Nếu nước Mỹ coi Nga là kẻ thù, đây là một 'sai lầm thảm hại'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine có phải hoàn toàn do lỗi của Tổng thống Putin bởi quyết định xâm lược của ông? Hay là lỗi của các chính quyền Mỹ theo cánh tả như Bill Clinton, Barack Obama hay Joe Biden?

Bài viết dưới đây là của giáo sư John Mearsheimer tại Đại học Chicago (Mỹ), đồng thời là nhà bình luận nổi tiếng, cho thấy một góc nhìn rất khác. Ông tin rằng Mỹ nên chịu trách nhiệm chính trong việc bùng nổ chiến tranh Nga-Ukraine, bởi các chính sách sai lầm của phe cánh tả, dưới thời các chính quyền Tổng thống như Clinton, Obama và Biden.

Giáo sư Mearsheimer đã chỉ trích gay gắt chính sách Ukraine của Mỹ sau sự cố Crimea năm 2014. Đoạn video về bài phát biểu sau đó của ông với nội dung tương tự đã được hơn 21 triệu lượt người xem và có sức ảnh hưởng lớn.

Ông cho rằng, không giống như Nga, Mỹ không có lợi ích chiến lược tại Ukraine. Mảnh đất này gắn liền với số phận của nước Nga, vì trong lịch sử nhiều vùng đất đã bị các nhà lãnh đạo Liên Xô như Lenin, Stalin, Khrushchev tách ly ra khỏi lãnh thổ của Nga.

Xét về mặt lịch sử, người Nga và Ukraine cùng chung nền văn hóa và truyền thống. Do đó, nếu NATO mở rộng về phía đông, bao gồm cả lãnh thổ Ukraine, đương nhiên điều này sẽ chạm vào lằn ranh của Nga, và tất nhiên Nga sẽ không dung thứ. Vì vậy một cuộc xung đột quân sự chắc hẳn sẽ xảy ra.

Ông Mearsheimer tin rằng, Mỹ không nên làm đổ vỡ mối quan hệ Mỹ-Nga vì Ukraine, bởi đây chỉ là một tổn thất nhỏ. Đối đầu quân sự giữa Mỹ và Nga mới gây tổn hại nghiêm trọng hơn nhiều đến lợi ích quốc gia của Mỹ. NATO cũng nên chấp thuận Ukraine trở thành một quốc gia trung lập, làm vùng đệm giữa NATO và Nga. Một Ukraine trung lập sẽ có lợi cho Hoa Kỳ, Nga và chính Ukraine. Đó không chỉ là đôi bên cùng có lợi, mà là cả ba bên cùng có lợi.

Coi Nga là kẻ thù là một 'sai lầm thảm hại'

Quan điểm này của giáo sư Mearsheimer được một số nhà bình luận nổi tiếng ở Mỹ ủng hộ. Trong đó có học giả nổi tiếng về lịch sử Bolshevik của Liên Xô và các mối quan hệ Mỹ-Nga là ông Stephen Cohen, và chính trị gia, nhà ngoại giao George Kennan - người từng đưa ra học thuyết "Chiến lược ngăn chặn" nổi tiếng chống Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, là cơ sở tư tưởng trong chính sách của Mỹ đối với Liên Xô.

Nhưng sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, George Kennan đề xuất vào năm 1998 rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, và nếu NATO tiếp tục mở rộng về phía đông, Nga chắc chắn sẽ có phản ứng chiến lược. Và đây sẽ là một "sai lầm thảm hại” của phương Tây. Cùng quan điểm này còn có cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người đã từng tháp tùng Tống thống Nixon trong chuyến viếng thăm Trung Quốc.

Giáo sư Mearsheimer tin rằng Hoa Kỳ, chủ yếu là các chính phủ theo cánh tả kể từ thời Clinton, Obama và Biden, đã có những đánh giá sai lầm về cả Nga và Ukraine. Liên bang Xô viết đã tan rã, và Nga không còn là một chế độ độc tài cộng sản.

