Chiến lược An ninh mới của ông Biden để lộ nhược điểm của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Chiến lược An ninh Quốc gia” mới của ông Biden cho thấy chính quyền Mỹ đang mù quáng một cách nguy hiểm. Nó bộc lộ tư tưởng chủ bại và điểm yếu của Mỹ khi từ bỏ vai trò lãnh đạo về kinh tế và quân sự trong hệ thống quốc tế.

Được công bố vào ngày 12/10, tài liệu dài 48 trang xác định Trung Quốc và Nga là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ. Điều đó không khó để nhận ra, vì cả hai quốc gia này đều sử dụng công nghệ đánh cắp từ Hoa Kỳ để chế tạo tên lửa hạt nhân bội siêu thanh nhằm vào Washington, D.C..

Tuy vậy, chiến lược này lại liên tục bộc lộ tư tưởng chủ bại và nhược điểm của Mỹ khi từ bỏ vai trò lãnh đạo về kinh tế và quân sự trong hệ thống quốc tế - một vai trò lãnh đạo dựa trên nền tảng pháp quyền quốc tế kể từ khi Thế chiến II kết thúc, một vai trò lãnh đạo vô cùng quan trọng để đánh bại các mối đe dọa không chỉ từ Bắc Kinh và Moscow mà còn từ chủ nghĩa khủng bố.

Điều này thể hiện rõ ràng nhất khi “Chiến lược An ninh Quốc gia” của Mỹ tuyên bố: “Trên toàn thế giới, chúng ta sẽ tăng cường hợp tác và hỗ trợ các đối tác đáng tin cậy, chuyển từ chiến lược 'Mỹ đi đầu, đối tác hỗ trợ' sang chiến lược 'đối tác đi đầu, Mỹ hỗ trợ’”.

Đây là sự rụt rè về mặt chiến lược của Đảng Dân chủ, là cách tiếp cận sai lầm.

Có thể thấy, Tổng thống Joe Biden đã tước vũ khí của Mỹ trong công cuộc chống lại những kẻ khủng bố. Thay vì sử dụng quân đội của chính nước Mỹ, ông Biden đã để các lực lượng hỗ trợ ở nước ngoài tiếp cận và sử dụng các nguồn lực. Chiến lược này thường phản tác dụng. Nó đã từng như thế khi Mỹ dựa vào Pakistan làm trung gian trong cuộc chiến chống Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980. Cuộc chiến ấy đã được Mỹ khái quát hóa để áp dụng đối với các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

Chiến lược mới của Mỹ nêu rõ: “Chúng ta thường mặc định áp dụng các chính sách lấy quân đội làm trung tâm - vốn dựa trên niềm tin phi thực tế vào lực lượng vũ trang và vào sự thay đổi chế độ để mang về kết quả bền vững, trong khi chúng ta không tính toán đầy đủ các chi phí cơ hội đối với các ưu tiên toàn cầu hoặc các hậu quả không mong muốn”.

Điều đó làm giảm các lựa chọn quân sự của Mỹ trong việc chống lại các nhà nước tài trợ khủng bố và do đó, trừ bỏ một yếu tố răn đe quan trọng. Nếu các tổ chức khủng bố nghĩ rằng phản ứng của người Mỹ sẽ luôn là (1) một cuộc tấn công tinh chuẩn (surgical strike - tấn công quân sự nhằm vào mục tiêu ‘chính đáng’, đồng thời cố gắng hạn chế thiệt hại ngoài dự kiến), hoặc (2) dùng tiền để mua sự ủng hộ, hay (3) không bao giờ thay đổi chế độ ở các nước mà những kẻ độc tài luôn ủng hộ khủng bố, thì nước Mỹ sẽ chỉ có thể phản ứng thụ động bằng “trò chơi đập chuột” (chỉ giải quyết được một phần vấn đề, các phần còn lại sẽ nảy sinh nối tiếp nhau) và bằng các khoản viện trợ hào phóng tốn kém - trong khi không bao giờ xử lý được nguyên nhân gốc rễ của hoạt động tài trợ khủng bố.

