Chế độ Trung Quốc tăng cường đàn áp Pháp Luân Công trước thềm Olympic 2022

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, từ cuối năm 2021, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh “duy trì ổn định” ở các khu thi đấu tại Bắc Kinh, Diên Khánh và Trương Gia Khẩu. Các học viên Pháp Luân Công một lần nữa trở thành mục tiêu chính bị chế độ này theo dõi và đàn áp.

Vào ngày 29/12 năm ngoái, một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Carleton ở Canada tên là Lưu Chi Nguyên (Liu Zhiyuan) nói với The Epoch Times rằng, mẹ anh – bà Tào Văn (Cao Wen), một học viên Pháp Luân Công – đã được thả vào ngày 27/12 sau 39 ngày bị giam giữ, nhưng vẫn bị cảnh sát giám sát chặt chẽ. Cha anh là ông Lưu Chu Ba (Liu Zhoubo) vẫn đang bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại giam số 3 Bắc Kinh với lý do "không hợp tác" với cảnh sát. Cha mẹ anh Lưu đều là tinh anh trong ngành dầu khí Trung Quốc. Ông bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1995. Giống như tất cả các học viên Pháp Luân Công khác, họ đề cao triết lý về Chân - Thiện - Nhẫn trong cuộc sống.

Theo Minghui – trang chuyên đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, vào lúc 3 giờ chiều ngày 21/12/2021, hai cảnh sát họ Quách (Guo) và họ Ngạc (E) từ Đội An ninh nội địa thuộc Công an quận Hải Điến, Bắc Kinh cùng một số người không rõ danh tính (có thể là cảnh sát ngoài biên chế hoặc cảnh sát mặc thường phục) đã cố gắng xông vào nhà của học viên Pháp Luân Công tên là Tần Úy (Qin Wei) một cách phi pháp nhưng bị gia đình ông chặn lại. Họ nói với gia đình rằng, lần này họ đến để duy trì ổn định của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Lúc 11 giờ tối ngày 15/12 năm ngoái, cảnh sát thị trấn Đại Du Thụ, quận Diên Khánh, Bắc Kinh đã bắt giữ phi pháp học viên Pháp Luân Công tên là Vu Hoành Binh (Yu Hongbing) và vợ của ông đến đồn cảnh sát quận Tây Thành, Bắc Kinh.

Khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đang đến gần, cảnh sát mặc thường phục có mặt khắp nơi trên các con đường của huyện Úy, thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc – tỉnh nằm sát sườn Bắc Kinh. Các bộ phận hữu trách của Công an huyện Úy đã bắt đầu các hoạt động tuyên truyền, công khai bôi nhọ Pháp Luân Công từ ngày 1/12 năm ngoái. Họ phân phát lượng lớn tờ rơi có nội dung vu khống Pháp Luân Công, dùng tiền để khuyến khích người dân vu cáo và bắt giữ phi pháp các học viên Pháp Luân Công.

Đồn cảnh sát và ủy ban dân phố ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, đã theo dõi và quấy rối học viên Pháp Luân Công tên là Hàn Phi (Han Fei). Vào ngày 30/11 năm ngoái, chồng của cô Hàn Phi cho biết, đồn cảnh sát đã gọi điện thoại và nói rằng sắp diễn ra Thế vận hội Mùa đông, đừng đi ra ngoài. Ông cũng nghe nói một số học viên Pháp Luân Công ở những nơi khác đã bị bắt.

Chi nguồn lực lớn để ‘duy trì ổn định’ Thế vận hội Mùa đông, Pháp Luân Công là đối tượng hàng đầu

Minghui đã tiết lộ tài liệu "Thông tin dự toán của Công an thành phố Trương Gia Khẩu năm 2020". Tài liệu này có nhắc đến việc tăng kinh phí cho công tác an ninh của Thế vận hội Mùa đông 2022. Trong đó, Pháp Luân Công được liệt vào mục tiêu đầu tiên trong cột "Quỹ Đặc biệt cho An ninh Nội địa".

Theo tài liệu này, thu chi dự toán năm 2020 của hệ thống công an Trương Gia Khẩu là “481.213.000 nhân dân tệ, tăng 5,1% so với dự toán năm trước".

Nguyên nhân chính khiến dự toán tăng là: "Theo yêu cầu của kế hoạch phát triển tổng thể của công an thành phố, để thực hiện tốt công tác an ninh Thế vận hội Mùa đông 2022, năm 2020 tăng chi phí cho các dự án xây dựng dữ liệu lớn về bảo đảm an ninh, cho các dự án giám sát video an ninh công cộng và cho nhân viên hỗ trợ cảnh sát của Thế vận hội Mùa đông, v.v.”.

Tài liệu đề cập: Chi 18.252.000 nhân dân tệ để xây dựng nền tảng thông tin hình ảnh video và lắp đặt camera giám sát mới tại 3.680 điểm; năm 2020 lên kế hoạch đầu tư 16.421.300 nhân dân tệ vào việc xây dựng trung tâm dữ liệu lớn để bảo đảm an ninh của Thế vận hội Mùa đông.

Chế độ Trung Quốc cũng từng đàn áp Pháp Luân Công trong Thế vận hội Mùa hè 2008

Bà Caylan Ford, một nhà làm phim tài liệu đến từ thành phố Calgary, Canada, và ông David Matas, một luật sư nhân quyền nổi tiếng, là đồng tác giả của bài báo "Keeping our eyes open to China's machinery of repression” (Tạm dịch: Không rời mắt khỏi cỗ máy đàn áp của Trung Quốc). Nhìn lại quá khứ, hai tác giả thấy rằng Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008 cũng được tổ chức trong bối cảnh nước này tiến hành một loạt hành động tàn bạo quy mô lớn nhắm vào các học viên Pháp Luân Công.