Bản thân Tổng thống Putin cũng là người chỉ trích gay gắt chủ nghĩa cộng sản. Kể từ khi ông Putin được bầu làm tổng thống vào năm 2000, Nga đã có 5 cuộc bầu cử tổng thống, nhiều cuộc bầu cử dân chủ địa phương (22), bang (46), khu tự trị (5), khu vực biên giới (9) và cuộc bầu cử thành phố tự trị (3). Ngoài ra còn có nhiều cuộc bầu cử cho Duma - hạ viện của Quốc hội (cơ quan lập pháp chính). Nga đã chuyển đổi sang nền dân chủ và có quyền tự do báo chí đáng kể.

Trong các vấn đề quốc tế, Nga không những không phải là kẻ thù của nước Mỹ mà còn sát cánh với Mỹ và phương Tây giải quyết nhiều sự kiện lớn, như vụ vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Syria đã bị phá hủy dưới sự hợp tác của Nga.

Trong vòng 100 năm, từ năm 1900 đến năm 2000, số nạn nhân chết vì chiến tranh gấp ba lần số nạn nhân chết trong 1.900 năm trước đó.
Nội chiến tại Syria khiến nhiều dân thường thiệt mạng. (Ảnh: Getty)

Trong vụ tấn công khủng bố, Putin là tổng thống nước ngoài đầu tiên kêu gọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, và ông kiên quyết sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Khi Mỹ tấn công Taliban ở Afghanistan, Nga đã đồng ý cho máy bay ném bom của Mỹ đi qua không phận Nga. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Nga cũng cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Nga ở Afghanistan để hỗ trợ hậu cần quân sự. Nga và Mỹ cũng đã chung tay hạn chế việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran.

Giáo sư Mearsheimer cho rằng, Mỹ và phương Tây cần hợp tác nhiều hơn với nước Nga của Putin, đặc biệt trong việc đối phó với ĐCSTQ. Thay vào đó, Ukraine không phải là một vị trí có ý nghĩa chiến lược đối với nước Mỹ, và chính quyền Mỹ không nên để xảy ra một cuộc đối đầu toàn diện với nước Nga và đẩy quốc gia này rơi vào vòng tay của Trung Quốc.

Theo giáo sư, chiến tranh Ukraine nổ ra lần này chính là do chính quyền Biden đã thực sự thúc đẩy Moscow đứng về phía Bắc Kinh, khiến quan hệ Trung-Nga gần gũi chưa từng thấy và sẽ ngày càng sâu sắc.

Tại sao Nga không cho phép NATO bành trướng về phía đông?

Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tại Ukraine là vấn đề quốc gia này muốn gia nhập NATO. Nga không thể chấp nhận việc này và coi vấn đề tên lửa của NATO đặt tại Ukraine là mối đe dọa chiến lược.

Giáo sư Mearsheimer cũng đưa ra một ví dụ so sánh đặc biệt: Nếu Canada hoặc Mexico, hai quốc gia láng giềng giáp với Hoa Kỳ thành lập một liên minh quân sự với Đảng Cộng sản Trung Quốc, và tên lửa của Trung Quốc được triển khai đến Canada hoặc Mexico, liệu Hoa Kỳ có đồng ý không, có chấp nhận không? Nếu Hoa Kỳ không chấp nhận thì chắc chắn sẽ buộc phải ngăn chặn nó, kể cả bằng vũ lực.

Quân nhân Hoa Kỳ từ các quốc gia Đồng minh được triển khai đến Romania tham gia một buổi lễ trong chuyến thăm của Tổng thư ký NATO và Chủ tịch Romanias, ngày 11/2/2022.

Vì vậy, Giáo sư Mearsheimer thông hiểu việc Nga ngăn cản Ukraine gia nhập NATO, và việc NATO triển khai tên lửa sẽ đe dọa Nga - là điều hợp lý.

Ngoài ra, ngay từ năm 1990 khi vấn đề thống nhất nước Đức được đem ra thảo luận, Hoa Kỳ đã hứa với nhà lãnh đạo Liên Xô rằng NATO sẽ không mở rộng thêm một inch về phía đông, và sẽ không bao giờ mở rộng về phía đông.

18 năm sau, vào năm 2008, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, thủ đô Romania, Tổng thống Putin cũng được mời tham gia và NATO một lần nữa lại hứa với Putin rằng sẽ không bao giờ mở rộng về phía đông.

Vào thời điểm đó, tất cả các nước lớn trong NATO như Mỹ, Anh, Pháp và Đức đều không chấp nhận việc Ukraine trở thành thành viên của NATO. Khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí còn nói: Để Ukraine và Gruzia gia nhập NATO là kê một "đơn thuốc cho thảm họa".

