Những nghi vấn về số nhân khẩu do Trung Quốc công bố, số người chết quá thấp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có nhiều điều khó giải thích trong dữ liệu dân số năm 2023 do chính quyền Trung Quốc chính thức công bố, bao gồm số người chết cực thấp, số sinh cực thấp và tỷ lệ sinh trung bình cực thấp của phụ nữ. Đặc biệt là số liệu tử vong của chính quyền Trung Quốc đưa ra chênh lệch lớn với thực tế.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Tư (17/1), dân số cả nước Trung Quốc là 1,410 tỷ vào cuối năm 2023, giảm từ mức 1,412 tỷ vào cuối năm 2022.

Các quan chức cho biết dân số Trung Quốc đã giảm 2,08 triệu người trong năm qua. Mức giảm này nhiều hơn gấp đôi so với năm 2022. Năm 2022 là năm dân số giảm đầu tiên được Trung Quốc chính thức công bố kể từ nạn đói lớn vào đầu những năm 1960.

Bất kể mức độ chính xác của dữ liệu như thế nào, khi tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục và tỷ lệ giảm dân số ngày càng tăng, kết quả này sẽ không chỉ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhân khẩu học mà còn đặt ra những thách thức dài hạn đối với nền kinh tế đang phải đối mặt với áp lực giảm phát và khủng hoảng bất động sản.

Chính quyền Trung Quốc cung cấp số liệu tử vong không đúng với thực tế

Các quan chức cho biết số người chết đã tăng lên 11,1 triệu người vào năm 2023, nhiều hơn gần 700.000 người so với năm 2022.

Chính quyền Trung Quốc không phân tích dữ liệu theo nguyên nhân tử vong, đồng thời ngừng công bố những dữ liệu có thể làm sáng tỏ vấn đề này, chẳng hạn như số lượng hài cốt được hỏa táng.

Sau khi Trung Quốc đột ngột chấm dứt chính sách ‘zero Covid’ vào tháng 12/2022, khiến số ca lây nhiễm gia tăng, số người chết vì dịch bệnh có thể là một trong những nguyên nhân khiến số người chết tăng cao.

Tuy nhiên, số người chết được công bố chính thức là 700.000 người, thấp hơn nhiều so với ước tính thận trọng nhất về số người chết vì dịch bệnh. Một nghiên cứu được bình duyệt vào năm 2023, dựa trên cáo phó và dữ liệu từ công cụ tìm kiếm được công bố trên JAMA Network Open, một tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, ước tính rằng trong vòng hai tháng kể từ khi dỡ bỏ chính sách zero Covid, Trung Quốc đã có khoảng 1,87 triệu người chết từ 30 tuổi trở lên.

Bởi vì chính quyền Trung Quốc luôn che giấu dịch bệnh nên số người chết thực sự do dịch bệnh này cao hơn nhiều so với con số này. WHO đã chỉ trích Bắc Kinh vì báo cáo thấp về số ca tử vong.

Tình trạng quá tải tại các lò hỏa táng ở Trung Quốc và áp lực buộc các bác sĩ không phân loại các trường hợp tử vong có liên quan đến Covid-19 khi dịch bệnh càn quét đất nước này, đã làm dấy lên nghi ngờ về tính minh bạch dữ liệu của Trung Quốc. Vào tháng 7 năm ngoái, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, nơi chiếm 5% dân số cả nước, đã báo cáo số vụ hỏa táng tăng 70% từ tháng 1 đến tháng 3/2023, dữ liệu này sau đó đã bị xóa.

Trước đây, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các bác sĩ quy kết những ca tử vong do Covid là do các nguyên nhân khác. The Economist cho rằng ngay cả "ở Trung Quốc, việc bịa đặt nguyên nhân cái chết là tương đối dễ dàng, nhưng không dễ để giả vờ như không có chuyện gì xảy ra và không bị phát hiện".

Trước khi Trung Quốc công bố dữ liệu dân số, Reuters đã đưa tin, nhà nhân khẩu học Chu Vận của Đại học Michigan cho biết dữ liệu vào tuần tới có thể báo cáo thấp hơn sự suy giảm dân số nhằm che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19, đồng thời cho thấy sự lạc quan trong việc giải quyết dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc.

Bà Chu Vận nói: “Báo cáo dữ liệu dân số của Trung Quốc vừa là vấn đề nhân khẩu học vừa là một vấn đề chính trị”.

Người ít hơn nhưng người trẻ vẫn không tìm được việc làm

Dân số Trung Quốc đang giảm và già đi nhanh chóng, nhưng những người trẻ tuổi, kể cả những người có trình độ học vấn cao, đang gặp khó khăn hơn trong tìm kiếm việc làm. Sau khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc vượt quá 21% vào tháng 6/2023, Bắc Kinh đột ngột ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên.

Tuần này, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc bắt đầu đưa ra biện pháp sửa đổi nhằm loại trừ sinh viên đại học đang tìm việc làm ra khỏi số liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Theo chỉ số mới này, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 14,9 % vào tháng 12/2023.

Thế giới bên ngoài không có cách nào để biết liệu tình trạng thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc có được cải thiện hay không, bởi Cục Thống kê Quốc gia không cho biết dữ liệu của các tháng trước được tính theo phương pháp mới như thế nào, nhưng việc loại trừ những sinh viên đại học đang tìm việc làm chắc chắn sẽ có sự chênh lệch rất lớn.

