Người giăng biểu ngữ phản đối ông Tập được đề cử giải Nobel Hòa bình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Mike Gallagher - Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Hoa Kỳ - đã đề cử ông Bành Lập Phát (Peng Lifa) cho giải Nobel Hòa bình. Ông Bành trở nên nổi tiếng sau khi giăng biểu ngữ trên Cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh vào năm 2022, phản đối sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Việc đề cử ông Bành Lập Phát cho giải Nobel Hòa bình được công bố vào ngày 13/10, nhân kỷ niệm một năm sự kiện giăng biểu ngữ gây chấn động của ông.

Người Hoa tại nhiều thành phố trên thế giới đã biểu tình trước các lãnh sự quán Trung Quốc, hô vang khẩu hiệu chống lại sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và kêu gọi trả tự do cho ông Bành.

Vào ngày 13/10/2022, trong thời gian 3 năm Bắc Kinh thực hiện lệnh phong tỏa hà khắc zero-COVID và vài ngày trước lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Bành đã treo biểu ngữ trên Cầu Tứ Thông bắc qua Đường Vành đai ba nhộn nhịp của Bắc Kinh.

“Hãy phế truất nhà độc tài Tập Cận Bình”, một biểu ngữ viết.

Biểu ngữ khác viết: “Chúng tôi không muốn xét nghiệm axit nucleic, chúng tôi muốn có thức ăn; chúng tôi không muốn phong tỏa, chúng tôi muốn tự do; chúng tôi không muốn dối trá, chúng tôi muốn phẩm giá; chúng tôi không muốn Cách mạng Văn hóa, chúng tôi muốn cải cách; chúng tôi không muốn các nhà lãnh đạo độc tài, chúng tôi muốn các cuộc bầu cử; chúng tôi không muốn làm nô lệ, chúng tôi muốn làm công dân”.

Ông Bành nhanh chóng bị cảnh sát Trung Quốc bắt đi.

Đoạn video về cuộc biểu tình của ông Bành đã lan truyền mạnh mẽ và kích hoạt làn sóng biểu tình trên khắp Trung Quốc, dẫn đến việc ĐCSTQ phải từ bỏ các biện pháp phong tỏa hà khắc vào tháng 12/2022.

Dân biểu Gallagher (Cộng hòa - Wisconsin) đã kể lại câu chuyện của ông Bành trong một đoạn video, qua đó chia sẻ lòng dũng cảm của ông Bành tới thế giới.

Ông Gallagher cũng chỉ trích hãng Apple vì đã giúp ĐCSTQ ngăn chặn người dân Trung Quốc chia sẻ câu chuyện của ông Bành và các cuộc biểu tình do ông Bành truyền cảm hứng.

“Apple tung ra bản cập nhật vào tháng 11 [năm 2022]. Bản cập nhật AirDrop của Apple đã giúp [ĐCSTQ] dập tắt các cuộc biểu tình”, dân biểu Gallagher nói.

Ông Gallagher cho rằng đây là câu chuyện về “lòng dũng cảm và sự hèn nhát”.

“Hôm nay, tôi đề cử ông Bành Lập Phát cho giải Nobel", dân biểu Mỹ nói ở phần cuối của video. “Thế giới cần nghe câu chuyện của ông ấy — một câu chuyện mà tôi sợ rằng Apple không muốn quý vị nghe được”.

"Chúng ta không muốn sự dối trá, chúng ta muốn phẩm giá".

Người giăng biểu ngữ phản đối ông Tập được đề cử giải Nobel Hòa bình
Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Hoa Kỳ Mike Gallagher (Cộng hòa - Wisconsin) nói về mạng, công nghệ thông tin và đổi mới, trong phiên điều trần của Tiểu ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện về trí tuệ nhân tạo, trên Đồi Capitol ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 18/7/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Cuộc biểu tình ở Cầu Tứ Thông đã khiến thế giới chấn động. Hiện chưa rõ ông Bành đang ở đâu ngay cả khi ông được các tình nguyện viên liên tục tìm kiếm trong năm qua.

