Nợ quốc gia đạt 34 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023 - Nước Mỹ không thể ngừng vay mượn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nợ quốc gia của Mỹ đang tăng cao ở mức nguy hiểm. Không những thế, tình hình dường như sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian sắp tới. Làm thế nào Mỹ có thể thoát khỏi vòng xoáy nợ nần này?

Nợ quốc gia của Mỹ đã ghi nhận “thành tích gây nản lòng” thứ ba trong 12 tháng qua, lần đầu tiên đạt mức 34 nghìn tỷ USD, tính đến hết năm 2023, theo dữ liệu mới nhất về nợ của Bộ Tài chính có tên Nợ đến từng xu.

Vào ngày 29/12/2023, khoản nợ đã tăng khoảng 90 tỷ USD trong một ngày, vượt quá 34,001 nghìn tỷ USD. Washington đã mất khoảng 3 tháng để thêm 1 nghìn tỷ USD vào tổng nợ liên bang và 6 tháng để tích lũy được 2 nghìn tỷ USD.

Chỉ trong vòng một năm, tổng nợ công của chính phủ liên bang đã tăng vọt khoảng 2,65 nghìn tỷ USD. Để so sánh, Mỹ phải mất hơn 200 năm để vượt mốc 1 nghìn tỷ USD vào tháng 10/1981.

Bà Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm (CRFB), cho biết đây “thực sự là một ‘thành tích’ gây nản lòng”.

Bà nói trong một tuyên bố: “Mặc dù mức nợ của chúng ta là nguy hiểm cho cả nền kinh tế và an ninh quốc gia, nhưng nước Mỹ chỉ là không thể ngừng vay mượn”. “Không có một lý do kinh tế nào để tăng thêm khoản nợ với tỷ lệ hiện tại của chúng ta, nhưng thật đáng buồn là các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta không sẵn lòng thực hiện những thay đổi cần thiết để xoay chuyển tình hình tài chính”.

Theo Quỹ Peter G. Peterson, lượng nợ tràn ngập nước Mỹ lớn hơn tổng nền kinh tế của Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh.

“Việc vô trách nhiệm với ngân sách của chúng ta đơn giản là không công bằng đối với con cháu chúng ta, những người sẽ thừa kế khoản nợ này”, một báo cáo của tổ chức cố vấn bảo thủ về mặt tài chính cho biết.

Rất nhiều dự báo ngắn hạn và dài hạn cho thấy tình trạng thâm hụt tài chính sẽ trầm trọng hơn trong nhiều năm tới.

Trong những tháng tới, Bộ Tài chính Mỹ dự báo sẽ vay khoảng 1 nghìn tỷ USD để bù đắp thâm hụt ngân sách gia tăng và xử lý chi phí lãi vay ngày càng tăng. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự kiến vào mùa hè vừa qua rằng nợ quốc gia sẽ tăng gần gấp đôi và chiếm 183% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2053.

“Nợ cao và ngày càng tăng như vậy sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế, gia tăng các khoản thanh toán lãi cho các chủ nợ nước ngoài của Mỹ và gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng tài chính và kinh tế; nó cũng có thể khiến các nhà lập pháp cảm thấy bị hạn chế hơn trong các lựa chọn chính sách của họ”, cơ quan giám sát phi đảng phái viết trong báo cáo Triển vọng Ngân sách Dài hạn năm 2023.

Theo ngân sách năm 2024 của Tổng thống Joe Biden, thâm hụt liên bang dự kiến sẽ lên tới gần 1,9 nghìn tỷ USD trong năm nay. Thâm hụt ngân sách hàng năm được dự đoán sẽ vẫn ở mức trên 2 nghìn tỷ USD sau năm 2030.

Chính phủ Mỹ đã vay hơn 380 tỷ USD trong hai tháng đầu năm tài chính 2024.

Nợ quốc gia đạt 34 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023 - Nước Mỹ không thể ngừng vay mượn
Tòa nhà Bộ Tài chính Hoa Kỳ tại Washington, Mỹ, vào ngày 19/1/2023. (Ảnh: SAUL LOEB/AFP qua Getty Images)

Phản ứng tại Washington

Dân biểu David Schweikert (Cộng hòa - Arizona), Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Hỗn hợp, dự đoán rằng nợ quốc gia sẽ tăng vọt lên tới 36 nghìn tỷ USD vào cuối năm tài chính 2024.

Ông Schweikert viết trên X, trước đây gọi là Twitter: “Theo tính toán của tôi, mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”. “Chúng ta đang vay hơn 106.000 USD mỗi giây trong năm tài chính này. Với tốc độ này, chúng ta sẽ kết thúc năm tài chính 24 với khoản nợ quốc gia vượt quá 36 nghìn tỷ USD. Bánh xe tài chính đã rời ra”.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng hòa - Louisiana) cho biết nợ quốc gia vẫn là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ”, đồng thời cho biết mức chi tiêu hiện tại “không thể duy trì được”.

