Ông Tập 'thay máu' hệ thống tài chính quốc gia, tập trung quyền kiểm soát tài chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các nguồn tin của truyền thông Mỹ, ông Tập Cận Bình sẽ bổ nhiệm 2 thân tín vào vị trí lãnh đạo ngân hàng trung ương, khôi phục ủy ban tài chính trung ương trước kia và tiếp tục tập trung quyền lực tài chính vào tay mình. Phân tích chỉ ra rằng, ‘đảo chính tài chính’ luôn là mối lo của ông Tập kể từ khi lên nắm quyền.

Wall Street Journal ngày 23/2 đưa tin, hai thân tín lâu năm là ông Chu Hạc Tân (Zhu Hexin) và ông Hà Lập Phong (He Lifeng) có thể sẽ được ông Tập Cận Bình đưa vào vị trí Bí thư Đảng ủy và Thống đốc của ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc sắp có lãnh đạo mới?

Ông Hà Lập Phong, một người thân tín lâu năm của ông Tập Cận Bình, là người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Dự kiến ​​ông Hà Lập Phong sẽ kế nhiệm ông Lưu Hạc làm Phó thủ tướng phụ trách chính sách kinh tế trong cuộc cải tổ chính phủ vào tháng Ba này. Đồng thời, ông được cho là sẽ kế nhiệm ông Quách Thụ Thanh làm Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương).

Còn ông Chu Hạc Tân, Chủ tịch CITIC Group, là ứng cử viên chính để kế nhiệm nhà kinh tế học Dịch Cương – Thống đốc đương nhiệm của ngân hàng trung ương.

Các nguồn tin nhắc nhở rằng, đây chưa phải là quyết định cuối cùng và việc bổ nhiệm các vị trí cấp cao trong chính phủ sẽ được chính thức đưa ra tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tổ chức vào đầu tháng Ba).

Ông Chu Hạc Tân, hiện 54 tuổi, trước đây từng giữ các vị trí lãnh đạo tại Ngân hàng Giao thông (BOCOM) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC). Ông cũng từng là Phó tỉnh trưởng tỉnh Tứ Xuyên.

Ông Hà Lập Phong, hiện 68 tuổi, là phó lãnh đạo cấp nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Phó Chủ tịch Ủy ban Chính Hiệp Toàn quốc (tương đương Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc)... Ông đã nhiều lần tháp tùng ông Tập Cận Bình trong các chuyến công du nước ngoài và được coi là người thân tín lâu năm của ông Tập. Cả hai quen nhau từ những năm 1980.

Nếu ông Hà Lập Phong được bổ nhiệm cả hai vị trí Phó thủ tướng và Bí thư Đảng ủy ngân hàng trung ương, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, một phó thủ tướng phụ trách chính sách kinh tế sẽ lại kiêm nhiệm vị trí bí thư đảng ủy ngân hàng trung ương. Phó thủ tướng Trung Quốc cuối cùng từng kiêm nhiệm bí thư đảng ủy ngân hàng trung ương là ông Chu Dung Cơ.

Ông Christopher Beddor, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc trực thuộc công ty tư vấn Gavekal Dragonomics tại Bắc Kinh, nói với Bloomberg, chắc chắn rằng so với ông Quách Thụ Thanh (Bí thư Đảng ủy đương nhiệm của ngân hàng trung ương Trung Quốc), mối quan hệ giữa ông Tập Cận Bình với ông Hà Lập Phong thân thiết hơn nhiều.

“Nếu cuối cùng ông Hà Lập Phong được bổ nhiệm để thay thế ông Quách Thụ Thanh, thị trường có thể sẽ cho rằng ông Tập Cận Bình đã nắm được quyền giám sát trực tiếp hơn đối với ngân hàng trung ương”, ông Beddor nói thêm.

Ông Beddor cho biết, quan sát thấy rằng ông Hà Lập Phong đã dành phần lớn sự nghiệp của mình tại chính quyền địa phương và khởi xướng việc phát triển cơ sở hạ tầng, điều này có nghĩa là "ông ấy có thể không có sự cảnh giác [hiểu biết gốc rễ] về nguy cơ nợ nần như ông Quách Thụ Thanh hay ông Lưu Hạc”.

