Nhiều luật sư nhân quyền Bắc Kinh bị ép rời khỏi nơi cư trú để tránh làm chế độ ‘xấu mặt’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã 8 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện một làn sóng bắt giữ quy mô lớn bắt đầu vào ngày 09/07/2015. Bắc Kinh đã tống giam hàng trăm luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động nhân quyền trong cái gọi là Cuộc đàn áp 709. Hiện nay, các nạn nhân của cuộc đàn áp vẫn phải đối mặt với nhiều sách nhiễu từ chế độ, ngay cả khi họ đã ra tù.

Gần đây, một số luật sư và nhà hoạt động ở Bắc Kinh đã lên tiếng về hoàn cảnh của họ và về việc chính quyền Trung Quốc không ngừng mang đến sự khốn khổ cho cuộc sống và gia đình họ.

Một nạn nhân nói với The Epoch Times rằng sự hiện diện của họ khiến Trung Nam Hải cảm thấy xấu hổ do có nhiều nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh. Các vụ cưỡng ép rời khỏi nơi cư trú chỉ đơn giản là mánh khóe mà chính quyền sử dụng để buộc họ đi xa khỏi Bắc Kinh.

Gia đình ông Vương Toàn Chương bị chủ nhà đuổi đi

Luật sư Vương Toàn Chương cuối cùng cũng được đoàn tụ với vợ và con trai 7 tuổi của ông vào tháng 04/2020, sau gần 5 năm bị cầm tù.

Tuy nhiên, sau khi ông được trả tự do, cảnh sát vẫn tiếp tục giám sát gia đình ông, thậm chí theo dõi cả hành trình đến trường hàng ngày của đứa trẻ.

Ông Vương - người bào chữa cho các nhà hoạt động chính trị, cho các nạn nhân của việc trưng thu đất đai và cho các học viên Pháp Luân Công - từng nhận bản án 4 năm rưỡi với tội danh “lật đổ chính quyền”.

Ngày 26/04, chủ nhà đã cắt điện nước của gia đình ông, buộc cả nhà ông Vương phải chuyển đến một nhà nghỉ địa phương.

Nhiều luật sư nhân quyền Bắc Kinh bị ép rời khỏi nơi cư trú để tránh làm chế độ xấu mặt
Ông Vương Toàn Chương với vợ (Lý Văn Túc) và con trai của họ. Là một luật sư nhân quyền, ông Vương bị giam giữ mà không qua xét xử vào tháng 08/2015. (Ảnh: Bà Lý Văn Túc cung cấp)

Bà Lý Văn Túc, vợ của luật sư Vương, đã đăng trên Twitter vào sáng ngày 29/04 rằng hơn một chục cảnh sát đã theo dõi họ vào ngày hôm đó khi họ rời khỏi nhà. Một cảnh sát mặc thường phục khuyên bà: “Tại sao phải bận tâm đến tất cả những điều này? Quay trở lại Sơn Đông chẳng phải rất tốt sao?”.

Chồng bà là người gốc Sơn Đông, nhưng hành nghề luật sư ở Bắc Kinh.

Ngày 02/05, gia đình bà chuyển đến một nhà nghỉ ở Bắc Kinh. Khoảng 10 phút sau khi họ thuê phòng, nhân viên lễ tân đến và yêu cầu họ rời đi. Cảnh sát sau đó đã đồng ý cho họ ở lại một đêm.

Bà Lý tweet: “Họ chỉ muốn đuổi chúng tôi ra khỏi Bắc Kinh”.

Ông Lý Hòa Bình liên tục bị ép rời khỏi nơi cư trú

Luật sư Lý Hòa Bình bị kết án tù vì tội “kích động lật đổ chính quyền nhà nước” — một cáo buộc mà Bắc Kinh thường sử dụng để chống lại những người bất đồng chính kiến. Ông được biết đến là luật sư bào chữa cho những người bất đồng chính kiến ​​chính trị và các nhóm dễ bị tổn thương ở Trung Quốc - bao gồm những người theo đạo Cơ đốc không liên kết với Hiệp hội Công giáo Yêu nước do Bắc Kinh công nhận, và các học viên Pháp Luân Công.

