Ba 'quả bom hẹn giờ' đang đếm ngược, Trung Nam Hải cũng đành bất lực

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Trung Quốc đang gặp khó khăn, xuất hiện rất nhiều vấn đề kinh tế và xã hội, và giờ nó giống như một quả bom hẹn giờ đang tích tắc đếm ngược", Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu như vậy trong bài phát biểu tại sự kiện gây quỹ vận động tranh cử hôm 11/8.

Nhiều người có lẽ đã cảm thấy rằng trong năm nay, đặc biệt là trong gần một tháng vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã phải đối mặt với những thách thức lớn hơn từ cả trong và ngoài nước, thêm vào đó là nhiều dị tượng đáng lo ngại. Những khó khăn mà chính quyền này gặp phải có thể được khái quát bằng cụm từ “sóng to gió lớn” mà ông Tập Cận Bình đã nhiều lần đề cập.

Vậy hiện Bắc Kinh đang phải đối mặt với những quả bom hẹn giờ nào?

Đầu tiên là quả bom hẹn giờ trong lĩnh vực kinh tế

Gần đây, sự "tăng tốc" trên ba phương diện sau ở trong và ngoài Trung Quốc rất có thể sẽ kích hoạt một tình trạng kinh tế hết sức tồi tệ:

  • Trên bình diện quốc tế, Hoa Kỳ đang tăng tốc thắt chặt lĩnh vực công nghệ cao và đẩy nhanh quá trình tách rời kinh tế đối với Bắc Kinh

Vào tối ngày 12/8 theo giờ địa phương Mỹ, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) đã bay tới New York. Ông đã được những người Đài Loan định cư tại Hoa Kỳ và những nhân sĩ Trung Quốc chào đón nồng nhiệt ở bên ngoài khách sạn. Điều này cho thấy Hoa Kỳ hoàn toàn phớt lờ cảnh báo từ tuần trước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cho phép ông Lại quá cảnh tại Mỹ như bình thường, trên đường ông tới thăm Paraguay.

Tối ngày 12/8 theo giờ địa phương Mỹ, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) (ở giữa) đã bay tới New York (Ảnh: gettyimages)
Tối ngày 12/8 theo giờ địa phương Mỹ, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) (ở giữa) đã bay tới New York. (Ảnh: Getty Images)

Trước việc ông Lại Thanh Đức quá cảnh tại Mỹ, dù Bắc Kinh tức giận nhưng sự việc này đã nằm trong dự liệu và không tính là ‘nỗi đau cắt thịt’. Tuy nhiên vào ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Biden lại ký sắc lệnh hành pháp hạn chế đầu tư vào một số lĩnh vực cụ thể của Trung Quốc, việc này đã một lần nữa giáng đòn nghiêm trọng vào Bắc Kinh.

Theo sắc lệnh này, bắt đầu từ năm 2024, người Mỹ bị cấm đầu tư vào một số công ty Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển chất bán dẫn và vi điện tử tiên tiến, công nghệ thông tin lượng tử, trí tuệ nhân tạo. Các lĩnh vực công nghệ khác cũng cần phải được Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét. Cấm giao dịch có nghĩa là đồng thời cấm cả ba hạng mục ‘đầu tư, công nghệ và sản phẩm’. Công dân Hoa Kỳ và thường trú nhân bị cấm tham gia vào các giao dịch loại này. Nói cách khác, các công ty có cổ phần của Mỹ đều nằm trong phạm vi lệnh cấm này. Hành vi vi phạm lệnh cấm sẽ bị truy tố hình sự với tội danh gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Cũng có nghĩa là, để kịp thời tuân thủ thời gian ghi trong sắc lệnh, các công ty Hoa Kỳ và các tổ chức nghiên cứu, phát triển và đầu tư của Hoa Kỳ sẽ đẩy nhanh việc rút lui khỏi Trung Quốc và rút vốn ra khỏi các công ty Trung Quốc. Tức là Trung Quốc và nước ngoài sẽ sớm bị tách rời hoàn toàn trong ba lĩnh vực khoa học công nghệ trọng yếu.

