Tại sao sống bốc đồng một chút lại tốt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu hết mọi người nghĩ rằng sự bốc đồng là hoàn toàn tiêu cực, bởi vì họ liên kết sự bốc đồng với những hành vi vô bổ thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, tôi (tác giả gốc của bài viết) coi tính bốc đồng là đặc điểm của một người hành động dứt khoát khi họ cảm thấy muốn làm điều gì đó.

Mặc dù có thể nguy hiểm nhưng nó cũng là biện pháp hữu ích để ngăn chặn việc suy nghĩ quá nhiều và thói quen trì hoãn, đặc biệt đối với những người có xu hướng sợ hãi khi làm bất cứ điều gì.

Chỉ có một chìa khóa duy nhất để khiến lối sống bốc đồng có ích cho bạn: Biết liệu sự bốc đồng có lành mạnh hay không.

Bạn cần rèn luyện bản thân để nhận ra liệu một động lực nào đó có tốt cho bạn hay không và chỉ hành động theo những điều đó. Bằng cách tập luyện thường xuyên, bạn có thể thu được lợi ích từ sự bốc đồng và giảm thiểu những tác động tiêu cực.

Rốt cuộc, tôi e rằng cách tiếp cận cuộc sống siêu logic sẽ khiến chúng ta mất đi nguồn năng lượng và sự nhiệt tình vốn khiến cuộc sống trở nên thú vị và hấp dẫn. Tôi nghĩ đã đến lúc phải chống lại điều này một chút và chấp nhận nhiều rủi ro tiềm ẩn nhưng bổ ích hơn.

Hãy nhớ rằng, sự bốc đồng không có nghĩa là bạn sẽ nhượng bộ mọi mong muốn trong suy nghĩ, mà đúng hơn là hành động ngay lập tức ngay khi bạn cảm thấy điều đó mang lại kết quả tích cực. Mỗi giây chờ đợi sẽ khiến bạn rời xa mẫu người mà bạn muốn trở thành một bước.

Làm thế nào để trở nên bốc đồng một cách tốt đẹp?

Dưới đây là một số lĩnh vực trong cuộc sống mà tôi đang tích cực tìm kiếm những động lực tích cực để hành động và có thể bạn cũng muốn như vậy.

Đừng để thói quen chờ đợi làm bạn đánh mất cơ hội, hãy tận dụng động lực mà bạn có ngay khi nghĩ ra ý tưởng và để nó thúc đẩy bạn tiến thằng vào hành động.

1. Giúp đỡ người khó khăn

Đã bao nhiêu lần bạn nhìn thấy ai đó đang cố gắng nâng một vật nặng, hoặc đang bị lạc, hoặc vật lộn với cuộc sống như thế nào đó, nhưng bạn lại ngượng ngùng nhìn đi chỗ khác?

Tôi nói rằng, ngay khi bạn nghĩ mình nên làm điều gì đó, bạn đừng suy nghĩ quá nhiều mà chỉ cần bước tới giúp đỡ.

Hãy tưởng tượng thế giới sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu tất cả chúng ta đều hành động theo những thôi thúc mà chúng ta thỉnh thoảng cảm thấy.

2. Bày tỏ sự đánh giá cao của bạn đối với ai đó

Đôi lúc, tôi chỉ nghĩ tốt về ai đó hoặc cách mà tôi ngưỡng mộ họ, nhưng tôi chỉ giữ điều đó cho riêng mình.

Nhưng tại sao?

Chắc chắn một suy nghĩ như thế hay một khoảnh khắc tri ân cũng cần được chia sẻ, và đó sẽ là nguồn động viên tuyệt vời cho đối phương. Có lẽ nó cũng sẽ kéo bạn lại gần người đó hơn.

Tôi nghĩ rằng, trước khi sự tự ý thức lấn át, chúng ta hãy “bốc đồng” chia sẻ những suy nghĩ tốt đẹp này với nhau một cách thẳng thắn.

3. Giải quyết một nhiệm vụ trong đầu bạn

Thay vì sống một cách đúng nghĩa, tất cả chúng ta đều có xu hướng bị xao nhãng bởi mạng xã hội, điện thoại hoặc các phương thức giải trí khác.

Nhưng nếu bạn chú ý, đôi lúc bạn có những thôi thúc thầm lặng để làm điều gì đó hiệu quả. Hãy học cách nhảy vào những thứ này ngay lập tức.

4. Gọi cho bạn bè hoặc lên lịch để gặp nhau

Đừng để ý định tốt của bạn bị lãng phí. Trong cuộc sống này, không gì có giá trị hơn các mối quan hệ mà chúng ta đang có.

Không quan trọng bạn đang làm gì, nếu bạn muốn kết nối trực tiếp với ai đó hoặc qua điện thoại, thì đây là một động lực đáng được khuyến khích.

5. Thực hiện hành động tích cực hướng tới mục tiêu lớn hơn

Chúng ta thích tưởng tượng về tương lai sẽ tốt đẹp hơn hiện tại. Nhưng những giấc mơ đó – dù lớn hay nhỏ – sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu không hành động.

Thay vì từ bỏ những giấc mơ này và tự nhủ mình phải thực tế hơn, tại sao không thử thực hiện để hướng tới tương lai đó?

Hãy học cách tận dụng sự phấn khích và cảm xúc tích cực mà bạn cảm thấy trong thời điểm này để làm điều gì đó cho riêng mình.

6. Chọn thực phẩm lành mạnh hoặc rèn luyện cơ thể

Tôi gần như có một quy tắc, rằng nếu muốn ăn thứ gì đó tốt cho sức khỏe hoặc đi dạo, tôi sẽ làm ngay.

Sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, vậy tại sao lại lãng phí một cơ hội duy nhất khi tại thời điểm đó, bạn thực sự muốn làm và nó phù hợp với mong muốn lâu dài của bạn?

7. Đối mặt với một cuộc trò chuyện khó khăn

Bạn càng trì hoãn việc đối mặt với một cuộc trò chuyện khó khăn, thì cảm giác sợ hãi sẽ chỉ ngày càng lớn hơn.

Tôi thấy tốt nhất bạn nên lao vào những tình huống này giống như cách bạn nhảy xuống một vũng nước lạnh – không do dự hay suy nghĩ quá nhiều.

Tất nhiên, bạn vẫn nên xử lý tình huống một cách cẩn thận và đĩnh đạc, nhưng theo ý kiến ​​​​của tôi, tình huống này phải dựa trên bản năng nhiều hơn bình thường.

8. Thử điều gì đó khiến bạn sợ hãi

Cuối cùng, một bài học về nỗi sợ hãi mà tôi đã học được. Bạn càng suy nghĩ hoặc ngẫm nghĩ về điều gì đó đáng sợ thì cảm giác đáng sợ đó càng trở nên sống động hơn. Thực sự sẽ không có ích gì khi đứng yên nếu bạn biết mình cần hoặc muốn làm việc này.

Tôi không nói về những điều liều lĩnh có thể khiến bạn hoặc người khác bị tổn thương nghiêm trọng, mà là 99% những nỗi sợ hãi khác mà chúng ta có thể dễ dàng vượt qua.

Bằng cách này, tất cả chúng ta nên đón nhận tinh thần bốc đồng và không sợ hãi của những đứa trẻ hoàn toàn không biết xấu hổ khi gặp thất bại.

Theo Mike Donghia - The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch

Mike (và vợ anh ấy, Mollie) viết blog tại This Evergreen Home, nơi họ chia sẻ kinh nghiệm sống đơn giản, có chủ ý và có quan hệ trong thế giới hiện đại này.



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao sống bốc đồng một chút lại tốt?