Cơ sở dữ liệu về 2 triệu người khắp thế giới phục vụ ‘chiến tranh đa hệ’ của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mục tiêu cuối cùng của chiến lược "chiến tranh đa hệ" là “tiêu diệt nền dân chủ để Đảng Cộng sản Trung Quốc thống trị toàn thế giới”, Giám đốc điều hành của Công ty Chiến lược An ninh và Tình báo BlackOps Partners cho biết.

Một cơ sở dữ liệu của Trung Quốc chứa thông tin cá nhân của hàng triệu người trên toàn cầu gần đây đã bị rò rỉ cho các hãng truyền thông phương Tây. Cơ sở dữ liệu này cho thấy phần nào chiến dịch thu thập dữ liệu khổng lồ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào người nước ngoài.

Một công ty tư nhân của Trung Quốc có tên là Công ty Công nghệ Dữ liệu Zhenhua Thâm Quyến (Shenzhen Zhenhua Data Technology), đã xây dựng cơ sở dữ liệu về 2,4 triệu người. Các thông tin về những người này được tổng hợp chủ yếu từ các tài liệu mã nguồn mở, như các bài đăng trên mạng xã hội và dữ liệu trực tuyến. Một công ty an ninh mạng của Úc có tên là Internet 2.0 đã tái tạo lại 10% cơ sở dữ liệu này. Kết quả cho thấy, cơ sở dữ liệu bao gồm thông tin của khoảng 52.000 người Mỹ, 35.000 người Úc, 9.700 người Anh và 5.000 người Canada.

Những người bị thu thập thông tin trong cơ sở dữ liệu bao gồm từ các doanh nhân bình thường đến những nhân vật chính trị nổi tiếng, như sĩ quan hải quân Hoa Kỳ, quan sát viên Trung Quốc ở Washington, các thành viên của hoàng gia Anh và lãnh đạo các công ty trên toàn cầu. Ngoài ra còn có thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng của các quốc gia, vị trí của các tài sản quân sự và ý kiến của dư luận.

Công ty Zhenhua đã quảng cáo bộ cơ sở dữ liệu có tên là Cơ sở dữ liệu thông tin quan trọng ở nước ngoài, cho các khách hàng Trung Quốc bao gồm quân đội, cơ quan chính phủ và khách hàng thương mại, theo The Washington Post. Các tài liệu của công ty này mô tả Zhenhua là một công ty yêu nước và quân đội Trung Quốc là khách hàng mục tiêu chính của mình.

Cơ sở dữ liệu này đã bị rò rỉ từ một nguồn ở Trung Quốc cho nhà khoa học người Mỹ Christopher Balding khi ông đang làm việc tại Việt Nam. Sau đó ông Balding đã rời Việt Nam và quay trở lại Mỹ vì lo ngại an toàn. Ông đã đưa cơ sở dữ liệu này lên Internet 2.0 để tái tạo và phân tích.

Tuần trước, nhiều hãng truyền thông bao gồm The Washington PostThe Daily Telegraph ở Anh đã đưa tin chi tiết về vụ việc này.

Tuy nhiên, Công ty Zhenhua nói với tờ The Guardian rằng: "Không có cơ sở dữ liệu nào về 2 triệu người cả", đồng thời phủ nhận mọi liên hệ với chính phủ và quân đội Trung Quốc. Một đại diện của công ty này cho biết, khách hàng của Công ty Zhenhua là các tổ chức nghiên cứu và các nhóm kinh doanh.

Giới chuyên gia nói với The Epoch Times rằng việc phủ nhận như vậy là không có gì đáng ngạc nhiên.

Michael Shoebridge, Giám đốc Quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) cho biết, “không nên đánh giá tuyên bố này ở bề mặt”. Luật pháp Trung Quốc buộc các công ty của nước này phải hỗ trợ các cơ quan an ninh và tình báo của chính phủ Trung Quốc, đồng thời các công ty phải công khai phủ nhận việc làm đó.

Chiến tranh đa hệ không hạn chế của Trung Quốc

Casey Fleming, Giám đốc điều hành của Công ty Chiến lược An ninh và Tình báo BlackOps Partners cho biết, thông tin tình báo thu thập được trong cơ sở dữ liệu được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động "chiến tranh đa hệ không hạn chế" của ĐCSTQ. Cuộc chiến này bao gồm các hoạt động gián điệp, các chiến dịch gây ảnh hưởng bí mật ở nước ngoài và đánh cắp những đổi mới cùng công nghệ quân sự của nước ngoài.

Chiến tranh đa hệ không hạn chế là một chiến lược do hai đại tá quân đội Trung Quốc xây dựng vào những năm 1990, sử dụng một loạt các chiến thuật mới lạ để thực hiện các mục tiêu của chiến tranh mà không cần tham gia thực chiến.

Ông Fleming nói, mục tiêu cuối cùng của chiến lược này là “tiêu diệt nền dân chủ để ĐCSTQ thống trị toàn thế giới”.

Phần lớn quyền sở hữu của Công ty Zhenhua thuộc về Wang Xuefeng - một cựu kỹ sư của IBM. Người này từng đăng trên mạng xã hội Trung Quốc về việc tiến hành “chiến tranh đa hệ” bằng cách thao túng dư luận và “chiến tranh tâm lý”, theo đài truyền hình ABC của Úc.

