Báo cáo: 17 nước dùng thiết bị Huawei để phong tỏa Internet

Giúp NTDVN sửa lỗi

Top10VPN, một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về Internet đã công bố một báo cáo cho thấy, ngoài Trung Quốc, trên thế giới có 68 quốc gia sử dụng thiết bị và công nghệ giám sát của Huawei - gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Trong đó, 17 nước dùng Huawei để chặn các trang web và bài phát biểu. Ngoài ra, còn có 13 "thành phố an toàn" sử dụng hệ thống giám sát của Huawei.

Báo cáo này được công bố vào tháng 8 năm nay trên trang web của "Top10VPN", cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về VPN (mạng riêng ảo), quyền kỹ thuật số và an ninh mạng. Báo cáo này ngày càng có ảnh hưởng rộng rãi.

Hai tác giả của báo cáo lần lượt là ông Valentin Weber, nghiên cứu sinh tiến sĩ về an ninh mạng và quan hệ quốc tế của Đại học Oxford, Anh và ông Vasilis Ververis, nghiên cứu sinh tiến sĩ, chuyên nghiên cứu về việc triển khai kỹ thuật kiểm duyệt và giám sát Internet của Đại học Berlin Humbold (Đức).

Huawei giúp phong tỏa Internet và ngôn luận của 17 quốc gia khác

Báo cáo của hai tác giả cho thấy, thiết bị giám sát của Huawei trải dài khắp Trung Quốc ra toàn thế giới. Nếu tính cả Trung Quốc thì trên thế giới có 1.799 thiết bị giám sát Huawei đang hoạt động tại 69 quốc gia. Ngoài Trung Quốc, ít nhất có 17 quốc gia đang sử dụng thiết bị và công nghệ của Huawei để chặn các trang web và kiểm duyệt ngôn luận.

17 quốc gia này bao gồm Afghanistan, Bangladesh và Pakistan ở châu Á; Oman và Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông; Burundi, Ai Cập, Nigeria, Senegal và Nam Phi ở Châu Phi; Colombia, Cuba, Mexico và Paraguay ở Châu Mỹ La-tinh; thậm chí cả các nước Châu Âu như Đức, Ý và Tây Ban Nha.

Mục đích sử dụng công nghệ giám sát của Huawei ở những quốc gia có sự khác biệt. Ở Afghanistan, Cuba và Ai Cập, các trang web tin tức và kênh truyền thông “nhạy cảm” bị chặn; ở Pakistan, Paraguay, Thổ Nhĩ Kỳ, Oman và Tây Ban Nha, những trang web liên quan đến đồng tính và người chuyển giới (LGBTQIA +) bị chặn. Ở Nigeria, Cuba và Afghanistan hạn chế quyền truy cập vào các trang web thúc đẩy dân chủ chính trị và xã hội.

Huawei xây dựng “thành phố an toàn” cho 13 thành phố ở các nước khác

Công nghệ và thiết bị giám sát của Huawei không chỉ được sử dụng để hạn chế và chặn những trang web có nội dung “nhạy cảm”, mà nó còn tham gia vào việc tạo ra "thành phố an toàn" (safe city) ở ít nhất 13 thành phố bên ngoài Trung Quốc. Báo cáo xác nhận 13 “thành phố an toàn này” đã ở trạng thái bán hoạt động.

Các thành phố này bao gồm: Singapore ở châu Á, Dushanbe ở Tajikistan, Islamabad ở Pakistan, Kuwait City ở Kuwait, Manila ở Philippines, v.v.

Theo báo cáo, “thành phố an toàn” là một trong những giải pháp giải quyết an toàn công cộng chính của Huawei. Nó sử dụng thiết bị Internet Vạn Vật (IoT) để giúp cảnh sát làm việc. Điều này cũng thể hiện một khía cạnh cốt lõi của "Công trình Kim Thuẫn", dự án kiểm duyệt và giám sát được điều hành bởi Bộ Công an ĐCSTQ.

Các nhà hoạt động về quyền riêng tư kỹ thuật số lo lắng rằng, "thành phố an toàn" sẽ kích thích tăng cường việc giám sát, do đó gây tổn hại đến quyền con người.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, có 14 công ty Trung Quốc được kết nối với Công trình Kim Thuẫn của ĐCSTQ. Tất cả những công ty này đều có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, trong đó 10 công ty có quan hệ thương mại với các công ty Mỹ.

7 công ty Mỹ tham gia công trình giám sát “Kim Thuẫn” của ĐCSTQ

Báo cáo cũng cho thấy, 7 công ty công nghệ Mỹ đã tham gia công trình giám sát "Kim Thuẫn" do ĐCSTQ thực thi trên khắp Trung Quốc, nhằm "cung cấp những thiết bị quan trọng cho các sở cảnh sát trên khắp Trung Quốc".

7 công ty của Mỹ bao gồm Microsoft, Oracle, Dell, Cisco, Intel, Cognitech và Nvidia.

Báo cáo chỉ ra rằng, một số giao dịch của các công ty Mỹ này với hệ thống giám sát của ĐCSTQ có thể được thực hiện thông qua các công ty con và bên thứ ba. Nhưng kết quả khảo sát cho thấy, một số sản phẩm của Mỹ vẫn đang được sử dụng để quảng bá cho hệ thống giám sát quốc gia của ĐCSTQ.

Minh Anh

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo: 17 nước dùng thiết bị Huawei để phong tỏa Internet