Việc tách rời ‘đầu tư, công nghệ và sản phẩm’ sẽ gây tác động tiêu cực lên sự phát triển kinh tế và quân sự của ĐCSTQ. Bởi vì nhiều linh kiện quan trọng và chip trong phần lớn các sản phẩm của Trung Quốc đều được mua từ các nước phương Tây như Hoa Kỳ và châu Âu. Ngay cả việc “tự chủ nghiên cứu và phát triển” mà các quan chức cao cấp Trung Nam Hải luôn hô hào cũng rất khó đạt được nếu không trải qua hàng thập kỷ đầu tư và tích lũy.

Việc tách rời ‘đầu tư, công nghệ và sản phẩm’ sẽ gây tác động tiêu cực lên sự phát triển kinh tế và quân sự của ĐCSTQ (Ảnh: gettyimages)
Việc tách rời ‘đầu tư, công nghệ và sản phẩm’ sẽ gây tác động tiêu cực lên sự phát triển kinh tế và quân sự của ĐCSTQ. (Ảnh: Getty Images)

Theo tin mới nhất từ ​​Wall Street Journal, trong nửa đầu năm 2023, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cắt giảm lượng hàng hóa mua từ Trung Quốc, lượng nhập khẩu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua. Bài báo cho biết, một phân tích dữ liệu thương mại do Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ công bố cho thấy, người mua hàng ở Mỹ đang chuyển hướng sang Mexico, châu Âu và các khu vực khác của châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, để mua các loại hàng hóa bao gồm chip máy tính, điện thoại thông minh và quần áo…

Từ dữ liệu trên có thể thấy, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ bị giảm là kết quả của sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trong hàng chục ngành nghề. Hiện Mexico đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, trong khi Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ ba.

Nếu không có đầu tư, công nghệ và sản phẩm của Hoa Kỳ, không có thị trường rộng lớn của Hoa Kỳ, làm sao Trung Quốc có thể vượt lên ở khúc ngoặt? Làm thế nào để Trung Quốc đảm bảo được ngành công nghiệp quân sự và các sản phẩm công nghệ cao duy trì ở mức độ hiện có? Có bao nhiêu doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đóng cửa? Bao nhiêu người sẽ mất việc? Doanh thu tài chính của ĐCSTQ sẽ giảm bao nhiêu? Có thể khẳng định rằng chính sách “thắt cổ” và tách rời kinh tế của Hoa Kỳ là một cú đấm không hề nhẹ vào nền chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

  • Các công ty đầu tư tài chính, bất động sản ở Trung Quốc đã hoặc đang vỡ nợ

Vào ngày 10/8, Tập đoàn Bất động sản Evergrande, vốn có hậu thuẫn rất hùng mạnh, đã đưa ra nhiều thông báo cho biết tổng nợ phải trả của họ là 1,83 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 251 tỷ USD), trong khi tổng tài sản của công ty là 1,47 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 202 tỷ USD), qua đó công khai thừa nhận mất khả năng thanh toán. Ngay từ hai năm trước, Evergrande đã bắt đầu vi phạm nghĩa vụ trả nợ, nhưng dưới sự bảo hộ của lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ, ngân hàng đã bơm vốn giúp công ty có thể duy trì.

Ngay từ hai năm trước, Evergrande đã bắt đầu vi phạm nghĩa vụ trả nợ, nhưng dưới sự bảo hộ của lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ, ngân hàng đã bơm vốn giúp công ty có thể duy trì (Ảnh: gettyimages)
Ngay từ hai năm trước, Evergrande đã bắt đầu vi phạm nghĩa vụ trả nợ, nhưng dưới sự bảo hộ của lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ, ngân hàng đã bơm vốn giúp công ty có thể duy trì. (Ảnh: Getty Images)

Hiện giờ, tập đoàn này tự tiết lộ không đủ khả năng thanh toán, nó cho thấy tình hình đã vô cùng tồi tệ.

