NATO tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Hàn Quốc trong bối cảnh Triều Tiên bị cáo buộc vũ trang cho Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm Chủ nhật (29/1), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, họ đang tìm cách tăng cường mối quan hệ quân sự với Hàn Quốc trước các mối đe dọa an ninh toàn cầu và các vụ thử tên lửa "liều lĩnh" của Triều Tiên.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bắt đầu chuyến công du hai ngày tới Hàn Quốc vào hôm 29/1. Tại đây, ông gặp Ngoại trưởng Park Jin và tham gia lễ đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Quốc gia Seoul.

Trong cuộc gặp với ông Park, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng các quốc gia dân chủ cần sát cánh cùng nhau để thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời thúc giục sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa NATO và Hàn Quốc.

“Tất nhiên, chúng tôi lo ngại về các vụ thử tên lửa liều lĩnh và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Và cuộc chiến ở Ukraine cũng có tác động đối với khu vực của quý vị", ông Stoltenberg nói, theo hãng tin Yonhap News Agency.

Ông Stoltenberg cũng lặp lại tuyên bố trước đó của Hoa Kỳ rằng, các mối đe dọa an ninh toàn cầu "có mối liên hệ với nhau" vì Triều Tiên đang cung cấp tên lửa và rocket cho Nga.

"Có nhiều lĩnh vực mà chúng tôi thực sự tin rằng, mối quan hệ đối tác thậm chí còn mạnh mẽ hơn giữa Hàn Quốc và NATO sẽ mang lại lợi ích chung", ông nói thêm.

Ông Park nói rằng Hàn Quốc “mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với NATO” để giải quyết các mối đe dọa an ninh đang nổi lên và kêu gọi sự đoàn kết giữa các quốc gia.

Ông Stoltenberg cũng đã gặp Tổng thống Yoon Suk-yeol và tái khẳng định cam kết của NATO về việc hỗ trợ Hàn Quốc nhằm nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Hôm thứ Hai (30/1), ông Stoltenberg đã tới Nhật Bản để gặp lãnh đạo Nhật Bản Fumio Kishida và các quan chức chính phủ khác.

Đáp lại, hôm 30/1, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đăng một tuyên bố lên án chuyến thăm của ông Stoltenberg tới Hàn Quốc là “khúc dạo đầu cho sự đối đầu” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bằng chứng về việc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 20/1 cho biết, có bằng chứng cho thấy Triều Tiên cung cấp vũ khí cho nhà thầu quân sự tư nhân Nga - Tập đoàn Wagner. Ông cũng chỉ ra những hình ảnh được cho là cho thấy các toa tàu của Nga tới Triều Tiên vào tháng 11/2022.

Các hình ảnh được đánh dấu cho thấy 5 toa tàu, được cho là của Nga, đi đến Triều Tiên vào ngày 18/11/2022 và quay trở lại Nga vào ngày hôm sau (19/11/2022).

Tuy nhiên, ông Kirby không nói rõ Tập đoàn Wagner đã nhận được bao nhiêu vũ khí từ Triều Tiên.

Ông nói với các phóng viên rằng: “Mặc dù chúng tôi đánh giá rằng, số lượng vật liệu được giao cho Tập đoàn Wagner không làm thay đổi động lực chiến trường ở Ukraine, nhưng chúng tôi cho rằng, họ sẽ tiếp tục nhận được các hệ thống vũ khí của Triều Tiên”.

Ông Kirby nói thêm: “Chúng tôi rõ ràng lên án hành động của Triều Tiên và chúng tôi kêu gọi Triều Tiên ngừng giao hàng cho Tập đoàn Wagner ngay lập tức”.

Triều Tiên tiếp tục đẩy mạnh các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa bất chấp lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông Kirby nói rằng Triều Tiên đã trốn tránh các lệnh trừng phạt để tiếp tục rót tiền vào nền kinh tế của mình.

“Không phải quốc gia nào cũng phải tuân thủ chế độ trừng phạt, vì vậy họ vẫn có thể giao dịch với các quốc gia như Nga và Trung Quốc. Rõ ràng, đó là một loạt vấn đề hoàn toàn khác, nhưng họ có thể lách lệnh trừng phạt để tiếp tục rót tiền vào nền kinh tế của mình”, ông Kirby nhận định.

“Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn nhận ở một phương diện khác. Đây không phải là một nền kinh tế đang phát triển. Đây không phải là một quốc gia giàu có hoặc nhất thiết phải tồn tại và linh hoạt trong nền kinh tế toàn cầu", ông Kirby nói thêm.

Cả Triều Tiên và Wagner đều bác bỏ tuyên bố của Hoa Kỳ.

Hôm 29/1, ông Kwon Jong Gun, người đứng đầu các vấn đề của Hoa Kỳ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đã cảnh báo về những “kết quả không mong muốn”, nếu Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra những cáo buộc "vô căn cứ" đối với Triều Tiên, theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (CNA).

“Cố gắng làm hoen ố hình ảnh của Triều Tiên bằng cách bịa đặt một thứ không tồn tại là một hành động khiêu khích nghiêm trọng không bao giờ được phép và điều đó có thể kích hoạt phản ứng của Triều Tiên”, ông Kwon tuyên bố.

Trung Quốc và Nga đã phủ quyết một cuộc bỏ phiếu do Mỹ thúc đẩy nhằm tăng cường trừng phạt Triều Tiên vào năm ngoái. Triều Tiên đã phóng một số lượng tên lửa chưa từng có vào năm 2022, một trong số đó là Hwasong-17, được các chuyên gia gọi là “tên lửa quái vật”. Tên lửa này có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Hoa Kỳ và thậm chí còn xa hơn nữa.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

NATO tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Hàn Quốc trong bối cảnh Triều Tiên bị cáo buộc vũ trang cho Nga