hơn 90% trong số họ là những người trẻ tuổi. Tôi tưởng rằng mọi người chỉ đến vãn cảnh, không ngờ rằng họ đang nghiêm túc lễ Phật".

Bài báo chỉ ra rằng, trong thời kỳ hậu dịch bệnh, đối với những người trẻ tuổi vẫn còn phải lo lắng về việc học lên cao, thi cử, thi công chức, tìm việc làm… thì việc đi lễ chùa có thể là một niềm an ủi tinh thần.

Cơ quan ngôn luận của chính quyền: Cầu Thần Phật không đáng tin cậy

Trước việc ngày càng có nhiều thanh niên đi chùa bái Phật, tờ The Beijing News của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng một bài bình luận vào ngày 21/3 nói rằng: "Dù sao thì cầu Thần khấn Phật cũng không đáng tin cậy”. "Nếu người trẻ tuổi quá sa đà, coi lực lượng siêu tự nhiên là lời giải đáp, mà từ bỏ nỗ lực tự thân, từ bỏ những phấn đấu trong thế giới hiện thực, e rằng sẽ thành được cái nhỏ mà mất cái lớn”.

ĐCSTQ tự nhận là theo thuyết vô Thần. Ngay từ đầu, chế độ này đã lấy thuyết vô Thần làm nền tảng phát triển, không chỉ cưỡng chế những người trong tổ chức của nó không được phép tin vào Thần, mà còn phá hoại tôn giáo, đem thuyết vô Thần nhồi nhét vào tài liệu giảng dạy, khiến nhân dân Trung Quốc bị tẩy não.

Hồng vệ binh đập phá tượng Phật trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. (Ảnh tổng hợp)
Hồng vệ binh của ĐCSTQ đập phá tượng Phật trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. (Ảnh tổng hợp)

Trong thời Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã phá hủy các địa điểm tôn giáo, cưỡng ép những người xuất gia hoàn tục. ĐCSTQ còn để cho những kẻ bại hoại tôn giáo lên nắm quyền, đề bạt một lượng lớn những kẻ háo sắc tham lam lên làm trụ trì, phá hủy đức tin từ bên trong.

Ông Thái Khả Phong, cựu Hội trưởng Hội Nhà văn Hoa kiều (Overseas Chinese Writers Association) tại New York, Mỹ nói rằng, mặc dù ĐCSTQ tuyên truyền thuyết vô Thần nhưng cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông và các quan chức cấp cao khác lại tin vào quỷ Thần hơn bất cứ ai.

Ông nói: “ĐCSTQ [tự cho là] làm gì cũng đều ‘vĩ đại, quang vinh, chính xác’, mục đích là muốn mọi người sùng bái ĐCSTQ như một vị Thần, coi bản thân ĐCSTQ là Thần. Nếu bạn không tin, ĐCSTQ liền phê phán bạn là phản cách mạng, chống Đảng, và công kích bạn nặng nề”.

Bài bình luận trên The Beijing News đã bị nhiều cư dân mạng phản bác lại:

  • “Chúng tôi đi tìm một nơi để gửi gắm, nương tựa tinh thần còn hơn uống bát canh gà có độc mà các ông ban phát”.
  • “Nhìn lại xem, là ai bức ai, ai khiến đất nước thành ra thế này?”.
  • "Khi niềm tin đã tan vỡ, chỉ có thể thay một tín ngưỡng khác. Không thể bắt người khác mãi tin vào các ông phải không? [Các ông] thực sự tưởng rằng có thể kiểm soát suy nghĩ của mọi người sao?".
  • "Cơ quan ngôn luận lấy quyền gì mà chỉ tay năm ngón vào niềm tin, tín ngưỡng và hành vi của người khác?".
  • "Nếu đi học, đi làm, nỗ lực vươn lên mà thật sự hữu dụng thì người ta còn phải đi thắp hương làm gì? Thay vì nghĩ xem tại sao người trẻ lại nằm thẳng, lại hướng tới Thần Phật, họ lại chỉ trích một cách trịch thượng".

"Nằm thẳng" là một thuật ngữ phổ biến trên Internet Trung Quốc từ năm 2021. Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh thi hành chính sách Zero Covid cực đoan khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, người dân bị cùm chân không thể đi lại làm ăn, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… “nằm thẳng” là cách để những người trẻ tuổi thuộc thế hệ 9x và 2000 bày tỏ thái độ thất vọng với hiện thực, thay vì kiên trì phấn đấu và chạy theo kỳ vọng của xã hội.

"Nằm thẳng" được coi là một cách để chống lại vòng xoáy của xã hội, cụ thể là họ không mua nhà, không mua xe, không yêu đương, không kết hôn, không sinh con, tiêu dùng ở mức thấp, duy trì mức sống tối thiểu, và từ chối làm cỗ máy kiếm tiền cho chính quyền.

Theo NTD và The Epoch Times

Minh Lý biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế suy thoái, khó tìm việc làm, thanh niên Trung Quốc đi bái Phật