Ông Trump sẽ tiếp tục lãng phí vốn liếng chính trị vào thuế quan và các cuộc chiến thương mại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các tổng thống không có vốn liếng chính trị vô hạn. Việc ông Trump lãng phí vốn liếng đó vào các cuộc chiến thương mại là một sai lầm lớn. Mặt khác, quan điểm về thương mại và thuế quan mà ông Trump đang hết lòng theo đuổi được thiết kế để củng cố thứ quyền lực mà ông thề sẽ tiêu diệt.

Tất cả các phân tích chính trị hiện nay phải bắt đầu với nhận xét này: Nước Mỹ với tư cách là một lý tưởng và một quốc gia đang gặp rắc rối nghiêm trọng.

Người Mỹ đang có một nhà nước hành chính mất kiểm soát, cai trị tất cả mọi người dân và gây chiến chống lại các doanh nghiệp tự do cùng với tự do ngôn luận. Quy mô và phạm vi quyền lực của chính phủ vượt xa bất cứ điều gì người Mỹ từng thấy.

Lạm phát đang làm suy yếu khả năng trang trải cuộc sống của người nghèo và tầng lớp trung lưu. Người Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Nước Mỹ cần khôi phục lại cấu trúc liên bang trước khi Hiến pháp bị coi là tàn tích. Ngoài ra, người Mỹ gặp rắc rối với tính liêm chính trong bầu cử cộng với những vấn đề to lớn về giáo dục, những thao túng chính trị của các gã khổng lồ công nghệ, v.v.

Về mặt kinh tế quốc tế, người Mỹ đang dõi theo sự trỗi dậy của BRICS. Nhóm này có ý định tạo ra các kênh thương mại quốc tế mạnh mẽ bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của đồng USD. Việc Trung Quốc thúc đẩy sự thống trị khu vực và vươn ra toàn cầu đặt ra những thách thức nghiêm trọng khác. Mỹ đang mất đi ảnh hưởng kinh tế và ngày càng bị loại khỏi chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, bị coi là đi sau thời đại trong những ngày cuối cùng của đế chế.

Ông Trump sẽ tiếp tục lãng phí vốn liếng chính trị vào thuế quan và các cuộc chiến thương mại?
Từ trái sang phải: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/8/2023. (Ảnh: ALET PRETORIUS/POOL/AFP qua Getty Images)

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội nhìn chung đã giảm kể từ năm 2010, đó là điều người ta mong đợi khi ảnh hưởng kinh tế suy giảm.

Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã được chứng minh là một thảm họa hoàn toàn từ nhiều góc độ. Mỹ đã phi tiền tệ hóa đồng USD vì lý do chính trị. Điều này đã làm suy yếu niềm tin vào đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế. Mỹ đã không làm gì để tìm kiếm sự thay đổi chế độ, và họ chưa thể gây tổn hại đặc biệt đến Nga mà chỉ khuyến khích các hình thức ngoại giao mới bằng đồng rúp.

Trump sẵn sàng cho mức thuế quan mới

Hãy để tôi hỏi bạn một câu hỏi. Mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào? Câu trả lời là nó sẽ không giải quyết được gì. Trên thực tế, những mức thuế như vậy sẽ tiếp tục cô lập Mỹ khỏi thị trường quốc tế, làm giảm cơ hội kinh doanh của Mỹ và tăng giá đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà bán buôn Mỹ. Ai trả tiền cho thuế quan? Chính đất nước áp đặt chúng. Thuế quan cũng là một loại thuế.

Các quốc gia nước ngoài không phải là người trả thuế quan cho Mỹ. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ là những người phải trả.

Sau đây là tin xấu. Tất cả các nguồn tin đều cho thấy ông Donald Trump sẵn sàng áp đặt mức thuế quan mới, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với mọi quốc gia trên thế giới. Tại sao ông ấy lại làm như vậy? Quan điểm chính trị của ông xoay quanh vấn đề này trong 40 năm qua hoàn toàn nhất quán. Ông đã nói rất rõ điều này trong tất cả các tuyên bố công khai của mình kể từ khi tham gia chính trường vào năm 2015. Vì lý do nào đó, những tuyên bố của ông tiếp tục bị hầu hết những người ủng hộ ông phớt lờ, những người không đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, ông ấy cực kỳ nghiêm túc. Nó là trung tâm của thế giới quan kinh tế của ông.

