Nạn nhân gốc Hoa tiết lộ về tập đoàn lừa đảo ở Campuchia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một người đàn ông Malaysia gốc Hoa đã bị lừa sang làm việc ở Campuchia, bị ép tham gia vào đường dây lừa đảo. Sau 3 tuần mắc kẹt ở Campuchia và chạy trốn thất bại, cuối cùng ông được một người tốt bụng giúp đỡ quay trở lại Malaysia. Trong thời gian ở đó, ông đã gặp nhiều Hoa kiều đến từ Malaysia, Singapore, Campuchia và Việt Nam.

Có không ít người từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan đã bị lừa đến “làm việc” ở Campuchia. Gần đây, sự việc được quan tâm hơn sau khi bị nhiều kênh truyền thông phanh phui, đặc biệt là việc các nạn nhân bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo như lạm dụng, tấn công tình dục…

Gần đây, The Epoch Times đã phỏng vấn một nạn nhân may mắn chạy thoát.

Phỏng vấn bốn lần và được tuyển dụng vào một ‘công ty’ Campuchia

Vào tháng 6 năm nay, ông Trần Vạn Khánh (Chen Wanqing), người Malaysia gốc Hoa, 41 tuổi, đã kết hôn và có một con trai, đã may mắn chạy thoát khỏi Campuchia. Sau khi về nước, ông đã tiết lộ các thông tin liên quan trên các phương tiện truyền thông địa phương.

Ông từng là quản lý của một nhà máy ở Trung Quốc và trở về Malaysia do dịch bệnh. Vào tháng 5 năm nay, ông được phỏng vấn 4 lần với một công ty ở Penang và được tuyển dụng sang Campuchia vào vị trí "trưởng nhóm dịch vụ khách hàng".

"Sau khi bay đến Campuchia vào ngày 6/5, tôi phát hiện ra tất cả chỉ là những lời hứa suông. Tôi bị đưa đến một khu công nghiệp có lực lượng quân cảnh kiểm soát nghiêm ngặt, rồi được giao cho nhiệm vụ thực hiện hành vi lừa dối, đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp và lừa đảo tình ái", ông Trần cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 24/8, ông Trần nói rằng nạn buôn người và lừa đảo đã có từ trước khi dịch bệnh bùng phát, từ sau khi xuất hiện dịch bệnh đến nay nó ngày càng nghiêm trọng.

Nơi ông bị lừa đến làm việc là Victory Paradise Resort (VPR), một khu nghỉ dưỡng tại Sihanoukville – thành phố cảng ở phía nam Campuchia. Trong khu nghỉ dưỡng này có hơn 10 tòa nhà cao tầng và có nhân viên vũ trang kiểm soát chặt chẽ.

Có người đến đón ông Trần ở sân bay Phnôm Pênh. Trên đường đi còn có 3 người nữa lên xe, họ tự xưng là nhân viên của VPR, thực chất là ba người này được cử đi để giám sát ông. Từ sân bay đến VPR phải mất 4 - 5 giờ lái xe, họ sợ rằng ông sẽ chạy trốn. Ông không được phép hỏi bất kỳ câu hỏi nào trên đường đi. Ông nhận ra rằng mình đang ở trên một con tàu cướp biển và đã quá muộn khi phát hiện ra mọi thứ chỉ là một trò lừa bịp.

Bản đồ khu công nghiệp do chính ông Trần Vạn Khánh đánh dấu: khu tổ hợp Trung Quốc (China Compound), văn phòng (Office)... (Ảnh do người được phỏng vấn cung cấp)

Được đào tạo để làm các công việc lừa đảo

Khi đến nơi, ông thấy dưới chân núi có rất nhiều người mặc quần áo đen, tay cầm gậy dài hoặc súng dài. Một số người đi xung quanh với chó săn, có rất nhiều lính canh. Sau đó ông được biết rằng họ đều là cựu binh của Thập tự quân. Xung quanh có nhiều chốt canh.

Ông được một người đưa vào phòng kiểm tra, tất cả mọi đồ đạc bị đổ ra để sàng lọc và kiểm tra bằng máy dò, sau đó là chụp ảnh, đăng ký thẻ, v.v. Trần Vạn Khánh được cảnh báo là đừng nghĩ tới việc bỏ đi, đối phương tuyên bố đã bao toàn bộ tiền vé máy bay, tiền ăn ở và tiền đặt cọc cho ông, đồng thời thu giữ hộ chiếu của ông. Cuối cùng ông được đưa về ký túc xá.

