Những bàn tay thần bí điều khiển chiến tranh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiến tranh thường nằm ngoài dự liệu của con người! Trong cuộc chiến Côn Dương, 42 vạn đại quân của Vương Mãng lại có thêm hổ, báo, voi, tê giác trợ giúp, nhưng vẫn thất bại trước 1,8 vạn quân lục lâm của Lưu Tú. Trong chiến dịch Tĩnh Nạn, tại sao Minh Thành Tổ có thể xoay chuyển được cục diện? 

"Binh pháp Tôn Tử" - một trong mười quyển binh thư quan trọng nhất của Trung Quốc có chép: "Cố thượng binh phạt mưu, kì thứ phạt giao, kì thứ phạt binh, kì hạ công thành". Câu này có nghĩa là: để đánh thắng quân địch, tài trí nhất là biết dùng mưu, thấp hơn thì dùng các biện pháp ngoại giao, thấp hơn nữa là dùng vũ lực, hạ sách nhất mới phải đánh thành.

Một khi sử dụng vũ lực, có thể sẽ xảy ra rất nhiều yếu tố bất ngờ ảnh hưởng đến kết quả trận chiến. Từ cổ chí kim, có những cuộc chiến tranh mà người chiến thắng nằm ngoài khả năng dự đoán của con người, giống như trong cõi vô hình có một bàn tay thần bí nào đó có thể xoay chuyển cục diện vào thời khắc mấu chốt.

Trận chiến Côn Dương, mưa lớn trợ lực

Trận Côn Dương xảy ra sau khi Vương Mãng soán ngôi của nhà Hán cách đây đã hơn 2000 năm. Đó là một trong những trận chiến lấy ít địch nhiều nổi tiếng lịch sử các cuộc chiến tranh thời cổ đại, cũng là cuộc chiến có sự chênh lệch lực lượng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Trong đó, một bên là đội quân chủ lực của triều đình Vương Mãng mới thành lập với chủ soái là Vương Ấp, dẫn theo đại quân 42 vạn người. Trong đội quân này còn có một người tài tên là Cự Vô Bá. Theo sử sách ghi chép, Cự Vô Bá là một người khổng lồ, cao khoảng 2,3 mét, có thể điều khiển các loại mãnh thú như hổ, báo, voi, tê giác tham gia chiến đấu. Trong "Hậu Hán thư - Quang Võ Đế kỷ thượng" có chép, một đại quân như vậy, "ngay cả trong thời thịnh vượng của nhà Tần, nhà Hán đều chưa từng có".

Bên còn lại là Lưu Tú chỉ huy quân lục lâm với quân số chỉ có 1,8 vạn người. Thật ra, khi mới giao chiến, quân Lục Lâm chỉ có 1 vạn người, 8000 quân còn lại là quân cứu viện đến sau.

Ban đầu, Vương Ấp vốn muốn dẫn đội quân hùng mạnh đến quận Nam Dương để bình định phản loạn, chỉ đi ngang qua Côn Dương. Thấy nơi đây, thành nhỏ, ít binh lính, nên Vương Ấp quyết định chiếm thành Côn Dương trước.

Quân lục lâm đang đóng quân ở đây, nhìn thấy khí thế đội quân của Vương Ấp, ai cũng hoảng sợ, chuẩn bị gói ghém quần áo rồi ai nấy bỏ chạy. Đúng lúc này, Thái thường phiên Tướng quân Lưu Tú dũng cảm đứng ra, khuyên rằng: "Mọi người cùng nhau đồng tập hiệp lực chống địch mới có thể chiến thắng, nếu phân tán rút lui, quân địch sẽ truy sát, ai cũng khó thoát được".

Cuối cùng mọi người quyết định cùng trấn giữ Côn Dương. Lưu Tú cùng mười mấy người đột phá vòng vây ra khỏi thành để tìm quân cứu viện.

Thành Côn Dương tuy nhỏ, nhưng ở thế dễ thủ khó công. Đại quân của Vương Ấp nghĩ ra rất nhiều phương pháp để tấn công nhưng cuối cùng vẫn không thể chiếm được thành Côn Dương. Mấy ngày sau, Lưu Tú mang viện binh đến, thế nhưng chỉ được thêm mấy ngàn người. Đội quân tiên phong ước chừng chỉ có khoảng 1000 người.

