Dân số Bắc Kinh lần đầu tiên giảm sau 20 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo số liệu công bố ngày 21/3, năm 2022 thủ đô của Trung Quốc có 21,843 triệu dân, giảm 43.000 người so với năm 2021. Do tỷ lệ sinh thấp, lần đầu tiên kể từ năm 2003, dân số Bắc Kinh xuất hiện tình trạng tăng trưởng dân số tự nhiên âm.

Theo "Thông báo Thống kê phát triển kinh tế và xã hội quốc dân năm 2022 của Bắc Kinh" công bố ngày 21/3, dân số của thành phố này lần đầu tiên sụt giảm sau hai thập kỷ, dẫn đến tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là âm 0,05 trên 1.000 người.

Theo thông báo trên, tỷ lệ tử vong của Bắc Kinh đã tăng lên 5,72 ca tử vong trên 1.000 người, trong khi tỷ lệ sinh giảm xuống 5,67 ca sinh trên 1.000 người.

Truyền thông nước ngoài đã phỏng vấn ngẫu nhiên một cư dân Bắc Kinh trẻ tuổi, người này cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến dân số tăng trưởng âm là vì họ không có khả năng nuôi con, không dám sinh.

Tờ The Guardian của Anh dẫn lời nhà nghiên cứu cao cấp Xiujian Peng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách thuộc Đại học Victoria, Úc, cho biết: “Với chi phí sinh hoạt và giáo dục cao cũng như trình độ học vấn ở Bắc Kinh, việc cư dân thường trú có tỷ lệ sinh thấp là điều rất bình thường”.

21,843 triệu người kể trên là số cư dân thường trú tại Bắc Kinh, không bao gồm lượng lớn lao động nhập cư đến từ các tỉnh, thành khác.

Tờ Jiemian News của Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, dựa trên dữ liệu dân số được công bố gần đây, ngoài Bắc Kinh thì Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Nam, Liêu Ninh cũng nằm trong danh sách các tỉnh có mức tăng dân số âm. Tỉnh nghiêm trọng nhất là Liêu Ninh, giảm 324.000 người trong một năm.

Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng đảo ngược xu hướng và ngăn chặn các tác động kinh tế của dân số già. Tuy nhiên, chính sách một con trong nhiều thập kỷ đã dẫn đến những hệ lụy khó có thể cứu vãn.

Tới năm 2016, Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ chính sách một con và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều hơn một. Nhưng trước áp lực kinh tế, giáo dục, y tế… cũng như không có những chính sách hỗ trợ thiết thực từ nhà nước, phần lớn người Trung Quốc chỉ muốn sinh một con hoặc không muốn sinh con.

Trong một cuộc khảo sát hồi năm ngoái với khoảng 20.000 thanh niên Trung Quốc, chủ yếu ở độ tuổi từ 18 đến 25, 2/3 số người được hỏi cho biết họ không muốn có con.

Hiện nay, nhiều thành phố ở Trung Quốc đang ban hành các khoản trợ cấp để khuyến khích sinh đẻ. Tuy nhiên, trước chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ và nền kinh tế ngày một đi xuống, một luật sư 36 tuổi ở Thâm Quyến vừa mới kết hôn nói với tờ The New York Times rằng số tiền đó không đủ để làm lung lay quyết định có sinh con hay không.

Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, dân số nước này vào cuối năm 2022 là 1,41175 tỷ người, giảm 850.000 người so với cuối năm 2021; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của nước này ở mức âm 0,60 phần nghìn người, đây là mức tăng trưởng âm đầu tiên trong 61 năm qua.

Nhà báo Niall Ferguson của Bloomberg đã chỉ ra rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức về tỷ lệ sinh giảm, cơ cấu dân số già, suy giảm dân số, lực lượng lao động và tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng chi trả hưu trí không đủ. Nhưng áp lực dân số mà Trung Quốc đang phải đối mặt là nổi trội hơn cả, nó thậm chí có thể được mô tả như một "thảm họa".

Vấn đề dân số của Trung Quốc còn gặp một trở ngại khác, đó là tỷ lệ nam nữ hết sức mất cân đối. Theo thống kê năm 2018, số bé trai từ 0 đến 4 tuổi ở nước này nhiều hơn 5,9 triệu người so với bé gái, tỷ lệ nam - nữ thanh niên Trung Quốc từ 15 đến 29 tuổi là 112/100 (cứ 112 nam mới có 100 nữ). Chính sách một con của Đảng Cộng sản Trung Quốc là nguyên nhân chính gây ra sự mất căng bằng này, và nó sẽ càng tồi tệ hơn trong thời gian tới.

Liên Hợp Quốc dự báo, Trung Quốc sẽ mất danh hiệu quốc gia đông dân nhất thế giới vào ngày 14/4 tới đây, khi dân số Ấn Độ đạt 1,43 tỷ người.

Đông Phương (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Dân số Bắc Kinh lần đầu tiên giảm sau 20 năm