Một phóng viên bị bắt vì ‘sỉ nhục’ quốc ca ĐCS Trung Quốc khi vẫy cờ Hong Kong thuộc Anh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 30/7, đội hình sự khu vực Đông Cửu Long (Kowloon East) của Hong Kong đã bắt giữ một người đàn ông 40 tuổi vì "sỉ nhục" quốc ca Trung Quốc khi vẫy cờ Hong Kong thuộc Anh tại buổi truyền hình trực tiếp Olympic. Đây là trường hợp bị bắt đầu tiên kể từ khi “Luật quốc ca” có hiệu lực ở Hong Kong vào tháng 6/2020.

Ngày 30/7, cảnh sát Hong Kong thông báo sẽ tiến hành điều tra vụ sỉ nhục màn biểu diễn quốc ca Trung Quốc trong buổi truyền hình trực tiếp lễ trao giải Olympic.

Nhiều kênh truyền thông đưa tin rằng, chiều ngày 30/7, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ một người đàn ông 40 tuổi bên ngoài một trung tâm mua sắm ở quận Kwai Tsing, vì tình nghi vi phạm Điều 7 của “Sắc lệnh Quốc ca”.

Theo thông tin, người bị bắt là một phóng viên họ Lương, làm việc cho kênh truyền thông điện tử Freeman Express. Vào thời điểm đó, khi màn hình lớn của trung tâm mua sắm đang phát trực tiếp lễ trao giải Olympic, phóng viên này đã vẫy cờ Rồng và Sư tử - cờ của Hong Kong khi còn là thuộc địa của Anh. Ngoài ra, cảnh sát còn thu giữ 10 lá cờ Hong Kong thuộc Anh khác với nhiều kích cỡ khác nhau trong túi của phóng viên này.

Cảnh sát cho biết sẽ tiếp tục thu thập các bằng chứng liên quan để điều tra những người vi phạm “Luật Quốc ca”, “Luật An ninh Quốc gia” và người có hành vi kích động. Đồng thời cảnh báo rằng, sỉ nhục quốc ca dưới bất kỳ hình thức nào cũng là phạm tội, một khi bị kết án, mức phạt tối đa có thể lên đến 50.000 đô-la Hong Kong và ba năm tù giam.

Hong Kong nhanh chóng "Trung Quốc hoá" sau 1 năm thực thi Luật An ninh Quốc gia

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực thi Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong đến nay, rất nhiều nhà dân chủ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Hong Kong đã bị bắt hoặc bị kết án tù, nhiều người buộc phải rời khỏi khỏi quê nhà, sống lưu vong. Vào tháng 6 năm ngoái, Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã thông qua “Luật Quốc ca”, nêu rõ nếu sỉ nhục quốc ca của ĐCSTQ, có thể bị đi tù tối đa 3 năm hoặc phạt tiền.

Vụ bắt bớ liên quan đến việc “sỉ nhục” quốc ca ĐCSTQ đã khiến đông đảo người dân Hong Kong bày tỏ phẫn nộ đối với chính quyền Bắc Kinh.

Hôm 26/7, Cheung Ka Long, đại diện của Hong Kong tham gia thi đấu tại Thế vận hội Tokyo, đã giành được tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên ở nội dung kiếm liễu cá nhân nam kể từ sau khi Hong Kong chuyển giao cho Đại Lục.

Trong cùng ngày, hàng trăm người đã tập trung tại Trung tâm mua sắm AMP ở quận Kwun Tong, để xem chương trình truyền hình trực tiếp trên màn hình lớn. Khi quốc ca của ĐCSTQ vang lên tại lễ trao giải, một số người trong số hơn 100 khán giả tại hiện trường đã la ó và hô lớn rằng "Chúng tôi là Hong Kong" (We are Hong Kong), một số người còn vẫy cờ Hong Kong thuộc Anh tại hiện trường.

Một ngày trước khi diễn ra vụ việc này, rất nhiều người Hong Kong đã xem truyền hình trực tiếp trận đấu vòng sơ loại bóng chuyền nữ giữa đội Trung Quốc và đội Thổ Nhĩ Kỳ tại trung tâm thương mại này. Mỗi khi đội Thổ Nhĩ Kỳ ghi điểm hoặc đội Trung Quốc mắc sai lầm, đều có người xem reo hò ăn mừng. Cuối cùng khi đội Trung Quốc thua cuộc với tỷ số 0-3, khắp trung tâm vang lên màn pháp tay và tiếng reo hò sung sướng.

Sau khi xảy ra vụ việc, có người Hong Kong đã để lại lời nhắn trên mạng xã hội, rằng “Một quốc gia phải khiến người ta căm ghét đến mức nào mới có thể khiến chính người dân của họ khen ngược như vậy”. Cũng có người nói, “Rất nhiều người không quan tâm đội nào thắng, mà chỉ muốn đội Trung Quốc thua”.

Việc Bắc Kinh và chính phủ Hong Kong đàn áp các nhà dân chủ và những người bất đồng chính kiến, làm xói mòn tự do của Hong Kong, đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại và cảnh giác.

Vào ngày 16/7, Mỹ đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 7 phó trưởng Văn phòng liên lạc Trung Quốc Đại lục tại Hong Kong. Đồng thời, Mỹ cũng cảnh báo các doanh nghiệp của nước này về "rủi ro khi hoạt động tại Hong Kong".

Mai Hạ

Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Một phóng viên bị bắt vì ‘sỉ nhục’ quốc ca ĐCS Trung Quốc khi vẫy cờ Hong Kong thuộc Anh