Sự vô nhân đạo của ĐCSTQ tạo ra 'Thế hệ cuối cùng' của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuyệt vọng là sự mất mát toàn bộ hy vọng. Không còn ý nghĩa cuộc sống và không còn lý do gì để tiếp tục tồn tại nữa. Đó chính xác là cảm xúc mà thế hệ trẻ Trung Quốc đang nếm trải dưới sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc.

Hoặc, như cách mà những người trẻ Trung Quốc tự gọi mình, "Thế hệ cuối cùng".

Một 'Thế hệ cuối cùng' tuyệt vọng

Khẩu hiệu “Thế hệ cuối cùng” bắt đầu lan rộng từ một video truyền trên Weibo (tên đầy đủ Sina Weibo) là một trang mạng xã hội lớn nhất hiện nay ở Trung Quốc, giống như Twitter ở Hoa Kỳ. Đoạn phim ngắn chiếu cảnh một nhóm người dân Thượng Hải đang bị công an đe dọa: 'Nếu không tuân hành lệnh cấm ra đường, cả gia đình mấy người sẽ “lãnh hậu quả", tới ba thế hệ chưa hết!'. Một người dân trả lời: “Xin lỗi, chúng tôi đây là thế hệ cuối cùng!”.

Trên mạng “China Digital Times – Trung Quốc Số Tự Hiện Đại” một bức hình được truyền tải hàng triệu lần, là hình sau lưng một cô gái mặc áo chữ T, có hàng chữ Hán và chữ Anh viết tay: “Chúng tôi là thế hệ cuối cùng". (Ngã đẳng thị tối hậu nhất đại – Last Generation).

Phản ứng của “thế hệ cuối cùng” đó đã gây được tiếng vang đối với thế hệ trẻ Trung Quốc, những người không có nhiều hy vọng trong cuộc sống. Nó nhanh chóng trở thành một trào lưu trên mạng xã hội lan toả khắp Trung Quốc đại lục. Nó cho phép những người trẻ tuổi dễ dàng bày tỏ sự tuyệt vọng của bản thân về một cuộc sống hà khắc dưới sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc, đã phong toả Thượng Hải và các thành phố lớn khác, cô lập hàng chục triệu thanh niên nước này.

Cuối cùng, là phản ứng tuyệt vọng và vỡ mộng với cuộc sống của một Trung Quốc hiện đại. Ai hiểu được nội tình cũng đều đồng cảm với cảnh ngộ của họ, những con người khốn khổ.

Văn hoá '996' huỷ hoại một thế hệ

Thông thường, thế hệ trẻ Trung Quốc ở độ tuổi 20 và 30 ngày nay hầu hết là con một. Đây là kết quả của chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của ĐCS Trung Quốc. Họ có thể đã kết hôn, chăm sóc cha mẹ. Cũng có nhiều thanh niên chọn không kết hôn và sống một mình. Thông thường, họ không có con và có thể sở hữu một căn hộ đã giảm giá trị do nhà nước thao túng thị trường. Nhiều người còn không đủ khả năng mua một căn hộ, phải chi tiêu và tiết kiệm để kiếm sống.

Công việc của họ, nếu có, sẽ rất dài và tẻ nhạt. Những người lao động này là nô lệ của các ngành sản phẩm công nghệ cao, khiến họ không có nhiều thời gian cho chính cuộc sống của mình. Lối sống của giới trẻ Trung Quốc này được coi là “văn hóa 996”. Nghĩa là giới trẻ trí thức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.

Mặc dù các phàn nàn về cuộc sống kiểu "996" rất phổ biến trên mạng xã hội và đã khuấy đảo các cuộc thảo luận ở Trung Quốc đại lục, nhưng nó lại được giới tinh hoa ủng hộ trong nhiều thập kỷ. Bất chấp những thay đổi gần đây về mặt luật pháp nhằm giảm bớt sự bóc lột lao động công nghệ cao hiện đại này, 'văn hoá 996' vẫn giữ nguyên giá trị.