“Các nhà lập pháp từ cả hai bên đảng có trách nhiệm giảm chi tiêu và cuối cùng đưa nước Mỹ vào con đường hướng tới sự lành mạnh về tài chính”, ông viết trên X.

Dân biểu Lauren Boebert (Cộng hòa - Colorado) gọi khoản nợ quốc gia đang phình to là “gánh nặng đối với mọi công dân Mỹ”.

Những người khác, bao gồm Dân biểu Eric Burlison (Cộng hòa - Missouri) và Dân biểu Tim Burchett (Cộng hòa - Tennessee), đã yêu cầu thay đổi cách chính phủ Mỹ quản lý tiền của người nộp thuế.

“Việc này nằm ngoài tầm kiểm soát. Quốc hội cần thực hiện một số thay đổi NGHIÊM TRỌNG về cách chúng ta quản lý tiền của đất nước này và thời hạn thông qua ngân sách sắp đến gần”, ông Burchett nói.

Tổng thống Biden nhiều lần tuyên bố đã cắt giảm một nửa nợ quốc gia trong hai năm đầu cầm quyền.

Chính quyền hiện tại đã đề xuất nhiều biện pháp khác nhau để tăng thêm doanh thu liên bang. Trong năm qua, các quan chức Tòa Bạch Ốc đã thảo luận về mức thuế 25% dành cho các tỷ phú mà họ cho rằng sẽ thu về 440 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Nhóm truyền thông xã hội của Tổng thống Biden viết trên X: “Hãy tưởng tượng xem chúng ta có thể làm gì nếu chúng ta bắt các tỷ phú nộp thuế như mọi người khác”.

Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng chính phủ liên bang đã sẵn sàng cho việc ghi nhận mức thâm hụt tích lũy 17 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian này, vì vậy doanh thu tiềm năng từ khoản thuế đó sẽ không đủ.

Nợ quốc gia đạt 34 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023 - Nước Mỹ không thể ngừng vay mượn
(Ảnh: The Epoch Times, Getty Images, Shutterstock)

Tài trợ hay là đóng cửa?

Các nhà lập pháp đang phải đối mặt với hai thời hạn vào lúc nửa đêm trong vòng 1 tháng tới đối với việc tài trợ cho ngân sách liên bang: ngày 19/1 và ngày 2/2.

Thời hạn đầu tiên là để phê duyệt dự luật phân bổ tài trợ cho một số bộ, bao gồm Bộ Nông nghiệp, Bộ Năng lượng, Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị, và Bộ Cựu chiến binh. Thời hạn thứ hai liên quan đến luật phân bổ ngân sách để tài trợ cho các Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Nội vụ, cũng như các chương trình hoạt động đối ngoại của nhà nước.

Nếu các quan chức bỏ lỡ những thời hạn này, chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ, điều có thể làm gián đoạn các dịch vụ không thiết yếu và gây ra sự chậm trễ trong thanh toán.

Người ta dự đoán rộng rãi rằng Washington sẽ tránh được việc chính phủ đóng cửa, với khả năng đóng cửa thủ đô của quốc gia vào khoảng 15%.

Nợ quốc gia đạt 34 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023 - Nước Mỹ không thể ngừng vay mượn
Đồng hồ Nợ Quốc gia ở Washington, Mỹ, vào ngày 13/11/2023.(Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Vòng xoáy nợ nần của Mỹ

Một số nhà kinh tế nói với The Epoch Times rằng Mỹ đang đứng trước bờ vực của một vòng xoáy nợ nần có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc siêu lạm phát.

Ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Vấn đề là nghiêm trọng bởi vì, dù bạn hiểu theo cách nào, người nộp thuế đang phải trả lãi cho núi nợ đã được tích lũy”. “Nói tóm lại, họ đang trả một cái gì đó để đổi lại không gì cả”.

Một số ý kiến cho rằng Quốc hội phải hạn chế đáng kể chi tiêu thâm hụt để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư - những người dường như đang mất niềm tin vào khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ của Mỹ.