Chính quyền Obama ủng hộ Ukraine "chống" Nga

Tuy nhiên vào năm 2009, Hoa Kỳ đã thay đổi. Barack Obama - người theo cánh tả - được bầu làm tổng thống đã có các chính sách chống lại nước Nga. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với Nga, quốc gia coi Ukraine như người anh em ruột thịt. Putin cho rằng Mỹ là kẻ gian manh và có ý định trở thành kẻ thù của Nga, thậm chí còn cho rằng Ukraine (Nga đã viện trợ kinh tế rất nhiều) vô ơn và câu kết với nước ngoài để đối phó với “người anh em”.

Trong bài phát biểu dài 55 phút trước cuộc chiến Ukraine, Tổng thống Putin nói: "Được rồi, anh (Mỹ) không muốn coi chúng tôi là bạn và đồng minh của anh, nhưng tại sao lại phải coi chúng tôi là kẻ thù?". Khi Tổng thống Putin đề xuất với Tổng thống Mỹ Bill Clinton rằng liệu Nga có thể gia nhập NATO hay không, ông đã bị khinh thường. Sự coi thường ngạo mạn này của Mỹ khiến Putin và Nga cảm thấy bị sỉ nhục và bị đối xử như những công dân hạng hai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh bên trái trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Nga, cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Hai (21/2) rằng vào năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó tỏ ra lạnh lùng với ý tưởng Nga gia nhập NATO. Clinton, bên phải, được chụp trong một bức ảnh hồ sơ tháng 5 từ lễ kỷ niệm 75 năm thành lập CARE. (Alexey Nikolsky / Sputnik / AFP qua Getty Images; Theo Wargo / Getty Images for CARE)

Việc NATO mở rộng về phía đông, bao vây Nga và coi Nga như kẻ thù về cơ bản là chính sách của các chính trị gia phe thiên tả ở Hoa Kỳ (Clinton, Obama, Carey, Biden....). Trong khi dưới thời các tổng thống thuộc cánh hữu, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump, Ukraine hòa hoãn và mối quan hệ giữa Ukraine-Nga về cơ bản là ổn định.

Được các chính trị gia cánh tả ở Mỹ xúi giục, Ukraine muốn gia nhập NATO càng sớm càng tốt, và không ngần ngại đối đầu với Nga. Tất nhiên, các nước Đông Âu trước đây, trong đó có Ukraine, đều muốn gia nhập NATO với hy vọng có được sự bảo vệ an ninh của Mỹ, bởi nỗi ám ảnh kéo dài từ thời Liên Xô cộng sản.

Nhưng vấn đề của Ukraine thì khác. Quốc gia này có những vấn đề hết sức đặc thù như người gốc Ukraine chủ yếu chiếm đa số ở phía tây, và những người nói tiếng Nga và thân Nga phần lớn ở phía đông đất nước. Phía tây chủ yếu theo Công giáo, và phía đông chủ yếu là theo Cơ đốc giáo Chính thống (Quốc giáo của Nga).

Ukraine có thể được coi là "một quốc gia, hai hệ thống" đặc biệt: Một quốc gia bị chia thành hai phần vì ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo, văn hóa và lịch sử. Bất kỳ người đứng đầu chính phủ có trách nhiệm nào lên nắm quyền tại Ukraine, cũng nên cẩn thận suy tính để duy trì sự cân bằng giữa hai nhóm sắc tộc này, đặc biệt là cân bằng mối quan hệ giữa Nga và châu Âu.

Nhưng tổng thống hiện tại là một diễn viên hài nóng nảy (bị ảnh hưởng bởi sự xúi giục của phe thiên tả), và vì áp lực nội bộ từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các lực lượng tân Quốc xã, ..., ông đã hoàn toàn không chỉ quay sang phe Châu Âu, mà còn chống lại Nga, đồng thời đưa quân trấn áp những người ly khai, chủ yếu là người Nga ở vùng Donbass, đã khiến 14.000 người thiệt mạng.

Khi Ukraine thân Nga trở lại sau đó, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các nước phương Tây, một sự kiện được gọi là "Cách mạng Quảng trường" đã diễn ra vào năm 2014. Các cuộc biểu tình đường phố được kích hoạt để lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ và vị tổng thống Ukraine thân Nga đã phải trốn sang Nga.