Vào tháng 4/2023, một quan chức của Trung Quốc tiết lộ rằng gần 39% thanh niên được phân loại là “thất nghiệp” ở Trung Quốc là sinh viên đại học chưa tốt nghiệp. Nếu chúng ta loại họ khỏi lực lượng lao động và loại bỏ họ khỏi tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tháng vào 3/2023 là 19,6% và có thể trực tiếp giảm xuống 13%.

Một số cư dân mạng nói đùa: "Số ca sinh không cao bằng số sinh viên tốt nghiệp đại học. Dân số thực sự đang rơi xuống vực thẳm". Số liệu chính thức từ chính quyền Trung Quốc cho biết vào năm 2023, Trung Quốc có 9,02 triệu ca sinh và 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học.

Tỷ lệ sinh trung bình của phụ nữ Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất thế giới

Phương tiện truyền thông Hotair đưa tin, bất chấp những nỗ lực hết mình của chính quyền Trung Quốc, phụ nữ Trung Quốc vẫn tránh kết hôn và sinh con nhanh đến mức khiến dân số Trung Quốc giảm 2 năm liên tiếp, làm trầm trọng thêm mối lo ngại của chính phủ về tình trạng dân số già đi nhanh chóng tương lai kinh tế của nước này.

Theo Liên Hợp Quốc, tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ sau khi chính sách một con chấm dứt vào năm 2016 và liên tục giảm kể từ đó: từ mức trung bình 1,7 con/phụ nữ (ngang bằng với Australia và Anh) xuống còn khoảng 1,2 con/phụ nữ, con số này thuộc loại thấp nhất trên thế giới.

Nhiều phụ nữ ngày càng không muốn kết hôn và sinh con, họ coi trọng việc đạt được mục tiêu cuộc sống của riêng mình hơn là những lời kêu gọi của chính phủ và mong muốn của người thân.

Đặc biệt, sự bất ổn về kinh tế đã khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc phải hoãn kế hoạch sinh con. Tỷ lệ sinh tăng nhẹ như dự kiến ​​sau khi các hạn chế về Covid được dỡ bỏ cũng đã không thành hiện thực.

Nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Victoria, Australia, Bành Tú Kiến cho biết: “Nếu những người trẻ không có niềm tin vào tương lai, họ sẽ khó tính đến việc ổn định cuộc sống và kết hôn”.

Để khuyến khích sinh con, một số chính quyền địa phương đã thử nhiều phương pháp khác nhau, từ sắp xếp các buổi hẹn hò xem mắt đến khuyến khích bằng tiền mặt.

Nhà kinh tế học tại Đại học Sydney, Lauren Johnston, nhà nghiên cứu về nhân khẩu học Trung Quốc, cho biết rào cản lớn hơn đối với việc sinh con thứ hai hoặc thứ ba là vấn đề tài chính.

Bà Lauren Johnston nói, nhiều bậc cha mẹ coi chi phí nhà ở và giáo dục cao là rào cản lớn cho việc sinh thêm con: "Mọi người không đủ khả năng mua nhà riêng cho mình, chứ chưa nói đến nhà cho con cái".

Một cư dân mạng Trung Quốc để lại lời nhắn trên weibo: "Bạn nghĩ người trẻ không muốn có con? Hay họ sợ có con? Hay họ không có khả năng sinh con?"

Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng

Tạp chí Phố Wall dẫn lời một nhà nhân khẩu học độc lập ở Quảng Đông, Trung Quốc, nói rằng dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ sinh của Trung Quốc chưa bằng một nửa tỷ lệ thay thế dân số. Điều đó có nghĩa là mỗi thế hệ sẽ có quy mô nhỏ hơn một nửa so với thế hệ trước.

So với các nền kinh tế lớn khác, dân số Trung Quốc đang già đi sớm hơn nhiều. Vào năm 2022, chính quyền Trung Quốc công bố dân số sẽ bắt đầu giảm lần đầu tiên, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là khoảng 12.000 USD, chỉ bằng hơn 1/3 GDP bình quân đầu người của Nhật Bản.

Hiện nay, dân số trong độ tuổi 60 tuổi trở lên chiếm 20% tổng dân số Trung Quốc. Hầu hết người Trung Quốc nghỉ hưu ở tuổi 60, ít nhất là ở các thành phố.

The Economist mô tả tình trạng già hóa dân số của Trung Quốc và cho rằng nếu 297 triệu người già Trung Quốc này gộp lại thành một quốc gia, họ sẽ trở thành quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới.

Bài báo cho biết, dân số ngày càng giảm và già đi nhanh chóng khiến Bắc Kinh lo ngại, vì điều này đang làm cạn kiệt lực lượng dân số trong độ tuổi lao động cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Và cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đã đến sớm hơn dự kiến, gây áp lực lên hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe.

Bài báo cho biết: “Vấn đề thực sự đối với Trung Quốc là tốc độ suy thoái kinh tế sẽ tăng nhanh trong vài năm tới”.

Một nữ cư dân mạng sinh vào những năm 1990 đăng trên weibo: "Có quá ít trẻ sơ sinh, có quá nhiều sinh viên đại học, công nhân 35 tuổi được coi là già và việc nghỉ hưu ở tuổi 60 là quá sớm. Chúng tôi sinh ra vào những năm 1990 đều bị từ chối". Chẳng bao lâu sau, bài đăng của cô đã bị weibo xóa. Cô nói: “Tôi đã nói điều gì vi phạm quy định?”

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Những nghi vấn về số nhân khẩu do Trung Quốc công bố, số người chết quá thấp