Mỹ và đồng minh tập trận lớn kỷ lục phản công Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số cuộc tập trận gần đây của Mỹ và liên quân đã thể hiện khả năng phản công nhanh của họ. Cuộc tập trận tiếp theo ở Australia của Mỹ và 12 nước khác được cho là đã thấp thoáng hé lộ phôi thai của kế hoạch phản công Trung Quốc.

Vào ngày 18/7, Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ John Aquilino nói rằng: "Chúng tôi (Mỹ) thực sự có thể là cường quốc toàn cầu duy nhất. Vì vậy, chúng tôi có thể vừa đi bộ vừa nhai kẹo cao su". Đúng là thực lực của quân đội Nga đã bị lộ tẩy trong cuộc chiến ở Ukraine; nhưng việc ông Aquilino xem nhẹ quân đội Trung Quốc thì có chút nằm ngoài dự liệu.

Quân đội Mỹ có thể ‘vừa đi bộ vừa nhai kẹo cao su’?

Hôm 18/7 tại Diễn đàn An ninh Aspen (Aspen Security Forum), ông John Aquilino, Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã chia sẻ quan điểm cá nhân về Chiến tranh Nga - Ukraine, liên minh Trung - Nga và Chiến khu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông cho biết, chính quyền Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Bắc Kinh còn khuếch đại tuyên truyền của Nga khi nói rằng sự mở rộng của NATO là lý do khiến Nga xâm lược Ukraine; đây hoàn toàn là một lời nói dối. Số lượng các cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga đã tăng lên, điều này cũng đáng lo ngại.

Nhưng ông lại bất ngờ nói rằng: "Tôi cho rằng sau cuộc xâm lược Ukraine, chúng tôi (Mỹ) thực sự có thể là cường quốc toàn cầu duy nhất. Vì vậy, chúng tôi có thể vừa đi bộ vừa nhai kẹo cao su". (I’d argue that after Ukraine invasion, invasion of Ukraine, we actually might be the only global power. So we can walk and chew gum at the same time.)

Ông Aquilino giải thích rằng, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu quân đội Trung Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng và khi cần thiết sẽ chiếm đóng Đài Loan bằng vũ lực vào trước năm 2027; “công việc của tôi là ngăn chặn cuộc xung đột này, và nếu việc răn đe thất bại, công việc của chúng ta là chiến đấu và giành chiến thắng; tôi có lòng tin, tôi vô cùng tự hào rằng quân đội hùng mạnh nhất trên trái đất là của Hoa Kỳ, và phần lớn là ở khu vực Thái Bình Dương”.

Nga, quốc gia đứng thứ hai về sức mạnh quân sự trên thế giới, đã sa sút. Quân đội Trung Quốc xếp thứ ba hẳn sẽ kém hơn quân đội Nga một chút, và ông Aquilino đang cố ý thể hiện sức mạnh của quân đội Mỹ, đây cũng là một phần trong sự răn đe chiến lược của quân đội Hoa Kỳ.

Hai tháng trước, vào ngày 23/5, Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã phát biểu tại diễn đàn của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung rằng: "Tôi hy vọng Chủ tịch Tập sẽ rút ra (những bài học từ cuộc chiến Nga - Ukraine)". Ông cũng chỉ ra 3 điểm then chốt, không có cái gọi là “tốc chiến tốc thắng (short war)”; “sẽ giáng đòn chí mạng vào nhân dân, bao gồm cả xương máu và tài sản”; “sẵn sàng chiến đấu và giành thắng lợi”.

Ông cũng tiết lộ rằng ông đã mời các chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ và Nam Bộ của Trung Quốc nói chuyện, nhưng đều là không nhận được hồi âm hoặc là bị từ chối.

Khi hai quân đội đối đầu, một bên không chịu giao thiệp, xem ra chỉ có thể đánh nhau. Mặc dù quân đội Hoa Kỳ hùng mạnh và có kinh nghiệm chiến đấu thực tế nhất, nhưng họ cũng nhận thức rõ sự tàn khốc và cái giá phải trả của chiến tranh, nên họ sẽ không dễ dàng phát động một cuộc chiến, và răn đe Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn là ưu tiên số một.