Khi Zelinsky trở thành Tổng thống, ông đã chon ngả sang châu Âu, dẫn đến một cuộc tấn công quân sự của Nga. Vì vậy, các chiến lược gia như Mearsheimer, George Kennan, và ngay cả cựu ngoại trưởng Mỹ nổi tiếng Henry Kissinger… cũng cho rằng Ukraine không nên ngả về phe nào, mà nên giữ thái độ trung lập giữa châu Âu và Nga, và trở thành một quốc gia trung lập như Thụy Sĩ. Đó là sự lựa chọn tốt nhất và cũng là ý muốn mà Tổng thống Putin đã nhiều lần bày tỏ trước cộng đồng quốc tế.

Nhưng tổng thống Zelinsky không chấp nhận quan điểm chiến lược này, và trước sự xúi giục của phe cánh tả phương Tây, ông đã chọn quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" với Nga. Kết quả là chiến tranh xảy ra, nhưng Tổng thống Joe Biden đã công khai tuyên bố: Hoa Kỳ của chúng tôi sẽ không gây chiến với Nga.

Nếu quyết định trước rằng Ukraine sẽ không tham chiến với Nga, thì nước này không nên được khuyến khích trở thành kẻ thù của Nga. Điều này sẽ tương đương với việc đưa Ukraine vào vòng xoáy tham chiến, bật đèn xanh cho một cuộc chiến tranh bùng nổ, và hệ quả cuối cùng là Mỹ và phương Tây đã bỏ rơi chính quyền Kyiv phải đối phó một mình.

Mặc dù Hoa Kỳ cung cấp 15 tỷ đô la viện trợ, nhưng rất nhiều những người trai trẻ và thiếu nữ Ukraine đã phải bỏ mạng trong cuộc chiến này, chứ không phải là Hunter Biden - con trai của Tổng thống Biden.

Sai lầm lịch sử: Trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ đã thay đổi

Giáo sư Mearsheimer cuối cùng đã chỉ ra rằng, từ khi nước Mỹ thành lập vào năm 1776 cho đến năm 2000, thứ tự các ưu tiên chiến lược toàn cầu của Mỹ là:

  1. Châu Âu
  2. Bắc Mỹ
  3. Trung Đông.

Nhưng từ năm 2000, trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ đã được thay đổi thành:

  1. Châu Á
  2. Trung Đông
  3. Bắc Mỹ

Người ta tin rằng sau khi Liên Xô tan rã, châu Âu về cơ bản không còn chiến tranh và tiến tới hòa bình. Với sự gia tăng quân sự và bành trướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mỹ buộc phải kiềm chế Trung Quốc, vì vậy trọng tâm chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ đã chuyển sang châu Á.

Bức ảnh cho thấy Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. (Digital Globe / AFP / Getty Images)
Bức ảnh cho thấy Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. (Digital Globe / AFP / Getty Images)

Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến quan hệ Nga-Mỹ tan vỡ hoàn toàn. Trong tương lai, nước Nga nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ về quân sự, buộc Mỹ cũng phải kiềm chế toàn diện Nga. Hai cường quốc đối đầu nhau, và khiến chiến lược toàn cầu của Mỹ buộc phải xoay trọng tâm chiến lược trở lại châu Âu. Đây là một sai lầm lịch sử vô cùng lớn!

Ai là bạn, ai là thù, ai là bạn bè tiềm năng, và đâu nên là trọng tâm chiến lược toàn cầu? Những câu hỏi cơ bản này vẫn chưa được đặt ra một cách rõ ràng, và chính quyền Biden đang coi nhẹ bỡn cợt về an ninh thế giới và tiến trình tự do của con người!

Liệu chiến lược của Hoa Kỳ có thể được điều chỉnh trong nhiệm kỳ của Biden không? Mối quan hệ Mỹ-Nga có thể được khôi phục không? Đây đều là những ẩn số. Nhiều khả năng một sự thay đổi cơ bản sẽ chỉ xảy ra cho đến cuộc bầu cử năm 2024, khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ntdvn.net

Đông Bắc

(Theo Secretchina)



BÀI CHỌN LỌC

Nếu nước Mỹ coi Nga là kẻ thù, đây là một 'sai lầm thảm hại'