Nợ quốc gia đạt 34 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023 - Nước Mỹ không thể ngừng vay mượn
Sở giao dịch chứng khoán New York và bức tượng 'Cô gái không sợ hãi' trên Phố Wall ở Thành phố New York, Mỹ, vào ngày 23/3/2021. (Ảnh: ANGELA WEISS / AFP qua Getty Images)

Ông Mark Thornton, một thành viên cao cấp tại Viện Mises theo chủ nghĩa tự do cổ điển, cho biết: “Chi tiêu thâm hụt của chính phủ Mỹ đang ở trong một kịch bản không thể kiểm soát được”. Ông tiếp tục: “Số tiền mà họ vay đang ở mức cực kỳ cao và dường như không có bất kỳ quy định nào hoặc thậm chí là những nỗ lực ở mức nhẹ nhàng nhằm hạn chế khía cạnh chi tiêu của phương trình tài chính”.

Nợ quốc gia của Mỹ đã đạt mức trên 33 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2023 (12 tháng kết thúc vào ngày 30/9/2023). Con số này cao hơn khoảng 1,7 nghìn tỷ USD so với năm trước. Lãi suất đối với khoản nợ đã tăng đều đặn trong nhiều thập kỷ, mặc dù với tốc độ tăng tương đối chậm, lên khoảng 570 tỷ USD vào năm 2019 từ khoảng 350 tỷ USD vào năm 1995 - mức tăng hàng năm khoảng 2%.

Với sự bùng nổ chi tiêu của chính phủ trong đại dịch COVID-19 và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất sau đó, chi phí nợ đã tăng vọt hơn 50% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2023. Trong năm tài chính vừa qua, nó đã vượt qua toàn bộ ngân sách quân đội.

Chi phí dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi những khoản nợ cũ phát hành với lãi suất thấp đáo hạn và được tái tục sang lãi suất cao hơn.

Trong khi chính phủ trả một phần tiền lãi cho chính mình, vì chính phủ nắm giữ khoảng 20% khoản nợ trong các quỹ khác nhau, tiền lãi từ phần nợ đó được cho là được dùng để trả cho các chi phí trong tương lai của các chương trình như Medicare và An sinh xã hội.

“Số tiền đó đã được định sẵn để được chuyển đi. Nó chỉ là vẫn chưa được chuyển đi”, ông E.J. Antoni, một nhà kinh tế và nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn bảo thủ The Heritage Foundation, nói.

“Không phải là chính phủ có sẵn khoản tiền đó để chi tiêu”.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, ngay cả khi tính cả khoản thu nhập đó, quỹ Bảo hiểm Bệnh viện Medicare và An sinh Xã hội dự kiến sẽ cạn tiền trong khoảng 10 năm nữa.

Nợ quốc gia đạt 34 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023 - Nước Mỹ không thể ngừng vay mượn
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chờ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong vào đầu ngày thứ hai của cuộc họp kéo dài hai ngày trước Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tại San Francisco, California, Mỹ, vào ngày 10/11/2023. (Ảnh: LOREN ELLIOTT/AFP qua Getty Images)

Đổ lỗi cho ai?

Thật dễ dàng để đổ lỗi nợ chính phủ cao quá mức cho chính phủ, đặc biệt là Quốc hội. Nhưng các nhà kinh tế lại đổ lỗi phần lớn cho Fed.

Đúng là các nhà lập pháp chịu trách nhiệm phê duyệt ngân sách và bất kể đảng phái nào, từ lâu đã không thể cân đối được ngân sách. Nhưng chính Fed đã khiến việc vay mượn trở nên thuận tiện hơn bằng cách đặt ra lãi suất cực thấp trong suốt gần hai thập kỷ qua.

Ông Antoni nói: “[Trước đó] trong nhiều năm, khoản nợ không tăng nhiều vì việc tăng nó sẽ quá tốn kém”.

Ông Hanke nói: “Fed nên phải chịu trách nhiệm vì đã cho phép cung tiền mở rộng với tốc độ quá mức”.

“Lạm phát luôn luôn và ở mọi chỗ là một hiện tượng tiền tệ. Và, như đêm tiếp theo ngày, lãi suất đi theo tiến trình lạm phát. Vì vậy, Fed, do không chú ý đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung tiền, chính là một thủ phạm”.

Việc Fed mua nợ chính phủ trong thời gian chi tiêu đạt quy mô khổng lồ trong đại dịch đã gây ra cơn bão lạm phát và tiếp tục được kéo dài đến năm 2022, ngay cả sau khi đại dịch đã kết thúc trên thực tế.

Ông Hanke nói: “Vật trưng bày 1 có tiêu đề trớ trêu là ‘Đạo luật giảm lạm phát’, một đạo luật chứa đầy các khoản trợ cấp và phân phát của chính phủ”.

Nợ quốc gia đạt 34 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023 - Nước Mỹ không thể ngừng vay mượn
Tổng thống Joe Biden (giữa), bên cạnh các nhà lập pháp, mỉm cười sau khi ký Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022, tại Tòa Bạch Ốc ở Washington, Mỹ, vào ngày 16/8/2022. (Ảnh: MANDEL NGAN/AFP qua Getty Images)

Theo ông Antoni, đợt chi tiêu đầu tiên trong mùa dịch COVID-19 vào năm 2020 không gây ra nhiều lạm phát vì Fed đã dành hai năm trước đó để thắt chặt nhẹ nguồn cung tiền.

