Tiêu chuẩn kép của Bắc Kinh đối với các công ty bất động sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vanke là một doanh nghiệp nhà nước, và nếu gã khổng lồ này gặp vấn đề, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Do đó, dường như Bắc Kinh sẽ không để Vanke sụp đổ như các công ty bất động sản khác.

Chỉ hơn một tuần trước, Bộ trưởng nhà ở Trung Quốc đã gửi một thông điệp nghiêm khắc tới các công ty bất động sản đang gặp khó khăn. Cảnh báo rằng họ không nên mong đợi được cứu trợ, vị Bộ trưởng nói rằng các nhà phát triển thất bại “phải phá sản”.

Ngay sau đó, rõ ràng là lập trường cứng rắn của Bắc Kinh không được áp dụng cho tất cả các nhà phát triển nhà ở, với các nguồn tin cho biết rằng Hội đồng Nhà nước đã vào cuộc để giúp đỡ gã khổng lồ bất động sản được nhà nước hậu thuẫn Vanke.

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng sự sụp đổ của Vanke, công ty bị hạ cấp tín nhiệm xuống mức rác vào ngày 11/3, sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn và chính quyền trung ương Trung Quốc phải hành động ngay lập tức để làm chậm cuộc khủng hoảng.

Ngày 9/3, Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Nghê Hồng (Ni Hong) nói với báo chí: “Các công ty bất động sản mất khả năng thanh toán nghiêm trọng, mất khả năng hoạt động phải phá sản và cơ cấu lại theo các nguyên tắc theo luật định và thị trường”.

Ông Nghê nhấn mạnh Trung Quốc sẽ bám sát nguyên tắc “nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ” khi xây dựng mô hình phát triển mới cho lĩnh vực bất động sản, với hy vọng ngăn chặn giới đầu cơ thổi phồng thị trường.

Trong khi đó, Hội đồng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng và chủ nợ giúp đỡ Vanke, vì nhà phát triển này đang có nguy cơ vỡ nợ.

Tình thế nguy cấp của Vanke

Vanke là một trong ba công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, cùng với Evergrande và Country Garden. Nhà phát triển được nhà nước hậu thuẫn, với 33,4% quyền sở hữu của Thâm Quyến Metro, một công ty do cơ quan quản lý tài sản nhà nước của Thâm Quyến kiểm soát.

Vanke bắt đầu giảm đòn bẩy trong vài năm qua và tự nhận mình là công ty bất động sản an toàn nhất về mặt tài chính.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 2, có thông tin cho rằng Vanke đang đàm phán với những bên cho vay để gia hạn nợ. Khi đàm phán gia hạn nợ bị từ chối, thị trường gần như phản ứng ngay lập tức.

Vào ngày 4/3, cổ phiếu của Vanke giảm mạnh, đóng cửa giảm 7,1% tại thị trường chứng khoán Hong Kong, đạt mức thấp kỷ lục và giảm 4,7% tại thị trường chứng khoán Thâm Quyến, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2022.

Theo một nhà phân tích tài chính viết bài cho nền tảng thông tin tài chính Trung Quốc xueqiu.com dưới bút danh “Bamang Swordsman”, dựa trên dòng tiền của Vanke trong 3 quý vừa qua, công ty có lượng tiền mặt sẵn có trong khoảng 30 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 4,17 tỷ USD) tới 85 tỷ CNY (khoảng 11,8 tỷ USD). Nhà phân tích cho biết nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, nó sẽ chỉ có thể tồn tại trong nhiều nhất là hai năm.

Vào ngày 11/3, Moody's đã hủy xếp hạng tín nhiệm “Baa3” của Vanke và chỉ định mức xếp hạng doanh nghiệp “Ba1” cho doanh nghiệp này, đồng thời hạ xếp hạng nợ không có bảo đảm cao cấp của doanh nghiệp từ “Ba1” xuống “Ba2”.

Baa3 là cấp độ khuyến khích đầu tư thấp nhất, trong khi từ Ba1 trở xuống là cấp độ không khuyến khích đầu tư, thường được gọi là cấp độ tín nhiệm rác.

Tiêu chuẩn kép của Bắc Kinh khi đối xử với các công ty BĐS
Logo bị hư hỏng của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Vanke tại một khu phức hợp nhà ở ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 30/8/2023. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Tiêu chuẩn kép của Trung Quốc

Vào ngày 11/3, Bloomberg đưa tin, trích dẫn những người trong cuộc giấu tên, rằng Vanke đang phải đối mặt với sự phản đối từ hai ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc về khoản vay nước ngoài mới trị giá 4,5 tỷ HKD (đô la Hong Kong) (khoảng 575 triệu USD), ngăn chặn khả năng tiếp cận nguồn tài chính của Vanke.