Giường ngủ trong ký túc xá. (Ảnh do người được phỏng vấn cung cấp)

Ngày hôm sau bắt đầu quá trình đào tạo kéo dài 2 ngày, mỗi ngày từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Những gì ông được đào tạo là kỹ thuật lừa đảo.

Ông tiết lộ rằng, các kỹ thuật lừa đảo đó bao gồm lừa đảo việc làm, lừa đảo tình ái, lừa đảo tiền ảo (lừa người khác đầu tư), lừa đối phương chụp ảnh khỏa thân hoặc khỏa thân trong khi trò chuyện thông qua các trang mạng xã hội và sau đó đe dọa họ, v.v.

Họ đã thiết kế các kịch bản khác nhau và sử dụng hàng nghìn tài khoản giả để đánh lừa các nạn nhân. Mỗi nhân viên được giao cho mười điện thoại di động, hai máy tính, bảy hoặc tám tài khoản giả, các kịch bản và câu thoại lừa đảo nhắm vào các mục tiêu khách hàng khác nhau. Đối tượng bao gồm sinh viên mới tốt nghiệp, gia đình đơn thân, cha mẹ đơn thân và người già về hưu.

Bàn làm việc trong khu công nghiệp. (Ảnh do người được phỏng vấn cung cấp)

Về cơ bản, không ai là không bị lừa, họ dùng các kịch bản khác nhau để khiến con mồi mắc câu. Vì vậy, có nhiều người đã bị lừa sang Campuchia, Lào, Myanmar và những nơi khác.

Trần Vạn Khánh tiết lộ rằng, có lúc ông có thể trò chuyện với sáu hoặc tám nạn nhân cùng một lúc (vì được phát tới 10 chiếc điện thoại di động). Điện thoại và máy tính của các nhân viên được nối với một màn hình lớn và chủ quản (người quản lý một nhóm nhỏ gồm 10 người) sẽ quan sát họ từ phía sau. Nếu giở trò và bị phát hiện, họ sẽ bị trừng phạt bằng cách đánh đập, dí roi điện, v.v.

Bàn làm việc trong khu công nghiệp. (Ảnh do người được phỏng vấn cung cấp)

Gọi điện thoại cầu cứu gia đình, bị đối xử tàn bạo

Ông Trần Vạn Khánh nói rằng, ước tính có khoảng 7.000 người trong khu công nghiệp, trong đó có 700 người đến từ Malaysia và Singapore. Ông nói rằng một số người đã bị lừa dối và chọn cách im lặng vì sợ hãi; cũng có những người tự nguyện tới làm vì họ không có nơi nào khác để đi. Ông đã gặp nhiều Hoa kiều đến từ Singapore, Campuchia và Việt Nam khi đi ăn cơm.

Ông Trần cho hay, đã gọi điện cho gia đình vào giữa tháng 5 để thông báo tình hình và kêu họ giúp ông báo cảnh sát. Nhưng chưa đầy nửa giờ sau khi cúp máy, lính canh đã xông vào phòng, đè ông xuống đất và dùng máy dò để tìm điện thoại di động của ông. Cả ba chiếc điện thoại ông cất giấu đều bị tìm thấy.

Đối phương nói với ông, họ có thể theo dõi số ông gọi và nội dung tin nhắn. Ông kể lại: “Lúc đó đầu óc tôi trở nên trống rỗng”; “Họ phát hiện ra trong điện thoại của tôi chứa rất nhiều thứ mà chúng tôi bị cấm làm, bao gồm cả danh sách khách hàng. Tôi đã để tất cả những bức ảnh [làm bằng chứng] vào điện thoại và ổ USB của mình”.

Trần Vạn Khánh nói rằng gần như mỗi ngày ông đều thu thập thông tin và ghi lại tất cả những gì ông biết. Sau khi bị phát hiện, ông bị buộc phải khai ra tất cả các thông tin, ví như mật khẩu điện thoại di động. Sau đó, họ gọi cho vợ ông ở Trung Quốc và đe dọa bà. Các thông tin riêng tư trong điện thoại di động của ông cũng bị họ nắm giữ, kể cả việc bố mẹ vợ ở đâu, mọi thông tin về gia đình ông. Tệ hơn nữa, số tiền trong tài khoản ngân hàng của ông cũng đã bị họ chuyển đi.

Trần Vạn Khánh tiết lộ, ông đã bị một người đàn ông (sau này mới biết đó là em trai của ông trùm) chĩa súng vào người. Ông bị tát nhiều lần, bị nhiều người ném ghế vào người, sau đó bị lột quần áo và nhốt vào một căn phòng nhỏ trong hai ngày. Mỗi ngày chỉ được ăn cơm trắng.

