Bài bình luận: Elon Musk với Trung Quốc trong cuộc đua vào không gian

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào hôm 25/4, khi Elon Musk thông báo mua gã truyền thông khổng lồ Twitter với giá 44 tỷ USD, thì cũng là lúc đối thủ nổi tiếng nhất của ông và là đồng sáng lập của sàn thương mại điện tử Amazon, Jeff Bezos, đã đăng trên Twitter, “Chính phủ Trung Quốc vừa đạt thêm một bước tiến?"

Mặc dù Amazon phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, song câu nói của ông Bezos không phải là không có cơ sở.

Trong khi không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ, nhưng vào ngày 9/4, Elon Musk đã xuất hiện trong một đoạn video ngắn tại một diễn đàn tuyên truyền của Đại sứ quán Trung Quốc do tân Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Qin Gang dẫn đầu. Có vẻ như cả hai bên đang tìm cách thúc đẩy hợp tác trong không gian giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Đó là một lời nhắc nhở rằng, ĐCS Trung Quốc vẫn đang mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho Musk. Bởi vì, sự thành công của nhà máy sản xuất ô tô điện Tesla lớn của ông ở Trung Quốc phụ thuộc vào ĐCS Trung Quốc. Dù vậy, sớm hay muộn nó cũng sẽ cố gắng đánh cắp công nghệ của Tesla để thống trị thị trường toàn cầu này.

Nhưng điều trớ trêu trong sự kiện tuyên truyền của Đại sứ quán Trung Quốc ngày 9/4 là: Musk và ĐCS Trung Quốc đều là những đối thủ sừng sỏ về lĩnh vực không gian. Cả hai đều có tham vọng thống trị Trái đất - Mặt trăng - Sao Hỏa.

Các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng, quyền kiểm soát đối với quỹ đạo Trái đất tầng thấp (Low Earth Orbit - LEO) sẽ ngày càng phụ thuộc vào quyền kiểm soát đối với không gian cislunar (khoảng không gian giữa Trái đất và Mặt trăng).

Đối với Musk, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều sẽ dựa vào khả năng của họ để tận dụng tối đa các hệ thống hoàn toàn đối lập.

Nếu không có hệ thống dân chủ và doanh nghiệp tự do của Mỹ với khả năng tiếp cận nguồn vốn khổng lồ, Musk sẽ không thể trong vòng chưa đầy hai thập kỷ xây dựng Tập đoàn SpaceX của mình trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các phương tiện phóng vào không gian (SLVs). Một cuộc cách mạng về khả năng tiếp cận không gian với chi phí thấp.

Ông cũng không thể thực hiện các dự án xây dựng trên Mặt Trăng, trên sao Hỏa hay triển khai chòm sao vệ tinh băng thông rộng lớn 42.000 Starlink theo kế hoạch của mình.

Các mục tiêu bá chủ trên Trái đất và trong không gian của ĐCS Trung Quốc đòi hỏi sự kết thúc của nền dân chủ, bắt đầu từ nền dân chủ ở Đài Loan. Và việc phá bỏ các liên minh quân sự dân chủ do Mỹ lãnh đạo và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, được thay thế bằng một trật tự do ĐCS Trung Quốc thống trị. Nó sẽ quyết định sự thịnh vượng, an ninh và khả năng tiếp cận không gian của một quốc gia.

Đặc biệt là trong lĩnh vực không gian, sự thành công của Elon Musk và tập đoàn SpaceX của ông gắn liền với một liên minh cùng có lợi với chính phủ Hoa Kỳ.

Vào năm 2020, Mỹ đã có thể phá vỡ thế độc quyền của Nga trong việc đưa con người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế bằng tàu vũ trụ có người lái SpaceX Dragon. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) đã chọn Tàu SpaceX Starship 100 tấn chở hàng để đảm bảo nó sẽ quay trở lại mặt trăng vào khoảng năm 2025.

Một tên lửa SpaceX Falcon 9 của Tập đoàn công nghệ SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã đưa Phi hành đoàn 4 (Crew 4) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) lên quỹ đạo vào ngày 27/4/2022 tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida. (Ảnh: Aubrey Gemignani/NASA qua Getty Images)

Nếu thành công, con tàu Starship của Musk có thể mang lại cho Hoa Kỳ và mối quan hệ đối tác chương trình Artemis. Chương trình Artemis là một dự án hàng không vũ trụ của Hoa Kỳ với mục tiêu đưa con người quay trở lại Mặt trăng vào năm 2024. Nếu thành công, đây sẽ là chuỗi sứ mệnh đầu tiên đưa con người lên Mặt trăng kể từ chương trình Apollo.

Nhưng có vẻ như ĐCS Trung Quốc, đã thay đổi ưu tiên trước đây của mình là theo đuổi công nghệ ô tô điện của Tesla. Giờ đây, họ coi Musk là một thách thức số 1 trong lĩnh vực không gian.

Sự việc bắt đầu vào tháng 12/2021 khi Trung Quốc đệ đơn lên Liên Hợp Quốc rằng các vệ tinh từ chòm sao Starlink của Musk đã đe dọa trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) mới của Trung Quốc vào tháng 7/2021 và tháng 10/2021.

