Trung Quốc bắt giữ dân oan đi khiếu nại trước thềm Đại hội Thể thao châu Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước thềm Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) được tổ chức tại thành phố Hàng Châu vào ngày 23/9, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thắt chặt hơn nữa công tác kiểm soát xã hội, tăng cường bắt giữ những người khiếu nại trên khắp đất nước.

Những người khiếu nại, thỉnh nguyện này là những công dân cảm thấy bị chính quyền địa phương đối xử bất công và do vậy, họ muốn khiếu nại lên chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Những ngày gần đây, dân oan Trung Quốc đã phản ánh trên mạng xã hội rằng nhiều thành phố đã lập chốt kiểm soát tại các ngã tư đường cao tốc với danh nghĩa kiểm tra an ninh, mục đích là ngăn chặn quyền đi lại của người dân muốn khiếu nại. Nhiều người dân muốn đi khiếu nại được cho là đã bị theo dõi, bị lôi ra khỏi xe buýt rồi bị đánh đập, và bị bỏ tù. Kể từ ngày 22/8, Văn phòng Khiếu nại Thành phố Thượng Hải đã bắt đầu bắt giữ những người khiếu nại và giam họ trong hệ thống nhà tù ngầm.

Một số người thỉnh nguyện nói với The Epoch Times rằng vào đêm 20/8, lượng lớn người thỉnh nguyện từ khắp đất nước đã xếp hàng bên ngoài văn phòng thỉnh nguyện quốc gia ở Bắc Kinh để chờ văn phòng mở cửa vào ngày 21/8. Họ sau đó đã bị chính quyền địa phương đưa về quê nhà. 21 người trong số họ đến từ Thượng Hải. Trong số 21 người này, các công dân Chen Huiying, Chen Meihua, Chen Guoying và một số người khác đã bị giam trong nhà tù ngầm. Không ai rõ tình hình của những người còn lại.

Trung Quốc bắt giữ dân oan muốn đi khiếu nại trước thềm Đại hội Thể thao châu Á
Người dân muốn khiếu nại đến từ khắp nơi ở Trung Quốc đang chờ đợi bên ngoài văn phòng thỉnh nguyện quốc gia trong đêm 20/8 để có thể nộp đơn khiếu nại chính quyền địa phương vào sáng hôm sau. (Ảnh: Người được phỏng vấn cung cấp)

Người thỉnh nguyện Chen Guoying, đến từ Thượng Hải, nói với The Epoch Times vào ngày 23/8: “Hàng Châu đang chuẩn bị cho Đại hội Thể thao châu Á. Tất cả chúng tôi - những người đi đến Bắc Kinh - đều bị chặn lại và đưa trở lại Thượng Hải. Hôm qua, tôi bắt chuyến tàu cao tốc số 1461 để về, và tôi đã trực tiếp bị bắt đi và bị nhốt trong khách sạn".

Công dân Trung Quốc Chen Meihua, một người khiếu nại đến từ khu Dongbakuai của Thượng Hải, đã bị cơ sở tuyến dưới của Văn phòng quận Tĩnh An bắt đi khi cô về đến đường Fucun ở Thượng Hải vào ngày 23/8; cô bị đưa đến Tô Châu, một thành phố nhỏ hơn gần đó. Cô viết trong tin nhắn cuối cùng gửi đến những người thỉnh nguyện khác rằng: “Tôi chỉ nhìn thấy chữ Tô Châu dọc đường và không biết địa chỉ chính xác [nơi cô đang bị giam giữ]".

Người thỉnh nguyện Chen Huiying sau khi trở về Thượng Hải vào ngày 22/8 đã bị cảnh sát đưa đến đồn cảnh sát Bansongyuan và bị giam gần 24 giờ. Sau đó cô bị đưa đến một nhà tù ngầm trên đảo Hengsha ở quận Chongming và đang bị giam giữ tại đó.

Trung Quốc bắt giữ dân oan muốn đi khiếu nại trước thềm Đại hội Thể thao châu Á
Hơn 100 người kiến nghị đã nộp đơn xin được cấp giấy phép biểu tình, tại trụ sở cảnh sát ở Bắc Kinh vào ngày 21/9/2020. (Ảnh: Người được phỏng vấn cung cấp)

Theo thông tin từ những dân oan khác ở Thượng Hải, người ta nghe thấy cô Chen Huiying hét lên tại đồn cảnh sát vào lúc 5 giờ sáng ngày 23/8 rằng: “Pháp quyền từ trên xuống dưới ở Trung Quốc đang ở đâu? Tôi đã đến Bắc Kinh để bảo vệ quyền lợi của mình theo luật pháp, nhưng lại bị giam giữ tại đồn cảnh sát đường Bansongyuan. Chính quyền địa phương tiếp tục đàn áp và trả thù những người dám kiến nghị đến Bắc Kinh!”.