Việc Mỹ rút các hoạt động ở nước ngoài là sai lầm về mặt quân sự và kinh tế. Nó rất phù hợp để giải thích cho thất bại nhục nhã của ông Biden ở Afghanistan - một vị trí địa chính trị quan trọng mà lẽ ra sẽ rất hữu ích đối với nước Mỹ trong việc chống lại khủng bố và đối phó với Bắc Kinh.

Chiến lược An ninh mới của ông Biden để lộ nhược điểm của Mỹ
Các binh sĩ Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) đi bên trong căn cứ không quân Bagram của Mỹ - cách Kabul khoảng gần 70 km về phía bắc - sau khi quân đội Mỹ và NATO rời đi, ngày 05/07/2021. (Ảnh: Wakil Kohsar / AFP qua Getty Images)

Những mất mát ở Afghanistan là minh chứng cho thấy sự yếu kém của chính quyền Biden. Đối với những kẻ chống lưng cho chủ nghĩa khủng bố, bao gồm cả các nhà độc tài ở Nga và Iran, họ có thể ngủ ngon hơn khi biết rằng lính thủy đánh bộ Mỹ, ít nhất là dưới thời ông Biden, sẽ không đến gõ cửa nhà họ.

Việc Mỹ từ bỏ vị thế lãnh đạo về quân sự là một chủ đề chính trong “Chiến lược An ninh Quốc gia” mới, trong đó nêu rõ ràng rằng “các quốc gia phải được tự do quyết định chính sách đối ngoại của họ”. Ông Biden vui vẻ với chủ nghĩa tự do quốc tế, thậm chí áp dụng nó với cả những bên hợp tác với Bắc Kinh và Moscow.

Nhưng cần phải hiểu, không quốc gia nào được phép “tự do” ủng hộ những kẻ độc tài tồi tệ nhất trên thế giới. “Tự do” ủng hộ họ không phải là tự do chân chính mà là phản bội dân chủ.

Các ví dụ gồm có: (1) quyết định của Ấn Độ trong việc tiếp tục mua dầu từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế; (2) quyết định bỏ phiếu trắng của Ukraine trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về việc tổ chức một cuộc tranh luận về tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc; hay (3) sự kiện Quần đảo Solomon cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận cơ sở hạ tầng cảng biển.

Thay vì áp dụng trừng phạt thứ cấp để khiến các quốc gia khác nhận ra hậu quả, chính quyền Biden lại khuyến khích các nước này tự do đưa ra các lựa chọn tồi tệ. Đây là sự phung phí vị thế lãnh đạo về kinh tế của Mỹ. Sức mạnh kinh tế của nước Mỹ - bao gồm cả quyền hạn chế các nước bất hảo tiếp cận thị trường Mỹ - vốn có tác dụng thúc đẩy các mục tiêu tốt đẹp, thì giờ sẽ chỉ suy yếu theo thời gian khi phần còn lại của thế giới đang học hỏi và sử dụng công nghệ Mỹ.

Ngay cả ở Mỹ, một số thực thể cũng ủng hộ các chế độ độc tài. Năm 2021, các công ty Mỹ đã thực hiện nhiều giao dịch thương mại trị giá hơn 650 tỷ USD với Bắc Kinh. Họ đã đầu tư thêm 2,3 nghìn tỷ USD vào Trung Quốc trong những năm qua. Điều đó giúp đối thủ lớn nhất của Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn và nó cần được kết thúc ngay lúc này, nhưng tài liệu chiến lược mới của Mỹ lại không đề cập đến nó.

Người Mỹ cần phải chấm dứt thói đạo đức giả và cần nhận ra rằng đầu tư vào các chế độ độc tài chỉ tiếp thêm sức mạnh cho độc tài. Nước Mỹ cần phải tách rời với Trung Quốc, sau đó, Mỹ mới có thể không hề đạo đức giả mà yêu cầu các quốc gia khác cũng làm như vậy.

Nỗ lực ‘thoát Trung’ đòi hỏi sự phối hợp và lãnh đạo của Mỹ và các đồng minh G-7, vì không có bên nào khác đạt được sức mạnh kinh tế cần thiết để thúc đẩy thế giới từ bỏ thương mại với Trung Quốc.

