Nhiễm ký sinh trùng như thế nào và chúng tác động đến cơ thể ra sao? (Phần 1) 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiễm ký sinh trùng dường như phổ biến hơn nhiều so với nhận thức của chúng ta hiện nay.

KÝ SINH TRÙNG: NHỮNG VỊ KHÁCH KHÔNG MỜI - PHẦN 1

Đối với nhiều người Mỹ, khi nhắc tới ký sinh trùng, họ liên tưởng nó với các chuyến đi ra nước ngoài, ăn thức ăn hoặc uống nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, nhiễm ký sinh trùng lại phổ biến hơn nhiều so với nhận thức thông thường của mọi người.

Ký sinh trùng là các sinh vật sống trên hoặc bên trong cơ thể vật chủ thuộc một loài khác. Chúng dựa vào vào vật chủ, hút dinh dưỡng để tồn tại. Ký sinh trùng rất khác nhau về kích thước, một số có kích thước hiển vi, sống trong mô mỡ hoặc trong tế bào hồng cầu, trong khi các loài khác, ví dụ như giun có kích thước lớn hơn, tồn tại trong não, ruột, gan, và cả các khu vực khác của cơ thể.

Các loại ký sinh trùng chính

Có rất nhiều ký sinh trùng có thể gây nhiễm trên người, nhưng có thể chia chúng thành 3 nhóm phân biệt rõ ràng:

Ngoại ký sinh trùng

Ngoại ký sinh trùng là những con bọ bám vào da để ăn mô da hoặc máu. Ví dụ về các ký sinh trùng này bao gồm ticks (ve, ve bét), muỗi, chấy, ruồi, bọ chét, mites (mạt, ve bụi) và rệp. Một số ngoại ký sinh trùng có mang các mầm bệnh khác, chẳng hạn như bệnh Lyme từ ve hoặc virus Tây sông Nile (West Nile) từ muỗi, được truyền sang người.

Động vật đơn bào

Động vật đơn bào ký sinh có kích thước hiển vi, chúng có thể dễ dàng nhân lên và lây lan trên người, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một số loại đơn bào ký sinh phổ biến gồm:

Ký sinh trùng đường ruột Blastocystis Hominis: Chúng có thể là nguyên nhân gây ra dị ứng thực phẩm, hệ quả của hội chứng ruột rò rỉ.

Ký sinh trùng sốt rét Plasmodium Falciparum: Chúng gây bệnh sốt rét với đặc trưng là vật chủ có các triệu chứng giống cúm nặng.

Ký sinh trùng Babesia Microti: Bệnh này có thể đồng thời bị nhiễm cùng với bệnh Lyme, gây thiếu máu và các triệu chứng giống cúm.

Ký sinh trùng Toxoplasma Gondii: Đây là cũng một bệnh đồng nhiễm với bệnh Lyme, gây ra các triệu chứng giống cúm và sưng hạch bạch huyết.

Giun sán

Các loại giun, sán ký sinh là điều mà hầu hết mọi người thường hình dung ra khi nghĩ về ký sinh trùng. Con người có thể nhìn thấy những ký sinh trùng này mà không cần sử dụng kính hiển vi. Chúng có kích thước khác nhau từ nhỏ đến lớn, có thể dài tới 30 cm.

Giun tròn là loại giun ký sinh tại một số khu vực cụ thể của cơ thể như gan, phổi, ruột, da và mô cơ. Giun kim là một loại giun tròn phổ biến, có kích thước gần bằng một chiếc ghim với điểm đặc biệt là cái đuôi giống như chiếc ghim của giun kim cái.

Giun dẹp được đặc trưng bởi cơ thể dẹt của chúng, đúng như tên gọi. Sán lá (Fluke) thường xâm nhập vào gan, gây tổn thương ống mật. Chúng cũng xâm nhập vào máu, phổi và ruột. Sán dây thường ký sinh tại ruột non hoặc túi mật.

