Mỡ nội tạng: ‘Thủ phạm’ đằng sau hàng loạt căn bệnh mãn tính nghiêm trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đa số mọi người chỉ chú ý tới mỡ máu hoặc mỡ dưới da mà không hiểu rõ về mức độ nghiêm trọng của mỡ nội tạng, vốn là tác nhân tạo thành nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Mỡ cơ thể chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng trọng lượng của mỗi người, tuỳ thuộc vào giới tính, sức khoẻ và cấu trúc hình dáng mà tỷ lệ này có thể dao động ở mức lớn nhỏ khác nhau.

Thông thường, lượng mỡ trong cơ thể của phụ nữ chiếm khoảng 15-30% trọng lượng, tỷ lệ này ở nam giới là 10-25%.

Tuy nhiên, đa số mọi người chỉ chú ý tới mỡ máu hoặc mỡ dưới da mà không hiểu rõ về mức độ nghiêm trọng của mỡ nội tạng, vốn là tác nhân tạo thành nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Vậy mỡ dưới da và mỡ nội tạng là gì?

  • Mỡ dưới da tích tụ bên dưới lớp biểu bì của da, góp phần vào cấu trúc và hình dáng cơ thể. Thông thường, lớp mỡ này có thể tìm thấy ở bụng, mông, đùi và các khu vực khác.
  • Mỡ nội tạng tích tụ xung quanh các nội tạng như tim, gan, phổi và ruột non. Không giống như mỡ dưới da, mỡ nội tạng rất khó để nhìn thấy hoặc cảm nhận từ bên ngoài.

Như vậy, mỡ cơ thể sẽ bao gồm hai thành phần, trong đó mỡ nội tạng chiếm một tỷ lệ nhất định, nhưng có thể khác nhau ở mỗi người. Đôi khi, loại mỡ này có thể chiếm đến 10-20% tổng lượng mỡ trong cơ thể.

Chất béo trong cơ thể khá linh hoạt, chúng có khả năng tạo ra các hoá chất và kích thích các yếu tố gây độc. Đặc biệt, mỡ nội tạng sản sinh ra nhiều chất này hơn, nên độ nguy hiểm của chúng càng tăng lên đáng kể.

Đa số những người thừa cân có nhiều mỡ nội tạng, nhưng người gầy cũng không được phép chủ quan. Thực tế cho thấy, người gầy có nhiều mỡ nội tạng cũng đối mặt với một loạt các nguy cơ sức khoẻ.

Một nữ bệnh nhân (30 tuổi, ở Hải Dương) thường xuyên cảm thấy bị đau tức vùng mạn sườn bên phải, chán ăn, ăn không ngon miệng, khó tiêu và mệt mỏi. Chị vào viện để kiểm tra sức khoẻ.

Thông qua nội soi, siêu âm và chụp CT, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm dạ dày cấp, mỡ ruột và gan nhiễm mỡ độ 3-4. Bệnh nhân cho biết chị rất bất ngờ và không tin vì cân nặng luôn ở mức ổn định, chưa bao giờ vượt quá 50kg, chiều cao 1m60, vòng eo thon thả.

Nguyên nhân dẫn đến mỡ nội tạng

Nguyên nhân khiến một người có nhiều mỡ nội tạng, thường là:

  • Lượng calo nạp vào nhiều hơn lượng calo bị đốt cháy, chủ yếu do ít vận động.
  • Khi phụ nữ ngày càng lớn tuổi, đặc biệt sau thời kỳ mãn kinh, khối lượng cơ trong cơ thể ít đi và lượng mỡ tăng lên, tập trung phần lớn ở vùng bụng.
  • Đối với nam giới, sự phát triển của mỡ nội tạng có sự ảnh hưởng không nhỏ của tuổi tác và di truyền.
  • Ngoài ra, uống nhiều rượu bia cũng có thể làm tăng tỷ lệ mỡ nội tạng trong cơ thể.
  • Cuối cùng, chế độ ăn uống kém, nhiều đường và carbohydrate đơn (cơ thể chuyển hoá nhanh chóng thành đường) làm tăng nguy cơ phát triển bệnh béo phì hoặc một số bệnh khác liên quan đến chuyển hóa cơ bản.

Cleveland Clinic cho biết, fructose, hay đường, làm cho các tế bào mỡ phát triển nhanh hơn, đặc biệt là trong mỡ nội tạng. Một chế độ ăn uống với nước ngọt hoặc đồ uống có chứa đường fructose không chỉ làm tăng lượng calo mà còn tác động đến quá trình phát triển mỡ bụng.