Để cổ vũ tinh thần của tướng sĩ, Lưu Tú mang theo 1000 người này đột kích vào đại doanh của quân địch. Vương Bá cho rằng không có bao nhiêu người nên khinh định, chỉ phái ra mấy nghìn người để nghênh chiến. Kết quả bị Lưu Tú đánh bại. Lưu Tú thừa thắng xông lên. Những binh lính trong thành thấy quân cứu viện đến cũng xông ra giết địch.

Đúng lúc hai bên đang chiến đấu kịch liệt, bỗng có một trận mưa xối xả. Lúc đó sấm chớp đùng đùng, trời mưa như trút nước. Những mãnh thú như hổ, báo, voi, tê giác, v.v... do Cự Vô Bá nuôi dưỡng chưa từng thấy cảnh tượng hãi hùng như vậy. Không con nào còn chịu nghe chỉ huy, chúng bỏ chạy tán loạn. Cuối cùng do trận mưa lớn này, binh sĩ của Vương Ấp có người chết đuối, có người bị mãnh thú ăn thịt, có người dẫm đạp, giày xéo, tự chém giết lẫn nhau mà chết. Số quân tử thương nhiều vô số.

Sau đó, Vương Ấp trốn về thành Lạc Dương. Mấy chục vạn đại quân chỉ còn mấy nghìn người. Nhờ vào trận đánh này, Lưu Tú lập được uy danh, về sau trở thành Hoàng đế Khai quốc của nhà Đông Hán. Có thể nói rằng, nếu không có trận mưa lớn đúng lúc như vậy, có thể lịch sử đã khác đi.

東漢光武帝劉秀
Đông Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú - tranh thời nhà Thanh. (Miền công cộng)

Chiến dịch Tĩnh Nạn, gió lớn xoay chuyển cục diện

Còn những trận chiến khiến chúng ta cảm thấy "không thể làm trái ý Trời", trong đó phải nhắc đến "chiến dịch Tĩnh Nạn". Những trận chiến quan trọng trong chiến dịch này đều có sự trợ giúp của "Thần gió".

Đầu tiên chúng ta sẽ nói đến trận chiến ở sông Bạch Câu. Tháng 4 năm 1400, Kiến Văn Đế nhà Minh phái đại tướng Lý Cảnh Long dẫn theo đội quân 60 vạn người, được xưng là “đại quân trăm vạn”, tiến đến sông Bạc Câu để tấn công Bắc Bình, nơi ở của Yên Vương Chu Đệ. Phía Yên Vương Chu Đệ lúc này chỉ có 10 vạn quân để ứng chiến.

Trong lần giao tranh đầu tiên, quân của Yên Vương gặp phải tập kích của đội quân tiên phong Bình An của Kiến Văn Đế ở Tô Gia Kiều. Quân Yên chịu tổn thất nặng nề, không thể không rút lui. Ngày hôm sau, Chu Đệ đích thân dẫn quân vượt sông để chiến đấu. Trong lúc giao tranh, quân tiên phong Bình An tấn công, đánh tan cánh phía sau của quân Yên do thống soái Phòng Khoan chỉ huy. Bên phía Chu Đệ, quân tiên phong mấy lần xung phong nhưng cũng không thu được kết quả gì. Thế nên Chu Đệ tự mình dẫn theo mấy nghìn người mạo hiểm xông vào dưới làn mưa tên, giết chết không ít binh sĩ của Kiến Văn Đế. Đại tướng Lý Cảnh Long cho quân vòng ra sau của quân Yên, thực hiện kế sách tiền hậu giáp công.

Lúc này thế trận vô cùng bất lợi cho phía Chu Đệ. Để cố gắng thoát khỏi thế giáp công, Chu Đệ phải liên tục thay đến ba con ngựa. Cung tên mang theo cũng đã dùng hết, Chu Đệ đành phải dùng thanh kiếm gãy để tiếp tục chiến đấu. Tưởng rằng Chu Đệ sắp bị bắt, chiến dịch Tĩnh Nạn sẽ kết thúc. Thế nhưng một chuyện bất ngờ xảy ra, làm mọi người không thể lường trước được.

