Một loại virus phổ biến nổi lên như thủ phạm tiềm tàng gây ra bệnh Alzheimer

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nỗi kinh hoàng thầm lặng của căn bệnh Alzheimer khiến hàng triệu người đang dần bị đánh cắp ký ức và khả năng nhận thức.

Tuổi cao và yếu tố di truyền từ lâu đã được xác định là những yếu tố nguy cơ đối với bệnh Alzheimer, nghiên cứu mới đã phát hiện ra một thủ phạm đáng ngạc nhiên - và rất phổ biến - có thể góp phần làm suy giảm nhận thức: Virus herpes simplex, thường gây ra mụn rộp khó chịu.

Virus Herpes Simplex có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc Alzheimer

Trong một nghiên cứu của Thụy Điển được công bố vào tháng 2 trên tạp chí Bệnh Alzheimer, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra một nhóm gồm hơn 1.000 người ở độ tuổi 70, khỏe mạnh về nhận thức trong hơn 15 năm.

Những người tham gia được đánh giá ban đầu, sau đó đánh giá lại ở độ tuổi 75 và 80, hồ sơ sức khỏe của họ được theo dõi đến năm 85 tuổi.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu máu để phát hiện các dấu hiệu nhiễm virus herpes simplex (HSV) type 1 và 2 trước đó, cũng như sự hiện diện của đột biến gen apolipoprotein E4 (APOE 4), có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng cao.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người từng bị nhiễm HSV-1 tại một khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ gấp đôi so với những người chưa từng nhiễm.

Mặc dù nghiên cứu này bổ sung cho các kết quả tương tự từ những nghiên cứu trước đó, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên liên kết HSV-1 với suy giảm nhận thức ở nhóm người cùng độ tuổi.

Điều này làm cho "kết quả thậm chí đáng tin cậy hơn vì những khác biệt về tuổi tác, vốn thường liên quan đến sự phát triển của chứng mất trí nhớ, không thể làm sai lệch kết quả", Erika Vestin, một sinh viên y khoa tại Đại học Uppsala và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố báo chí. "Ngày càng có nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu, giống như kết quả nghiên cứu của chúng tôi, cho thấy virus herpes simplex là một yếu tố nguy cơ gây bệnh mất trí nhớ".

Nhiễm trùng herpes rất phổ biến ở Hoa Kỳ, với 50-80% người trưởng thành bị nhiễm herpes miệng do HSV-1 gây ra, có thể khiến mụn rộp hoặc mụn nước xuất hiện trong hoặc xung quanh miệng.

Chuyên gia: Vẫn chưa có bằng chứng dứt khoát

Mặc dù việc nghiên cứu về mối liên hệ giữa virus và các vi sinh vật gây bệnh khác trong não và đường ruột không phải là mới, nhưng các chủ đề này hiện đang trở nên “nóng” hơn trong lĩnh vực thần kinh học, Stefania Forner, giám đốc quan hệ y tế và khoa học của Hiệp hội Alzheimer, nói với The Epoch Times.

Một trong những câu hỏi chính đang được nghiên cứu là liệu các vi sinh vật này có đóng vai trò tích cực, gây ra bệnh hay chúng "xâm nhập não một cách cơ hội", tận dụng những tổn thương do Alzheimer gây ra, bà lưu ý.

Tuy nhiên, hiện tại không có bằng chứng chắc chắn về mối quan hệ nhân quả giữa các vi sinh vật này và bệnh Alzheimer, bà Forner nói. Bệnh Alzheimer là một bệnh phức tạp với nhiều yếu tố góp phần, và nhiều nguyên nhân có thể tạo ra nền tảng sinh học của bệnh, bà nói thêm.

Nghiên cứu mới không chứng minh rằng virus herpes gây ra khởi phát hoặc góp phần vào sự tiến triển của bệnh Alzheimer, cũng không cho thấy điều trị kháng virus có thể điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng này, theo bà Forner.

Bà nói thêm: "Số lượng người tham gia nghiên cứu vẫn nhỏ và cần nghiên cứu thêm ở những nhóm dân số ít được đại diện trong lịch sử. Nhìn chung, cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa nhiễm virus và sức khỏe não bộ".

Tầm quan trọng của việc hiểu rõ mối liên hệ giữa virus với các phương pháp điều trị trong tương lai

Bà Forner nói: "Theo thời gian, chúng tôi biết rằng hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong nền tảng sinh học của bệnh Alzheimer. Do đó, ngày càng có nhiều thử nghiệm lâm sàng nhắm vào các cơ chế liên quan đến miễn dịch".

Virus herpes simplex đã được tìm thấy trong não của một số người mắc bệnh Alzheimer và nó có thể liên quan đến sự tích tụ gia tăng các mảng beta-amyloid và các đám rối tau, hai trong số những thay đổi não đặc trưng của bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên, việc hiểu các mối liên hệ tiềm ẩn giữa virus, vi khuẩn và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer có thể mở ra những hướng đi mới cho việc phát triển phương pháp điều trị.

Ví dụ, bà Forner chỉ ra việc Hiệp hội Alzheimer tài trợ cho một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 thông qua sáng kiến ​​Part the Cloud.

Thử nghiệm này điều tra xem liệu thuốc kháng virus có thể làm giảm những thay đổi trong não, cùng các triệu chứng về nhận thức hoặc trí nhớ ở bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nhẹ hay không.

COVID-19 làm tăng thêm tính cấp thiết để tìm hiểu tác động của virus lên não bộ

Virus herpes simplex không phải là mầm bệnh duy nhất được cho là làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức.

Nghiên cứu từ năm 2022 cho thấy những người sống sót sau khi nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn đáng kể trong vòng 360 ngày (kể từ thời điểm được chẩn đoán COVID-19), đặc biệt là những người từ 85 tuổi trở lên và phụ nữ.

Vào năm 2023, một tổng quan toàn diện về các nghiên cứu được công bố đã điều tra khả năng xâm nhập trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương của virus, phát hiện bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể liên quan đến các bệnh thoái hoá thần kinh.

Đại dịch COVID-19 đã "làm tăng tính cấp thiết" để hiểu cách virus có thể ảnh hưởng đến não, bà Forner nói.

Hiệp hội Alzheimer đang đáp ứng tính cấp bách này bằng cách tham gia vào Mạng lưới Nghiên cứu Quốc tế về Tác động của SARS-CoV-2 đến Hành vi và Nhận thức.

Mạng lưới này bao gồm các nhà lãnh đạo khoa học và đại diện từ sáu châu lục cùng hợp tác, với sự hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để theo dõi tác động lâu dài của COVID-19 lên não.

Theo George Citroner - The Epoch Times
Chấn Hưng

George Citroner viết các bài báo về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Anh đã được trao giải thưởng Media Orthopaedic Reporting Excellence (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.



BÀI CHỌN LỌC

Một loại virus phổ biến nổi lên như thủ phạm tiềm tàng gây ra bệnh Alzheimer