Phát hiện đồ gỗ tinh xảo của con người 300.000 năm trước - lịch sử nhân loại cần viết lại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phân tích một số công cụ bằng gỗ 300.000 năm tuổi ở Schöningen, Đức, cho thấy chúng đã được cạo, tẩm ướp và chà nhám một cách tinh vi. Chứng tỏ rằng công nghệ chế biến gỗ của con người thời kỳ đó đã khá cao siêu, họ không hề là chủng người Homo sapiens nguyên thuỷ như chúng ta vẫn nghĩ.

Địa điểm khảo cổ Schöningen ở Đức, có niên đại khoảng 300.000 năm trước, mang lại số lượng kỷ lục các công cụ bằng gỗ do con người chế tạo ra sớm nhất cho đến nay, theo Csi.news. Đó là những ngọn giáo bằng gỗ, chiếc gậy hai đầu nhọn, được phát hiện cùng với những loài động vật ăn cỏ bị săn bắt và xẻ thịt bên cạnh một hồ nước lớn.

Cho đến nay, các công cụ bằng gỗ chưa được phân tích một cách có hệ thống theo cùng tiêu chuẩn cao như đối với các công cụ bằng đá hoặc xương của thời kỳ đồ đá cũ, bởi rất hiếm khi chúng được tìm thấy do tính chất dễ bị phân huỷ theo thời gian của gỗ.

Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Annemieke Milks của Đại học Reading cho biết: “Những khám phá về công cụ bằng gỗ đã cách mạng hóa hiểu biết của chúng ta về khả năng công nghệ của con người vào thuở sơ khai đó.

“Thật đáng ngạc nhiên là những người sơ khai xuất hiện đầu tiên trên Trái đất này đã thể hiện khả năng lập kế hoạch chế tác gỗ tốt như vậy, có kiến thức sâu rộng về các đặc tính của gỗ và nhiều kỹ năng chế biến gỗ phức tạp mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay.

“Những cây giáo bằng gỗ này khá nhẹ, có thể dễ phóng hơn những cây giáo nặng khác, cho thấy khả năng cả cộng đồng, kể cả các trẻ em, có thể tham gia săn bắt động vật ăn thịt.”

Tiến sĩ Dirk Leder, một nhà nghiên cứu của Văn phòng Di sản Văn hóa Bang Lower Saxony cho biết: “Người Schöningen đã sử dụng một loài cây thuộc nhánh vân sam để tạo ra công cụ khí động học và công thái học này.

“Quá trình chế biến gỗ nhiều bước bao gồm cắt và tước vỏ cây, khắc thành hình dạng khí động học, cạo trơn bề mặt, tẩm ướp cho gỗ để tránh nứt và cong vênh, đồng thời chà nhám để dễ xử lý hơn.”

Cây giáo bằng gỗ nhọn hai đầu, dài 77cm mà nhóm nghiên cứu phân tích đã được tìm thấy vào năm 1994 tại địa điểm Schöningen 13 II-4. Những phát hiện đã được công bố trên tạp chí PLoS ONE.

Hiện vật này rất có thể đã được con người thời kỳ sơ khai sử dụng để săn bắt các loài động vật cỡ trung bình như hươu đỏ và hươu trứng, và có thể là những con mồi nhỏ nhanh nhẹn khác như thỏ rừng và các loài chim cạn.

Những mảnh gỗ cong và sắc nhọn - tương tự như boomerang - chứ không phải như những cây giáo hiện đại và có thể đã cho phép con người sơ khai ném xa tới 30 m và tạo ra những tác động có tính sát thương cao để săn bắt động vật.

Bề mặt mịn, các đầu nhọn được tạo hình cẩn thận và đánh bóng khi xử lý cho thấy đây là một bộ dụng cụ săn bắt cá nhân được sử dụng nhiều lần, chứ không phải là một công cụ chế tác thô sơ để dễ dàng bỏ đi sau khi sử dụng chỉ một vài lần. Chứng tỏ con người bấy giờ sinh sống đã rất có tổ chức và văn hoá khá cao.



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện đồ gỗ tinh xảo của con người 300.000 năm trước - lịch sử nhân loại cần viết lại?