Các quốc gia phải được thông báo, với ngôn từ chắc chắn, rằng họ không được tự do giao dịch với Trung Quốc. Nếu họ làm như vậy, họ sẽ mất quyền tiếp cận các thị trường G-7. Chiến lược của ông Biden đi theo hướng ngược lại.

Không gọi ĐCSTQ là địch thủ

“Chiến lược An ninh Quốc gia” mới của ông Biden đã thất bại trong nhiệm vụ đơn giản nhất là xác định Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đúng với bản chất của họ: địch thủ của nước Mỹ và kẻ thù của nền dân chủ. Thay vào đó, chính quyền Biden vẫn kiên trì gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh” - như trong một trò chơi mà mỗi bên đều chơi một cách công bằng, bên nào thể hiện tốt nhất sẽ giành chiến thắng.

Bắc Kinh đang bận rộn chế tạo vũ khí để xâm lược Đài Loan, điều có thể kéo Mỹ vào một cuộc chiến hiện sinh (existential war). Mỗi năm, Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ trị giá tới 600 tỷ USD từ Mỹ, qua đó giúp công nghệ quân sự và kinh tế Trung Quốc gia tăng sức mạnh. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông - vùng biển mà các đồng minh của Mỹ phụ thuộc rất nhiều để thực hiện các hoạt động hàng hải.

Bắc Kinh không chơi theo luật. Thay vào đó, họ đang đâm sau lưng nước Mỹ và bạn bè của Mỹ. Nếu chính quyền Biden thậm chí không thể gọi Bắc Kinh là “địch thủ” (adversary), một từ nhẹ hơn từ “kẻ thù” (enemy), thì chính quyền này đang thiếu trung thực một cách thảm khốc với người dân Mỹ và cả thế giới.

Không thừa nhận Đài Loan độc lập

Chính quyền Mỹ đã đúng khi nhấn mạnh rằng người dân Trung Quốc [người dân Trung Quốc khác với ĐCSTQ] không phải là kẻ thù (như chính quyền Trump đã làm trước đây). Nhưng chính quyền Mỹ đã sai khi khúm núm trước Bắc Kinh; sự khúm núm này đã đạt mức cao mới khi ông Biden phản đối Đài Loan độc lập - điều được nêu rõ trong chiến lược của ông ấy.

Đài Loan là nền dân chủ duy nhất trên thế giới có đa số là người Trung Quốc. Quốc đảo này cũng là niềm hy vọng lớn nhất để dân chủ hóa Trung Quốc. Mỹ đang tiếp tục để một Đài Loan độc lập, huy hoàng và có chủ quyền không được che chắn gì trước những con sói ở Bắc Kinh; và Mỹ sẽ phải gánh chịu rủi ro khi làm như vậy.

Chiến lược An ninh mới của ông Biden để lộ nhược điểm của Mỹ
Hải quân Đài Loan phóng tên lửa Standard do Mỹ sản xuất từ ​​một tàu khu trục nhỏ trong cuộc tập trận Hán Quang (Han Kuang) hàng năm, gần cảng hải quân Suao ở quận Yilan, Đài Loan, ngày 26/07/2022. (Ảnh: Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Nếu trước đây Trung Quốc vẫn còn quá yếu để xâm lược Đài Loan, thì bây giờ quân đội Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ hơn nhờ sự trợ giúp về công nghệ và khoa học của Mỹ. Washington và các đồng minh phải chặn việc Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên khoa học phương Tây, đồng thời phải thể hiện rõ ràng sự ủng hộ đối với nền độc lập của Đài Loan. Với một Đài Loan độc lập, Mỹ có thể bảo vệ quốc đảo hiệu quả hơn về cả quân sự và ngoại giao, bao gồm sử dụng các căn cứ của Mỹ trên đất Đài Loan và cung cấp các hệ thống vũ khí cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược.

Tấn công các đồng minh tiềm năng trong khi tuyên bố điều ngược lại

“Chiến lược An ninh Quốc gia” mới của ông Biden định hình những thập kỷ tiếp theo là “sự cạnh tranh giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên quyền”. Điều này khiến một số chế độ chuyên quyền xa lánh nước Mỹ, trong khi họ có thể trở thành đồng minh của Hoa Kỳ trong việc chống lại kẻ thù nguy hiểm nhất: Trung Quốc. Trong vấn đề này, chính quyền đương nhiệm của Mỹ đã thể hiện một cách sâu sắc tầm nhìn chiến lược hạn hẹp của họ.