Ông Lý được trả tự do vào tháng 05/2017.

Bà Vương Tiễu Lĩnh, vợ của ông Lý Hòa Bình, cho biết gia đình bà đã nhiều lần bị chính quyền cưỡng bức rời khỏi nơi cư trú kể từ Cuộc đàn áp 709 hồi năm 2015.

Bà giải thích rằng mặc dù hợp đồng thuê căn hộ của họ đã được ký trong một hoặc hai năm, chủ nhà sau đó thường yêu cầu họ dọn ra trước khi hợp đồng hết hạn.

Chẳng hạn, một chủ nhà đã đồng ý bằng miệng rằng sẽ gia hạn hợp đồng thuê nhà của họ trước khi nó hết hạn vào tháng 09/2021. Tuy nhiên, trong khi chủ nhà đi công tác nước ngoài, ông ấy đã giao cho một nhân viên yêu cầu ông Lý và gia đình phải chuyển đi. Nhân viên này nói rằng chủ nhà đang phải chịu rất nhiều áp lực.

Cùng với việc liên tiếp bị cưỡng ép rời khỏi nơi ở, “có ít nhất 4 chiếc xe và hơn chục cảnh sát mặc thường phục đứng ở lối vào” mỗi khi họ rời khỏi nhà, vợ của ông Lý nói với The Epoch Times bản tiếng Trung vào ngày 02/05.

Cả gia đình bị theo dõi bất cứ khi nào họ bước ra ngoài căn hộ.

Ông Quý Phong bị ép phải sống vô gia cư

Ông Quý Phong, người từng tham gia cuộc biểu tình của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, gần đây đã bị cảnh sát địa phương đuổi khỏi căn hộ của mình. Quê của ông Quý ở Quý Châu, tây nam Trung Quốc.

Ông Minh, một người bạn của ông Quý, nói với The Epoch Times vào ngày 03/05 rằng ông Quý hiện phải sống trên đường phố Bắc Kinh, đồ đạc của ông tạm thời để ở nhà một người bạn.

“Nhưng cảnh sát thậm chí đã cử cán bộ cộng đồng địa phương đến nhà bạn của anh ấy để đảm bảo rằng anh ấy không ở lại đó”, ông Minh cho biết.

Ông Minh tin rằng ảnh hưởng của các luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động nhân quyền đã đe dọa đến tính hợp pháp của ĐCSTQ.

“Đã 44 năm kể từ cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989. Quý Phong sẽ không nhượng bộ. Anh ấy sẽ không cúi đầu trước chế độ này”, ông Minh nói.

Ông Cao bị ép rời khỏi nơi ở

Luật sư Cao (hóa danh) cũng là nạn nhân bị cảnh sát nhiều lần đuổi khỏi nơi cư trú.

Ông Cao cho hay chính quyền chưa bao giờ trực tiếp đến gặp ông, thay vào đó, họ làm việc một cách âm thầm để chống lại gia đình ông. Những hành vi xảo quyệt như vậy khiến luật sư nhân quyền ở Bắc Kinh vô cùng khó khăn trong việc thuê nhà ở.

“Một chủ nhà muốn tôi chuyển đi, nói rằng tôi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và rằng tôi không yêu nước”, ông nói.

Ông Cao cho biết việc bị ép rời khỏi cư trú là biện pháp để buộc các luật sư đi khỏi Bắc Kinh.

“Các luật sư và những người bất đồng chính kiến thường là tâm điểm của các đại sứ quán nước ngoài tại Bắc Kinh. Điều đó khiến chế độ này vô cùng khó chịu”, ông Cao cho biết.

Theo The Epoch Times

Thủy Tiên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều luật sư nhân quyền Bắc Kinh bị ép rời khỏi nơi cư trú để tránh làm chế độ ‘xấu mặt’