Theo "Minh sử" ghi lại: "Gió lốc nổi lên, cờ chủ soái của Cảnh Long bị gãy, Yên Vương lợi dụng sức gió, phóng lửa tấn công, chém chết mấy vạn quân, đánh chìm hơn chục vạn quân địch".

Chính là kể lại rằng: lúc đó đột nhiên xuất hiện một trận gió xoáy làm gãy cờ chủ soái của Lý Cảnh Long. Đó là điềm báo đại hung. Quân sĩ của Lý Cảnh Long hoang mang, Chu Đệ nhân dịp này phóng hỏa, tấn công mãnh liệt. Quân đội của Kiến Văn Đế chạy tán loạn, tử thương vô số. Chu Đệ đã lấy ít thắng nhiều, từ đó xoay chuyển thế cục, thành công chuyển từ thế thủ sang thế công.

Nếu như chuyện này chỉ xảy ra một lần, có thể chúng ta sẽ nói là do trùng hợp. Thế nhưng dường như Trời cao cũng muốn hỗ trợ Chu Đệ. Tháng ba năm sau đó, kỳ tích lại xảy ra một lần nữa.

Lúc đó, Chu Đệ chỉ huy quân Yên giao chiến với đại tướng Thịnh Dung ở sông Giáp. Ngày đầu tiên, thế trận rất bất lợi, tướng quân Đàm Uyên của quân Yên tử trận. Hôm sau, Chu Đệ chỉnh đốn quân ngũ, tiếp tục chiến đấu. Hai bên đánh nhau từ sáng đến trưa vẫn chưa phân thắng bại. Lúc này đột nhiên có một trận gió đông bắc thổi đến. Gió thổi rất mạnh khiến hai bên gần nhau nhưng cũng không thấy rõ đối phương. Quân Yên thừa lúc gió to mà hô hào tấn công, quân của Thịnh Dung thất bại nặng nề, phải rút lui để bảo toàn lực lượng.

Vài ngày sau, hai bên lại gặp nhau ở Cảo Thành. Đại quân của Thịnh Dung xếp thế trận hình vuông ở phía tây nam, còn quân Yên Vương tấn công từ cả bốn phía. Chu Đệ dẫn quân tinh nhuệ tấn công từ phía đông bắc. Lúc này lại có một trận gió Thần đến trợ giúp. Trong sử sách chép rằng: "Gió to nổi lên, thổi bay nhà bật gốc cây, quân Yên quân nhân dịp tấn công".

Sau đó quân đội của Thịnh Dung thất bại như núi đổ. Chu Đệ thừa thắng xông lên, giết hơn 6 vạn quân. Trong ba lần đại chiến của quân Chu Đệ ở sông Bạch Câu, sông Giáp, và Cảo Thành đều được “Thần gió” trợ giúp. Ngay cả Chu Đệ cũng cảm thấy bản thân may mắn, nói rằng: "Đó là Trời ban cho, chứ sức người không làm được".

明成祖朱棣。 (羊妹/大紀元)
Minh Thành Tổ Chu Đệ. (Tranh Dương Muội - Epoch Times)

Đại thắng ở Ứng Châu, cứu giá trong sương mù

Vào triều đại nhà Minh còn có một trận khác có thể nói là dở khóc dở cười. Minh Võ Tông Chu Hậu Chiếu lẳng lặng rời cung đến nơi biên ải, mặc dù không chuẩn bị gì nhưng vẫn đánh nhau với người Mông Cổ. Chu Hậu Chiếu hoàn toàn không biết gì về quân sự nhưng tại sao vẫn có thể thắng trận. Rốt cuộc nguyên nhân là gì?