Chỉ một ngày sau đó, cổ phiếu của gã khổng lồ bất động sản Country Garden đã giảm mạnh tới 14,4% và bị hạ mức xếp hạng xuống mức thấp hơn cả cổ phiếu rác. Trước đó, bà Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan), bà chủ của Country Garden, tuyên bố sẽ quyên góp 20% cổ phần của Country Garden Services, với tổng trị giá 6,4 tỷ đô-la Hong Kong (khoảng 19,7 nghìn tỷ VND), cho Quỹ công ích Quốc Cường ở Hong Kong. Thành viên sáng lập quỹ này có em gái của bà Dương Huệ Nghiên là Dương Tử Oánh. Mục đích của động thái trên có thể là để bảo toàn số tiền mặt này sau khi tuyên bố phá sản, tài sản của công ty sẽ bị bán đấu giá thanh lý nhưng với quỹ công ích thì không được phép. Có thông tin chỉ ra rằng khoản nợ trên bề mặt của Country Garden là 1,65 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 225 tỷ USD), một khi nó phá sản, tác động có thể còn lớn hơn cả Evergrande.

Như chúng ta đã biết, gần 29% nền kinh tế Trung Quốc là do ngành bất động sản chèo chống, nếu hai gã khổng lồ bất động sản sụp đổ cùng lúc, nó sẽ dẫn đến hỗn loạn xã hội và giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế vốn đang chao đảo.

Cùng với sự sụp đổ của bất động sản, hệ thống đầu tư tài chính của Trung Quốc cũng gặp những vấn đề lớn, ví như các ngân hàng quốc doanh lớn nợ ngập đầu, xu hướng rút tiền mặt tăng mạnh tại các ngân hàng ở Hà Nam, người mua nhà tại các dự án dở dang ở nhiều nơi của Trung Quốc tuyên bố ngừng trả các khoản vay thế chấp. Mới đây nhất là vào ngày 2/8, có thông tin rằng công ty quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc - Tập đoàn Zhongzhi - đang trong tình trạng khó khăn vì vỡ nợ hơn 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 27,45 tỷ USD). Trước đây công ty này chủ yếu đầu tư vào bất động sản và thị trường chứng khoán. Bị ảnh hưởng bởi tin tức trên, một số sản phẩm tài chính của Zhongrong Trust - quỹ tín thác trực thuộc Tập đoàn Zhongzhi - đã bị trì hoãn thanh toán vào ngày 11/8.

Tại Trung Quốc, ngành tín thác có nhiều đặc điểm kết hợp giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư, vốn cổ phần tư nhân và quản lý tài sản. Các công ty trong ngành này huy động tiền tiết kiệm của các hộ gia đình. Một phần tiền huy động được đem cho vay, phần còn lại đầu tư vào nhiều loại tài sản như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, v.v.

Do đó, sự vỡ nợ của các công ty bất động sản và các tập đoàn đầu tư có liên quan mật thiết với nhau, sẽ dẫn đến đổ vỡ dây chuyền do các quỹ tín thác là bên cho bất động sản vay tiền. Khi các nhà đầu tư cổ phiếu thua lỗ nặng, các sản phẩm tín thác cũng bùng nổ theo. Những điều này cũng phản ánh rằng các nhà đầu tư vô cùng thiếu niềm tin vào thị trường.

  • Các khoản vay mới giảm mạnh 89%, cho thấy thị trường thiếu niềm tin

Ngày 11/8, ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố số liệu khoản vay mới trong tháng 7 của ngành ngân hàng Trung Quốc. Theo đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho vay 345,9 tỷ nhân dân tệ trong tháng Bảy, giảm tới 89% so với tháng Sáu. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 14 năm kể từ năm 2009. Mức này thấp hơn nhiều so với dự tính của các nhà phân tích, thậm chí không bằng một nửa so với dự đoán của nhiều chuyên gia. Đây được coi là bằng chứng mới, một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã rơi vào tình trạng giảm phát dài hạn.