Người khiếu nại Yu Zhonghuan, đến từ Thượng Hải, nói với The Epoch Times rằng chính quyền các cấp ra sức ngăn chặn người dân khiếu nại là vì họ lo ngại rằng những công dân này sẽ đến Hàng Châu để bày tỏ nỗi bất bình và do đó, gây ảnh hưởng đến Đại hội Thể thao châu Á.

Người này nói: “Các quan chức chính quyền đang tìm cách thiết lập các nhà tù ngầm để giam giữ những người khiếu nại. Họ có thể kiếm tiền từ đó. Chi phí cho địa điểm và an ninh của các nhà tù ngầm này hiện cao gấp 3 đến 4 lần so với bình thường".

Cô Liu, một người thỉnh nguyện đến từ Thượng Hải, nói với The Epoch Times: “Việc ngăn chặn người khiếu kiện thường bắt đầu trên toàn quốc vào đầu tháng 9... Tuy nhiên, quận Yangpu (Thượng Hải) đã quản thúc tại gia những người muốn đi khiếu kiện trong các nông trường ở ngoại ô kể từ đầu tháng 7, với mục đích hạn chế quyền tự do cá nhân của họ. Những người khiếu nại sẽ không được thả cho đến giữa tháng 11 khi công tác duy trì ổn định kết thúc".

Cơ quan thỉnh nguyện quốc gia thông đồng với chính quyền địa phương

Cứ mỗi khi Trung Quốc đăng cai các sự kiện quan trọng, dân oan nước này lại bị chính quyền đàn áp khốc liệt hơn.

Cô Miao Luozhen, một người thỉnh nguyện đến từ Thường Châu (Giang Tô), đã bị chính quyền địa phương tại văn phòng thỉnh nguyện quốc gia đưa đi vào ngày 23/8. Cô nói với The Epoch Times: “Chúng tôi - những người dân thường - thỉnh nguyện thông qua kênh hợp pháp, tại sao văn phòng thỉnh nguyện của nhà nước lại cùng với chính quyền địa phương ngăn cản những người thỉnh nguyện chúng tôi?!”.

Trung Quốc bắt giữ dân oan muốn đi khiếu nại trước thềm Đại hội Thể thao châu Á
Người phụ nữ khóc lóc khi cầm trên tay tấm ảnh của con trai mình. Người này nói rằng con trai bà đã bị chính quyền địa phương đánh đập và giết chết. Bà cùng những người khiếu nại khác đang chờ ở bên ngoài văn phòng khiếu nại mới tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 18/8/2005, để có cơ hội gửi đơn khiếu nại của họ. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Dù việc ngăn chặn người khiếu nại đã trở thành thông lệ được thực hiện rộng rãi ở nhiều nơi tại Trung Quốc, nhưng luật sư người Trung Quốc đại lục Meng Fanyong cho hay: “Việc ngăn cản người khiếu nại có thể cấu thành tội giam giữ trái phép”.

“Chính quyền địa phương sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn dân thường đi khiếu nại, chẳng hạn như tìm thông tin về vé đi lại của người khiếu kiện, thuê người giám sát và sử dụng các biện pháp bất hợp pháp khác để cản trở họ. Một số thậm chí còn đánh đập những người thỉnh nguyện và nhốt họ trong các nơi giam giữ trái phép. Việc hạn chế, thậm chí tước bỏ, quyền kiến nghị của công dân dưới hình thức ngăn chặn là hành vi vi phạm pháp luật một cách trắng trợn”, luật sư Meng nói.

“Tước đoạt trái phép quyền tự do cá nhân của công dân mà không thông qua bất kỳ thủ tục pháp lý nào, nếu tình tiết nghiêm trọng, thậm chí có thể cấu thành tội giam giữ trái phép".

Ông Meng khuyến khích người khiếu nại hãy nộp đơn khởi kiện, kháng cáo theo quy định của pháp luật nếu gặp phải sự ngăn cản trái pháp luật.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc bắt giữ dân oan đi khiếu nại trước thềm Đại hội Thể thao châu Á