Sau 60 tuổi, người mất nhiều răng có thể sống được bao lâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người không còn răng hoặc có số lượng răng dưới 10 có tỷ lệ khuyết tật cao hơn 2,81 lần và 2,13 lần so với người có 20 răng sau 5 năm.

Liệu tuổi răng có tương đương với tuổi thọ hay không?

Miệng của chúng ta chứa vô số vi khuẩn, tuy nhiên chúng luôn duy trì trạng thái cân bằng. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ, nguy cơ sâu răng, viêm nha chu... sẽ tăng cao, dẫn đến các triệu chứng bất thường như hôi miệng, đau nhức.

Những triệu chứng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi...

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa số lượng "răng chức năng" và tuổi thọ. Các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã theo dõi 573 người ở độ tuổi 70 trong 21 năm và nhận thấy:

  • Người không còn răng hoặc có số lượng răng dưới 10 chiếc có tỷ lệ khuyết tật sau năm năm cao hơn lần lượt 2,81 lần và 2,13 lần so với người có 20 răng.
  • Sau khi kết thúc theo dõi, người không còn răng có nguy cơ tử vong cao hơn 26% so với người có 20 răng.

Tạp chí Periodontology 2000 cũng công bố một nghiên cứu cho thấy:

  • Người dưới 65 tuổi mất hơn 5 răng có nguy cơ tử vong sớm cao hơn đáng kể.
  • Người trên 74 tuổi không bị mất răng có khả năng sống thọ hơn 100 tuổi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề xuất khái niệm sức khoẻ răng miệng “8020”, nghĩa là khi 80 tuổi, chúng ta cần có ít nhất 20 răng để nhai thức ăn. Nói cách khác, bạn chỉ được phép mất tối đa 12 răng trong suốt cuộc đời.

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe răng miệng và tuổi thọ. Do đó, việc bảo vệ răng miệng là vô cùng quan trọng đối với mỗi người.

Mất răng, 3 mối nguy hiểm không nên xem thường

Nhiều người cho rằng tình trạng rụng răng khi bước sang tuổi già là điều bình thường, nhưng đây là một quan niệm sai lầm.

Lão hóa không phải là yếu tố tất yếu dẫn đến rụng răng. Hầu hết trường hợp rụng răng ở người cao tuổi là do sâu răng và bệnh nha chu, trong đó bệnh nha chu chiếm hơn 80% nguyên nhân.

Tuy nhiên, tác hại của việc thiếu răng lâu dài còn nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng:

  1. Thúc đẩy lão hóa

Sau khi mất răng, xương ổ răng thiếu đi sự kích thích sinh lý bình thường, dễ bị teo, ảnh hưởng đến sự ổn định của hàm mặt.

Nếu mất nhiều răng, các răng còn lại sẽ bị nghiêng, lệch, khiến cho cơ mặt bị biến dạng, khiến toàn bộ khuôn mặt trông già nua hơn so với người bình thường.

  1. Gây ra bệnh nha chu

Khi răng bị mất, các kẽ răng sẽ xuất hiện, khiến các răng còn lại dần dần di chuyển vào khoảng trống, làm kẽ răng to ra.

Kẽ răng to sẽ dễ bám thức ăn thừa, lâu dần dẫn đến sâu răng và bệnh nha chu.

  1. Mất xương ổ răng

Khi không có răng nâng đỡ, xương ổ răng sẽ dần dần tiêu biến.

Xương ổ răng một khi đã tiêu thì rất khó phục hồi, trường hợp nặng có thể dẫn đến không thể cấy ghép răng.

Nói chung, những người bị mất răng cần được phục hồi kịp thời, tốt nhất là trong vòng 3 tháng sau khi mất răng để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những đặc điểm của răng tiết lộ khả năng trường thọ

Như đã đề cập ở phần trước, sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể có mối liên hệ mật thiết.

Nếu bạn sở hữu những đặc điểm răng miệng sau đây, điều đó cho thấy bạn có khả năng sống thọ hơn:

  1. Răng chắc khỏe và đều đặn

"Người có hàm răng đều đặn và chắc khỏe sẽ sống thọ".

Răng chắc khỏe giúp nhai kỹ thức ăn, giúp cơ thể hấp thu đầy đủ dinh dưỡng, từ đó tăng khả năng sống thọ.

  1. Không bị mòn nghiêm trọng

Răng không bị mòn nghiêm trọng chứng tỏ khớp cắn bình thường, khớp thái dương hàm cũng không có bất thường rõ ràng, sức khỏe răng miệng được duy trì tốt.

  1. Nướu khỏe mạnh

Nướu khỏe mạnh có màu hồng, kết cấu chắc chắn, không sưng đỏ hay chảy máu bất thường.

Nướu được ví như "mảnh đất" nuôi dưỡng răng, nướu khỏe hay yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độ chắc chắn của răng.

  1. Hơi thở thơm tho

Hơi thở thơm tho hay có mùi hôi đều liên quan đến sức khỏe của hệ tiêu hóa, hệ nội tiết, cũng có thể do bệnh nha chu, sâu răng gây ra.

Một khoang miệng khỏe mạnh sẽ không có mùi hôi.

Theo Song Yun - Aboluowang
Nhật Duy



BÀI CHỌN LỌC

Sau 60 tuổi, người mất nhiều răng có thể sống được bao lâu?