Từ ngày 16/7 - 17/7/2023, một tàu tình báo, hai tàu khu trục, hai tàu hộ tống và một tàu tiếp tế của quân đội Trung Quốc đã vượt qua eo biển Tsushima và tiến vào Biển Nhật Bản. (Ảnh từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản)

Nga - Trung tập trận chung, chiến cơ Mỹ - Nhật đáp trả

Trang 81.cn là cổng thông tin duy nhất của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được Quân ủy Trung ương ĐCSTQ phê duyệt. Hôm 20/7, trang này đưa tin rằng đội hình hải quân Trung - Nga đã bắt đầu cuộc tập trận "Liên quân Bắc bộ 2023" ở Biển Nhật Bản, bao gồm các hạng mục hộ tống trên biển và trên không, răn đe và xua đuổi, bảo vệ khu neo đậu...

Theo bài báo, cuộc tập trận trên “lại một lần nữa thể hiện mức độ tin cậy cao độ vào chiến lược của nhau và tình hữu nghị truyền thống bền chặt giữa quân đội hai nước, đồng thời cũng là một phép thử đa chiều về khả năng tác chiến chung của lực lượng hải quân và không quân Trung - Nga ở các vùng biển xa".

Theo các hình ảnh mà bài viết trên công bố, có 9 tàu quân sự tham gia cuộc tập trận này nhưng không nêu chi tiết tàu nào của nước nào.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, từ ngày 16/7 - 17/7, 1 tàu tình báo (796), 2 tàu khu trục Type 052D (119, 121), 2 tàu hộ tống Type 054A (542, 598) và 1 tàu tiếp tế (889) của Trung Quốc đã vượt qua eo biển Tsushima và tiến vào Biển Nhật Bản.

Tờ China News phiên bản tiếng Anh đưa tin, Nga đã cử 2 tàu chống ngầm và 2 tàu hộ tống tham gia cuộc tập trận.

Có thể thấy trong cuộc tập trận vừa qua giữa Trung và Nga, hạm đội Trung Quốc rõ ràng lớn hơn, trọng tải tàu chiến cũng lớn hơn nhiều. Hồi đầu tháng 7, quân đội Nga đã cử hai tàu hộ tống đến thăm Thượng Hải, trọng tải của các tàu chiến này chỉ có 2.250 tấn.

Quân đội Nga không có nhiều sức mạnh để hỗ trợ ĐCSTQ trong cuộc đối đầu với quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh của họ ở Thái Bình Dương. Nhưng Bắc Kinh vẫn đang ra sức hợp tác với quân đội Nga; Moscow cũng lại lôi kéo sự ủng hộ của Bắc Kinh trong chiến tranh Nga - Ukraine.

China News cũng cho biết, máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc đã đến vùng Vladivostok của Nga, sau đó máy bay cảnh báo sớm Air Police-500, chiến cơ J-16 và trực thăng Z-20… cũng tham gia cuộc tập trận. ĐCSTQ đã chính thức nhượng Vladivostok cho Nga, nhưng cũng lại giúp Nga thực hành phòng thủ Vladivostok. Trung Quốc đã mất quyền tiếp cận trực tiếp Biển Nhật Bản, hải quân nước này chỉ có thể mang theo tàu tiếp tế và vòng qua Bán đảo Triều Tiên để tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Nhật Bản.

Nhưng hôm 20/7, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Odesa, Ukraine và gây thiệt hại cho Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Odesa. Khi được các phóng viên đặt câu hỏi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời một cách nhẹ nhàng và không hề có ý định lên án, chỉ nói rằng sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với các bên liên quan.

Ngày 17/7, Nga tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với Ukraine, sau đó tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào các cảng và cơ sở lương thực của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết vào ngày 19/7, "Khu cảng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc tấn công khủng bố của Nga, dự tính 60.000 tấn nông sản được lưu trữ tại đó sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc".

Kể từ khi thực hiện Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trong một năm qua, có 32,9 triệu tấn lương thực đã được xuất khẩu và Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn, chiếm gần một phần tư. Lợi ích của Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng, nhưng ĐCSTQ sẵn sàng chịu thiệt thòi và còn tiếp tục cử đội quân quy mô lớn tới hợp tác với quân đội Nga ở Vladivostok. Có lẽ chính ĐCSTQ cũng biết rằng rất khó để chống lại quân đội Hoa Kỳ, nó chỉ có thể liều mình xích lại gần quân đội Nga hơn và tự nguyện bị Nga lợi dụng.