Tác hại của mỡ nội tạng đối với cơ thể

So với mỡ dưới da, mỡ nội tạng gây hại cho sức khoẻ nhiều hơn. Khi tình trạng kéo dài, loại mỡ này có thể:

  • Tăng nguy cơ kháng insulin. Chất béo trong mỡ nội tạng tiết ra, làm tăng sự liên kết giữa các loại protein với retinol, dẫn đến kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, ngay cả khi một người chưa mắc tiểu đường hay chỉ mới tiền tiểu đường thì tình trạng này vẫn có thể xuất hiện.
  • Ức chế hoạt động của hormone chất béo. Các hormone chất béo như adiponectin hoạt động như một chất điều chỉnh chất béo. Khi cơ thể thừa cân quá mức, có thể làm suy giảm lượng hormone này.
  • Tăng phản ứng viêm. Tế bào mỡ giải phóng các cytokine gây viêm, khiến bệnh trầm trọng hơn. Mỡ nội tạng cản trở quá trình đào thải độc tố, gây nên các bệnh nghiêm trọng như đột quỵ, đái tháo đường, tim mạch, ung thư đại trực tràng…
  • Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Cytokine viêm sản sinh từ chất béo là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch và rối loạn viêm nhiễm khác. Khi gan bị viêm, nó không thể chuyển hoá hoặc đào thải hiệu quả cholesterol và chất độc, khiến động mạch bị tích tụ mảng bám.
  • Mỡ nội tạng trong cơ thể chiếm tỷ lệ quá lớn cũng tiềm ẩn các vấn đề sức khoẻ như sa sút trí tuệ, bệnh Gout, hen suyễn, viêm xương khớp, đau lưng, ung thư vú, Alzheimer…

Mỡ nội tạng tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy, nhưng nó không dễ phát hiện bằng mắt thường, liệu có cách nào để nhận biết hay không?

Theo trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, nếu nữ giới có chu vi vòng eo từ 90cm trở lên và ở nam giới từ 101,6 cm trở lên, thì người đó có nhiều khả năng gặp các vấn đề sức khoẻ khác nhau do mỡ nội tạng gây ra.

Giảm mỡ nội tạng như thế nào?

Nhìn chung, việc giảm mỡ nội tạng không đòi hỏi bạn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cố định hay thực hiện các bài tập đặc biệt để loại bỏ mỡ bụng. Tuy nhiên, việc áp dụng chế độ sinh hoạt hợp lý và vận động thường xuyên vẫn đóng vai trò chủ chốt để giúp vóc dáng cân đối và sức khoẻ tốt hơn.

Một số khía cạnh bạn có thể thực hiện để loại bỏ mỡ nội tạng, bao gồm:

    • Tập thể dục và vận động thường xuyên: Không cần phải tập luyện quá nặng, bạn có thể đi dạo sau bữa tối, leo cầu thang, đạp xe... Mỗi ngày 30 phút, mỗi tuần 150 phút. Bạn cũng có thể cân nhắc kết hợp với các bài tập cardio giúp làm tăng nhịp tim và các bài tập rèn luyện sức mạnh để giữ gìn và xây dựng cơ bắp; ví dụ tập tạ, chống đẩy, squat, bơi lội…
    • Chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn uống thông minh: Lựa chọn thực phẩm sạch, ăn nhiều trái cây và rau củ tươi, uống đủ nước. Chế độ ăn nhiều canxi và vitamin D có thể góp phần làm giảm chất béo nội tạng. Ưu tiên các sản phẩm tươi, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc như thịt gà không da, cá, trứng, đậu và sữa ít béo.
  • Hạn chế đồ uống ngọt, rượu bia, cà phê…
  • Ngủ sớm dậy sớm, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.
  • Căng thẳng kéo dài làm tăng nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể: Hormone cortisol do căng thẳng sinh ra có thể làm tăng hàm lượng chất béo bên trong nội tạng. Do đó, hạn chế căng thẳng là một khía cạnh quan trọng để ngăn ngừa tăng cân và mắc các bệnh mãn tính khác. Một vài biện pháp giúp giảm căng thẳng gồm có thiền định, nghe nhạc, đọc sách, ngắm nhìn cây xanh, sóng biển hoặc thiên nhiên…
  • Tránh tối đa các loại thực phẩm làm tăng mỡ bụng. Các thực phẩm như thịt chế biến sẵn, đồ chiên rán rất nhiều chất béo chuyển hoá. Chất béo chuyển hóa làm tăng nồng độ cholesterol xấu và giảm nồng độ của cholesterol tốt, khiến cho chất béo dư thừa không thể tự bài tiết ra ngoài cơ thể, dẫn đến tăng cân khó kiểm soát. Còn có các loại kẹo, bánh và thực phẩm chứa đường fructose. Khi xem nhãn thành phần, nếu có “dầu hydro hoá một phần” hoặc “xirô ngô có hàm lượng fructose cao”, bạn không nên ăn.

Bảo Vy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Mỡ nội tạng: ‘Thủ phạm’ đằng sau hàng loạt căn bệnh mãn tính nghiêm trọng