Cô gái Trung Quốc phát điên sau 3 ngày bị cảnh sát giam giữ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 08/12, tại tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, một cô gái trẻ bước xuống từ chiếc ô tô màu đen. Đôi mắt đờ đẫn và trống rỗng cùng nét mặt ngây ngô của cô nói lên với mẹ rằng có điều gì đó không ổn. Dường như đây không phải là cùng một cô gái đã bị cảnh sát bắt đi chỉ vài ngày trước đó.

Loạt video về vụ việc trên đã nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhân vật chính trong video là Ye Ting, sinh viên đại học 22 tuổi, được thả về nhà vào đêm ngày 08/12 tại huyện Qi, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Trong các video, Ye Ting có vẻ như bị rối loạn tâm thần. Có lúc cô liên tục tự đánh bản thân; có lúc cô ngồi giữa đường, đầu tiên nghịch khẩu trang, sau đó tự cởi quần và vẫy nó.

Cùng lúc đó, mẹ của cô kêu gọi những người có mặt tại hiện trường hãy quay video và đăng chúng lên mạng xã hội. Mẹ cô cáo buộc cảnh sát gây tổn thương tâm lý cho con gái bà: “Hãy nhìn con gái tôi bây giờ đi! [Cảnh sát] trả cho tôi đứa con gái đã phát điên!”.

Chỉ vài ngày trước đó, cảnh sát tại quê nhà của Ye Ting đã xuất hiện tại khuôn viên trường đại học của cô ở Bình Đỉnh Sơn (Pingdingshan), cách huyện Qi khoảng 210 km, để áp giải Ye Ting về đồn cảnh sát ở huyện Qi.

Điều gì xảy ra trong 3 ngày cô bị giam giữ vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, trạng thái tinh thần rối loạn của cô sau khi được trả tự do đã đặt ra câu hỏi về việc có hay không cảnh sát Trung Quốc dùng đòn tra tấn tâm lý. Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày trước Ngày Nhân quyền thế giới năm nay (10/12).

Cuộc bắt giữ và thả người đầy mờ ám

Gia đình Ye Ting tin rằng cô bị bắt chỉ vì đã đăng một video lên mạng xã hội vào ngày 06/12. Video này đặt nghi vấn về cái chết của cha cô - người bị đánh đến chết hồi tháng 06/2021. Trong video, em gái của Ye Ting cáo buộc rằng một quan chức địa phương đã tham gia vụ việc mà không bị bắt giữ.

Ở Trung Quốc, áp lực truyền thông đôi khi có thể giúp các nạn nhân tìm kiếm công lý; mặc dù khả năng thành công là rất hiếm bởi Trung Quốc có bộ máy kiểm duyệt gắt gao.

Trong một video được quay vào ngày 08/12, em gái của Ye Ting đã liệt kê các sự kiện theo dòng thời gian. Giáo viên thông báo cho gia đình rằng Ye Ting vừa bị một số người đàn ông bắt đi; gia đình cô không thể liên lạc với cô. Chị gái của Ye Ting, Ye Shuangling, nghe nói rằng em mình đang ở đồn cảnh sát địa phương nên đã đến đó để tìm em. Ye Shuangling không được phép gặp Ye Ting. Thay vào đó, Ye Shuangling bị giam giữ và bị buộc phải xóa các bài đăng liên quan đến việc em gái cô mất tích. Ye Shuangling được thả vào cuối ngày hôm đó.

Cảnh sát đã liên hệ với chị cả của Ye Ting, Ye Lingling, vào ngày 08/12 để nói rằng em gái của cô sẽ được thả ở một địa điểm nào đó. Ye Ting được một chiếc ô tô màu đen đưa đến địa điểm đó vào tối hôm ấy; trong xe có cảnh sát. Gia đình được cho biết rằng Ye Ting được tại ngoại để chờ xét xử và sẽ bị kết án 5 năm tù giam.