Cảnh sát bán quân sự tuần tra trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc), tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 08/07/2015. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)
Cảnh sát bán quân sự tuần tra trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc), tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 08/07/2015. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Ngoài ra, dữ liệu chính thức cũng cho thấy dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh, lạm phát trong lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất đã hoàn toàn sụt xuống giá trị âm. Tóm lại, “cỗ xe tam mã” đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của ĐCSTQ về cơ bản đã trở nên rời rạc.

Trong tháng 7, chính quyền Bắc Kinh đã ban hành nhiều văn bản và biện pháp nhằm kích thích tiêu dùng và có lợi cho doanh nghiệp tư nhân. Tuy vậy, đây chỉ là những văn bản suông, chỉ giải quyết được bề mặt chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề, vẫn không thể vực dậy được chút nào niềm tin của doanh nghiệp tư nhân. Còn người dân vì những lý do như thất nghiệp, thu nhập giảm, bi quan về tương lai… nên cũng không sẵn sàng chi tiêu. Điều này có nghĩa là việc chính quyền duy trì phát triển kinh tế thông qua “tuần hoàn nội bộ” là không khả thi. Sự sụt giảm nhanh chóng này là điềm báo về sự sụp đổ kinh tế.

Thứ hai là quả bom hẹn giờ chính trị

Chính trường Trung Quốc gần đây xảy ra loạt sự kiện như Ngoại trưởng Tần Cương bị miễn nhiệm, lãnh đạo Lực lượng Tên lửa bị thay thế, chính quyền động viên toàn dân phản gián điệp, lãnh đạo tầng chóp bu nhiều lần nhấn mạnh về lòng trung thành, quan chức các cấp hoặc là bằng mặt mà không bằng lòng, hoặc là ‘nằm thẳng’, làn sóng thanh trừng trong quân đội và quan chức dưới danh nghĩa chống tham nhũng vẫn tiếp diễn… Tất cả đều cho thấy rằng vẫn còn những dòng chảy ngầm bên trong ĐCSTQ. Bề ngoài, mặc dù ông Tập Cận Bình nắm quyền lực cao nhất và được bao quanh bởi loạt thân tín, nhưng những người trong lòng không phục thì vẫn còn rất nhiều.

Ngoài ra, kỳ họp Bắc Đới Hà năm nay trông có vẻ diễn ra trong yên bình, các nguyên lão của ĐCSTQ đều yếu thế, không ai dám thách thức quyền lực của ông Tập. Song, 8 chất vấn được lan truyền ở hải ngoại từ năm 2019 và được cho là do các cựu Ủy viên Thường vụ ĐCSTQ nêu ra thì đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tám chất vấn đó là:
1. Cuối cùng thì vấn đề Hong Kong sẽ được giải quyết như thế nào?
2. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục như vậy, liệu có còn năm sau nữa không?
3. Dưới áp lực cao, liệu xã hội Trung Quốc có thể chống đỡ được qua năm tới?
4. Mối quan hệ Trung - Mỹ (căng thẳng) tới mức độ này, Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc có thể chống đỡ đến năm sau không? Hiện nay Trung Quốc có nhiều vấn đề trên nhiều phương diện, không thể kháng cự lại, cũng không có cách nào thay đổi, chẳng hạn như vấn đề Tân Cương và Tây Tạng. Mọi người trong đảng đều cảm thấy bất an, (nếu) xảy ra nội loạn, bạo loạn thì giải quyết thế nào?!
5. Trong thời đại này, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể kiểm soát Internet và mạng xã hội không?
6. Nếu vấn đề tài chính thâm hụt và nợ nước ngoài của Trung Quốc đồng loạt bùng nổ, kết quả sẽ ra sao?
7. Nếu (các quốc gia) phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu liệt kê tất cả tài sản ở nước ngoài (của ĐCSTQ) là tài sản bất hợp pháp và niêm phong chúng, ĐCSTQ sẽ làm gì?
8. Liệu mô hình vận hành nhà nước của Ủy ban An ninh Quốc gia (hiện tại) có thể tiếp tục không, vì trên thực tế là đang bãi bỏ Ban Thường vụ Bộ Chính trị?

