Tổng thống Nga Putin đề cập 3 điều kiện để dừng cuộc chiến ở Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới nêu 3 điều kiện cho giải pháp hòa bình ở Ukraine, trong đó có bảo đảm trạng thái trung lập của Kiev.

Hãng tin RT dẫn thông báo của Điện Kremlin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Pháp hôm 28/2. Thông báo cho biết, ông Putin nói với Tổng thống Emmanuel Macron rằng Nga "sẵn sàng đàm phán với các đại diện của Ukraine".

Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh một giải pháp chỉ có thể đạt được "khi các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga được tính đến một cách vô điều kiện". Trong đó, ông Putin nêu ra 3 điều kiện bao gồm:

  1. Công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea
  2. Hoàn thành mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine
  3. Đảm bảo vị thế trung lập của Ukraine

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron "khẳng định lại yêu cầu của cộng đồng quốc tế về việc ngăn chặn cuộc tấn công của Nga vào Ukraine", đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Tổng thống Macron cũng nêu ra 3 yêu cầu trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin. Ông kêu gọi Nga "ngừng mọi cuộc không kích và tấn công nhằm vào dân thường và khu dân cư", "bảo tồn cơ sở hạ tầng dân sự" và "bảo đảm các tuyến đường chính", bao gồm tuyến đường phía nam tới Kiev.

Theo văn phòng Tổng thống Pháp, ông Putin bày tỏ "sẵn sàng cam kết" đối với 3 vấn đề này. Tổng thống Pháp cũng kêu gọi người đồng cấp Nga "tôn trọng luật nhân đạo quốc tế" cũng như "cung cấp viện trợ".

Hai lãnh đạo Nga - Pháp nhất trí duy trì liên lạc "để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn", sau 4 ngày của "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Nga không nhắm vào các thành phố Ukraine, mà chỉ tấn công các cơ sở hạ tầng quân sự bằng vũ khí chính xác, do đó không có mối đe dọa nào đối với dân thường.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga: Chiến dịch sẽ tiếp tục tới khi đạt mục tiêu

Gần một tuần sau khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ngày 1/3 nói rằng chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được các mục tiêu đề ra.

Trong buổi họp báo được phát trên truyền hình ngày 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi đạt được các mục tiêu đề ra.

Ông Shoigu nhấn mạnh mục tiêu của Moscow là "phi quân sự hóa" tại Ukraine, cũng như bảo vệ Nga khỏi "mối đe dọa quân sự từ phương Tây".

Đại hội đồng LHQ họp bất thường về chiến sự tại Ukraine

Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya tuyên bố Moscow không có kế hoạch "chiếm đóng" Ukraine, đồng thời khẳng định các lực lượng Nga không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.

"Việc chiếm đóng Ukraine không nằm trong kế hoạch của chúng tôi. Mục đích của chiến dịch đặc biệt này là bảo vệ những người dân ở Donbass. Vì vậy, cần phải phi quân sự hóa Ukraine", ông Nebenzya phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua.

Nga cho rằng mình đang "tự vệ" theo điều 51 của Hiến chương LHQ. Tuy nhiên, phương Tây và Liên Hợp Quốc bác bỏ lập luận này và cáo buộc Matxcơva vi phạm điều 2 của Hiến chương, theo hãng tin AFP.

Phiên họp khẩn cấp được tiến hành do Nga sử dụng quyền phủ quyết vào ngày 25/2 để ngăn chặn nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc lên án Nga và kêu gọi nước này rút quân ngay lập tức khỏi Ukraine.

Nga đã kiểm soát được thành phố nào của Ukraine?

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 6. Lực lượng Nga tuyên bố đã kiểm soát được Berdyansk, thành phố duyên hải ở đông nam Ukraine và đang phong tỏa Kherson ở miền nam nước này.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã kiểm soát thành phố Enerhodar ở tây bắc tỉnh Zaporizhzhya, đông nam Ukraine, cũng như khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Tuy nhiên, Ukraine phủ nhận Nga đã kiểm soát khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya.

Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng của Mỹ cho biết quân đội Nga hiện chưa chiếm được thành phố nào của Ukraine, theo hãng tin Reuters.

Ngoài ra, phía Mỹ cũng cho rằng sự thiếu hụt nhiên liệu và hậu cần có thể đang gây khó khăn cho quân đội Nga. "Họ đơn giản là không có nhiều kinh nghiệm trong việc di chuyển trên một quốc gia khác ở mức độ phức tạp và quy mô như thế này", vị này nhận xét.

Trong lúc giao tranh căng thẳng, phái đoàn Nga và Ukraine hôm 28/2 bắt đầu đàm phán tại Belarus. Hai bên kết thúc cuộc đàm phán đầu tiên trong khoảng 5 giờ để trở về thủ đô tham vấn lãnh đạo và đều tỏ ý sẵn sàng duy trì đối thoại.



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Nga Putin đề cập 3 điều kiện để dừng cuộc chiến ở Ukraine