Người trẻ tuổi mắc ung thư ruột già ngày càng nhiều: Nguyên nhân là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một báo cáo mới được công bố bởi Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ nêu bật một thống kê hứa hẹn - tỷ lệ tử vong do ung thư đang giảm và đã giảm trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, có một vài ngoại lệ, bao gồm một ngoại lệ đặc biệt phức tạp và đáng báo động: Ung thư ruột già đã gia tăng ở người trẻ tuổi kể từ những năm 1990.

Theo báo cáo, trong năm nay, căn bệnh này đã dẫn đầu tỷ lệ tử vong do ung thư ở người dưới 50 tuổi. Điều này đặt ra câu hỏi: Điều gì đang gây ra sự gia tăng này ở nhóm tuổi dưới 50?

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống kém có thể là thủ phạm hàng đầu. Có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa thực phẩm gây viêm, chẳng hạn như rượu và thịt chế biến, với ung thư ruột già.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Truyền thông Nghiên cứu Ung thư đã cung cấp thêm dữ liệu để củng cố mối liên hệ về chế độ ăn uống. Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung folate trong chế độ ăn uống làm tăng nguy cơ ung thư ruột già ở chuột.

Năm 1996, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã yêu cầu tất cả các sản phẩm ngũ cốc bổ sung phải được tăng cường với folate vào năm 1998 để giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh nghiêm trọng; điều này xảy ra gần như cùng thời điểm với việc ung thư ruột già bắt đầu tăng ở những người trẻ tuổi. Mệnh lệnh đó đã hiệu quả với mục đích dự định của nó, nhưng nó có phải trả giá không?

Mối liên hệ giữa axit folic và ung thư ruột già

Folate và axit folic thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng có một sự khác biệt đáng kể giữa hai chất này.

Folate là một loại vitamin B có sẵn trong một số thực phẩm nhất định, bao gồm trái cây, rau và đậu. Trong quá trình tiêu hóa, cơ thể chuyển đổi folate thành dạng hoạt động trước khi nó vào máu.

Axit folic chỉ đơn giản là một dạng tổng hợp của folate được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm bổ sung. Cơ thể không thể chuyển hóa axit folic dễ dàng như folate tự nhiên.

Quá trình chuyển đổi axit folic thành dạng hoạt động của nó mất nhiều thời gian hơn so với folate. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ axit folic trong máu, và việc tiêu thụ thực phẩm bổ sung có thể góp phần vào sự dư thừa đó.

Một nhóm nghiên cứu tại Trường Y Baylor đang nghiên cứu các yếu tố ăn uống và nguy cơ ung thư ruột già đã phát hiện ra mối liên hệ giữa axit folic và sự phát triển khối u trong đại tràng của chuột.

Phòng thí nghiệm đã phát triển mô hình động vật đầu tiên phản ánh các giai đoạn phát triển ung thư ruột già ở người. Sử dụng mô hình này, họ cho chuột áp dụng chế độ ăn bổ sung bắt chước chương trình tăng cường axit folic trong thực phẩm.

Lượng axit folic cho chuột tương đương với mức tăng cường theo yêu cầu của FDA trong các sản phẩm ngũ cốc bổ sung.

Các nhà nghiên cứu cho chuột cái ăn axit folic trước khi thụ thai, trong thời kỳ mang thai và cho con bú trong suốt cuộc đời của chúng. Chuột ăn chế độ bổ sung có nhiều khối u lớn hơn đáng kể ở cả ruột non và đại tràng so với nhóm đối chứng.

Yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư ruột già là tuổi tác. Khi chúng ta già đi, một gen quan trọng có nhiệm vụ ức chế sự phát triển khối u sẽ bị im lặng. Nghiên cứu cho thấy sự gia tăng đáng kể các biến đổi của gen này ở những con chuột được cho ăn chế độ bổ sung axit folic.

"Những phát hiện này làm sáng tỏ mối liên hệ trực tiếp giữa folate trong chế độ ăn uống và sự phát triển khối u nhanh chóng trong đại tràng", Tiến sĩ Lanlan Shen, giáo sư nhi khoa và dinh dưỡng, tác giả của nghiên cứu, nói với Trường Y Baylor.

Những bằng chứng trong quá khứ đã gợi ý về mối liên hệ giữa axit folic và ung thư ruột già, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn. Và bây giờ nó đã ở đây.

Sản phẩm ngũ cốc tăng cường là gì?

Về cơ bản, việc tăng cường và bổ sung dinh dưỡng trong thực phẩm là để ngăn ngừa và khắc phục tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng.

  • Ngũ cốc tăng cường: Có thêm vitamin B như thiamin, riboflavin và niacin. Những chất dinh dưỡng này bị loại bỏ trong quá trình tinh chế và thường được bổ sung trở lại. Ngũ cốc tăng cường thường loại bỏ mầm và cám trong quá trình xay xát.
  • Ngũ cốc nguyên cám: Giữ nguyên tất cả các thành phần của hạt, bao gồm cả mầm và cám.
  • Ngũ cốc bổ sung: Ngoài các vitamin B vốn có trong ngũ cốc, còn được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác như axit folic và sắt, vốn không có sẵn trong hạt tự nhiên.