Lên kế hoạch khôi phục Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương

Wall Street Journal dẫn lời các nguồn tin cho hay, ngoài những thay đổi kể trên, ĐCSTQ cũng có kế hoạch khôi phục Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương (đã bị giải thể vào năm 2003).

Ngoài ra, Bloomberg ngày 24/2 cũng dẫn lời nguồn tin tiết lộ rằng, các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đang cân nhắc khôi phục ủy ban trên nhằm gia tăng quyền hạn kiểm soát các chính sách tài chính; ông Đinh Tiết Tường, một trong bảy Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ, sẽ trở thành lãnh đạo của ủy ban này.

Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương là một cơ quan tồn tại từ năm 1998 đến 2003, phụ trách chỉ đạo công tác xây dựng đảng trong hệ thống tài chính. Ông Ôn Gia Bảo, khi đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc, là Chủ nhiệm đầu tiên của ủy ban trên.

Theo tìm hiểu, ủy ban này được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á. Mục đích là để giám sát hệ thống tài chính của Trung Quốc và đảm bảo rằng quan chức các cấp tuân thủ phương châm và chính sách của ĐCSTQ trong cái gọi là hệ thống quản lý theo chiều dọc. Ủy ban này phụ trách giám sát các vấn đề chính sách và nhân sự tại ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý tài chính và các tổ chức tài chính nhà nước của Trung Quốc.

Bloomberg chỉ ra, việc bổ nhiệm và khả năng hợp nhất quyền lực của các cơ quan sẽ khiến quyền ra quyết định về các chính sách kinh tế quan trọng rơi vào tay một số ít người, và cuối cùng là rơi vào tay ông Tập Cận Bình. Việc bổ nhiệm một phó thủ tướng làm bí thư đảng ủy ngân hàng trung ương sẽ giúp nâng cao vai trò của ngân hàng trung ương trong việc điều tiết tài chính.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ‘kiên quyết’ chống tham nhũng

Ngày 23/2 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã đăng một bài viết có tiêu đề "Kiên quyết giành chiến thắng trong cuộc chiến trường kỳ chống tham nhũng".

Bài viết đề nghị nghiêm trị những “kẻ hai mặt”, những “phe hai mặt” không trung thành với đảng, bằng mặt mà không bằng lòng, bao gồm cả những phần tử hủ bại tham nhũng cấu kết thành bè lũ chính trị, vòng tròn nhỏ, hay nhóm lợi ích. Ngoài ra, còn “phải kiên quyết điều tra và xử lý các thành phần hủ bại đan xen giữa vấn đề chính trị và vấn đề kinh tế; kiên quyết ngăn chặn cán bộ lãnh đạo trở thành phát ngôn viên, người đại diện của các nhóm lợi ích, nhóm quyền lực; kiên quyết ngăn chặn quan chức và thương nhân thông đồng, ngăn chặn tư bản thâm nhập lĩnh vực chính trị, v.v. làm tổn hại đến sinh thái chính trị và môi trường phát triển kinh tế”...

Theo thống kê, trong bài viết 3.500 từ này, từ “tài chính” được nhắc đến 16 lần và từ “doanh nghiệp trung ương” được nhắc đến 8 lần.

Tờ Deutsche Welle của Đức nhận xét rằng, điều này đánh dấu chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đang ngày càng chuyển hướng sang lĩnh vực doanh nghiệp và tài chính.

Chỉ khoảng 10 ngày trước, việc ông Bao Phàm (Bao Fan), người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Huaxing Capital, đột ngột biến mất đã gây chấn động toàn giới tư bản tài chính. Đây cũng là trường hợp mới nhất trong hàng loạt vụ "cá sấu tài chính" Trung Quốc đột ngột biến mất khỏi tầm mắt của công chúng. Theo Financial Times, bốn người biết rõ về vấn đề này tiết lộ rằng, vài tháng trước khi mất tích, ông Bao Phàm đang chuẩn bị chuyển một số tài sản của mình từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong sang Singapore.

