Trung Quốc: Doanh nhân phục vụ chính trị gia Tiêu Kiến Hoa bị kết án 13 năm tù vì lừa đảo, bị phạt 8 tỷ USD

Giúp NTDVN sửa lỗi

5 năm sau khi bị đưa đi từ một khách sạn ở Hong Kong, nhà tài chính người Canada gốc Hoa - ông Tiêu Kiến Hoa đã chính thức bị kết án 13 năm tù giam, đồng thời yêu cầu nộp phạt 8,1 tỷ USD vì vai trò của mình trong tập đoàn tài chính Tomorrow Holdings. Phán quyết trên được Tòa án Nhân dân Trung cấp Thứ nhất Thượng Hải đưa ra vào thứ Sáu ngày 19/08.

Tòa án cũng phạt ông Tiêu 6,5 triệu NDT (950.000 USD) cho các tội danh trên.

Theo phán quyết, ông Tiêu đã sử dụng mạng lưới tài chính của mình để cung cấp các quỹ gộp, bán bảo hiểm và các sản phẩm đầu tư bị lỗi khác - lừa đảo hơn 311,6 tỷ NDT (hơn 45 tỷ USD) từ các nhà đầu tư của ông ta.

“Các hành vi phạm tội của Tomorrow Holdings và ông Tiêu Kiến Hoa đã gây tổn hại nghiêm trọng đến trật tự quản lý tài chính, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh tài chính của đất nước, xâm phạm nghiêm trọng đến sự liêm chính của nhân viên nhà nước và cần bị trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật”, tòa án cho biết.

Tòa án Thượng Hải nói thêm rằng từ năm 2001 đến năm 2021, ông Tiêu và Tomorrow Holdings đã chào bán “cổ phần, bất động sản, tiền mặt và các tài sản khác cho các quan chức chính phủ với tổng trị giá hơn 680 triệu NDT”, nhằm nỗ lực trốn tránh sự giám sát tài chính và tiếp tục tìm kiếm các lợi ích bất hợp pháp.

Tăng cường thăm dò chống tham nhũng

Phiên tòa xét xử ông Tiêu đánh dấu lần xuất hiện đầu tiên của ông trước công chúng kể từ năm 2017 khi ông ta bị bắt tại khách sạn Four Seasons ở Hong Kong. Các nhà chức trách cho biết họ đã làm việc trong vài năm để xác định vị trí của ông Tiêu sau khi ông ta bỏ trốn khỏi đại lục cùng với số tiền ước tính 6 tỷ USD bên mình.

Bản án này cũng được đưa ra vào thời điểm chính quyền ông Tập Cận Bình chú trọng nhiều hơn vào “kiểm soát rủi ro tài chính” trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức. Các thách thức này bắt nguồn từ việc phong tỏa bằng chính sách không ngừng được thắt chặt - “zero-COVID”, kế đến là các bất ổn tài chính trong lĩnh vực bất động sản cũng như các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.

Các cuộc điều tra của Trung Quốc đối với ông Tiêu và mạng lưới tài chính của ông ta - bao gồm hơn 40 tổ chức tài chính kể từ đầu năm 2000 - là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm loại bỏ các hoạt động bất hợp pháp và đảm bảo sự ổn định tài chính khi niềm tin vào hệ thống tài chính trị giá 59 nghìn tỷ USD bắt đầu suy yếu, Bloomberg đưa tin.

Sự sụp đổ của một phần quyền lực

Trong giới truyền thông tiếng Hoa ở nước ngoài, Tiêu Kiến Hoa được cho là “găng tay trắng” của các nhân vật quyền lực trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là những người đã vươn lên và có tầm ảnh hưởng trong những năm trước khi ông Tập Cận Bình nhậm chức. "Găng tay trắng" là thuật ngữ dùng để chỉ những người làm kinh doanh ủng hộ/ tài trợ cho các chính trị gia.

SinoInsider, một công ty tư vấn rủi ro Trung Quốc có trụ sở tại New York, viết rằng ông Tiêu có liên hệ với phe của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Đặc biệt, các nhà phân tích tin rằng ông Tiêu đã phục vụ cho cánh tay phải của Giang, tức cựu Phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng.

Trung Quốc: ‘Găng tay trắng’ Tiêu Kiến Hoa bị kết án 13 năm tù vì lừa đảo, bị phạt 8 tỷ đô la
Cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng tham dự phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 08/11/2012 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Feng Li / Getty Images)

Phe Giang là mục tiêu chính trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, với hàng trăm quan chức cấp cao bị thanh trừng, họ được cho là có mối liên hệ nhất định với vị cựu lãnh đạo ĐCSTQ này. Ông Giang Trạch Dân nắm quyền từ năm 1989 đến đầu những năm 2000, nhưng trên thực tế, quyền lực này được nối dài mãi cho đến khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012.

Quyền kiểm soát "9 công ty tài chính" có liên quan đến ông Tiêu cũng đã bị thu giữ kể từ giữa năm 2020. Baoshang Bank Co. (hiện đã phá sản) - một ngân hàng được cho là có mối liên hệ với ông Tiêu và có thể đã đóng vai trò lớn hơn trong các kế hoạch - cũng đang bị điều tra sau khi các nhà chức trách nắm quyền kiểm soát ngân hàng vào đầu năm nay, với lý do lo ngại về “rủi ro tín dụng nghiêm trọng”.

Tòa án nói thêm rằng kể từ năm 2004, ông Tiêu và Tomorrow Holdings đã kiểm soát nhiều tổ chức tài chính và nền tảng tài chính internet, bao gồm Baoshang Bank - thông qua “nhiều lớp cổ đông gián tiếp và quyền sở hữu ẩn danh”.

Hơn nữa, Bắc Kinh tiết lộ rằng ông Tiêu sẽ không nhận được các dịch vụ lãnh sự từ Canada mặc dù ông ta có hai quốc tịch. “Sau khi kiểm tra với các cơ quan liên quan, Tiêu Kiến Hoa bị các cơ quan liên quan ở Trung Quốc buộc tội về các hành vi phạm tội trong quá khứ”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Uông Văn Bân cho biết vào ngày 19/08 trong một cuộc họp báo.

“Theo luật của Trung Quốc, chúng tôi không công nhận hai quốc tịch. Trung Quốc xét xử công dân của mình vì các hành vi phạm tội theo luật, và ông [Tiêu] không có quyền được lãnh sự các quốc gia khác bảo vệ”.

Tuy nhiên, tòa án Thượng Hải tuyên bố rằng ông Tiêu đã nhận được "bản án khoan hồng hơn" sau khi nhận tội và hợp tác trong việc "truy tìm tang vật và cứu vãn tổn thất".

Minh Đăng

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Doanh nhân phục vụ chính trị gia Tiêu Kiến Hoa bị kết án 13 năm tù vì lừa đảo, bị phạt 8 tỷ USD