Sau đó, vào ngày 5/5/2022, Báo Quân giải phóng nhân dân (PLA Daily), đã công bố một cuộc tấn công dữ dội nhằm vào tập đoàn SpaceX, với mục tiêu chính là hướng vào chòm sao Starlink hiện có 2.200 vệ tinh.

Theo PLA Daily, “các mối đe dọa” của nó bao gồm việc Starlink đã được sử dụng để truyền dữ liệu tới máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Có nghĩa là nó cũng có thể kích hoạt các máy bay chiến đấu không người lái (UAV) trong tương lai. Đồng nghĩa với việc, “một vệ tinh Starlink có thể chỉ huy một số lượng lớn UAV thực hiện các nhiệm vụ cùng một lúc”.

PLA Daily cũng tin rằng số lượng Starlink là quá lớn. Tờ báo lưu ý rằng, quỹ đạo Trái đất tầng thấp “có thể chứa khoảng 50.000 vệ tinh, hơn 80% trong số đó sẽ do Starlink đảm nhận nếu chương trình phóng 42.000 vệ tinh như kế hoạch đã định. SpaceX đang thực hiện một phong trào bao vây trong không gian để chiếm vị trí thuận lợi và độc quyền các nguồn tài nguyên chiến lược".

Sau khi Trung Quốc dành ba thập kỷ qua để cố gắng thống trị Internet trên Trái đất, PLA Daily hiện đang lo sợ rằng Starlink có thể trở thành một mạng internet không gian “không thể chạm tới” và hoàn toàn riêng biệt.

Theo PLA Daily: “Bất chấp những hạn chế về mặt địa lý, nó cung cấp các dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng không dây — tốt như trên mặt đất — cho các mục tiêu trên không, trên biển xa, trên núi cao và sa mạc hoặc các khu vực hẻo lánh, với khả năng kết nối Internet toàn cầu".

PLA Daily lưu ý thêm, “Một số chuyên gia cho biết, nếu SpaceX cài đặt một vài máy chủ gốc trong không gian, nó có thể biến Starlink trở thành mạng lưới Internet toàn cầu độc lập thứ hai. Điều này sẽ đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ chủ quyền không gian mạng và bảo vệ an ninh thông tin của họ".

Điều này có nghĩa là Starlink đe dọa trực tiếp đến chế độ độc tài của ĐCS Trung Quốc. Sau đó, bài báo tấn công mối đe dọa lớn hơn của Tập đoàn SpaceX của Musk:

“SpaceX đã phát triển thành một 'công ty khai thác vũ trụ' kiểm soát toàn bộ chuỗi công nghiệp độc lập, tích hợp sản xuất vệ tinh, xây dựng trạm mặt đất, phóng và thu hồi tên lửa cũng như vận hành và dịch vụ vệ tinh. Nếu và khi được kết nối sâu rộng với công nghệ xe không người lái, dữ liệu đám mây và thành phố thông minh, nó sẽ mở rộng thành một ngành và chuỗi giá trị hoàn toàn mới, khai sinh ra một sinh quyển Starlink khổng lồ và độc quyền thị trường ứng dụng không gian trong tương lai".

PLA Daily kết luận một cách đáng ngại rằng “độc quyền và bá chủ là chị em sinh đôi. Có nhiều khả năng Starlink sẽ bị lợi dụng bởi Hoa Kỳ - vốn ám ảnh về quyền bá chủ để đưa thế giới vào một cuộc hỗn loạn hoặc một thảm họa khác”.

ĐCS Trung Quốc thường bộc lộ mong muốn của mình bằng cách coi chúng là tội ác của kẻ thù. Nhưng nó cũng đang tìm kiếm quyền bá chủ trong không gian bằng cách ngăn cản bất kỳ quốc gia nào muốn tiếp cận các nguồn tài nguyên không gian. Bởi vì, nó có thể đe dọa đến quyền bá chủ của ĐCS Trung Quốc trên Trái đất.

Hệ thống Starlink của Musk đang thay thế mạng internet trên mặt đất của Ukraine và đang được sử dụng để chống lại những kẻ xâm lược Nga. Vì vậy, Đài Loan cũng có thể khai thác Starlink để chống lại kẻ xâm lược ĐCS Trung Quốc hoặc duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Hơn nữa, Starship của Musk có thể mang lại cho Hoa Kỳ một bước khởi đầu quan trọng trong việc đảm bảo không gian cislunar. Mở rộng ra, nó có thể bảo vệ các vệ tinh giám sát quân sự quan trọng. Sau đó là các chòm sao như Starlink - có thể ngăn cản mục tiêu bá chủ trên Trái đất của ĐCS Trung Quốc.

Cho đến nay, trong cuộc thi khổng lồ này, Musk là người có lợi thế hơn ĐCS Trung Quốc.

Lợi ích quan trọng của nước Mỹ là Musk và các doanh nhân trong lĩnh vực không gian có tầm nhìn sâu rộng và có đủ phương tiện để thành công. Tuy nhiên, việc mong đợi ĐCS Trung Quốc nhắm vào tài sản và tham vọng của những doanh nhân này cũng giống như việc chế tạo vũ khí để tiến hành cuộc chiến chống lại chính nước Mỹ trong không gian.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Rick Fisher là thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế Hoa Kỳ.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Bài bình luận: Elon Musk với Trung Quốc trong cuộc đua vào không gian