Tờ Reuters của Anh chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, các cuộc điều tra tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã khiến nhiều quan chức ngã ngựa, bao gồm cả các quan chức trong ngành cảnh sát và tư pháp. Từ bài viết về chống tham nhũng kể trên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, có thể thấy rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình đang ngày càng hướng tới khu vực doanh nghiệp.

10 năm ông Tập cầm quyền và mối lo là ‘đảo chính tài chính’

Ông Vương Hữu Quần (Wang Youqun), nhà bình luận về các vấn đề thời sự, từng kể lại trong bài viết phân tích của mình rằng: Mùa hè năm 2015, đúng vào thời điểm quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, đã xảy ra một vụ sụp đổ lớn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, khiến toàn bộ cổ phiếu hạng A lao dốc.

Khi đó, chính quyền ông Tập đã đổ vào hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ để cứu thị trường khẩn cấp, ngoài việc hạn chế bán ra, họ còn điều động cơ quan công an để điều tra và xử lý các vụ bán khống ác ý, v.v. Cuối cùng, tính thanh khoản của thị trường chứng khoán đã được khôi phục, nhưng khối tài sản trị giá 27 nghìn tỷ nhân dân tệ trên thị trường chứng khoán đã bị nuốt chửng.

Sự sụp đổ đột ngột của thị trường chứng khoán được coi là một "cuộc đảo chính tài chính" do các đối thủ chính trị của ông Tập phát động nhằm chống lại chiến dịch đả hổ chống tham nhũng của ông.

Sau đó, ông Tập Cận Bình đã phát động một cuộc phản công mạnh mẽ, liên tiếp điều tra và xử lý một nhóm quan chức tài chính cấp cao và những con "cá sấu tài chính".

Những quan chức cấp cao này bao gồm:

  • Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC): cựu Chủ tịch Lưu Sĩ Dư (Liu Shiyu), cựu Phó chủ tịch Diêu Cương (Yao Gang), cựu Trợ lý chủ tịch Trương Dục Quân (Zhang Yujun);
  • Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC): cựu Phó chủ tịch Thái Ngạc Sinh (Cai Esheng), cựu Trợ lý chủ tịch Dương Gia Tài (Yang Jiacai);
  • Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC): cựu Chủ tịch Hạng Tuấn Ba (Xiang Junbo), v.v.

Một số “cá sấu tài chính” tham gia cuộc đảo chính là:

  • Từ Tường (Xu Xiang), Tổng giám đốc Công ty Quản lý Đầu tư Trạch Hi Thượng Hải (Shanghai Zexi Investment);
  • Diệp Giản Minh (Ye Jianming), Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Hoa Tín Trung Quốc (CEFC China Energy);
  • Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), cựu Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm An Bang (Anbang Insurance Group);
  • Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), người sáng lập Tập đoàn Minh Thiên (Tomorrow Group), v.v.

Tiếp theo đó là một cơn phong ba về giám sát và quản lý vốn trên phạm vi toàn quốc, đồng thời buộc dừng kế hoạch niêm yết của Ant Group và trừng phạt nghiêm khắc Tập đoàn Alibaba do Jack Ma (Mã Vân) kiểm soát.

Nhà bình luận Vương Hữu Quần nói rằng, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, ngành tài chính là ngành phát triển nhanh nhất, sinh lãi nhiều nhất và dễ dàng nhất. Trước khi ông Tập lên nắm quyền, ngành tài chính của ĐCSTQ được kiểm soát bởi "Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân". Nhóm lợi ích này do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng đứng đầu. Trong thể chế của ĐCSTQ, chỉ các quan chức cấp cao của "Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân" mới có thể phát động một "cuộc đảo chính tài chính" chống lại ông Tập như vậy. Những người kia, chẳng hạn như Tiêu Kiến Hoa, chỉ là công cụ trong tay của các quan chức cấp cao này.

Ông Vương cho rằng, công cuộc chống tham nhũng tài chính của ông Tập đã động chạm đến "tiền tươi thóc thật" của các quan chức cấp cao trong "Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân" và những kẻ đi theo họ. Do đó, những người này sẽ đối đầu với ông Tập đến cùng.

Theo Vision Times

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập 'thay máu' hệ thống tài chính quốc gia, tập trung quyền kiểm soát tài chính