Các triệu chứng

Khi xử lý bất kỳ loại triệu chứng rắc rối nào, điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Trong nhiều trường hợp, ký sinh trùng có thể là nguyên nhân gốc rễ của nhiều vấn đề sức khỏe. Những lo ngại như tình trạng tự miễn, dị ứng thực phẩm và các vấn đề về đường ruột đều có thể do ký sinh trùng gây ra. Các triệu chứng nhiễm ký sinh trùng tiềm ẩn rất đa dạng, bao gồm:

  • Các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm táo bón không rõ nguyên nhân, tiêu chảy hoặc đầy hơi dai dẳng
  • Các vấn đề về da, bao gồm phát ban không rõ nguyên nhân, chàm, nổi mề đay và ngứa
  • Đau cơ và khớp
  • Mệt mỏi, ngay cả khi bạn ngủ đủ giấc
  • Không bao giờ cảm thấy no, ngay cả sau khi ăn một bữa ăn lớn
  • Đói liên tục, ngay cả khi bạn ăn đầy đủ
  • Thiếu máu do thiếu sắt (xét nghiệm cho thấy nồng độ sắt thấp bất thường)
  • Khó ngủ hoặc tỉnh dậy nhiều lần trong đêm
  • Nghiến răng khi ngủ
  • Cảm giác lo lắng không giải thích được
  • Thở dốc và mệt nhọc
  • Đã từng bị ngộ độc thực phẩm và kể từ đó luôn cảm thấy không ổn.
  • Nhiễm trùng nấm men tái phát
  • Ngứa hậu môn hoặc âm đạo

Các nguồn phổ biến và nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng

Như đã đề cập trước đó, trái ngược với những gì nhiều người tin tưởng, bạn không cần phải đi đến một quốc gia thuộc thế giới thứ ba để bị nhiễm ký sinh trùng. Khi đi du lịch quốc tế, việc nhiễm ký sinh trùng từ nước bị ô nhiễm là điều phổ biến nhất. Tuy nhiên, ngay tại Hoa Kỳ, cũng có nhiều khả năng bị nhiễm ký sinh trùng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, hàng triệu người Mỹ đang phải vật lộn với bệnh nhiễm ký sinh trùng. Nhiều chuyên gia sức khỏe tin rằng ký sinh trùng chính là nguyên nhân gốc rễ quan trọng của nhiều triệu chứng mãn tính. Có nhiều cách làm cho một người dễ bị nhiễm ký sinh trùng.

Nước bị ô nhiễm: có thể do uống nước bị ô nhiễm, ngay cả nước máy của thành phố cũng bị ô nhiễm. Cũng có thể do bơi trong các vùng nước bị ô nhiễm như suối, hồ hoặc bể bơi.

Thực phẩm bị ô nhiễm: Các thực phẩm như hải sản và thịt chưa nấu chín có thể là nguồn chứa ký sinh trùng, cũng như trái cây và rau sống chưa được xử lý và làm sạch đúng cách.

Rối loạn sinh lý: Loạn khuẩn ruột (sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột) tạo ra cơ hội “hoàn hảo” cho ký sinh trùng phát triển mạnh do thiếu các vi khuẩn có lợi để chống lại ký sinh trùng.

Thiếu hụt axit (HCL): có vai trò như là một phần của hệ miễn dịch bẩm sinh, axit clohydric (HCL) trong dạ dày là tuyến phòng thủ đầu tiên khi nhắc đến thực phẩm và đồ uống mà chúng ta ăn vào. Tính axit của HCL tiêu diệt mầm bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn và đồ uống. Ngoài ra, do quá trình tiêu hóa là quá trình từ trên xuống nên việc thiếu bài tiết HCL có thể khiến thức ăn không được phân hủy đúng mức, dẫn đến quá trình đồng hóa chất dinh dưỡng kém. Điều này cũng khiến cơ thể dễ bị nhiễm các mầm bệnh khác hơn.

Suy giảm miễn dịch: Một cá nhân đang bị nhiễm độc, bị suy dinh dưỡng, bị căng thẳng trầm trọng hoặc có các vấn đề về miễn dịch mãn tính có thể sẽ dễ bị nhiễm ký sinh trùng hơn.

Thuốc kháng sinh và thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc kháng sinh và các loại thuốc ức chế miễn dịch khác gây tổn thương và cuối cùng tiêu diệt các vi khuẩn tốt trong đường ruột. Điều này tạo ra môi trường cho ký sinh trùng sinh sôi nảy nở, mở ra cơ hội cho chúng gây ra các tình trạng sức khỏe mãn tính lâu dài.

Vật nuôi: Con người có thể nhiễm ký sinh trùng từ động vật, kể cả vật nuôi. Ví dụ, khi xử lý chất thải của mèo có thể bị nhiễm toxoplasma gondii.