Ông Trump sẽ tiếp tục lãng phí vốn liếng chính trị vào thuế quan và các cuộc chiến thương mại?
Tổng thống Donald Trump chào đám đông trước khi rời khỏi Hội nghị thượng đỉnh Operation Warp Speed Vaccine ở Washington, Mỹ, vào ngày 08/12/2020. (Ảnh: Tasos Katopodis/Getty Images)

Lịch sử của thuế quan và hạn chế thương mại

Quan điểm của ông về thương mại – rằng cách thức tốt nhất để xây dựng đất nước là giảm thiểu nhập khẩu, buộc nước ngoài mua nhiều sản phẩm của Mỹ hơn và tìm kiếm nguồn sản xuất trong nước ở mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng - không phải là chưa có tiền lệ. Đó là thói quen của các vị vua trước thế kỷ 18 vì những chính sách trọng thương như vậy sẽ nâng cao quyền lực của chính phủ, thiết lập độc quyền công nghiệp và thúc đẩy doanh thu cho chính phủ. Những nhà tư tưởng của phong trào Khai sáng Scotland là những người phản đối quan điểm đó. Họ ủng hộ thương mại tự do.

Những nhà sáng lập của nước Mỹ như Thomas Jefferson và George Washington ủng hộ việc có càng ít hạn chế về thương mại càng tốt. Ngài Washington thậm chí còn nâng cao điều này như một nguyên tắc của đất nước, khi nói trong diễn văn chia tay của mình: “Sự hòa hợp, quan hệ tự do với tất cả các quốc gia, được khuyến khích bởi chính sách, tính nhân văn và lợi ích. Nhưng ngay cả chính sách thương mại của chúng ta cũng phải có tính bình đẳng và khách quan; không tìm kiếm cũng như không ban cho những đặc ân hay ưu đãi độc quyền; tham khảo diễn biến tự nhiên của mọi việc; phổ biến và đa dạng hóa các dòng thương mại một cách nhẹ nhàng nhưng không ép buộc gì cả”.

Ông Trump sẽ tiếp tục lãng phí vốn liếng chính trị vào thuế quan và các cuộc chiến thương mại?
Bức tượng George Washington gần tòa nhà của Sở giao dịch chứng khoán New York dọc Phố Wall, ngày 01/08/2018 tại Thành phố New York. (Ảnh: Stephanie Keith/Getty Images)

Đúng là vào thế kỷ 19, thuế quan là nguồn thu chính của liên bang. Những người sáng lập nước Mỹ đã tưởng tượng ra viễn cảnh này. Nhưng đó là trước khi có thuế thu nhập và hàng nghìn loại thuế khác. Nếu bằng cách nào đó có thể thay thế tất cả các hình thức thu nhập của liên bang bằng thuế quan, chúng ta có thể nói về điều đó và đó có thể là một sự cải thiện tổng thể. Nhưng đó không phải là cơ sở cho quan điểm của ông Trump. Ông Trump thực sự tin rằng một nước Mỹ cô lập hơn về mặt kinh tế với thế giới là một nước Mỹ có vị thế vững mạnh.

Niềm tin đặt nhầm chỗ

Ông Trump đặt niềm tin của mình dựa trên một quan điểm hết sức méo mó về một con số thống kê kinh tế duy nhất: thâm hụt thương mại. Ông tin rằng thâm hụt thương mại phản ánh việc cả một quốc gia đang lãi hay lỗ. Mới đây, ông đã nhắc lại quan điểm này trên tờ Wall Street Journal. “Dưới thời Joe Biden”, ông viết, “thâm hụt thương mại của chúng ta, còn được biết đến như là khoản lỗ, đã đạt mức cao kỷ lục. Kể từ năm 2000, Mỹ đã phải chịu mức thâm hụt thương mại tích lũy 17 nghìn tỷ USD với thế giới. Chỉ có kẻ ngốc hoặc kẻ cuồng tín mới coi những sự thật này là không liên quan”.

Ông tiếp tục: “Người nước ngoài hiện sở hữu nền kinh tế của chúng ta nhiều hơn 16,75 nghìn tỷ USD so với quy mô nền kinh tế mà chúng ta sở hữu của họ. Đất nước chúng ta đang bị cướp bóc”.

Nói thế nào nhỉ? Điều này hoàn toàn sai. Người nước ngoài không “sở hữu” bất kỳ phần nào trong nền kinh tế nào của Mỹ chỉ vì người tiêu dùng Mỹ đang mua nhiều đồng hồ từ Thụy Sĩ hơn là Thụy Sĩ mua đồng hồ sản xuất tại Mỹ. Thương mại không phải là cướp bóc! Chắc chắn là có những cách thức bất chính mà các nhóm lợi ích tài chính ở Trung Quốc đang thao túng hệ thống để mua bất động sản thương mại của Mỹ nhưng điều đó không có nghĩa là mức thuế cao hơn sẽ có tác dụng giải quyết vấn đề đó.