Hoàn cảnh khó khăn của nhà phát triển đã thu hút sự chú ý của chính quyền đến mức Hội đồng Nhà nước phải can thiệp, theo bài báo ngày 11/3 của Reuters. Bài báo cho biết nội các Trung Quốc đang điều phối nỗ lực hỗ trợ cho Vanke, yêu cầu các ngân hàng tăng cường hỗ trợ tài chính cho nhà phát triển và kêu gọi các chủ nợ kéo dài thời gian đáo hạn các khoản nợ của công ty.

Mike Sun, nhà tư vấn đầu tư Bắc Mỹ và chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng có một lý do đằng sau tiêu chuẩn kép của Bộ trưởng Nhà ở. Đối với doanh nghiệp nhà nước, hậu quả của việc phá sản là quá lớn, ông nói.

“Mặc dù Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn tuyên bố rằng các công ty bất động sản mất khả năng thanh toán nên phá sản và đóng cửa, nhưng mục tiêu chính của tuyên bố này là các doanh nghiệp tư nhân. Đối với một đại gia bất động sản và doanh nghiệp nhà nước như Vanke, nó cần phải được giải cứu. Nếu Vanke sụp đổ, cuộc khủng hoảng kéo theo sẽ còn lớn hơn cả Evergrande”, ông Sun nói.

Ông lưu ý, ổn định thị trường bất động sản là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan chức năng nhưng việc giải quyết lượng nhà ở dư thừa sẽ là một quá trình lâu dài.

“Thực tế mà Trung Quốc phải đối mặt là sự suy thoái kéo dài trên thị trường bất động sản, điều này có tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế. Cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ tiếp tục lan rộng và leo thang”, ông dự đoán.

Tiêu chuẩn kép của Bắc Kinh khi đối xử với các công ty BĐS
Hình ảnh nhìn từ trên cao cho thấy cộng đồng Trường Thanh Evergrande ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 26/9/2021. (Ảnh: Getty Images)

Vanke chờ đợi sự giải cứu từ chính quyền

Từ khoảng ngày 8 đến ngày 10/3, một số giám đốc bảo hiểm đã đến thăm trụ sở chính của Vanke ở Thâm Quyến, Trung Quốc để đàm phán các vấn đề như kéo dài thời gian trả nợ thêm ít nhất một năm và tăng cường cải thiện các vấn đề tín dụng và tài sản thế chấp. Tuy nhiên, theo China’s Economic Observer, các cuộc đàm phán được cho là không mang lại kết quả nào.

Một số công ty bảo hiểm tham gia đàm phán cho rằng vấn đề mấu chốt hiện nay là liệu Vanke có được xếp vào loại doanh nghiệp nhà nước hay không. Điều này sẽ quyết định liệu các cơ quan hành chính ở Trung Quốc có thể hỗ trợ nhiều hơn cho Vanke hay không.

Ở Trung Quốc, sự khác biệt giữa các công ty nhà nước hoặc được nhà nước hậu thuẫn và các công ty tư nhân thường có thể khá mơ hồ vì nhiều tập đoàn lớn trên danh nghĩa thuộc sở hữu tư nhân nhưng thực tế được hậu thuẫn bởi giới tinh hoa trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Được thành lập vào tháng 5/1984, Vanke là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất tại Trung Quốc và trên toàn thế giới. Sau khi căng thẳng về nợ lên cao vào tháng 10/2023, cổ đông lớn của Vanke, Thâm Quyến Metro, đã vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với chi nhánh Thâm Quyến của Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC), giúp Vanke tránh được một cuộc khủng hoảng.

Đầu tháng này, đã có nhiều đồn đoán rằng các cuộc đàm phán gia hạn nợ của Vanke đã bị từ chối. Ông Yu Liang, chủ tịch của Vanke, được cho là đã dẫn đầu một nhóm giám đốc cấp cao đến Bắc Kinh để đàm phán về việc gia hạn nợ phi tiêu chuẩn với các chủ nợ nhưng đã bị từ chối.

Nhà phân tích tài chính Trung Quốc Leng Shan cho biết trên chương trình YouTube của mình, “Việc gia hạn nợ của Vanke bị từ chối có nghĩa là chỉ còn cách một bước nữa sẽ xảy ra vỡ nợ. Các nhà đầu tư không tin tưởng vào Vanke, thường dẫn đến việc bán khống cổ phiếu Vanke”.

Ông Leng cho rằng cuộc khủng hoảng của Vanke chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành tài chính của Trung Quốc. Sau khi Vanke gặp phải cuộc khủng hoảng nợ này, SASAC Thâm Quyến đã không thực hiện lời hứa giải cứu Vanke. Các ngân hàng như China Everbright và Ping An Bank bắt đầu thu hồi khoản cho vay từ Vanke, điều này chắc chắn sẽ gây bất lợi cho nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn này.

Ông còn tin rằng nếu Vanke sụp đổ, tác động lên niềm tin thị trường có thể vượt xa Evergrande và Country Garden. Ông Leng cho biết: “Nếu ngay cả những công ty bất động sản với vốn nhà nước cũng không thể cứu được, thì tất cả các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đều có nguy cơ rất lớn bị xóa sổ”.