Nicholas Eftimiades, một cựu quan chức tình báo cấp cao của Hoa Kỳ và là tác giả của cuốn sách “Hoạt động tình báo Trung Quốc”, nói rằng, cơ sở dữ liệu này sẽ giúp tình báo Trung Quốc nhắm mục tiêu vào những cá nhân để tuyển dụng hoặc tống tiền. Họ là những người có “sơ hở” có thể bị khai thác, chẳng hạn như “nhu cầu về tiền bạc, [hoặc] có xu thế chống lại chính quyền". Ví dụ, chính quyền Trung Quốc có thể tìm kiếm các bài đăng trên mạng xã hội của các cá nhân, trong đó thể hiện sự không hài lòng với chính phủ nước sở tại hoặc khó khăn về tài chính.

Đối với các hoạt động tạo ảnh hưởng, cách thức cũng tương tự. Các cơ quan của ĐCSTQ sẽ tìm kiếm những người có quan điểm ủng hộ các chính sách của Bắc Kinh. Sau đó, họ sẽ tìm cách hỗ trợ người đó, và truyền bá quan điểm của họ.

Ông Shoebridge chỉ ra rằng, cơ sở dữ liệu này bao gồm cả thông tin về con cái của những người có quyền lực như chính trị gia và giám đốc điều hành doanh nghiệp. Các thông tin này sẽ giúp ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào những cá nhân thông qua các sơ hở từ con cái của họ.

Ông nhấn mạnh: “Đây là một cách sử dụng dữ liệu đáng quan ngại”.

Đồng thời, con cái của các các nhân có thể sẽ trở thành những người có tầm ảnh hưởng lớn sau này. Do đó, “khả năng khai thác và ảnh hưởng đến những cá nhân đó lớn hơn nhiều bởi vì bạn đã có hiểu biết toàn diện hơn về họ theo thời gian”, ông Shoebridge giải thích.

Thu thập dữ liệu lớn

Vụ rò rỉ cơ sở dữ liệu của Công ty Zhenhua cho thấy phần nào quy mô của các hoạt động thu thập dữ liệu tổng thể của ĐCSTQ.

Ông Fleming nói: “Phạm vi [thu thập dữ liệu của ĐCSTQ] nằm ngoài sức tưởng tượng của hầu hết mọi người”.

Ông Shoebridge đã ví cơ sở dữ liệu này chỉ là một quả bóng nhựa trong một hố bóng lớn. Cơ sở dữ liệu này sẽ được kết hợp với dữ liệu do các thực thể khác của Trung Quốc thu thập để phục vụ lợi ích của ĐCSTQ.

Ông nói: “Đó là sự phối hợp của các công ty có dữ liệu như thế này với các công ty khác cùng dữ liệu của chính phủ”.

Chiến lược này được phản ánh trong học thuyết “hợp nhất dân sự - quân sự” của ĐCSTQ. Học thuyết này tìm cách tận dụng những đổi mới của các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy sự phát triển quân sự, ông Shoebridge cho biết.

Một báo cáo tháng 10/2019 của ASPI cho thấy, ĐCSTQ đang tạo ra một “hệ sinh thái thu thập dữ liệu toàn cầu và khổng lồ” bằng cách khai thác khả năng của các doanh nghiệp nhà nước và các công ty công nghệ tư nhân của Trung Quốc.

ASPI đã đưa ra ví dụ về Global Tone Communication Technology Co., một công ty con của một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trực thuộc bộ phận tuyên truyền trung ương của ĐCSTQ. Công ty công nghệ này tập trung vào công nghệ thu thập "dữ liệu lớn" và trí tuệ nhân tạo (AI) như nhận dạng khuôn mặt. Nó thu thập một lượng lớn dữ liệu trên khắp thế giới bằng hơn 65 ngôn ngữ máy tính, đồng thời xử lý dữ liệu để Bắc Kinh sử dụng cho các mục đích tình báo, an ninh và tuyên truyền.

Ông Eftimiades tin rằng, có thể có hàng chục - nếu không phải hàng trăm công ty Trung Quốc tham gia vào việc thu thập dữ liệu lớn như vậy để hỗ trợ ĐCSTQ. Số lượng này chưa bao gồm các cơ quan an ninh của Trung Quốc đang thu thập dữ liệu về 1,4 tỷ dân của Trung Quốc thông qua hệ thống giám sát công nghệ cao phủ khắp Trung Quốc.

Tin tặc Trung Quốc cũng đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người Mỹ trong những năm qua. Những dữ liệu này được cung cấp cho các cơ sở dữ liệu ở Trung Quốc và được sử dụng để hoàn thiện các công cụ AI, ông Eftimiades cho biết. Hoạt động đánh cắp này bao gồm vụ tấn công vào Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ (OPM) vào năm 2014, cuộc tấn công vào công ty Equifax năm 2017, và cuộc tấn công mạng năm 2016 vào hãng bảo hiểm sức khỏe Anthem.

The Epoch Times đưa tin vào tháng 2/2016, trích dẫn một nguồn tin nội bộ ở Trung Quốc, rằng các cơ quan an ninh Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở dữ liệu để xử lý hàng loạt thông tin cá nhân bị đánh cắp của người Mỹ. Những thông tin này bao gồm cả thông tin cá nhân nhạy cảm được nêu chi tiết trong quy chế bảo mật của 21 triệu nhân viên liên bang hiện tại và trước đây trong vụ tấn công vào OPM, cùng hồ sơ cá nhân của gần 80 triệu khách hàng, nhân viên hiện tại và trước đây của Anthem.

Cơ sở dữ liệu đó chạy trên phần mềm có khả năng lấy một lượng lớn dữ liệu và sau đó phân tích nó để tìm ra mối quan hệ giữa các cá nhân và sự kiện khác nhau.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Cơ sở dữ liệu về 2 triệu người khắp thế giới phục vụ ‘chiến tranh đa hệ’ của Bắc Kinh