Ảrập Xêút là đồng minh lâu năm của Mỹ cho đến khi ông Biden đẩy họ ra xa. Năm nay, Tổng thống Mỹ đã làm cho Washington bẽ mặt khi xin Riyadh tha thứ, khi cầu xin họ tăng sản lượng dầu trong bối cảnh lạm phát Mỹ đạt đỉnh do giá dầu ở mức cao. Ảrập Xêút đã từ chối hợp tác.

Việt Nam có thể là một đồng minh của Mỹ, do ở gần Trung Quốc và do Bắc Kinh thường xuyên sử dụng vũ lực để đánh cắp tài nguyên biển của Việt Nam - bao gồm cá, dầu mỏ và các tuyến đường vận tải trên Biển Đông. Nhưng bằng cách nhắm vào tất cả các chế độ chuyên quyền, chính quyền Biden đang đẩy Việt Nam về phía Bắc Kinh.

Ngay cả Nga cũng có thể là đồng minh giúp Mỹ chống lại Trung Quốc nếu chính quyền Biden bỏ được một số ngôn từ quá khích và phân cực. Tất nhiên, Mỹ nên trợ giúp Ukraine đánh bại cuộc xâm lược của Nga, bao gồm cả việc chiếm lại Crimea. Vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine là vẫn chưa đủ dùng; chúng cần mạnh hơn và có tầm bắn xa hơn để Kyiv có thể khiến Moscow trở thành con tin [đưa Moscow vào tầm ngắm], giống như Moscow đang làm với Kyiv. Chiến lược đạt được hòa bình thông qua sức mạnh sẽ giúp kết thúc chiến tranh nhanh chóng, nhưng lại không được đề cập đến trong chiến lược mới của ông Biden.

Mỹ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để biến Nga thành đồng minh. Washington nên làm rõ điểm này với người Nga: miền đông thưa thớt dân cư của Nga có nguy cơ bị Trung Quốc tiếp quản, đặc biệt là sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin dỡ bỏ lực lượng phòng thủ ở đây để tập trung cho trận chiến tại Ukraine.

Hy vọng sai lầm về hợp tác với Trung Quốc

Chiến lược mới của ông Biden cho thấy còn nhiều lĩnh vực hợp tác mà Mỹ cần đạt được với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, chẳng hạn như về đại dịch, nóng lên toàn cầu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, khủng bố, ma túy bất hợp pháp (fentanyl) và lạm phát. Điều này cung cấp vỏ bọc cho các hoạt động kinh doanh trị giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng Washington đã cố gắng và đã thất bại khi hợp tác với Bắc Kinh về những vấn đề nêu trên. Giả vờ rằng vẫn có thể hợp tác với Bắc Kinh là một sự gian xảo và một lời nói dối lớn đối với người dân Mỹ.

Suy cho cùng, chiến lược mới của ông Biden là hành động từ bỏ vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ và rút lui quân sự khỏi sân khấu thế giới, khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn trước các chiến thuật gia tăng gây hấn của Moscow và Bắc Kinh, cũng như khiến Mỹ dễ bị tổn thương hơn trước kẻ thù nguy hiểm nhất của Mỹ.

Hoa Kỳ cần một chiến lược tập trung chống lại ĐCSTQ, một chiến lược thúc đẩy hòa bình thông qua sử dụng sức mạnh để phối hợp với các đồng minh của Mỹ, để trở thành một lực lượng duy nhất hướng đến chiến thắng - điều đó sẽ thúc đẩy các nền chuyên quyền nhỏ hơn tham gia cuộc chiến chống lại Trung Quốc.

“Chiến lược An ninh Quốc gia” mới của ông Biden chứa đầy những vấn đề đã rất hiển nhiên, rõ ràng; nhưng lại từ chối đề cập đến những điểm quan trọng nhất.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Anders Corr - The Epoch Times

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Chiến lược An ninh mới của ông Biden để lộ nhược điểm của Mỹ