Theo "Minh Võ Tông thực lục", năm Chính Đức thứ mười hai (năm 1571) “Hoàng thượng cải trang, nhân lúc ban đêm ra khỏi Đức Thắng môn". Chính là kể lại chuyện hoàng đế nhân lúc ban đêm, chạy ra khỏi cung, đến Tuyên Phủ - một thị trấn quan trọng ở vùng biên ải. Đại Đồng Tổng binh Vương Huân đột nhiên nhận được một phong thư, nói rằng ông hoàn thành tốt chức vụ, cố gắng luyện tập binh mã, không được cô phụ sự tín nhiệm của Hoàng thượng đối với ông, ở dưới ký tên là "Quan Tổng đốc quân vụ uy vũ Đại tướng quân Tổng binh".

Bức thư này khiến Vương Huân cảm thấy khó hiểu. Bản thân ông đã làm quan nhiều năm nhưng không biết bộ binh còn có chức quan này, cũng không biết là thư của ai. Mãi đến khi Chu Hậu làm rõ thân phận, Vương Huân mới biết là Hoàng thượng đến.

Đúng lúc này, có tin tình báo Tiểu Vương tử Bá Nhan Mãnh của bộ tộc Tatar Mông Cổ dẫn quân đến xâm phạm, binh lực hùng hậu có đến 5 vạn người. Tại sao việc này lại khiến Vương Huân lo lắng?

Mọi người thử nghĩ xem, Hoàng đế không thông báo trước, đột nhiên đến đây. Đúng lúc, Tiểu Vương tử Bá Nhan Mãnh cũng dẫn quân xâm phạm, còn dẫn theo 5 vạn binh mã. Vương Huân lúc đó chỉ có 2 vạn quân. Như vậy cũng không sao, chỉ cần Hoàng đế về kinh, tránh được nguy hiểm, bản thân Vương Huân tử thủ ở đây, cho dù là da ngựa bọc thây cũng là tận nghĩa bề tôi. Thế nhưng Hoàng đế cứ một mực không chịu đi. Không chỉ không chịu đi, Chu Hậu Chiếu còn muốn ra nơi tiền tuyến để đánh giặc, nói rằng: “Thái Tổ, Thành Tổ đều anh dũng như vậy, trên người mình có dòng máu của họ, hẳn cũng có tài năng quân sự. Phòng thủ gì chứ, phải tiến công”.

Lệnh vua không thể làm trái, Vương Huân đành dẫn quân ra trận. Chiến thuật của quân Minh khiến kinh nghiệm sa trường của Tiểu Vương tử Mông Cổ không thể hiểu được. Bá Nhan Mãnh cho rằng, có thể là quân Minh có binh lực nhiều hơn mình rất nhiều, hoặc là ở gần đó có quân cứu viện, nếu không sẽ làm liều như vậy. Bởi vì nghĩ như vậy, Tiểu Vương tử có chút sợ hãi nên cũng có phần do dự.

Đến ngày thứ hai, vừa mới vào trận, đột nhiên có một trận sương mù dày đặc, cách mấy mét đã nhìn không thấy gì. Ngày thứ ba cũng có sương mù rất dày.

Đợi đến khi sương tan, Tiểu Vương tử Mông Cổ phát hiện quân Minh sớm đã lẻn trở về thành. Tiểu Vương tử mất kiên nhẫn, hạ lệnh tấn công vào thành. Thế nhưng, quân Mông Cổ còn chưa kịp đến gần, quân Minh lại đột nhiên mở cửa thành xông ra, khiến quân Mông Cổ không kịp trở tay. Thì ra là đó do quân Minh ở vùng phụ cận nhận được lệnh của Hoàng đế, đến tiếp viện.

Cuối cùng, Chu Hậu Chiếu xông ra chiến trường, làm gương cho binh sĩ, xung phong đi đầu, ra sức giết địch. Toàn quân trên dưới một lòng, cuối cùng thành công đánh lui Tiểu Vương tử Mông Cổ.

Nếu không có trận sương mù trợ giúp để quân Minh có thêm thời gian, kết quả cuối cùng thể nào, cũng không ai có thể đoán trước được.

