Tổng thống Biden ký đạo luật 'Khoa học và CHIPS' trị giá 280 tỷ USD cạnh tranh với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua đạo luật đầu tư 280 tỷ USD vào ngành bán dẫn và các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao khác nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm sự lệ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài và tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc.

“Đạo luật Khoa học và CHIPS sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ, đảm bảo sự dẫn đầu của Hoa Kỳ trong công nghệ, tạo nền tảng cho mọi thứ từ ô tô, thiết bị gia dụng đến hệ thống phòng thủ”, theo một tờ thông tin của Nhà Trắng về đạo luật.

“Luật cũng sẽ đảm bảo Hoa Kỳ duy trì và nâng cao lợi thế khoa học và công nghệ của mình".

Tổng thống Biden ngày 9/8 tuyên bố trong buổi lễ ký ban hành đạo luật: “Nhiều thập niên tới kể từ bây giờ, người dân sẽ nhìn lại tuần này cùng tất cả những gì chúng ta đã thông qua với tất cả những gì đang thăng tiến, điều đó cho thấy rằng thấy rằng chúng ta đã đón lấy thời cơ tại khúc quanh này trong lịch sử".

Đạo luật Khoa học và CHIPS có tổng giá trị 280 tỷ USD được lưỡng viện Hoa Kỳ vừa thông qua vào cuối tháng trước. Trong đó dành 52 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Chất bán dẫn là đấu trường quan trọng giữa Washington và Bắc Kinh. Những con chip nhỏ bé nhưng lại đóng vai trò là bộ não của các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay đến trung tâm dữ liệu, cho đến các hệ thống vũ khí tinh vi, chẳng hạn như tên lửa chống tăng Javelin mà Mỹ đang cung cấp cho Ukraine.

Washington cho rằng gói chi tiêu khổng lồ sẽ cải thiện việc làm và an ninh quốc gia bằng cách làm cho Hoa Kỳ ít phụ thuộc hơn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, từ đó xây dựng một lực lượng lao động mạnh mẽ hơn.

“Hôm nay, tôi ký ban hành đạo luật Khoa học và CHIPS”, ông Biden nói trong một tweet. “Đó là quy luật có từ lâu đời khi đầu tư vào Mỹ bằng cách tăng cường nỗ lực của chúng ta trong việc sản xuất chất bán dẫn trong nước”.

Nhà Trắng cho biết việc thông qua đạo luật đã thúc đẩy các khoản đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất chip. Qualcomm hôm 8/8 đã đồng ý mua thêm 4,2 tỷ USD chip bán dẫn từ nhà máy GlobalFoundries ở New York, nâng tổng cam kết mua hàng lên 7,4 tỷ USD cho đến năm 2028.

Nhà Trắng cũng cho biết hãng Micron đã thông báo khoản đầu tư 40 tỷ USD vào sản xuất chip, giúp thúc đẩy thị phần của Mỹ từ mức 2% lên 10%. Đây là một khoản đầu tư được lên kế hoạch với "khoản tài trợ dự kiến" từ đạo luật "Khoa học và CHIPS".

Chính quyền ông Biden cũng đã nhiều lần mô tả luật này như một phần hệ trọng trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và bảo đảm Mỹ có thể duy trì lợi thế cạnh tranh trước Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Các quan chức chính quyền đã tổ chức nhiều buổi báo cáo cho các nhà lập pháp để phác thảo các tác động an ninh quốc gia của dự luật này, và ông Biden lưu ý trong bài phát biểu hôm 9/8 rằng chính phủ Trung Quốc đã vận động các doanh nghiệp Mỹ chống lại luật này.

Tuy nhiên, có những chỉ trích coi luật này như một sự tiếp tay của các công ty sẽ làm tăng lạm phát và gây tổn hại cho những người đóng thuế ở Mỹ.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Dân chủ-Vermont) cho biết: “Câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra là: Những người đóng thuế Mỹ có nên cung cấp cho ngành công nghiệp vi mạch một tấm séc trị giá hơn 76 tỷ USD vào đúng thời điểm các công ty bán dẫn đang kiếm được hàng chục tỷ USD lợi nhuận và trả cho các CEO của họ những gói bồi thường cắt cổ?”.

“Ông Bernie Sanders và tôi gần như không bao giờ chung quan điểm, nhưng ông ấy đã nói đúng về cái gọi là đạo luật CHIPS", Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Cộng hòa-Iowa) viết trên Twitter. “Đó chỉ là một khoản phân phát chính phủ khổng lồ cho các công ty lớn [và] đã có lợi nhuận. Tại sao chúng ta lại chi nhiều tiền thuế hơn cho phúc lợi doanh nghiệp không cần thiết?".

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden ký đạo luật 'Khoa học và CHIPS' trị giá 280 tỷ USD cạnh tranh với Trung Quốc