Đòi công lý cho cha

Việc Ye Ting bị bắt có thể bắt nguồn từ cuộc chiến của gia đình cô nhằm đòi lại công lý cho cha cô, Ye Hongqing. Ngày 28/06/2021, ông Ye Hongqing, 53 tuổi, đang dùng bữa tại một nhà hàng địa phương với một số người dân thì một cuộc cãi vã nổ ra giữa các thực khách, sau đó trở thành một vụ xô xát.

Ông Ye Hongqing cố gắng hòa giải nhưng những người đó không đồng ý mà còn đánh ông ấy. Sau đó, ông Ye cố gắng chạy khỏi nhà hàng, nhưng hai trong số những kẻ tấn công đã đuổi theo và đánh ông bất tỉnh. Ông qua đời tại bệnh viện vào ngày 07/07/2021.

Giấy chứng tử đăng trực tuyến cho thấy ông Ye Hongqing mất mạng do chấn thương ở đầu và cơ thể vì “bị đấm, bị đá và bị đánh bằng vật nặng”.

NTDVN không thể xác minh độc lập tính xác thực của giấy chứng tử trực tuyến.

Gia đình ông Ye bắt đầu quá trình đòi công lý vào tháng 7 năm ngoái. Họ cho rằng thủ phạm trong vụ giết người vẫn chưa bị trừng phạt.

Đoạn video dẫn đến việc Ye Ting bị bắt là do em gái của cô, Ye Bingyan, thực hiện. Trong video, Ye Bingyan kể lại hoàn cảnh cái chết của cha cô và cáo buộc rằng một trong những người tấn công cha cô là quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc tại địa phương; người này không bị điều tra và vẫn đang ở ngoài vòng pháp luật.

Được chú ý rộng rãi bất chấp kiểm duyệt

Cái chết của cha Ye Ting và vụ bắt giữ Ye Ting đã thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội, bất chấp nỗ lực kiểm duyệt của chính quyền. Tổ chức giám sát nhân quyền Trung Quốc Civil Rights and Livelihood Watch đã báo cáo về vụ việc.

Ngày 08/12, thông báo trên trang web của chính quyền huyện Qi nói rằng một nhóm công tác đã được thành lập để điều tra về cái chết của ông Ye Hongqing. Thông báo cho biết Ye Ting bị giam giữ vì “đã bóp méo sự thật, liên tục đăng tải những tuyên bố sai sự thật trên mạng xã hội và gây hiểu lầm cho dư luận”.

“Cảnh sát từ Văn phòng Công an huyện Qi đã đưa cô ấy đến đồn cảnh sát để điều tra theo luật sau khi xuất trình thẻ ngành trước mặt bạn trai của cô”, thông báo cho biết.

Thông báo không nói rõ liệu cảnh sát có lệnh bắt giữ hay gia đình cô có được thông báo hay không.

Trong tuyên bố viết tay được đăng trực tuyến vào ngày 09/12, chị cả của Ye Ting, Ye Lingling, đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc giam giữ và việc cho Ye Ting tại ngoại.

“Chúng tôi không biết ai đã trả tiền bảo lãnh cho Ye Ting và chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo hay tài liệu pháp lý nào”, Ye Lingling viết trong tuyên bố của mình.

Ye Lingling đã được một quan chức cảnh sát họ Li, người đã sắp xếp việc thả Ye Ting, gọi điện đến. Lingling hỏi cảnh sát Li rằng Ye Ting đã phạm tội gì và yêu cầu cảnh sát Li cung cấp các tài liệu pháp lý liên quan đến việc bắt giữ Ye Ting và việc cho Ye Ting tại ngoại, nhưng cảnh sát Li từ chối trả lời, theo tuyên bố của Ye Lingling.

Trong một video đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, Ye Ting được nhìn thấy đang quỳ gần chiếc ô tô màu đen có hai sĩ quan cảnh sát ngồi trong. Cô vừa khóc vừa tát vào mặt mình: “Họ đánh tôi! Họ giật điện thoại của tôi và tháo thẻ sim của tôi! Tôi không làm gì sai cả!”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cô gái Trung Quốc phát điên sau 3 ngày bị cảnh sát giam giữ