Trong ba năm đại dịch vừa qua, 8 chất vấn trên đã bị trì hoãn, nhưng nếu xem xét trong năm nay thì vẫn chưa phải là ‘lỗi thời’, bởi những vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng và cấp bách hơn.

Ví dụ, sau khi Bắc Kinh đàn áp phong trào dân chủ ở Hong Kong bằng vũ lực, Hong Kong xuất hiện các vấn đề như thị trường nhà đất lao dốc, lượng lớn người dân di dân, ngày càng nhiều công ty nước ngoài và vốn nước ngoài tháo chạy, Mỹ không còn công nhận tình trạng tự do của Hong Kong, v.v. Hong Kong đã không còn sức hấp dẫn. Liệu Bắc Kinh có giải pháp nào tốt không?

Một ví dụ khác là gần đây có dân biểu tại Hạ viện Hoa Kỳ tái đề xuất tịch thu tài sản ở Mỹ của các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ. Một khi Hoa Kỳ ra tay, liệu có bao nhiêu quan chức cấp cao trong đảng sẽ chịu đựng được? Khi khả năng này tăng lên, nó cũng sẽ làm nội bộ ĐCSTQ tan rã.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tài chính của ĐCSTQ cũng khiến các cán bộ vốn hết mực trung thành bán mạng cho ĐCSTQ thì nay cũng cảm thấy bất mãn. Cách đây không lâu, tỉnh Chiết Giang đã kêu gọi “thắt lưng buộc bụng”, thành phố Đại Liên trì hoãn trả lương cho cảnh sát, v.v. Tất cả những điều này đều đang nói cho người dân Trung Quốc biết một sự thật rằng: Tài chính của ĐCSTQ đang gặp khủng hoảng.

Vào ngày 11/8, tờ The Economic Observer của Trung Quốc đã đăng một bài điều tra có tiêu đề "Nửa năm qua của cục trưởng tài chính", qua đó tiết lộ sự thật về nền tài chính của ĐCSTQ. Trong bài viết là lời kể của quan chức từ các tổ chức tài chính cấp tỉnh, thành phố và huyện về hiện trạng công việc của họ trong nửa đầu năm nay.

Nội dung bên trong khiến người ta phải kinh ngạc: Các công ty vỏ bọc báo cáo sai dữ liệu hoạt động để giúp chính quyền “thổi phồng số liệu thu nhập tài chính"; đưa trái phiếu đặc biệt không đạt tiêu chuẩn lên thành đạt tiêu chuẩn để “gia tăng” thu nhập tài chính; tài chính địa phương thu không đủ chi, trông chờ vào cứu trợ của chính phủ, "đặt tiền tay trái sang tay phải", làm số liệu bề mặt cho "tạm chấp nhận được"; đội ngũ hưu trí khổng lồ, mức chi bắt buộc quá cao, các dự án đầu tư chỉ có thể “đắp chiếu”; các quan chức chủ yếu dồn tâm sức dành cho việc đối phó với các cuộc kiểm tra và viết báo cáo; nhiều nơi còn khó làm được “ba đảm bảo” ở mức cơ bản (bao gồm đảm bảo sinh kế cơ bản, đảm bảo tiền lương và đảm bảo hoạt động của tổ chức)...