Ngày 18/7/2023, chiến cơ Mỹ và Nhật tập trận chung trên Biển Nhật Bản. (Ảnh từ Không quân Hoa Kỳ)

Hôm 17/7, hạm đội của ĐCSTQ đã tiến vào Biển Nhật Bản. Ngày 18/7, F-35, F-15 và các chiến đấu cơ khác của Mỹ và Nhật Bản đã bay qua Biển Nhật Bản để tham gia một cuộc tập trận chung. Lúc này có lẽ máy bay chiến đấu của ĐCSTQ chưa đến, cho dù có đến rồi thì cũng rất khó để đối đầu với máy bay chiến đấu tối tân của Mỹ và Nhật.

Các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc và Nga vẫn mang tính chính trị và thiếu giá trị chiến đấu thực tế; nếu thực sự khai chiến, cả tàu chiến của Trung Quốc và Nga đều không thể đi qua eo biển Tsushima một cách an toàn. Hơn nữa, chiến trường chính mà ĐCSTQ thiết lập là ở eo biển Đài Loan, việc đến Biển Nhật Bản để tập trận dường như là nói một đằng, làm một nẻo.

Tập trận ‘Talisman Sabre’ mô phỏng cuộc phản công Trung Quốc?

Vào tháng 7, Mỹ và liên quân đã đồng thời triển khai một số cuộc tập trận, bao gồm các cuộc tập trận "Northern Edge 23-2”, “Exercise Mobility Guardian 2023” và "Cope Thunder 23-2"; qua đó tận dụng triệt để ba cụm căn cứ lớn ở Tây Thái Bình Dương và một lần nữa cho Trung Quốc thấy sát thủ trên không của mình. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng tới Philippines tham gia cuộc tập trận MASA 23, điều này cho thấy lực lượng này sẽ bảo vệ toàn diện eo biển Bashi ở phía nam Đài Loan.

Sau các cuộc tập trận này sẽ là cuộc tập trận “Talisman Sabre 2023” tại Australia. “Talisman Sabre 2023” cũng sẽ có sự tham gia của không quân và hải quân, nhưng nhân vật chính lần này lại là lực lượng mặt đất. Sau khi quân đội Hoa Kỳ trình diễn các cuộc diễn tập trên không, phản công và phong tỏa trên biển tại chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai, họ sẽ di chuyển đến Australia để thực hành các hoạt động trên bộ, đây sẽ là mắt xích cuối cùng của kế hoạch tổng thể. Sau khi Hoa Kỳ và các lực lượng liên minh ngăn chặn các hoạt động quân sự của ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan, có lẽ họ sẽ lên kế hoạch phản công Trung Quốc và Australia sẽ là đại bản doanh then chốt.

Cuộc tập trận "Talisman Sabre" vốn là cuộc tập trận song phương giữa Mỹ và Australia, đến năm nay đã mở rộng ra 13 quốc gia với hơn 30.000 quân nhân tham gia. Đây là quy mô chưa từng có. Trước kia, xét theo tên gọi thì đây là một cuộc tập trận để quân đội Mỹ giúp Australia phòng thủ. Năm nay lại có nhiều đồng minh tham gia như vậy, mục đích không thể chỉ đơn giản là giúp bảo vệ Australia; về phía Bắc Kinh, họ còn gặp nhiều khó khăn khi đổ bộ lên Đài Loan nên sẽ chưa thể lập tức tấn công Australia. “Talisman Sabre 2023" giống như một cuộc tập trận toàn diện để phát động một cuộc phản công nhắm vào Trung Quốc hơn.

Ngày 21/7/2023, cuộc tập trận "Talisman Sabre 2023" với sự tham gia của hơn 30.000 binh sĩ đến từ 13 quốc gia đã khai mạc tại Australia. (Ảnh từ Twitter của Bộ Quốc phòng Australia)

Ngày 21/7, một tàu trinh sát của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bờ biển phía đông Australia. Quân đội Australia tuyên bố rằng ĐCSTQ đã làm như vậy trong nhiều năm và phía Canberra đã chuẩn bị đầy đủ.

Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Carlos Del Toro phát biểu tại lễ khai mạc cuộc tập trận "Talisman Sabre 2023" rằng: “Thông điệp quan trọng nhất mà Trung Quốc có thể rút ra từ cuộc tập trận này và từ bất cứ điều gì mà các đồng minh và đối tác của chúng ta làm cùng nhau là, các giá trị cốt lõi tồn tại giữa các quốc gia chúng ta đã liên kết chặt chẽ chúng ta lại với nhau”.

Cuộc tập trận sẽ diễn ra trên khắp Australia, bao gồm các cuộc tập trận mô phỏng trên bộ, trên không và đổ bộ. Theo kế hoạch, hơn 800 phương tiện quân sự sẽ đi qua một bến tàu di động được triển khai ngoài khơi bờ biển Queensland. 13 nước tham gia gồm có Mỹ, Australia, Anh, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hàn Quốc, New Zealand, Indonesia, Fiji, Papua New Guinea, và Tonga; Philippines, Singapore và Thái Lan là quan sát viên.

Nhóm tác chiến đổ bộ lớp America của quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản đã đến Australia, bao gồm tàu ​​tấn công đổ bộ USS America (LHA-6), tàu đổ bộ USS New Orleans (LPD-18) và tàu đổ bộ USS Green Bay (LPD-20), theo cùng là Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 31.

Nhật Bản đã cử hàng không mẫu hạm trực thăng Izumo (DDH-183) và tàu đổ bộ xe tăng Shimokita (LST-4002) tới cuộc tập trận. Tàu tấn công đổ bộ HMAS Adelaide (L01) của Australia cũng sẽ tham gia. Đội biệt kích Thủy quân lục chiến Anh cũng đã đến sớm.

Trong cuộc tập trận này, sự tham gia của thủy quân lục chiến các nước không giống như một cuộc tập trận thiên về phòng thủ, mà giống như một cuộc tập trận đổ bộ phản công hơn.

Quân đội Hoa Kỳ đã mở rộng sử dụng các căn cứ ở Nhật Bản, mở rộng căn cứ từ đảo Guam đến đảo Tinian, đảo Saipan và quốc đảo Palau, đồng thời có được một căn cứ mới ở Philippines. Việc này cho phép quân đội Mỹ kịp thời phân tán và triển khai đầy đủ các nguồn lực phản công ở tiền tuyến. Australia là căn cứ chi viện an toàn nhất cho quân đội Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và hiện nay đây dường như là căn cứ lớn nhất cho các cuộc phản công cục bộ nhắm vào ĐCSTQ.

Ngày 22/7/2023, quân đội Mỹ, Hàn Quốc và Australia tham gia cuộc tập trận "Talisman Sabre 2023", tiến hành trình diễn hỏa lực tại khu vực huấn luyện Vịnh Shoalwater ở Queensland, Australia. (Ảnh từ Twitter của cuộc tập trận "Talisman Saber")

Mối lo lắng của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc

Vào ngày 20/7, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) William Burns cho biết tại Diễn đàn An ninh Aspen rằng: "Chủ tịch Tập và giới lãnh đạo quân đội cảm thấy hoài nghi về việc phát động một cuộc xâm lược thành công và toàn diện vào Đài Loan trong một phạm vi chi tiêu có thể chấp nhận được. Tôi cho rằng không có bất kỳ một nhà lãnh đạo nước ngoài nào chú ý đến trải nghiệm của ông Putin trong vấn đề Ukraine hơn Chủ tịch Tập Cận Bình, giống như cách ông ấy suy xét về vấn đề Đài Loan".

Ông Burns cũng cho biết, cuộc chiến ở Ukraine là một ví dụ về cách một đội quân nhỏ hơn có thể "thành công ngoài sức tưởng tượng trong các hoạt động quân sự", "không chỉ là việc một đội quân nhỏ hơn về mặt khách quan - với một động lực cực lớn - đã phản kích thành công một đội quân có quy mô lớn hơn, mà [họ] còn vạch trần những khiếm khuyết trong hệ thống vũ khí của Nga". Những điểm yếu đó của Nga bao gồm tinh thần của binh lính thấp, khả năng chỉ huy kém, cũng như "sự hỗn loạn" trong lãnh đạo chính trị và quân sự.

