Tài khoản nổi tiếng trên MXH Trung Quốc bị khóa chỉ vì 'bị hỏi': Tập có phải là kẻ độc tài không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một livestreamer (người phát sóng trực tiếp) có hơn 180 nghìn người theo dõi trên nền tảng video Bilibili của Trung Quốc gần đây đã được khán giả hỏi trong một buổi phát sóng trực tiếp rằng: "Tập có phải một kẻ độc tài không?". Mặc dù livestreamer này đã ngay lập tức chỉ trích người đặt câu hỏi trên nhưng tài khoản của anh này vẫn bị khóa. Đoạn video ghi lại phản ứng kịch liệt của livestreamer này đã được lan truyền ra nước ngoài và làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi.

Đoạn video này cho thấy trong một buổi phát sóng trực tiếp của livestreamer Hộ Thần Phong (Hu Chenfeng), có một khán giả đã hỏi: "Tôi muốn nói là, anh nghĩ Tập có phải là một kẻ độc tài không?".

Livestreamer này nghe xong liền vô cùng kích động và lớn tiếng quát: "Người này đang vi phạm nghiêm trọng quy định phát sóng trực tiếp", "Người này điên rồi sao?", "Tôi lập tức chặn hắn!".

Sau đó, livestreamer Hộ Thần Phong thông báo rằng sẽ ngừng phát sóng trực tiếp trong ba ngày vì bị bệnh, nhưng có cư dân mạng phát hiện ra rằng tài khoản của anh này đã bị khóa. Hôm 18/4, một phóng viên của tờ The Epoch Times đã tìm hiểu và xác minh điều này. Tài khoản Weibo của Hộ Thần Phong cũng đã bị cấm phát ngôn và lần cập nhật cuối cùng là vào ngày 8/4. Các cuộc thảo luận về “sự cố” livestream trên cũng bị cấm trên nền tảng mạng xã hội Weibo.

Hôm 18/4, ông Giới Lập Kiến (Jie Lijian), Phó chủ tịch của Tổng bộ Liên hợp Đảng Dân chủ Trung Quốc ở hải ngoại, đã đăng bài trên nền tảng X (tên cũ là Twitter) cho hay: “Có người đã hỏi một livestreamer rằng Tập Cận Bình có phải là kẻ độc tài không, một livestreamer tên là Hộ Thần Phong sợ tới mức hồn bay phách tán. Nam thanh niên - người đặt câu hỏi trên - đã gửi thông tin căn cước công dân cho tôi và nhờ tôi cứu giúp. Cậu ấy nói với tôi rằng nếu trước 11h đêm ngày 17/4 giờ Trung Quốc mà cậu ấy không gửi tin nhắn nào cho tôi thì có nghĩa là cậu ấy đã xảy ra chuyện. Cậu ấy hy vọng mọi người sẽ chú ý đến sự an nguy của cậu ấy. Hiện tài khoản của livestreamer kể trên đã bị Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc cấm”.

(Cảnh livestreamer Hộ Thần Phong lớn tiếng chỉ trích người đặt câu hỏi về ông Tập)

Đoạn video quay cảnh livestreamer Hộ Thần Phong phát sóng trực tiếp và được hỏi liệu ông Tập có phải là kẻ độc tài không đã được lan truyền rộng rãi trên nền tảng X ở nước ngoài và dẫn tới các cuộc thảo luận sôi nổi.

Tài khoản X “Chong Zhe” nói: "Hộ Thần Phong là một trong những người Trung Quốc khá là gan dạ, cũng rất không sợ cường quyền. Nhưng ngay cả như vậy, khi anh ta nghe tới Tập Cận Bình thì cũng rất sợ hãi. Nỗi sợ hãi này đã khắc sâu vào DNA của người dân Trung Quốc. Từ sự việc này có thể thấy nỗi sợ hãi đối với độc tài”.

Người dùng X “BASSIMA” chỉ ra: "Việc anh này (Hộ Thần Phong) nói 'Điên rồi à?' (với người đặt câu hỏi về ông Tập) là minh chứng cho thấy môi trường mà anh ta đang ở khủng bố tới mức nào".

Tài khoản X “Gan ju wei bo qi” bình luận: "'Tập có phải là kẻ độc tài không?' Hộ Thần Phong đã trả lời cậu rồi đấy nhóc. Hãy đợi xem, cảnh sát nhân dân có đến nhà cậu hay không, cậu sẽ biết ông ta có phải là kẻ độc tài hay không”.