Tất nhiên, sự bóc lột lao động và “văn hóa 996” này nhằm phục vụ lợi ích của nhà nước, đã khiến cho thế hệ trẻ Trung Quốc đại lục ngày càng suy kiệt.

Khủng hoảng sức khỏe tâm thần quốc gia

Trong thời kỳ đại dịch, nhà nước có sức mạnh toàn năng. Việc kiểm tra thường xuyên, giám sát, xâm phạm của cảnh sát, liên tục phát thanh hướng dẫn qua loa phóng thanh và thiếu sự giao tiếp giữa người với người đã ảnh hưởng đến tâm lý của một thế hệ.

Thế hệ ngày nay đã chứng kiến ​​đất nước họ đi từ vị thế dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp và kiểm soát đại dịch, sang một chính phủ độc tài có toàn quyền kiểm soát người dân của họ.

Ảnh của Epoch Times
Những người dân chờ xét nghiệm axit nucleic COVID-19 ở Thiên Tân, Trung Quốc, hôm 20/1/2022. (Ảnh:VGC/Getty Images)

Hệ quả là bùng nổ một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần quốc gia mà chính phủ không đủ sức để xử lý và rất khó nhận ra. Biểu hiện đặc trưng chính là sự vỡ mộng và thờ ơ hàng loạt.

Nhuận Thuyết - 'chạy đi chờ chi'

Đáp lại, một xu hướng mới đã xuất hiện trong giới trẻ được gọi là “runxue” hay còn gọi là "Nhuận Thuyết". Thông điệp của nó đơn giản - nó nói với những người trẻ tuổi hãy chạy khỏi Trung Quốc để có một cuộc sống tốt hơn và an toàn hơn.

Hai chữ “Nhuận Thuyết” không có trong từ điển triết học. Nhuận Thuyết phiên âm là “run xue". Đó là một từ giới trẻ ở Trung Quốc đặt ra và phổ biến. Họ cố tình chơi chữ, để tránh bị kiểm duyệt. Nhuận (潤) tiếng phổ thông đọc là “run", hiểu theo tiếng Anh nghĩa là “chạy”. “Lý Thuyết Run” bàn chuyện bỏ chạy: Chạy ra khỏi Trung Quốc!

Giới trẻ trí thức thảo luận “Nhuận Thuyết” (run philosophy) khi nhiều người hỏi làm cách nào di cư đi nước khác. Trong tháng 4/2022, chữ “di cư” được tìm kiếm trên mạng tăng hơn bốn lần (440 %) so với trước, theo tờ New York Times đưa tin hôm 20/5/2022. Số người tìm hỏi các văn phòng tư vấn về thủ tục di cư ra ngoại quốc tăng gấp đôi. Trên mạng vấn đáp Zhihu (Tri Hồ) có 7.5 triệu tìm đọc các câu trả lời về “Nhuận Thuyết".

Hiện tượng “tìm đường chạy” này có thể vì các lệnh cấm, đóng cửa, kiểm soát không cho ai qua lại, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan tràn. Người dân Thượng Hải đã biểu tình phản đối, vì họ biết rằng virus Omicron không nguy hiểm như các biến chủng trước đó. Giới thanh niên bất mãn nhất, nhưng biết mình bất lực không thể cưỡng lại chủ trương cực đoan của ông Tập Cận Bình. Họ chỉ còn cách bày tỏ thái độ với ĐCS Trung Quốc bằng cách “chơi chữ".

Số người có khả năng bỏ chạy không nhiều, vì chỉ có 10% dân Trung Quốc có hộ chiếu (năm 2019). Nửa đầu năm 2021, số hộ chiếu cấp ra chỉ bằng 2% con số năm 2019, New York Times tường thuật theo tài liệu chính thức. Năm ngoái, họ ngưng không gia hạn các giấy hộ chiếu, trừ trường hợp khẩn cấp, vì thương mại hay vì du học. Giữa tháng Năm vừa rồi, Sở Di Trú lấy cớ phòng ngừa bệnh COVID-19 đã thông báo cấm không cho người dân xuất ngoại “nếu không có lý do tối cần thiết". Thành phố Lỗi Dương (Leiyang, 耒阳), tỉnh Hồ Nam đã ra lệnh các người dân có hộ chiếu phải đem nộp, để họ không thể ra khỏi nước – ít nhất trong một thời gian gần đây.

