Kazakhstan bạo loạn: Thủ đô bị phóng hỏa, chính phủ từ chức, Nga điều quân đội can thiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ 4 (5/1), chính phủ Kazakhstan đã từ chức khi những người biểu tình phóng hỏa thủ đô để phản đối giá nhiên liệu tăng và sự nắm quyền chính trị ba thập kỷ của cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev.

Reuters đưa tin, các video trên khắp đất nước cho thấy những người biểu tình hét lên "Lão già, biến đi!". Súng nổ trong khi các tòa nhà chính phủ bị đốt cháy ở thành phố Almaty.

Tất cả các thành viên nội các của chính phủ Kazakhstan đã từ chức để hạ nhiệt sự phẫn nộ của người biểu tình. Tuy nhiên, người biểu tình vẫn tiếp tục đốt phá thành phố. Cảnh sát phải sử dụng vòi rồng và lựu đạn gây choáng để chống lại người biểu tình.

Các cuộc biểu tình được dẫn động bởi sự tăng vọt của giá nhiên liệu và sự cầm quyền kéo dài ba thập kỷ của ông Nazarbayev, người vẫn nắm quyền kiểm soát đảng của mình và phụ trách Hội đồng An ninh Kazakhstan. Tổng thống đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev là người được ông Nazarbayev chọn, Reuters nhấn mạnh.

“Những lời kêu gọi tấn công các cơ quan dân sự và quân sự là hoàn toàn bất hợp pháp. Đây là một tội ác và sẽ bị pháp luật trừng phạt”, Tổng thống Tokayev nói trước các cuộc biểu tình, theo The Wall Street Journal.

Trong một tuyên bố, Cảnh sát trưởng của Almaty, ông Kanat Taymerdenov cho biết, 120 xe hơi đã bị đốt cháy, 500 dân thường bị thương và hàng chục cơ sở kinh doanh đã bị người biểu tình phá hủy.

Lệnh giới nghiêm kéo dài hai tuần, bao gồm lệnh cấm tụ tập đông người, đã được thực hiện đối với thành phố và các khu vực lân cận.

Ông Tokayev cho biết ông đã bổ nhiệm một quyền thủ tướng và sẽ làm việc để giảm giá nhiên liệu trong bối cảnh tình hình bất ổn.

Cảnh sát trưởng Taymerdenov nói: “Mục tiêu chính của chúng tôi là ngăn chặn sự leo thang bạo lực và chủ nghĩa cực đoan".

Thứ Năm (6/1), theo yêu cầu của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Nga đã cử quân đội can thiệp vào các cuộc biểu tình ở Kazakhstan, The Hill cho hay.

Ông Tokayev đã yêu cầu Nga hỗ trợ trong đêm do một cuộc nổi dậy bạo lực ở nước này khiến hàng chục người thiệt mạng, theo Reuters.

Tổng thống Tokayev và Nga đang đổ lỗi cho các cuộc biểu tình là do các phần tử khủng bố nước ngoài hậu thuẫn mà không cung cấp bằng chứng. Người biểu tình quan tâm đến vấn đề giá nhiên liệu cao và sự nắm giữ chính trị kéo dài hàng thập kỷ của cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev trên lãnh thổ từng thuộc về Liên Xô cũ.

Hôm thứ Tư (5/1), người biểu tình hô hào chống lại ông Nazarbayev và thiêu rụi các tòa nhà ở thủ đô Almaty.

Một bức tượng của cựu lãnh đạo Nursultan Nazarbayev (Ảnh TASS qua Getty)

Tiếng súng đã vang lên khi quân đội Nga tiến vào thành phố. Cảnh sát cho biết 13 thành viên lực lượng an ninh đã bị giết và chính quyền phản ứng bằng cách giết hàng chục người biểu tình, theo Reuters.

Nội các của ông Tokayev đã từ chức khi bắt đầu các cuộc biểu tình và ông thay thế vị trí của Nazarbayev trong nỗ lực dập tắt cuộc nổi dậy, nhưng tình hình tiếp tục leo thang.

Nga đã cảnh báo các nước khác không can thiệp vào Kazakhstan, đồng thời cho biết Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình vì nước này nằm trong vùng ảnh hưởng của mình.

Ngày 5/1, The Hill đưa tin, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói chuyện với nhà ngoại giao hàng đầu của Kazakhstan và kêu gọi một "giải pháp hòa bình, tôn trọng quyền" đối với các cuộc biểu tình chết người ở nước này. Ông Blinken cũng đồng thời đưa ra quan ngại về sự can thiệp của Nga.

Kazakhstan là đối tác chiến lược của Hoa Kỳ ở Trung Á, có đường biên giới lớn nhất với Nga ở phía Bắc và quốc gia này là cửa ngõ cho các nỗ lực của Mỹ ở Afghanistan.

Ông Blinken nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với “các thể chế hiến pháp và tự do truyền thông” của Kazakhstan, trong bối cảnh có báo cáo về tình trạng mất điện, mất internet cùng với các cuộc biểu tình lớn được đánh dấu bằng bạo lực và đụng độ với lực lượng an ninh.

Tổng thống Armenia Nikol Pashinyan đăng trên Facebook, các lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga lãnh đạo bao gồm các binh sĩ từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang được triển khai để đáp ứng yêu cầu của ông Tokayev nhằm “ổn định và bình thường hóa” tình hình.

Theo các bản tin, các cuộc biểu tình lớn đã dẫn đến cái chết của nhiều quan chức an ninh của Kazakhstan và người biểu tình, bao gồm các vụ chặt đầu và giết người hàng loạt. Hàng nghìn người khác bị thương.

Theo đài BBC, Kazakhstan là một quốc gia rộng lớn, có diện tích bằng Tây Âu, nằm ở Trung Á và giáp với Nga và Trung Quốc.

Đất nước có địa hình phần lớn là núi và vùng đất thảo nguyên khô cằn với dân số chỉ có 19 triệu người.

Kazakhstan giành được độc lập vào năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ. Trước đó, đất nước này là 1 trong 15 nước cộng hòa trực thuộc Liên Bang Xô Viết (Liên xô cũ).

Phản ứng do Nga dẫn đầu đối với tình hình bất ổn ở Kazakhstan đặt ra một thách thức quan trọng đối với Hoa Kỳ, nước đang cố gắng đoàn kết các đồng minh để chống lại sự đe dọa xâm lược của Moscow ở biên giới với Ukraine.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Kazakhstan bạo loạn: Thủ đô bị phóng hỏa, chính phủ từ chức, Nga điều quân đội can thiệp