Trên bề mặt, giám đốc CIA nói về sự yếu kém của quân đội Nga, nhưng thực ra ông đang ám chỉ đến sự yếu kém của quân đội Trung Quốc. Sau khi trùm lính đánh thuê Wagner phát động binh biến, quân đội ĐCSTQ cũng rơi vào hỗn loạn. Những tin đồn về Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ ngày càng trở nên chân thực hơn. Vào ngày 21/7, quân đội Trung Quốc đã tổ chức hội nghị công tác xây dựng đảng tại Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp, người phụ trách công tác chính trị, và Bộ trưởng Quốc phòng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc đều vắng mặt.

Vào ngày 6/7, ông Tập Cận Bình đã đi thị sát các cơ quan của Chiến khu Đông Bộ. Ông nói rằng "tình hình an ninh ngày càng trở nên bất ổn định và không chắc chắn", ông yêu cầu phải "nâng cao nhận thức về tính cấp bách", "nâng cao khả năng chuẩn bị cho chiến tranh của các lãnh đạo đảng ủy trong chiến khu". Những phát biểu này của ông Tập đã tiết lộ rằng ông không yên tâm về người đứng đầu trong quân đội.

Ngày 6/7/2023, ông Tập Cận Bình đến Nam Kinh thị sát các cơ quan của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ và đề cập đến việc "chuẩn bị chiến tranh". (Ảnh chụp màn hình)

Tại cuộc họp xây dựng đảng của quân đội ĐCSTQ vào ngày 21/7, lẽ ra ông Tập Cận Bình phải có mặt vào thời điểm quan trọng để cho lời giáo huấn, nhưng ông lại chỉ đưa ra chỉ thị. Cụ thể, ông một lần nữa nhấn mạnh rằng phải “gắng sức giải quyết các vấn đề nổi bật còn tồn tại trên các phương diện như duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội, nắm bắt khả năng chuẩn bị và chiến đấu, thực hiện trách nhiệm chính trị trong việc điều hành đảng ở tổ chức đảng các cấp”.

Tại cuộc họp này, một Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khác là ông Hà Vệ Đông, người phụ trách công tác quân sự, phát biểu rằng phải "quán triệt thâm sâu và toàn diện ủng hộ các quyết định của Chủ tịch Quân ủy Trung ương"; và rằng không ngừng nâng cao "các lãnh đạo đảng và chất lượng công tác xây dựng đảng".

Những vấn đề trong quân đội ĐCSTQ và sự biến mất bất thường của Ngoại trưởng Tần Cương đã và đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Lại chính vào lúc này, ông Emmanuel Bonne, cố vấn ngoại giao cấp cao của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lên tiếng tại Diễn đàn An ninh Aspen rằng: "Chúng tôi (Pháp) sẵn sàng chịu trách nhiệm sát cánh cùng các bạn (Hoa Kỳ) trong trường hợp xảy ra khủng hoảng (ở eo biển Đài Loan)".

Sau khi Hoa Kỳ, Anh, Australia đạt được thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS, ĐCSTQ đã xúi giục Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo. Động thái này của Trung - Triều cũng đẩy Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sát lại gần nhau hơn và tạo thành tam giác quân sự thép. Ngoài ra, hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines cũng đang được nâng cấp nhanh chóng; máy bay chiến đấu của Pháp đã đến cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chủ thể của liên minh chống ĐCSTQ đã hình thành. Các tàu tấn công đổ bộ của Pháp từng đi qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nếu Mỹ và các liên minh tiến hành phản công Trung Quốc, có lẽ Thủy quân lục chiến Pháp sẽ không vắng mặt.

Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ có thể "vừa đi bộ vừa nhai kẹo cao su"; liệu các nhà lãnh đạo ĐCSTQ và Quân ủy Trung ương có còn muốn khai chiến?

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả Thẩm Chu và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Nhà bình luận Thẩm Chu (Shen Zhou) chuyên phân tích về các vấn đề Trung Quốc trên tờ The Epoch Times.

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ và đồng minh tập trận lớn kỷ lục phản công Trung Quốc?