Mọi sinh hoạt đều ở trong căn phòng nhỏ này, không có quạt, nó có mùi lạ, rất tanh, rất hăng và gây khó thở. Bên trong không có giường, vách tường tứ phía, cửa phòng bằng sắt. "Họ ném tôi vào. Tôi ngất đi, như thể đã chết. Tôi không ăn uống gì. Tôi tưởng rằng sẽ phải chết trong đó", ông nói.

"Tôi được thả sau hai ngày. Tôi rất yếu, chóng mặt và đói, toàn thân mệt mỏi, tứ chi vô lực. Sau đó, họ cho tôi đi thay quần áo. Trước khi được mặc quần áo, tôi được yêu cầu tới nơi khác và bị quay phim chụp ảnh khỏa thân toàn thân... Sau đó họ còn yêu cầu tôi chụp một số hình ảnh kỳ quái, như khi lên xe, lên núi, xuống núi, xách hành lý đi lên, kêu tôi mỉm cười làm theo lời họ nói, bên cạnh có một đạo diễn và quay cả một buổi chiều như thế, tôi bị dắt mũi đi vòng quanh như một kẻ ngốc".

Cuối cùng, ông được cho biết có hai lựa chọn, hoặc là tiếp tục làm việc cùng chúng, hoặc là sẽ không để ông ở lại nơi này, đồng nghĩa với việc bán ông đi nơi khác. "Tôi bất lực lắm. Lúc đó, tôi chỉ biết cầu nguyện Chúa Jesus phù hộ cho tôi, vì tôi là người Cơ đốc giáo. Tôi đành phải làm theo chỉ thị của họ. Mỗi ngày tôi đều làm theo sự sắp xếp của chủ quản 100%".

Trần Vạn Khánh nói rằng sau này ông quen nhiều người hơn và hiểu rõ hơn về cơ cấu của VPR. Ông lựa chọn tiếp tục ở lại “làm việc”, đồng thời ghi nhớ mọi việc hàng ngày xảy ra xung quanh.

Cuối tháng 5, ông được một người tốt bụng giúp đỡ. Người này đã giấu ông vào ô tô, đưa ra khỏi khuôn viên khu nghỉ dưỡng rồi chở ông đến sân bay.

Sau khi trốn thoát, ông không có điện thoại di động, ông cũng không tin tưởng cơ quan thực thi pháp luật địa phương, bao gồm cả đại sứ quán. "Bởi vì nhiều người nói với tôi rằng, về cơ bản cảnh sát đều là người của họ"; “Lúc đó trên người tôi có hơn 300 USD, tôi đã đưa hết cho người tài xế”.

Trở lại Malaysia, Trần Vạn Khánh đã đến trình diện cảnh sát ba lần. Ông nói, cảnh sát cũng không coi trọng việc này, họ vừa cười nhạo ông vừa ăn khoai tây chiên, chính phủ Malaysia cũng vậy. "Tôi cảm thấy rất tức giận, rất phẫn nộ. Hiện giờ công ty tuyển dụng kia (công ty ở Penang) vẫn đang tuyển người qua đó làm việc".

Vào tháng 6, sau khi trở về Penang, Malaysia, ông đã báo án nhiều lần và tiết lộ sự việc thông qua các kênh truyền thông. Tuy nhiên, ông lại nhận được một số cuộc gọi, một trong số đó tự nhận là người của một đảng chính trị ở Penang, người này yêu cầu ông rút lại tất cả các tuyên bố của mình trên truyền thông, mạng xã hội và hủy báo án, nếu không sẽ kiện ông tội phỉ báng. Ông còn được yêu cầu mở họp báo công khai xin lỗi và thừa nhận bản thân đã nói dối. Tất nhiên, ông đã từ chối. "Tôi đã báo án nhưng cảnh sát không lập án, vì những lời đe dọa gián tiếp không được tính là lời đe dọa".

Phóng viên của The Epoch Times đã gửi email đến hộp thư của Victory Paradise Resort để xin bình luận, nhưng email đã bị trả lại.

Nạn nhân tiết lộ: Tập đoàn bất động sản Hoàng tử Campuchia đứng sau hậu trường

Ông Trần Vạn Khánh nói rằng, Campuchia là một quốc gia cực kỳ hủ bại. Các nhà chức trách Campuchia coi đất nước là tài sản tư nhân và kinh doanh nó như một doanh nghiệp tư nhân. Những ông chủ của các khu công nghiệp như Victory Paradise Resort có mối quan hệ rất thân thiết với các quan chức cấp cao của Campuchia.