Ông nói: “Bạn có một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và nguồn cung tiền đang bị thu hẹp, cả hai đều rất giảm phát”. “Vì vậy, do đó, có rất nhiều bộ đệm, nếu bạn chấp nhận cách nói này, được tạo ra trong nền kinh tế để hấp thụ toàn bộ chi tiêu dư thừa đó vào năm 2020. Lạm phát tăng cao vào năm 2021 vì bộ đệm đó không còn nữa. Vì vậy, bất cứ điều gì khác chỉ là đổ thêm dầu vào lửa”.

Về lý thuyết, Fed nên thiết lập chính sách tiền tệ độc lập với các mối quan tâm chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế, có vẻ như khi chính phủ muốn chi tiêu, Fed sẽ cung cấp điều kiện cho điều đó, theo ông Antoni.

Ông nói: “Lãnh đạo Fed đã cho thấy “họ không phụ thuộc vào dữ liệu, không độc lập mà họ chỉ đơn giản là nô lệ cho các ông chủ chính trị của mình”.

Ông không tin tưởng rằng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao đủ lâu để chấm dứt mối đe dọa từ lạm phát.

Ông nói: “Chúng ta vẫn chưa quay trở lại mức tăng giá trước đại dịch và mọi người chỉ không tin tưởng rằng Fed sẽ đưa chúng ta đến đó”.

Ông Thornton lập luận rằng “Fed có rất ít triển vọng làm bất cứ điều gì không gây ra vấn đề thứ cấp”.

“Fed đã tự dồn mình vào chân tường. Nó cực kỳ dễ bảo trong những năm qua. Nỗ lực thắt chặt định lượng của nó, theo nghĩa là bán nợ chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, thực sự rất nhỏ trong bức tranh lớn hơn. Về mặt biểu đồ, bảng cân đối kế toán của Fed bùng nổ hướng lên trên và nó gần như không chững lại và đi xuống chút nào”, ông nói.

Nợ quốc gia đạt 34 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023 - Nước Mỹ không thể ngừng vay mượn
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell chuẩn bị phát biểu tại Washington, Mỹ, vào ngày 8/11/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images)

Giải pháp là gì?

Theo ông Thornton, nếu Fed không sẵn sàng giải quyết vấn đề, Quốc hội Mỹ sẽ phải vào cuộc. Tuy nhiên, sẽ cần một “cú giật cực lớn” để tạo ra biến chuyển đáng kể.

Ông nói: “Thực sự cần phải cắt giảm chi tiêu trên diện rộng để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động”.

Tuy nhiên, nó không nhất thiết phải phức tạp.

Ông Thornton nói: “Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là thiết lập lại mọi ngân sách, mọi phúc lợi của chính phủ, mọi khoản tiền lương của chính phủ trở lại, chẳng hạn, mức năm 2018”.

“Điều đó sẽ giải quyết được vấn đề. Nó sẽ giải quyết được vấn đề tài chính, nó sẽ giải quyết được vấn đề tâm lý mà mọi người đang gặp phải về nền kinh tế Mỹ”.

Ông lưu ý rằng những cắt giảm như vậy chắc chắn sẽ được các phương tiện truyền thông gọi là “hà khắc” và sẽ cần phải đủ lớn để có thể “làm phiền lòng” các nhân viên chính phủ cũng như những người được hưởng lợi từ các chương trình của chính phủ, và đây có thể là một sự hy sinh lớn về mặt chính trị.

Đồng thời, chính phủ sẽ phải thực hiện các bước để phục hồi nền kinh tế bằng cách cắt giảm thuế và các rào cản đối với doanh nghiệp, ông nói.

Ông Thornton chỉ ra quy định mới của Alabama giúp miễn thuế thu nhập tiểu bang cho công việc làm thêm giờ.

Ông nói: “Đó là điều chúng ta cần làm trên quy mô lớn hơn nhiều và chúng ta cần thực hiện nó trên toàn quốc”.

“Hy vọng rằng bạn sẽ thấy các chính trị gia phản ứng cùng với ít nhất một số nỗ lực theo đúng hướng, nhưng họ sẽ phải thực sự đạt được một số tiến bộ đáng kể và rất nhanh chóng và tôi sẽ không đánh cược ngay bây giờ rằng họ sẽ làm đủ.”

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nợ quốc gia đạt 34 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023 - Nước Mỹ không thể ngừng vay mượn