Ông Leng cũng cho biết có tin chính quyền ĐCSTQ đã yêu cầu các ngân hàng tăng cường hỗ trợ tài chính cho Vanke và yêu cầu các chủ nợ tư nhân thảo luận về việc gia hạn.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Li Ming (hóa danh) làm việc tại Thâm Quyến đã nói chuyện với The Epoch Times vào ngày 11/3, nói rằng các tổ chức tài chính ở Trung Quốc đang gặp khó khăn để tồn tại và không sẵn lòng giúp đỡ Vanke.

Ông Li nói: “Từ góc độ của chính phủ, việc cứu một công ty hay không không quan trọng”. “Điều quan trọng là các dự án đang triển khai không thể bị bỏ dở, nếu không sẽ dẫn đến bất ổn xã hội”.

Ông chỉ ra rằng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc đã nói rõ rằng việc phá sản và tái cơ cấu là có thể chấp nhận được miễn là có thể tránh được sự bất mãn lan rộng và bất ổn xã hội.

Tiêu chuẩn kép của Bắc Kinh khi đối xử với các công ty BĐS
Một người phụ nữ đi ngang qua khu phức hợp Evergrande Palace của Tập đoàn Evergrande ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/1/2024. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh thờ ơ với khủng hoảng bất động sản

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, giá bất động sản của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, chật vật tìm đáy bất chấp rất nhiều biện pháp giải cứu, chủ yếu là do thái độ tiêu cực của chính quyền Trung Quốc đối với lĩnh vực này và sự thiếu vắng các thay đổi chính sách.

Hơn nữa, ưu tiên được tuyên bố rõ ràng của Trung Quốc là đảm bảo rằng nhà ở không phải để đầu cơ, ngụ ý rằng các nhà phát triển mất khả năng thanh toán có thể phải tuyên bố phá sản, làm suy yếu thêm các yếu tố kinh tế cơ bản của ngành này.

“Chúng tôi nhận thấy không có thay đổi lớn nào trong quan điểm chính sách của chính phủ trung ương đối với lĩnh vực bất động sản [trong cuộc họp Lưỡng hội]; Ý tưởng ‘nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ’ đã được nhắc lại một lần nữa”, theo một ghi chú khách hàng do Nomura Global Market Research công bố và được The Epoch Times truy cập.

Cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ cuộc họp “Lưỡng hội” thường niên để đánh giá kế hoạch hành động của Trung Quốc trong năm tới. Sự thịnh vượng hay thất bại của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Hơn nữa, Trung Quốc “đã nói rõ rằng các nhà phát triển mất khả năng hoạt động và mất khả năng thanh toán sẽ phải trải qua quá trình phá sản hoặc tái cơ cấu, vì ưu tiên của chính quyền là đảm bảo việc bàn giao các dự án bất động sản chứ không phải bảo vệ hoạt động kinh doanh của các nhà phát triển bất động sản”, ghi chú cho biết thêm.

Các nhà phân tích tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc có thái độ thờ ơ với sự suy thoái kéo dài hai năm rưỡi của lĩnh vực bất động sản.

“Chúng tôi nhìn nhận thái độ về lĩnh vực bất động sản tại Lưỡng hội là tiêu cực. Đối với chúng tôi, có vẻ như chính quyền trung ương vẫn chưa quá quan tâm đến vòng xoáy đi xuống của lĩnh vực bất động sản. Do đó, chúng tôi dự đoán các yếu tố kinh tế cơ bản của ngành sẽ vẫn chịu áp lực trong bối cảnh hỗ trợ chính sách tiềm năng còn hạn chế”, lưu ý của Nomura cho biết.

Theo Nomura, mặc dù thông điệp chính từ Lưỡng hội vẫn chỉ ra cam kết của chính quyền đối với chính sách lâu dài rằng nhà ở không phải để đầu cơ, nhưng việc thiếu các biện pháp kích thích đầy tham vọng hơn cho lĩnh vực này trong cuộc họp đã làm suy yếu thêm tâm lý của thị trường.

Ngoài điều đó ra, do doanh số bán nhà sơ cấp đang chậm lại, dòng tiền của các nhà phát triển bất động sản sẽ tiếp tục đối mặt với căng thẳng đáng kể, cho thấy các yếu tố kinh tế cơ bản của ngành sẽ vẫn chịu nhiều áp lực.

Nomura cho biết, sự vực dậy của lĩnh vực bất động sản cuối cùng phụ thuộc vào việc liệu doanh số bán nhà có thể trở nên ổn định hay không.

Hãng nghiên cứu toàn cầu kết luận: “Với sự hỗ trợ chính sách hạn chế từ chính quyền trung ương - xét theo thái độ thể hiện tại Lưỡng hội, chúng tôi tin rằng việc đạt được sự ổn định đối với doanh số bán bất động sản có thể mất một khoảng thời gian dài”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Tiêu chuẩn kép của Bắc Kinh đối với các công ty bất động sản