Vụ phát sóng của Hộ Thần Phong cũng khiến nhiều cư dân mạng ở nước ngoài cảm khái rằng, có quá nhiều cái gọi là lằn ranh đỏ dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cư dân mạng “Vanton” nói: "Có quá nhiều lằn ranh đỏ rồi, nhiều tới mức người Trung Quốc có thể thường xuyên chạm phải chúng mà không hiểu đã chạm vào kiểu gì”.

Có không ít những vụ vô tình 'chạm lằn ranh đỏ' như vậy trên Internet ở Trung Quốc

Vào ngày 28/3 năm nay, người sáng lập Tập đoàn Tân Đông Phương (New Oriental) Du Mẫn Hồng (Yu Minhong) đã được mời đến thăm Nhà máy ô tô Geely của Trung Quốc. Trong khi ông Du đang phát sóng trực tiếp và phỏng vấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Geely, ông Lý Thư Phúc (Li Shufu), đã nhiều lần đề cập đến “Lục Tứ” (tức sự kiện biểu tình của sinh viên xảy ra trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 4/6/1989) - một chủ đề nhạy cảm đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuối cùng, buổi phát sóng này đã bị tạm dừng.

Trong video này, ông Lý Thư Phúc trước tiên giới thiệu về nhà máy sản xuất tủ lạnh do ông thành lập vào năm đó: "[Khi đó] chúng tôi không có văn bản phê duyệt sản xuất được chỉ định của quốc gia, điều đó có nghĩa là chúng tôi không thể sản xuất. Sau [sự kiện] Lục Tứ, tôi đã ngừng sản xuất".

Ông Lý Thư Phúc cho biết, "Bởi vì trước [sự kiện] ‘Lục Tứ’, thương hiệu tủ lạnh của chúng tôi là 'Hoa Bắc Cực. Ở Thanh Đảo có một nhà máy sản xuất tủ lạnh quốc doanh với thương hiệu 'Tuyết Tháng Sáu'. Giá thành của họ quá cao và kỹ thuật, chất lượng cũng không ổn nên họ nhờ chúng tôi hỗ trợ sản xuất, chính là sản xuất ODM" (ODM là thiết kế và sản xuất một sản phẩm theo đơn đặt hàng, cuối cùng sản phẩm đó được đổi thương hiệu cho một công ty khác để bán).

Ông Lý nói: “Tuy nhiên, sau khi xảy ra ‘Lục Tứ’, tất cả những điều này đã dừng lại. Sau khi nhà máy đóng cửa, mọi thứ đều được giao cho chính quyền”.

Những câu nói trên của ông Lý đã khiến buổi phát sóng trực tiếp bị chặn.

(Buổi phát sóng trực tiếp và phỏng vấn giữa ông Du Mẫn Hồng (phải) và ông Lý Thư Phúc)

Vào ngày 3/6/2022, một ngày trước lễ kỷ niệm ngày 4/6/1989, một người livestream bán hàng nổi tiếng ở Trung Quốc tên là Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi) đã bưng ra một chiếc bánh kem trông giống như một "chiếc xe tăng" và buổi phát sóng trực tiếp này đã ngay lập tức bị gián đoạn.

Chiếc bánh kem trông giống như một "chiếc xe tăng" trong buổi phát sóng trực tiếp hôm 3/6/2022. (Ảnh chụp màn hình)

Bởi vì nó gợi đến chiếc xe tăng trong bức ảnh “Người chặn xe tăng Thiên An Môn” nổi tiếng được chụp vào năm 1989. Bức ảnh người đàn ông Trung Quốc nhỏ bé đứng chặn đoàn xe tăng đang tiến vào Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã trở thành hình ảnh biểu tượng cho cuộc thảm sát đẫm máu này.

thảm sát Thiên An Môn
Bức ảnh chụp một công dân Hong Kong trong buổi tưởng niệm sự kiện Lục Tứ dưới ánh nến ở Công viên Victoria, Hong Kong vào ngày 4/6/2020. Tấm áp phích mà người này đang cầm là hình ảnh người đàn ông vô danh nổi tiếng, được gọi là Người đàn ông xe tăng (Tank Man), đang một mình chặn đoàn xe tăng tiến vào Quảng trưởng Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989; với 4 chữ bên dưới là "Nợ cũ chưa trả". (ANTHONY WALLACE / AFP via Getty Images)

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tài khoản nổi tiếng trên MXH Trung Quốc bị khóa chỉ vì 'bị hỏi': Tập có phải là kẻ độc tài không?