Ông Tập tái đắc cử Chủ tịch nước Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay (10/3), Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tương đương Quốc hội) đã thông qua phương án cải cách cơ cấu Quốc vụ viện. Đồng thời, danh sách lãnh đạo cấp cao mới của chế độ Bắc Kinh cũng được công bố, ông Tập Cận Bình tiếp tục được “nhất trí bầu” làm Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Trong buổi họp ngày hôm nay 10/3, đầu tiên, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua phương án cải cách cơ cấu Quốc vụ viện. Theo tuyên bố trước đó của Quốc vụ viện, phương án này bao gồm 13 hạng mục bao gồm: tái tổ chức Bộ Khoa học và Công nghệ; thành lập Tổng cục Quản lý và Giám sát Tài chính Nhà nước, Cục Dữ liệu Quốc gia; tinh giảm biên chế của các cơ quan nhà nước và trung ương, v.v.

Theo chương trình hội nghị, trong sáng nay ngày 10/3, Quốc hội Trung Quốc sẽ bầu Chủ tịch nước; Chủ tịch Quân ủy Trung ương; Ủy viên trưởng, Phó ủy viên trưởng, Tổng thư ký của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc; và Phó chủ tịch nước.

Trong buổi chiều sẽ bầu Thủ tướng Quốc vụ viện, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Nhà nước, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, và các ủy viên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc. Đồng thời, Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tương đương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) sẽ bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và Ủy viên Thường vụ.

Khoảng 11 giờ sáng nay theo giờ Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã được "nhất trí bầu" làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương; ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thay thế ông Lật Chiến Thư đảm nhiệm vị trí Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc; ông Hàn Chính thay ông Vương Kỳ Sơn giữ chức Phó chủ tịch nước.

Chuyên gia: 5 năm cầm quyền sắp tới của ông Tập Cận Bình sẽ nguy cơ trùng trùng

Lần này ông Tập Cận Bình đã phá vỡ tiền lệ và tiếp tục nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ ba. Hồi tháng 3/2018, ông Tập đã sửa đổi “Hiến pháp” và bãi bỏ quy định không quá hai nhiệm kỳ (10 năm) của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước Trung Quốc.

Kể từ Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, ông Tập đã tả khuynh trong cả đối nội và đối ngoại. Về đối ngoại, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chuyển sang đối đầu, chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ đã bị các nước phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu bao vây và chống lại, nó ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế.

Trong nội bộ, dịch bệnh kéo dài 3 năm và chính sách cực đoan Zero Covid của ĐCSTQ đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc. Kể từ năm ngoái, tại Bắc Kinh đã xuất hiện "biểu ngữ chống ĐCSTQ", ngoài ra còn "Phong trào Giấy trắng" chống lại chính sách phong tỏa và "Phong trào Tóc trắng" của những người cao tuổi phản đối cải cách bảo hiểm y tế, tất cả đều cho thấy sự bất mãn của người dân Trung Quốc đối với ĐCSTQ, sự bất bình đang sục sôi trong nhân dân.

Tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 năm ngoái, ban thường vụ mới lên hầu như là người của phe ông Tập. Đại diện của phe Đoàn Thanh niên ĐCSTQ gồm ông Lý Khắc Cường và ông Uông Dương hoàn toàn bị loại khỏi Ban thường vụ Bộ Chính trị, chỉ còn lại ông Hồ Xuân Hoa được giữ chức Ủy viên Trung ương. Điều này cũng cho thấy phe ông Giang Trạch Dân và phe Đoàn (còn gọi là phe ông Hồ Cẩm Đào) đã rút lui hoàn toàn.

Tại "Lưỡng Hội" năm nay của ĐCSTQ, các lãnh đạo cũ của Quốc vụ viện dưới thời ông Lý Khắc Cường sẽ không còn đương chức, hầu hết người đứng đầu các bộ và ủy ban cũng sẽ bị thay thế. Cuộc thanh trừng nhân sự quy mô lớn lần này được coi là chưa từng có trong lịch sử Quốc vụ viện của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo mới của ĐCSTQ không được thế giới bên ngoài đánh giá cao, đồng thời, tiếng nói bất mãn trong nội bộ ĐCSTQ cũng ngày càng lớn. Dư luận cho rằng 5 năm cầm quyền tới đây của ông Tập sẽ trùng trùng nguy cơ.

Vào ngày 14/2 năm nay, hãng truyền thông Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã đăng một bài bình luận về bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước các ủy viên trung ương và ủy viên dự khuyết khóa mới, cũng như các quan chức cấp cao của tỉnh và bộ, toàn văn có 26 lần xuất hiện cụm từ “đấu tranh”. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, ĐCSTQ đang phải đối mặt với một "cuộc đấu tranh khốc liệt và phức tạp".

Vào ngày 5/3, ông Marc Julienne, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nói với đài RFI rằng, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang gia tăng từng ngày, ĐCSTQ cũng đang tăng áp lực quân sự và chính trị lên Đài Loan. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực chuyên chế trong suốt mười năm qua, những tiếng nói bất đồng bị dập tắt trong nội bộ ĐCSTQ và xã hội Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc sa sút nghiêm trọng, Trung Quốc đã rất khác so với 30 năm trước.

"Vì vậy, tôi tin rằng ông Tập sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong 5 năm tới mà không người tiền nhiệm nào của ông từng đối mặt", ông Julienne nói.

Vài ngày trước, ông Nhan Thuần Câu (Yan Chungou), một người làm truyền thông thâm niên, đã đăng một bài bình luận trên Facebook cá nhân, nói rằng dân chúng khắp nơi Trung Quốc đều đang bất bình. Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao, người lao động nhập cư chỉ đành trở về quê, những nhóm người này đang cảm thấy thất vọng vì tương lai, bất mãn với thực tại, và ôm thù mới hận cũ với ĐCSTQ, họ có thể nổi dậy phản kháng bất cứ lúc nào. Ngoài ra, việc bãi bỏ cơ cấu và thanh lọc nhân sự sẽ gây ra một chấn động lớn trong giới quan chức. Giờ đây ĐCSTQ đang đứng trước tình thế nguy cấp nhất kể từ khi thành lập, và ông Tập Cận Bình đã tự đẩy mình vào ngõ cụt.

Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả luật sống ở Úc, từng nói với The Epoch Times rằng, dưới sự lãnh đạo của ban thường vụ mới do ông Tập Cận Bình lựa chọn, Trung Quốc sẽ không thể phát triển theo hướng tốt. Đơn giản là họ không có hiểu biết sâu sắc thực sự về nền kinh tế hiện đại và luật pháp hiện đại. Dưới sự cai trị của họ, tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ xã hội.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập tái đắc cử Chủ tịch nước Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương