Biên giới Trung - Ấn chạy đua vũ trang và cơ sở hạ tầng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố sở hữu các đỉnh núi tuyết và sông băng ở biên giới dài 2.100 dặm trên dãy Himalaya. Cuộc đối đầu căng thẳng giữa quân đội hai nước đang kích thích cuộc chạy đua vũ trang và cơ sở hạ tầng dọc biên giới.

Hôm thứ Tư (ngày 22/12), The Washington Post đưa tin rằng theo hình ảnh vệ tinh và tin tức từ các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, phía Trung Quốc đã thiết lập các sân bay trực thăng, đường băng và đường sắt mới trên Cao nguyên Tây Tạng. Còn về phía Ấn Độ, các quan chức đang gấp rút xây dựng đường hầm Zoji La, nâng cấp một số tuyến đường chiến lược, xây dựng các tháp điện thoại di động và đường băng mới.

Các quan chức quân sự Ấn Độ đương nhiệm và tiền nhiệm cho biết, cả hai nước đã triển khai thêm lực lượng quân sự dọc theo biên giới; Ấn Độ đã điều động tới đó gần 50.000 binh sĩ chuyên tác chiến trên địa hình núi. Trong những tháng gần đây, quân đội hai nước đã công khai các cuộc tập trận để diễn luyện điều động hàng nghìn binh sĩ ra mặt trận khi có lệnh.

Kể từ tháng 6/2020, các chỉ huy cấp cao của quân đội hai bên đã tiến hành 13 vòng đàm phán nhưng đều không có kết quả. Giới quan sát cho rằng, việc “bình thường hóa” thế cục ở biên giới Trung - Ấn và sự bế tắc giữa hai cường quốc Châu Á này có thể kéo dài trong nhiều năm.

Trung tướng Lục quân Ấn Độ đã nghỉ hưu: Tình hình không thể trở lại như trước

Trung tướng Deependra Hooda đã giải ngũ của quân đội Ấn Độ nói với The Washington Post rằng, lần đầu tiên vào năm 2020, Ấn Độ đã điều một sư đoàn tác chiến trên địa hình núi tới biên giới Trung Quốc. Ông Hooda từng là người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Bắc của Quân đội Ấn Độ cho đến năm 2016.

Ông nói: “Ý tưởng vào thời điểm đó là chúng tôi có thể tiếp xúc với Trung Quốc về mặt chính trị và ngoại giao, nhưng cảm giác này đã thay đổi sau năm 2020”.

Vị trung tướng này nói rằng, lực lượng quân đội Ấn Độ được triển khai cần có "cơ sở hạ tầng khổng lồ để hỗ trợ họ, và nguồn dự trữ khổng lồ để thay thế họ".

Ông cho rằng ngay cả khi đối đầu quân sự được giải quyết thông qua con đường ngoại giao, thì tình hình cũng không thể quay trở lại như trước, vì Trung Quốc và Ấn Độ đã mất niềm tin vào nhau.

Biên giới Ấn Độ - Trung Quốc luôn là chủ đề của các cuộc đàm phán giữa hai bên. Biên giới dài khoảng 2.100 dặm này không trải dài trên các khu vực có tài nguyên thiên nhiên quan trọng hoặc các trung tâm dân cư, nhưng tranh chấp về đường biên giới đã dẫn đến một cuộc chiến đẫm máu và một số cuộc giao tranh nhỏ.

Sự bế tắc giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu vào tháng 5/2020, khi quân đội Trung Quốc phản đối việc Ấn Độ xây dựng con đường có ý nghĩa chiến lược ở Ladakh. Phía Bắc Kinh cho rằng con đường này nằm trong lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Cuộc đối đầu lên đến đỉnh điểm sau tháng 6 cùng năm, dẫn đến cái chết của hàng chục binh sĩ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng, nếu đất nước của bạn ở xung quanh Trung Quốc, bạn có khả năng xảy ra tranh chấp lãnh thổ với nước này. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng công khai tuyên bố rằng, Bắc Kinh dường như đang có nhiều tranh chấp về hàng hải và lãnh thổ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Xung đột khiến Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở biên giới

Dân làng ở biên giới Ấn Độ cũng yêu cầu chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương. Vào tháng 11/2021, 9 vị trưởng làng ở biên giới Ấn Độ đã cùng gửi một bức thư tới Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ. Họ khẩn cầu chính phủ cung cấp điện năng ổn định, bệnh viện cơ bản và đường xá, cùng tháp điện thoại di động 4G cho chín ngôi làng. Một ngôi làng trong đó tên là Demchok đã không có điện cho đến 10 năm trước, và đến tháng 11/2021 mới có tháp điện thoại di động đầu tiên.