Lời cầu nguyện thần kỳ của tướng Patton

Thật ra không chỉ vào thời cổ đại, trong chiến tranh phương Tây hiện đại, cũng có những chiến dịch được xem là kỳ tích. Trong đó nổi tiếng nhất là sự kiện tướng Patton phá vòng vây trong trận chiến ở Ardennes.

Patton đã tìm gặp mục sư O'Neill và nhờ mục sư viết một lời cầu nguyện để xin Chúa giúp đỡ.
Patton đã tìm gặp mục sư O'Neill và nhờ mục sư viết một lời cầu nguyện để xin Chúa giúp đỡ. (Miền công cộng)

Mùa đông năm 1944 là thời gian khó khăn đối với quân đội Mỹ trong thế chiến thứ hai. Tuy rằng, quân phát xít Đức đã dần đến thế bại trận, nhưng lúc này quân đội Mỹ phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất trong vòng mấy chục năm của châu Âu, rất khó tiến quân.

Vào tháng 12, Hitler nỗ lực lần cuối cùng, tập hợp 30 sư đoàn và phát động Trận chiến Bulge. Sư đoàn Dù 101 của Mỹ đóng quân tại một khu vực giao thông quan trọng, bị quân Đức bao vây ở Basten, Pháp, và đang ở thế nguy hiểm.

Vì vậy, tướng Patton đã chỉ huy Quân đoàn 3 hành quân nhanh đến Basten để giải cứu Sư đoàn Dù 101. Vào thời điểm này, khu vực Basten bị bao phủ trong sương mù và tuyết dày đặc. Quân Đồng minh cũng không thể dùng hỏa lực để yểm trợ.

Thấy tình hình cấp bách, tướng Patton đã cầu xin Chúa giúp đỡ. Ông nhờ linh mục O’Neill viết ra một lời cầu nguyện, rồi cho in lời cầu nguyện này lên những tấm thẻ, phát cho tổng cộng 250.000 sĩ quan, binh lính.

Mọi người cầm một tấm thẻ có ghi "Lời cầu nguyện của Patton" nổi tiếng: “Lạy Đức Thiên Chúa toàn năng và nhân từ, chúng con với lòng thành khẩn cầu xin ân sủng lớn lao của Ngài. Xin Ngài giúp chúng con ngăn chặn cơn mưa mà chúng con không thể kiểm soát, và ban cho chúng con thời tiết tốt đẹp trong trận chiến này. Xin hãy lắng nghe lời nguyện cầu của chúng con với tư cách là những người lính. Chỉ khi Ngài giúp chúng con dẹp tan sự áp bức và cái ác của kẻ thù, chúng con mới có thể mang lại công lý và hoà bình cho nhân loại”.

Tướng Patton yêu cầu tất cả các sĩ quan và binh sĩ tập trung cầu nguyện trong thời khắc quan trọng, ông nói: “Chúng ta phải cùng nhau hướng đến Chúa và tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài bằng tất cả sức lực của mình”.

Trước ngày Quân đoàn 3 xuất phát, tuyết vẫn rơi dày đặc, tướng Patton khiêm tốn quỳ xuống và một mình cầu nguyện với Chúa, câu cuối trong lời cầu nguyện của ông là: “Chúa ơi! Con không phải người không biết nói đạo lý, con cũng không phải đang hối thúc Ngài, con thậm chí cũng không yêu cầu kỳ tích, mong muốn duy nhất của con chỉ là trời sẽ trong xanh trong bốn ngày”.

Vào lúc bình minh, một điều kỳ diệu đã xảy ra! Tuyết ngừng rơi, sáu ngày tiếp theo trời nắng đẹp, nên Quân đoàn 3 đã thành công tiến quân về phía bắc giải cứu Sư đoàn Dù 101 bị mắc kẹt ở khu vực Basten. “Lời cầu nguyện của Patton” đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Sau chiến tranh, giới truyền thông vẫn đưa tin ca ngợi sự dũng cảm của tướng Patton, nhưng ông không quên ơn của Chúa, ông nói: “Đó là Chúa giúp tôi hoàn thành sứ mệnh của mình, còn tôi thì rất tầm thường”.

Phù Dao - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những bàn tay thần bí điều khiển chiến tranh