Giới trẻ có cách qua mặt lưỡi kéo kiểm duyệt. Họ truyền cho nhau một đoạn phim tiểu thuyết hóa cuộc đời một nhân vật lịch sử, Đàm Tự Đồng (谭嗣同), bị tử hình năm 1988 khi mới 33 tuổi, là một trong số “lục quân tử” vận động cuộc “cải cách 100 ngày” dưới chế độ nhà Thanh. Trong phim, bà vợ ông Đàm Tự Đồng hỏi chồng: “Phục Sinh (biệt hiệu của ông), chúng ta chưa có con trai nối dõi!”. Ông trả lời: “Ở Trung Quốc bây giờ, mình đẻ thêm một đứa con, hay là đẻ thêm một đứa làm nô lệ?”.

Đẻ thêm một tên nô lệ cho guồng máy nhà nước, đó là nỗi cay đắng của thanh niên có học ở Trung Quốc tự coi họ thuộc “thế hệ cuối cùng". Vì vậy phong trào Nhuận Thuyết, run philosophy, còn lan rộng. Trong khi nước Trung Hoa đã phải chịu một nạn “chảy máu chất xám” (Brain Drain) nghiêm trọng.

Chảy máu chất xám

Từ lâu, các du học sinh Trung Quốc tốt nghiệp rồi thường không muốn về nước. Từ năm 1978, có 1,060,000 sinh viên Trung Quốc du học, chỉ có 275,000 người trở về. Họ không quay về có thể vì mức sống trong nước thấp quá, hoặc vì khó kiếm được việc làm, nhất là vì đời sống thiếu tự do. Một lý do quan trọng khác là lo lắng con cái họ sẽ không được giáo dục đúng mức và khó kiếm được việc làm tử tế như sống ở nước ngoài.

Khi các nhân tài không trở về nước, họ đi đâu? Phần lớn qua Mỹ. Tạp chí trên mạng Berkeley Political Review, dựa trên tài liệu của “MarcoPolo AI Talent Tracker", Đại học Chicago, cho biết, 88% các sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp Ph.D. về AI (trí tuệ nhân tạo) cuối cùng làm việc ở Mỹ; Trung Quốc chỉ dùng được 10%. Trong số những nhà nghiên cứu giỏi nhất trên thế giới về trí tuệ nhân tạo có 29% xuất thân từ một đại học ở Trung Quốc; nhưng 60% đang làm việc trong một đại học Mỹ hay một công ty ở Mỹ.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình chắc chắn biết hiện tượng này, đã tìm cách ngăn chặn làn sóng chảy máu chất xám. Ông đã công bố chương trình “Ngàn Nhân Tài” khuyến khích các du học sinh trở về, mỗi người sẽ được thưởng một triệu nhân dân tệ, ngoài lương bổng. Ông hy vọng trong 5 đến 10 năm sẽ lôi kéo hàng ngàn sinh viên trở về sau khi tốt nghiệp.

Một thế hệ trẻ không muốn có con

Ngay cả với các ưu đãi về thuế và thu nhập của chính phủ nhằm thuyết phục người trẻ sinh tối đa ba con, thì ý tưởng sinh một đứa trẻ vào một quốc gia lạc hậu như Trung Quốc hiện đại không hề hấp dẫn đối với thế hệ này.

Điều này cũng dễ hiểu như tình cảnh của “thế hệ cuối cùng”. Rốt cuộc, những người trẻ cần có cơ hội để thử thách những điều mới mẻ, dang rộng đôi cánh của mình. Thử thách rồi lại thất bại, và sau đó lại thử thách mà không phải gánh chịu bất kỳ áp lực ngột ngạt không ngừng nào của ĐCS Trung Quốc, cũng như sự hiện diện của nó trong tâm trí họ.