Ông Sonam Tsering, cựu ủy viên một ngôi làng khác là Chushul, nói với The Washington Post rằng Ấn Độ cần xây dựng cơ sở hạ tầng để củng cố biên giới, không chỉ cho quân đội mà còn cho cả dân thường. Từ ngôi làng của họ có thể nhìn xuống một cái hồ, và trong năm vừa qua, quân đội Trung Quốc đã xây dựng các tòa nhà mới ở gần hồ đó.

Ông Sonam Tsering nói rằng, ngôi làng Trung Quốc ở phía đối diện sông Indus đã thiết lập nhiều tháp điện thoại di động trong 15 năm qua, còn có cả truyền hình cáp, đường dây điện, các tòa nhà bê tông cỡ lớn và những con đường rộng.

“Trung Quốc khuyến khích người dân sống trong những ngôi làng biên giới này, bởi vì họ biết rằng thường dân sống ở đó là tuyến phòng thủ đầu tiên”, ông Sonam Tsering nói.

Một báo cáo vào tháng 11 của Lầu Năm Góc cho biết, gần đây Trung Quốc đã xây dựng một khu định cư nhỏ trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở phần phía đông của biên giới Trung - Ấn, đồng thời phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng quân sự ở đó.

Ông Sim Tack, cựu nhà phân tích quân sự tại Stratfor, một công ty tình báo tư nhân, nói rằng các hình ảnh vệ tinh cho thấy từ năm 2019 đến 2020, Trung Quốc đã hoàn thành khoảng 20 dự án mở rộng hoặc xây dựng sân bay trực thăng hoặc đường băng ở khu vực giáp biên giới với Ấn Độ.

Tài xế địa phương: Đường cao tốc rất nhộn nhịp, như thể có chuyện lớn sắp xảy ra

Ông Nazir Ahmad Wani, một tài xế 65 tuổi ở Kashmir – một bang ở miền Bắc Ấn Độ có biên giới với Trung Quốc, nói với The Washington Post: “Tôi đã lái xe trên con đường này trong 35 năm qua, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó nhộn nhịp như bây giờ”.

Ông ước tính, trong số 500 xe tải lưu thông hàng ngày trên đường, có khoảng 200 xe là đang vận chuyển quân nhu. Ông nói rằng không có tiếng súng, nhưng có một cảm giác căng thẳng rất quen thuộc. Trong Chiến tranh Kargil năm 1999, khi Pakistan bắn pháo vào con đường này, ông Wani đã tự nguyện tham gia vào việc vận chuyển hàng hóa.

Ông Wani nói: “Thật khủng khiếp khi thấy nhiều người và vũ khí được vận chuyển đến Ladakh mỗi ngày”. “Có vẻ như sắp có chuyện lớn xảy ra”.

Cả Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều coi cơ sở hạ tầng là an ninh quốc gia. Kể từ khi xảy ra các cuộc đụng độ vũ trang ở biên giới giữa hai nước vào mùa hè năm 2020, ông Modi đã thề sẽ tăng gấp ba khoản chi cho cơ sở hạ tầng ở biên giới và đảm bảo cho quân đội đóng quân ở Ladakh, để kẻ thù của Ấn Độ phải nếm mùi của “lửa và phẫn nộ”.

Năm 2021, ông Tập Cận Bình đã tới Tây Tạng lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền để thị sát một tuyến đường sắt mới dẫn đến biên giới Ấn Độ. Sau đó, ông nói với các sĩ quan trong một trung tâm chỉ huy rằng phải “tăng cường công tác huấn luyện và chuẩn bị một cách toàn diện”.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Biên giới Trung - Ấn chạy đua vũ trang và cơ sở hạ tầng