Ông Li Shengliang - người sáng lập “CCP Fiend List" - nói với The Epoch Times rằng ông và các tình nguyện viên khác cuối cùng đã tìm được người thân và bạn bè của ông Bành, nhưng không ai trong số họ biết ông Bành đang bị giam giữ ở đâu, gia đình ông cũng không nhận được bất kỳ thông tin nào. Ngay cả người thân, bạn bè của ông Bành cũng bị Bắc Kinh kiểm soát và bịt miệng.

Ông Li nói: “Cuộc biểu tình ở Cầu Tứ Thông đã thức tỉnh toàn bộ người dân Trung Quốc, thúc đẩy họ hành động. Lần đầu tiên, họ dám hét to trên đường phố về việc lật đổ ĐCSTQ. Điều này đã truyền cảm hứng cho quá nhiều người”.

“Chúng ta cần luôn nhớ đến ông Bành Lập Pháp (còn được gọi là Bành Tái Châu) vì những đóng góp của ông cho việc theo đuổi tự do, dân chủ và nhân quyền của người dân Trung Quốc".

Cựu luật sư Bắc Kinh Liang Shaohua nói với The Epoch Times vào ngày 14/10: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với việc đề cử ông Bành Lập Pháp làm ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình. Cả thế giới đang chú ý đến ông Bành Lập Phát, không chỉ người Trung Quốc, mà toàn bộ các nước dân chủ”.

Người giăng biểu ngữ phản đối ông Tập được đề cử giải Nobel Hòa bình
Người biểu tình ở Bắc Kinh giơ những tờ giấy trắng để phản đối việc chính quyền kiểm duyệt gắt gao và lệnh phong tỏa hà khắc zero-COVID, ngày 27/11/2022. (Anhr: Kevin Frayer/Getty Images)

“Dưới sự đàn áp nghiêm trọng của ĐCSTQ, khi xã hội Trung Quốc chịu ‘hiệu ứng ớn lạnh’, ông ấy đã hét lên những gì người dân muốn ở ngay nơi công cộng”. “Hiệu ứng ớn lạnh” là trạng thái bị hụt chí, nản lòng vì bị ảnh hưởng bởi các luật lệ và quy định.

"Chính những hành động của ông ấy đã dẫn đến Phong trào Giấy trắng sau đó, chấm dứt chính sách 'zero-COVID' gây hại cho đất nước và người dân. Điều này có ý nghĩa rất lớn".

Biểu tình ủng hộ ông Bành

Ngày 14/10, các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles (Mỹ). Họ hô vang: “Bành Lập Phát đang ở đâu?”, đồng thời yêu cầu ĐCSTQ thả ông Bành. Họ cũng giăng biểu ngữ trước Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles và trên một cây cầu vượt ở Los Angeles.

Ngày 13/10, tại Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ), những người Trung Quốc ủng hộ dân chủ đã tổ chức một cuộc biểu tình yêu cầu trả tự do cho ông Bành.

Người giăng biểu ngữ phản đối ông Tập được đề cử giải Nobel Hòa bình
Người Hoa ở nước ngoài biểu tình tại Quảng trường Thời đại ở New York, yêu cầu ĐCSTQ trả tự do cho ông Bành Lập Pháp, ngày 13/10/2023. (Ảnh: Lin Yijun/The Epoch Times)

Ngày 14/10, hàng chục Hoa kiều đã tổ chức buổi mít-tinh ủng hộ ông Bành ở New Zealand. Một số người Trung Quốc đã giăng biểu ngữ trước “Tượng đài [vụ thảm sát Thiên An Môn] ngày 4 tháng 6”, hô vang khẩu hiệu lật đổ ĐCSTQ, lặp lại các khẩu hiệu của ông Bành trên Cầu Tứ Thông, đồng thời yêu cầu trả tự do cho ông Bành.

Cùng ngày hôm đó, những người Trung Quốc ở London (Anh) cũng giăng biểu ngữ và hô khẩu hiệu ủng hộ ông Bành trước Lãnh sự quán Trung Quốc. Một số người biểu tình còn treo nhiều biểu ngữ trên Cầu London, trong đó có bản sao của các biểu ngữ từng được giăng trên Cầu Tứ Thông.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người giăng biểu ngữ phản đối ông Tập được đề cử giải Nobel Hòa bình