Với loại ngôn từ này, người ta có thể hiểu tại sao các cố vấn của ông Trump lại sợ phải mâu thuẫn với ông, mặc dù mọi nhà kinh tế có năng lực đều biết rằng điều này là không đúng. Những số liệu thống kê về cán cân thương mại này là di sản của tiêu chuẩn trao đổi vàng cũ khi thanh toán giữa các quốc gia phản ánh dòng chảy vào và ra của kim loại. Người Mỹ đã không sống trong một hệ thống như vậy gần 50 năm rồi nhưng mọi người vẫn đang nói về vấn đề này trong khi sử dụng ngôn ngữ lạc hậu về thặng dư và thâm hụt. Người Mỹ sẽ sống tốt hơn nhiều nếu những số liệu thống kê này, vốn cực kỳ không chính xác trong mọi trường hợp, không được thu thập.

Liệu có thực sự quan trọng nếu New Zealand bán nhiều thịt cừu sang Mỹ hơn là Mỹ bán ngô cho New Zealand làm thức ăn chăn nuôi? Không hẳn. Thực ra là không hề. Bạn bị thâm hụt thương mại với nhà hàng Ý dưới phố: bạn mãi mãi mua nhiều từ họ hơn là họ mua từ bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn đang thua lỗ: bạn nhận được pizza và lasagna và họ đang nhận được tiền. Đó là nguyên tắc cốt lõi để hiểu mọi vấn đề kinh tế. Nếu giao dịch là tự nguyện thì mọi người đều là những kẻ chiến thắng.

Ông Trump sẽ tiếp tục lãng phí vốn liếng chính trị vào thuế quan và các cuộc chiến thương mại?
Các container vận chuyển được xếp chồng lên nhau trên một con tàu cập cảng Oakland vào ngày 07/06/2023 tại Oakland, California, Mỹ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Ông Trump chưa bao giờ hiểu được điều này, mặc dù ông đã thực hành nguyên tắc đó cả đời. Ông là bậc thầy về tìm nguồn cung ứng và gia công quốc tế vì đây là cách thức kinh doanh tốt. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, với tư cách là một nhà lãnh đạo quốc gia, ông đã bỏ qua kinh nghiệm thực tế của mình về thương mại quốc tế và viện đến hệ tư tưởng bảo hộ và tự cung tự cấp được du nhập từ lý thuyết và thực tiễn của Đức trong thế kỷ 19.

Những nhà tư tưởng như Frederich List coi đất nước là một tập đoàn khổng lồ dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương đầy quyền lực. Cuốn sách năm 1841 của ông, “Hệ thống kinh tế chính trị quốc gia”, là một nỗ lực nhằm lật đổ thương mại tự do để ủng hộ bảo hộ. Ông viết, mọi quốc gia hùng mạnh đều phải “từ bỏ một phần tài sản vật chất để có được văn hóa, kỹ năng và sức mạnh của nền sản xuất thống nhất”. Vấn đề là phương tiện không bao giờ đi đôi với mục đích. Thuế quan chỉ làm suy yếu quốc gia.

Sự lãng phí và xao nhãng

Nỗi lo lớn nhất của tôi về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump là sự xao nhãng khỏi vấn đề thực sự mà người dân Mỹ đang phải đối mặt: quyền lực và tầm kiểm soát của nhà nước hành chính cũng như việc đánh mất chủ nghĩa liên bang như một nguyên tắc điều hành. Quan điểm của ông Trump về thương mại mà ông hết lòng theo đuổi được thiết kế để xây dựng thứ quyền lực mà ông thề sẽ tiêu diệt. Chúng không tương thích với lý tưởng của chính phủ nhỏ và đe dọa lật đổ mọi thứ khác, đồng thời cô lập hơn nữa Mỹ và các lợi ích thương mại của nước này với phần còn lại của thế giới.

Các tổng thống không có vốn liếng chính trị vô hạn. Lãng phí vốn liếng đó vào các cuộc chiến thương mại là một sai lầm lớn. Sự phân tâm này là một vấn đề trong nhiệm kỳ vừa qua và là lý do chính khiến chính quyền Trump không đạt được nhiều thành tựu hơn trong việc dỡ bỏ quyền lực liên bang ở quy mô lớn. Người Mỹ chắc chắn có lý do để lo lắng rằng lịch sử sẽ lặp lại. Nếu vậy, cơ hội để tạo ra sự thay đổi lâu dài sẽ bị bỏ lỡ một cách đầy tiếc nuối.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Ông Trump sẽ tiếp tục lãng phí vốn liếng chính trị vào thuế quan và các cuộc chiến thương mại?