Thêm bằng chứng về nền văn minh cổ đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà khoa học đa ngành đã phát hiện ra hai khu định cư cổ xưa của thổ dân ngoài khơi Australia, nằm dưới mực nước biển, ở độ sâu 2,4 và 14 mét. Một nơi có niên đại khoảng 7.000 năm, địa điểm còn lại được cho là hơn 8.500 năm tuổi.

Những bí ẩn dưới đại dương

Trong phần lớn lịch sử loài người, mực nước biển thấp hơn nhiều so với ngày nay. Điều đó có nghĩa là nhiều nơi trên hành tinh hiện nằm dưới đáy đại dương từng là nơi sinh sống của nhiều nền văn hóa cổ đại khác nhau. Càng nghiên cứu về đáy biển, chúng ta càng kinh ngạc về sự tồn tại của nhân loại và Trái đất.

Theo các chuyên gia, con người lần đầu tiên đến Australia là vào khoảng 65.000 năm trước, khi mực nước biển thấp hơn hiện nay khoảng 80m. Thời gian trôi qua, mực nước biển tiếp tục dao động khi khí hậu toàn cầu lạnh đi. Vào đỉnh điểm của kỷ băng hà cuối cùng, khoảng 20.000 năm trước, hành tinh đã thay đổi đáng kể. Trong thời gian này, người ta tin rằng các đại dương trên hành tinh chúng ta đã hạ thấp xuống khoảng 130 mét so với ngày nay.

Điều gì khiến các dải đất liền chìm xuống đại dương?

Sau đó, từ 18.000 đến 8.000 năm trước, hành tinh nóng lên. Các dải băng rộng lớn tan chảy và mực nước biển dâng cao. Điều này đã phá hủy nhiều địa điểm từng ở trên mặt nước biển. Tasmania tách khỏi lục địa khoảng 11.000 năm trước, tiếp theo là New Guinea khoảng 3.000 năm sau. Khi mực nước biển dâng cao, nhiều địa điểm trên toàn thế giới đã bị đại dương nuốt chửng.

Trong thời gian này, người ta cho rằng nước đã tràn ngập hơn 2 triệu km2 thềm lục địa xung quanh Australia, và hàng nghìn thế hệ người từng sinh sống ở những vùng đất đó cuối cùng buộc phải di cư. Nhiều dải đất nằm trên mực nước biển nay bị ngập lụt và chôn vùi dưới đáy đại dương.

Trong bốn năm qua, một nhóm gồm các chuyên gia, bao gồm các nhà khảo cổ học, nhà địa chất, phi công và thợ lặn, đã hợp tác với thổ dân Murujuga để tìm và kiểm tra các địa điểm dưới nước ngoài khơi bờ biển Pilbara ở Tây Úc. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí truy cập mở PLOS ONE của Jonathan Benjamin thuộc Đại học Flinder, Adelaide, Úc và các đồng nghiệp.

Phát hiện hai khu định cư cổ đại dưới đáy đại dương

Các nhà khoa học đã phân tích các biểu đồ điều hướng, nghiên cứu bản đồ địa chất và các địa điểm khảo cổ nằm trên đất liền, nhằm giảm thiếu số lượng các khu vực cần thăm dò. Tiếp đó họ đào sâu nghiên cứu đáy biển bằng cách sử dụng máy quét gắn trên máy bay nhỏ và sonar độ phân giải cao gắn trên tàu. Ở giai đoạn cuối của cuộc nghiên cứu, các thợ lặn đã được cử đến để khám phá thực tế các địa điểm và ghi lại kết quả khám phá. Giai đoạn này các thợ lặn lấy mẫu từ đáy biển và chụp ảnh các địa điểm.

Kết quả là, các nhà nghiên cứu tình cờ phát hiện ra hai khu định cư của các cư dân cổ đại ở quần đảo Dampier, nằm dưới mực nước biển. Khu định cư đầu tiên nằm ở Cape Bruguieres có hàng trăm đồ tạo tác bằng đá – bao gồm cả cối và đá mài. Địa điểm này được tìm thấy ở độ sâu chỉ 2,4 mét dưới bề mặt nước biển. Các nghiên cứu khác nhau về các mẫu chỉ ra rằng địa điểm này ít nhất 7.000 năm tuổi.

Khu định cư thứ hai nằm tại Flying Foam Passage. Ở đây, các nhà khoa học tìm thấy những công cụ cắt cổ xưa và một con suối nước ngọt dưới nước. Chúng nằm ở độ sâu 14 mét. Địa điểm này ước tính có tuổi đời ít nhất là 8.500 năm.

Bảo vệ các khu định cư cổ đại dưới nước

Nhóm các nhà khoa học cảnh báo rằng các khu định cư cổ đại dưới nước mới được xác định có nguy cơ bị phá hủy do xói mòn và các hoạt động của con người, bao gồm việc xây dựng đường ống dưới nước của các nhà máy dầu khí, phát triển cảng, nạo vét, như cũng như khai thác hải sản công nghiệp.

Các nhà nghiên cứu nói rằng: “Việc bảo vệ các địa điểm văn hóa dưới nước có niên đại hơn 100 năm được ghi trong Công ước của UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Dưới nước (2001), được luật pháp của hơn 60 quốc gia thông qua, nhưng chưa được Australia phê chuẩn.

Mặc dù luật liên bang bảo vệ các phát hiện khảo cổ ở vùng biển Khối thịnh vượng chung gần đây đã được cập nhật ở Australia với tên là Đạo luật Di sản Văn hóa Dưới nước (2018) nhưng còn xa mới đầy đủ. Đạo luật vẫn chưa thể bảo vệ tất cả các địa điểm khảo cổ và phân loại chúng một cách đầy đủ. Đạo luật nêu trên không tự động bảo vệ tất cả các địa điểm, trao đặc quyền cho di sản phi bản địa - chẳng hạn như xác tàu đắm.

Đây là một vướng mắc lớn nhất liên quan đến việc bảo vệ các địa điểm lịch sử quan trọng ở Australia. Cách đây không lâu, có thông tin tiết lộ rằng một công ty khai thác hải sản đã phá hủy một khu định cư cổ đại của thổ dân ở Australia. Đây là một ví dụ tồi tệ về cách các nhà chức trách ở Australia đang làm để bảo vệ các di tích lịch sử .

Theo Curiosmos

Lê Na biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thêm bằng chứng về nền văn minh cổ đại