Bài báo viết: "Năm 2008 là năm thứ 10 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện chiến dịch tiêu diệt quy mô lớn đối với Pháp Luân Công – một môn tu luyện tinh thần của Phật Gia, từng được ước tính có hơn 70 triệu người theo tập [tại Trung Quốc vào thập kỷ 90]. Các nhà giám sát nhân quyền trích dẫn tin tức từ các học viên Pháp Luân Công và gia đình của họ rằng, trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh 2008, hơn 8.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong một cuộc đàn áp trước Thế vận hội. Có ít nhất 100 người được cho là đã chết do bị ngược đãi trong thời gian bị giam giữ. Trong đó có một nhạc sĩ dân gian nổi tiếng 42 tuổi tên là Vu Trụ (Yu Zhou). Ông Vu chết trong trại giam sau 11 ngày bị bắt vì lưu trữ các tài liệu về Pháp Luân Công (vợ của ông Vu, một nghệ sĩ tên là Hứa Na (Xu Na), đã bị bắt trước Thế vận hội 2022 và hiện đang chờ xét xử)".

Theo Minghui đưa tin, bà Hứa Na, một học viên Pháp Luân Công, là một họa sĩ sống ở quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh. Bà đã bị công an quận Thuận Nghĩa và đội an ninh nội địa bắt giữ trái phép khi đang vẽ tranh tại nhà vào sáng ngày 19/7/2020. Ngày hôm sau, công an đến nhà bà Hứa và lấy đi nhiều đồ đạc cá nhân, bao gồm máy tính, điện thoại di động, máy ảnh, v.v. Hiện bà Hứa đang bị giam giữ bất hợp pháp tại Trung tâm giam giữ quận Đông Thành, Bắc Kinh. Tại đây, bà từng tuyệt thực để phản đối cuộc đàn áp.

Bà Hứa bị Tòa án quận Đông Thành Bắc Kinh xét xử bất hợp pháp vào ngày 15/10/2021. Năm luật sư nhân quyền, bao gồm luật sư Lương Tiểu Quân (Liang Xiaojun), đã đưa ra các bằng chứng và lý lẽ xác đáng để bào chữa vô tội cho bà Hứa và các học viên Pháp Luân Công khác. Đến ngày 16/12 cùng năm, luật sư Lương chính thức bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép hành nghề luật sư. Văn bản tước giấy phép của luật sư Lương do cơ quan tư pháp ban hành chính là một bằng chứng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Ông Vu Trụ, chồng của bà Hứa Na, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh và thông thạo nhiều ngôn ngữ. Ông bị tra tấn đến chết vào ngày 6/2/2008. Hiện thi thể của ông vẫn đang bị ướp lạnh. Bản thân bà Hứa cũng nhiều lần bị bắt giữ trái phép, bị giam giữ, và bị kết án phi pháp hai lần. Lần này khi bà Hứa bị bắt đi, trong nhà chỉ còn lại người cha già.

ĐCSTQ không chỉ sợ Pháp Luân Công, nó sợ tất cả những người có tín ngưỡng, tôn giáo

Luật sư Matas nói rằng: "Số lượng người tu luyện Pháp Luân Công rất lớn, những người tu luyện cũng tự ước thúc chính mình. Họ ở khắp Trung Quốc, ở khắp các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức tri thức của Trung Quốc, ở khắp hệ thống của đảng và chính phủ".

Ông nhấn mạnh rằng Pháp Luân Công tin vào sự tồn tại của Thần, trong khi chế độ Bắc Kinh là chủ nghĩa vô thần. "Pháp Luân Công lan rộng và được đón nhận ở Trung Quốc như vậy là vì Pháp Luân Công là sự kết hợp giữa tín ngưỡng và truyền thống tu luyện của Trung Quốc. Ngược lại, chủ nghĩa cộng sản du nhập từ phương Tây. Ở Trung Quốc, Pháp Luân Công gây được tiếng vang lớn, nhưng chế độ Bắc Kinh thì không".

"Thực tế là ĐCSTQ không thể thuyết phục 1 tỷ người tin vào những điều vô nghĩa. Họ chỉ là thực thể luân chuyển quyền lực. Người dân thường Trung Quốc không có lý do gì để ủng hộ ĐCSTQ. Vì vậy, ĐCSTQ sợ hãi".

Ông Matas phát hiện ra rằng, những người theo chủ nghĩa cực quyền không thể cho phép bất kỳ quyền lực nào – ngay cả sự uy nghiêm của Thần – ngự trị họ. Những người theo chủ nghĩa cực quyền cho rằng, lòng trung thành không thể dành cho bất kỳ ai khác ngoài tập đoàn quyền lực của họ, chỉ có các quy định của chế độ do họ ngự trị là trên hết, những thứ khác đều không có ý nghĩa gì, không có chân lý nào mà sắc lệnh hay vũ lực không thể thay đổi.

Thực tế này không chỉ giải thích lý do tại sao chế độ Bắc Kinh tìm cách tiêu diệt Pháp Luân Công, mà còn giải thích tại sao nó đàn áp Phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Công giáo trung thành và thành viên của các nhà thờ Tin lành ngầm.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chế độ Trung Quốc tăng cường đàn áp Pháp Luân Công trước thềm Olympic 2022