Các bề mặt: Các bề mặt như đồ chơi, giường ngủ, tay nắm cửa, bệ toilet, đất và các đồ vật khác có thể bị nhiễm trứng ký sinh trùng.

Du lịch nước ngoài: thực phẩm và nước bị ô nhiễm mà chúng ta tiêu thụ khi đi du lịch nước ngoài có thể là nguồn lây truyền ký sinh trùng. Ngoài ra, việc đến thăm những khu vực có điều kiện vệ sinh kém hoặc nơi con người không có thói quen giữ gìn vệ sinh có thể khiến con người bị nhiễm ký sinh trùng.

4 phần của loạt bài về Ký sinh trùng.

Xét nghiệm

Trong giới y học thông thường và y học chức năng, xét nghiệm phân thường là xét nghiệm đầu tiên được chọn để tìm ký sinh trùng. Thật không may, khi xét đến thực tế là có tới hàng trăm loài ký sinh trên con người thì nó có thể trở nên cực kỳ không đáng tin cậy. Các phòng thí nghiệm cực kỳ dễ bỏ qua các ký sinh trùng có thể có trong phân. Thực tế là không phải loại ký sinh trùng nào cũng đều sống trong lòng ruột kết. Một số trường hợp, là do ký sinh trùng bám vào niêm mạc ruột.

Xét nghiệm máu là một lựa chọn khác nhưng vẫn không thể kiểm tra được từng loại ký sinh trùng. Thông thường, xét nghiệm máu được sử dụng để tìm ký sinh trùng mà mắt thường nhìn thấy được, tìm kháng thể, bạch cầu ái toan và bạch cầu đơn nhân.

Ký sinh trùng có thể nhìn thấy bằng mắt thường

Xét nghiệm tìm ký sinh trùng có thể nhìn thấy thường bao gồm soi tiêu bản phết máu dưới kính hiển vi. Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sẽ tìm kiếm ký sinh trùng cư trú trong máu. Đây có thể là một phương pháp thành công để xác định Babesia (đồng nhiễm với Lyme) hoặc ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, Plasmodium.

Kháng thể

Hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể để chống lại trùng ký sinh, do đó xét nghiệm máu có thể hữu ích trong việc kiểm tra các kháng thể tăng cao khi bị nhiễm ký sinh trùng.

Bạch cầu ái toan và bạch cầu đơn nhân

Bạch cầu ái toan hoặc bạch cầu đơn nhân tăng cao trong xét nghiệm máu có thể cho thấy cơ thể đang phải chống lại ký sinh trùng. Hãy nhớ rằng bạch cầu ái toan cũng có thể tăng cao khi bị dị ứng, bệnh ác tính, nhiễm virus, v.v.

Nếu bạch cầu ái toan trở lại bình thường và bạn lại có các triệu chứng, thì nên thảo luận với bác sĩ lâm sàng. Một số người lập luận rằng không cần thiết phải tiêu diệt ký sinh trùng khi bạch cầu ái toan không tăng cao, tuy nhiên mức độ hoạt động của ký sinh trùng ở mỗi người đều khác nhau. Vì lý do này, nhiều bác sĩ lâm sàng sẽ dựa vào các triệu chứng để đánh giá liệu ký sinh trùng có phải là mối lo ngại của một cá nhân hay không.

Nếu bạn nghi ngờ bị nhiễm ký sinh trùng hoặc đã được chẩn đoán bị nhiễm một loại nào đó, bạn có thể nản lòng và lo lắng không biết bắt đầu chữa trị như thế nào. Mặc dù ký sinh trùng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính, lâu dài nhưng thường thì chúng ta có thể điều trị và phòng ngừa được. Với một phác đồ chữa bệnh hiệu quả, nhiều mối lo ngại và triệu chứng có thể được giảm nhẹ.

Phần 2: Ngăn ký sinh trùng phát triển quá mức thông qua giải độc và sức khỏe miễn dịch tốt - Ký sinh trùng tranh đấu để sinh sôi nảy nở trên một vật chủ khỏe mạnh, vì vậy, về cơ bản, bạn càng khỏe mạnh thì ký sinh trùng càng ít có cơ hội phát triển quá mức.

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhiễm ký sinh trùng như thế nào và chúng tác động đến cơ thể ra sao? (Phần 1)