Trong Tập đoàn Bất động sản Hoàng tử Campuchia (Prince Real Estate (Cambodia) Group, sau đây gọi tắt là Tập đoàn Prince), ban quản lý bao gồm người Trung Quốc đại lục và người Malaysia. Theo ông Trần, Tập đoàn Prince có nhiều cơ sở kinh doanh ngầm ở Campuchia và đã thành lập nhiều công ty bất động sản trên danh nghĩa, thực chất là kinh doanh lừa đảo, mại dâm và ma túy. Họ xây dựng hết khu công nghiệp này đến khu công nghiệp khác trên khắp Campuchia, trong đó có một nơi rất nổi tiếng là Victory Paradise Resort (VPR), còn được gọi là khu công nghiệp Đỉnh núi Cũ.

Ông Trần nói: “Trong khu công nghiệp, họ có mọi thứ như chợ mini, tiệm làm tóc, phòng khám, trung tâm cấp visa, nhà hàng, trung tâm giải trí, căng tin, trung tâm ma túy, spa massage mại dâm, quán bar, karaoke, trung tâm xăm mình, còn có quân đội trang bị vũ khí hạng nặng, giám sát CCTV, chó ngao Tây Tạng, v.v.".

Ông chỉ ra rằng, Tập đoàn Prince có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Campuchia. Tập đoàn này dùng danh nghĩa một nhà phát triển bất động sản để thu hút sự chú ý của công chúng. Trên thực tế họ đã thiết lập một chuỗi kinh doanh lừa đảo rất dài trên khắp thế giới và có hệ thống rửa tiền hoàn thiện.

Trần Vạn Khánh cho hay, ông bắt đầu biết các thông tin về Tập đoàn Prince sau khi bị lừa vào khu công nghiệp, giám đốc công ty từng tiết lộ với ông rằng Tập đoàn Prince là ông chủ chỉ đạo từ xa.

Phóng viên của The Epoch Times đã gọi cho Tập đoàn Prince để xin bình luận, nhưng cuộc gọi không có ai trả lời.

Kể từ giữa tháng 8 tới nay, xuất hiện nhiều thông tin về việc người Đài Loan bị dụ đến Campuchia làm những công việc lương cao và bị đối xử vô nhân đạo, bị tịch thu hộ chiếu và hạn chế quyền tự do cá nhân. Các trường hợp tương tự xảy ra nhiều nhất ở Sihanoukville, Campuchia. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) nói rằng đây là nọc độc do sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường" của Trung Quốc để lại.

Vào ngày 17/8, Tập đoàn Prince ra thông báo "Tuyên bố làm rõ về việc phi pháp mạo danh Tập đoàn Bất động sản Prince". Tuyên bố cho biết, một số người nước ngoài tìm việc đã bị các nhà tuyển dụng giả danh Tập đoàn Bất động sản Prince mời đến Sihanoukville, Campuchia làm việc. Các vị trí cần tuyển chủ yếu là chuyên viên trang điểm, quay phim, ảo thuật gia và diễn viên. Hoạt động tuyển dụng bất hợp pháp này đã được đưa lên mạng xã hội và được các kênh truyền thông nước ngoài đưa tin.

Sihanoukville ở Campuchia có thể được gọi là trung tâm chiến lược của Sáng kiến "Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một lượng lớn vốn, người lao động và công sức xây dựng của Trung Quốc đã đổ vào đó. Sihanoukville – vùng đất vốn yên bình – đã bị biến thành nơi tụ họp của các sòng bạc và doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc chỉ trong vài năm ngắn ngủi.

Ngày 20/1/2017, tờ China Economic Herald của Trung Quốc đưa tin, Trung Quốc và Campuchia đã ký 31 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, cùng xây dựng “Vành đai và Con đường”, hợp tác năng lực sản xuất và đầu tư, v.v. Trong quá trình dò tìm đường đi cho “Vành đai và Con đường” ở Campuchia, đã có liên hệ với Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hoàng tử Campuchia (Tập đoàn Prince)…

Theo thông tin công khai, Tập đoàn Bất động sản Hoàng tử Campuchia được thành lập vào tháng 3/2015 tại Campuchia. Tập đoàn này chủ yếu tập trung vào phát triển bất động sản và tham gia rộng rãi vào việc phát triển trung tâm thành phố ở Campuchia, phát triển bất động sản du lịch văn hóa, câu lạc bộ, chuỗi siêu thị, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ ăn uống và các lĩnh vực khác, đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bất động sản ở Campuchia.

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Nạn nhân gốc Hoa tiết lộ về tập đoàn lừa đảo ở Campuchia