Kể từ năm 1941, FDA đã quản lý việc tăng cường và bổ sung dinh dưỡng trong ngũ cốc với vitamin B và sắt.

Năm 1998, FDA yêu cầu tất cả các loại ngũ cốc tăng cường cũng phải được bổ sung axit folic nhằm ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở phụ nữ mang thai. Việc tăng cường và bổ sung dinh dưỡng trong ngũ cốc không bắt buộc, nhưng được khuyến khích.

Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và ung thư ruột già

Một đánh giá tổng hợp của 45 phân tích tổng hợp được công bố trên JAMA năm 2021 cho thấy: Ăn nhiều chất xơ, canxi, sữa chua và hạn chế thịt đỏ, rượu bia có thể giúp ngăn ngừa ung thư ruột già.

Nghiên cứu khác năm 2019 cũng kết luận tương tự: thịt đỏ, thịt chế biến và rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư ruột già, trong khi chất xơ, đặc biệt từ bánh mì và ngũ cốc, giúp giảm nguy cơ.

Nghiên cứu năm 2018 cho thấy bệnh nhân ung thư ruột già giai đoạn ba có chế độ ăn giàu trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám có tỷ lệ sống sót cao hơn.

Để giảm nguy cơ mắc ung thư ruột già, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ khuyến cáo:

  • Tránh uống rượu bia.
  • Hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến.
  • Tăng cường rau, trái cây và ngũ cốc nguyên cám trong chế độ ăn uống.

Thực phẩm dán nhãn ngũ cốc nguyên cám có thể được tăng cường thêm dinh dưỡng

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nhãn hiệu duy nhất đáp ứng tiêu chuẩn ngũ cốc nguyên cám nghiêm ngặt của họ là "100% lúa mì nguyên cám". Bất kỳ thực phẩm nào được dán nhãn đơn giản là "ngũ cốc nguyên cám", "làm từ lúa mì nguyên cám" hoặc "chứa ngũ cốc nguyên cám" đều không được FDA coi là ngũ cốc nguyên cám.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) yêu cầu thực phẩm ngũ cốc nguyên cám phải chứa hơn 50% thành phần nguyên cám tính theo trọng lượng, 50% còn lại của ngũ cốc trong thực phẩm có thể là ngũ cốc bổ sung hoặc ngũ cốc nguyên hạt khác.

Các sản phẩm được dán nhãn “100% lúa mì nguyên cám” thường cũng chứa ngũ cốc bổ sung được tăng cường axit folic.

Hướng dẫn Chế độ Ăn uống dành cho người Mỹ 2020-2025 của USDA khuyến nghị ít nhất một nửa lượng ngũ cốc bạn ăn phải là ngũ cốc nguyên cám 100% và những người tiêu thụ ngũ cốc tinh chế nên chọn ngũ cốc bổ sung.

Ngoài ra, hướng dẫn này cũng gợi ý rằng những người chỉ ăn ngũ cốc nguyên cám cũng nên bổ sung vào chế độ ăn uống của họ các loại ngũ cốc được tăng cường axit folic.

Theo hướng dẫn, người Mỹ không đáp ứng được khuyến nghị của USDA: 98% không ăn đủ lượng ngũ cốc nguyên cám được khuyến nghị và 74% vượt quá giới hạn trên cho ngũ cốc tinh chế.

Mặc dù USDA phân biệt giữa ngũ cốc nguyên cám 100%, ngũ cốc tinh chế và ngũ cốc bổ sung, và nhãn hiệu bắt buộc phải phản ánh những sự thật đó, nhiều người tiêu dùng có lẽ không đọc danh sách thành phần để kiểm tra sản phẩm bao gồm những gì hoặc thậm chí không hiểu sự khác biệt.

Thực phẩm chứa folate tự nhiên (không phải axit folic tổng hợp) không gây nguy cơ sức khỏe nào được biết đến, cũng không có giới hạn trên cho lượng ăn vào hàng ngày.

Các nguồn folate tự nhiên bao gồm trái cây và rau (đặc biệt là măng tây, cải Brussel và rau lá xanh đậm như rau bina), thịt (đặc biệt là gan), các loại hạt, đậu, đậu Hà Lan, hải sản, trứng, thịt gia cầm và ngũ cốc nguyên cám.

Theo Jennifer Sweenie - The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch

Jennifer Sweenie là phóng viên y tế có trụ sở tại New York. Cô là một bác sĩ trị liệu dinh dưỡng và là đầu bếp hỗ trợ sức khỏe được đào tạo tập trung vào dinh dưỡng chức năng và sức mạnh của thực phẩm nguyên chất, tự nhiên. Jennifer phục vụ trong ban giám đốc của Slow Food NYC và là cựu thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Nông trại đến Người tiêu dùng.



BÀI CHỌN LỌC

Người trẻ tuổi mắc ung thư ruột già ngày càng nhiều: Nguyên nhân là gì?