Từ góc độ hành vi, thế hệ trẻ này không giống bất kỳ thế hệ nào trước đây ở Trung Quốc. Chẳng hạn, trong thời kỳ chính sách một con, nhiều người dân muốn có nhiều hơn một con, nhưng nhà nước buộc họ phải phá thai để thực thi chính sách hà khắc này.

Ngày nay, nhiều thanh niên Trung Quốc từ chối sinh con. Một cuộc thăm dò cho thấy 2/3 chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 31 chọn không sinh con.

Một thanh niên ở Thượng Hải, Dylann Wang phát biểu trên trang Insider, “Trong đám bạn bè tôi, không một người nào muốn có con. Chính tôi, tôi không muốn đem một đứa trẻ vào một thế giới như thế này, để nó lớn lên cô đơn, vô hy vọng". Báo New York Times kể rằng trong một cuộc nghiên cứu với 20,000 người, có 2/3 nói họ không muốn có con, đa số là phụ nữ. Những thông điệp trong “hashtag” với tựa đề “Chúng ta là thế hệ cuối cùng” (#thelastgeneration) đã bị kiểm duyệt, cấm tuyệt đối trên mạng Weibo nhưng mọi người vẫn tiếp tục trao đổi với nhau bằng cách khác.

Một người khác viết: "Là những người bình thường không được hưởng phẩm giá cá nhân, cơ quan sinh sản sẽ là phương sách cuối cùng của chúng ta".

Dân số già và tỷ lệ sinh thấp không phải là điềm báo tốt cho tương lai của Trung Quốc, nói chính xác hơn là ĐCS Trung Quốc. Tất nhiên, đó là một chủ đề riêng biệt, nhưng đủ để nói rằng các chính sách của ĐCS Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã tạo ra một vùng đất hoang tàn về tính thế hệ và xã hội. Giờ đây, ĐCS Trung Quốc mới bắt đầu cảm nhận được hậu quả.

Tất nhiên, ĐCS Trung Quốc đã giải quyết các vấn đề trên của những người trẻ, giống như cách nó tiếp cận tất cả các vấn đề khác: bóp nghẹt các cuộc thảo luận công khai.

Đương nhiên, “thế hệ cuối cùng” hiện bị kiểm duyệt trên các kênh truyền thông xã hội của Trung Quốc. Rõ ràng, ĐCS Trung Quốc muốn nó không được phép xuất hiện ở bất kỳ nền tảng truyền thông nào hết, nên toàn bộ sự việc đã biến mất. Đảng giờ đây có thể tự tin và chính thức tuyên bố rằng không còn sự tuyệt vọng nào trong giới trẻ.

Tất nhiên, ngoài sự tuyệt vọng đến từ thế hệ trẻ, còn có sự tuyệt vọng đến từ các chính sách phong toả rộng rãi và tàn nhẫn của ĐCS Trung Quốc, nhưng cội nguồn của nó còn sâu xa hơn thế nhiều. Sự chán nản, tuyệt vọng này đang lan tràn. Các cuộc đàn áp, phong toả và nền kinh tế sụp đổ chỉ khiến Trung Quốc ngày một suy yếu, khiến nhà nước trở nên đáng sợ và hung hăng hơn bao giờ hết đối với người dân của họ.

Quay trở lại đầu những năm 1990, khi Trung Quốc đang trên đà phát triển nhanh chóng, những hứa hẹn về sự giàu có vật chất đã in trong đầu các nhà lãnh đạo và tâm trí của thế hệ trẻ Trung Quốc. Một câu nói phổ biến vào thời điểm đó là: "Tôi thà khóc trong chiếc BMW còn hơn mỉm cười sau xe đạp".

Ngày nay, phần lớn thế hệ trẻ Trung Quốc đang rơi lệ, và có lẽ bị chính quyền tàn ác của họ huỷ hoại đến mức không thể vãn hồi.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Sự vô nhân đạo của ĐCSTQ tạo ra 'Thế hệ cuối cùng' của Trung Quốc