Ngay cả chính quyền Trung Quốc cũng thừa nhận rằng các quan chức ĐCSTQ đã xuất hiện tâm thái ‘ngày tận thế’. Điều này không chỉ thể hiện ở sự tiêu cực và thái độ làm việc chểnh mảng của họ, mà còn ở việc đưa người nhà và tài sản ra nước ngoài, họ có thể tháo chạy bất cứ lúc nào. Vậy thì khả năng đảo chính trong nội bộ ĐCSTQ lớn cỡ nào? Cần phải nói rằng xác suất đó đang tăng lên. Cũng có một khả năng khác là: các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài sẽ thúc đẩy những người có tài và có tầm nhìn rộng bên trong ĐCSTQ thuận theo thiên ý và lòng dân mà giải thể ĐCSTQ.

Thứ ba là quả bom hẹn giờ trong toàn bộ xã hội

Sự hung hăng của ĐCSTQ trên phương diện đối ngoại đã khiến thế giới dần dần nhận ra bộ mặt tà ác của chế độ này; sự cai trị độc đoán của nó ở trong nước, thêm vào đó là nền kinh tế liên tục sa sút, hệ thống tài chính rách nát đang vắt kiệt người dân, và hành vi trốn tránh trách nhiệm của ĐCSTQ trong những thảm họa do con người gây ra… đang khiến ngày càng nhiều người dân phẫn nộ và chán ghét, nhưng cũng là đang liên tục thức tỉnh người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng đang phản kháng bằng nhiều hình thức khác nhau, điều này cũng khiến chính quyền phải mệt mỏi đối phó.

Lấy trận lũ lụt vừa qua ở Đông Bắc Trung Quốc làm ví dụ. Mạng xã hội không còn đăng những lời nói suông như "Đông Bắc cố lên", người dân cũng không còn quyên góp tiền ‘cứu trợ dân vùng lũ’, thậm chí họ còn châm biếm chính quyền bằng cách quyên góp 1 xu. Các nạn nhân vùng lũ cũng đã dám đứng lên đòi bồi thường. Đồng thời ở nước ngoài, ngày càng có nhiều du học sinh và Hoa kiều đứng lên chống lại ĐCSTQ, họ đang đấu tranh cho tự do và dân chủ của người Trung Quốc.

Trong một xã hội đầy rẫy những bất bình của dân chúng, ngày càng có nhiều người dám đứng ra nói "không" để bảo vệ lợi ích của mình. Những tiếng nói bất bình trong công chúng cũng rất có khả năng sẽ thúc đẩy những người thức thời bên trong chế độ giải thể ĐCSTQ.

Theo góc độ của người viết, bom hẹn giờ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội không tồn tại biệt lập mà đã liên kết với nhau thành một chuỗi. Hiện giờ, tất cả đều đang tích tắc đếm ngược, rất có thể vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần, chúng sẽ tập hợp lại và tăng tốc hiệp lực.

Một cư dân mạng trên Twitter đã tóm tắt rất hay về tình hình hiện tại của ĐCSTQ: “Đấu đá nội bộ đang tăng tốc, vòng vây chặn bên ngoài đang tăng tốc, rối loạn đang tăng tốc, tê liệt đang tăng tốc, tan rã đang tăng tốc, sụp đổ đang tăng tốc!”. Các quan chức cấp cao của Trung Nam Hải bất lực trước những quả bom này, không có cách nào để tháo dỡ chúng. Bởi vì nguyên nhân sâu xa của những vấn đề này nằm ở sự cai trị độc tài chuyên chế của ĐCSTQ. Nếu muốn tháo gỡ, cách duy nhất là giải thể ĐCSTQ.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả Chu Hiểu Huy (Zhou Xiaohui) - cây bút chuyên đề trên tờ The Epoch Times tiếng Trung.

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ba 'quả bom hẹn giờ' đang đếm ngược, Trung Nam Hải cũng đành bất lực